Hợp đồng là gì? Các loại hợp đồng phổ biến nhất hiện nay
Theo dõi Maison Office trênHợp đồng là một trong những khái niệm cơ bản của pháp luật hiện hành, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên tham gia. Trong thế giới kinh doanh và cả đời sống hàng ngày, chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với các loại hợp đồng khác nhau, từ mua bán, thuê nhà, vay tiền cho đến hợp đồng lao động,… Mỗi loại hợp đồng sẽ có những đặc điểm và quy định riêng, do vậy việc tìm hiểu kỹ trước khi giao dịch, ký kết là rất cần thiết. Trong bài viết này, hãy cùng Maison Office tìm hiểu có bao nhiêu loại hợp đồng thông dụng hiện nay!
Nội dung chính
- 1. Hợp đồng là gì?
- 2. Nội dung điều khoản hợp đồng gồm những gì?
- 3. Cấu trúc chuẩn của một hợp đồng
- 4. Các loại hợp đồng thông dụng nhất hiện nay
- 4.1. Hợp đồng mua bán tài sản
- 4.2. Hợp đồng trao đổi tài sản
- 4.3. Hợp đồng tặng cho tài sản
- 4.4. Hợp đồng vay tài sản
- 4.5. Hợp đồng thuê tài sản
- 4.6. Hợp đồng gửi giữ tài sản
- 4.7. Hợp đồng mượn tài sản
- 4.8. Hợp đồng về quyền sử dụng đất
- 4.9. Hợp đồng hợp tác
- 4.10. Hợp đồng dịch vụ
- 4.11. Hợp đồng thương mại
- 4.12. Hợp đồng vận chuyển
- 4.13. Hợp đồng gia công
- 4.14. Hợp đồng ủy quyền
- 4.15. Hợp đồng lao động
- 4.16. Hợp đồng bảo hiểm
- 4.17. Hợp đồng đại lý
- 5. Các hình thức giao kết hợp đồng
1. Hợp đồng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 385 Bộ luật dân sự 2015: “Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Nói một cách đơn giản, hợp đồng là cam kết giữa hai hoặc nhiều bên nhằm xác định rõ quyền và nghĩa vụ pháp lý của các bên theo quy định pháp luật.
Trong thực tế, hợp đồng thường xuất hiện trong các quan hệ mua bán, cho thuê tài sản hoặc quan hệ lao động,… Thời điểm giao kết hợp đồng sẽ được căn cứ dựa vào nhu cầu của các bên. Đây được xem là bằng chứng cụ thể, xác đáng ghi lại những thỏa thuận của các bên thông qua các điều khoản, điều kiện trong hợp đồng. Theo đó, các bên có thể căn cứ vào thỏa thuận ban đầu hoặc những điều chỉnh, bổ sung về sau để thực hiện quyền, nghĩa vụ hoặc giải quyết tranh chấp nếu có.
2. Nội dung điều khoản hợp đồng gồm những gì?
Nội dung điều khoản hợp đồng là những nội dung mà các bên đã cùng nhau thỏa thuận, đi đến thống nhất và ghi rõ trong hợp đồng.
Quy định về nội dung điều khoản của hợp đồng được nêu rõ tại Điều 398 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
1. Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng.
2. Hợp đồng có thể bao gồm các nội dung sau đây:
- Đối tượng của hợp đồng;
- Số lượng, chất lượng;
- Giá, phương thức thanh toán;
- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phương thức giải quyết tranh chấp.
Ngoài các nội dung cơ bản kể trên, các bên có thể thỏa thuận thêm các nội dung khác trong hợp đồng. Việc thỏa thuận nội dung hợp đồng một cách kỹ lưỡng sẽ giúp đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, đồng thời cũng hạn chế những tranh chấp có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
3. Cấu trúc chuẩn của một hợp đồng
Mỗi loại hợp đồng sẽ có những đặc điểm và quy định riêng, song cấu trúc của các loại hợp đồng về cơ bản gần như giống nhau, bao gồm các phần sau đây:
- Phần mở đầu: Gồm các thành phần như quốc hiệu, số hiệu hợp đồng, tiêu đề hợp đồng, ngày lập hợp đồng, địa điểm ký kết, thông tin của các bên tham gia hợp đồng.
- Phần nội dung chính: Bao gồm các điều kiện, điều khoản hợp đồng đã được các bên thỏa thuận và thống nhất, cụ thể gồm: đối tượng của hợp đồng, mục đích của hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên, giá cả, phương thức thanh toán, thời hạn thực hiện hợp đồng, điều khoản về chấm dứt hợp đồng, chế tài vi phạm hợp đồng,…
- Phần kết thúc: Phần này thường gồm các nội dung như: thời gian và địa điểm ký kết hợp đồng, số bản gốc và giá trị pháp lý của các bản, chữ ký và đóng dấu xác nhận của các bên tham gia.
Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà hợp đồng sẽ có thêm phụ lục hợp đồng hoặc tài liệu trong quá trình đàm phán.
4. Các loại hợp đồng thông dụng nhất hiện nay
Như vậy chúng ta đã cùng tìm hiểu khái niệm hợp đồng là gì cũng như nội dung, cấu trúc cơ bản của một hợp đồng chuẩn. Trong phần tiếp theo sau đây, hãy cùng tìm hiểu có bao nhiêu loại hợp đồng thông dụng hiện nay.
4.1. Hợp đồng mua bán tài sản
Căn cứ Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”. Hợp đồng mua bán tài sản thuộc loại hợp đồng song vụ, nghĩa là bên bán và bên mua đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau. Cụ thể, bên bán có nghĩa vụ chuyển giao tài sản cho bên mua, và bên mua có nghĩa vụ trả tiền cho bên bán.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, hợp đồng mua bán xe ô tô, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất,…
4.2. Hợp đồng trao đổi tài sản
Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó các bên chuyển giao tài sản và quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau (Theo Khoản 1 Điều 455 Bộ luật Dân sự 2015). Theo quy định, hợp đồng này được lập thành văn bản và công chứng bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong trường hợp tài sản được trao đổi có sự chênh lệch về giá trị, các bên phải thanh toán phần chênh lệch đó cho nhau (trừ trường hợp có thỏa thuận khác).
4.3. Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên tặng cho sẽ chuyển giao tài sản và quyền sở hữu cho bên được tặng mà không có bất cứ yêu cầu đền bù nào. Chỉ khi bên được tặng cho nhận tài sản thì hợp đồng tặng cho tài sản mới có hiệu lực và khi đó quyền của các bên mới được phát sinh.
4.4. Hợp đồng vay tài sản
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho vay giao cho bên vay một số tiền hoặc tài sản để sở hữu. Khi hết hạn hợp đồng, bên vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên cho vay số tiền hoặc tài sản tương đương với số tiền hoặc tài sản đã vay, đồng thời phải trả thêm lãi nếu có thỏa thuận giữa các bên hoặc pháp luật có quy định.
Hợp đồng vay tài sản là một trong các loại hợp đồng thông dụng nhất hiện nay. Nó có thể giúp bên vay giải quyết những khó khăn trước mắt trong sản xuất, kinh doanh, hoặc trong cuộc sống.
4.5. Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là một trong các hình thức hợp đồng dân sự thông dụng. Theo đó, bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê sử dụng trong một thời hạn nhất định và bên thuê phải trả tiền thuê (Điều 472 Bộ luật dân sự năm 2015). Đối tượng của hợp đồng thuê tài sản là vật đặc định và không tiêu hao, bao gồm: tư liệu sản xuất, động sản, bất động sản, quyền sử dụng đất, đất khu công nghiệp, đất khu chế xuất,…
>> Tham khảo thêm: Mẫu Hợp Đồng Thuê Văn Phòng & Mẫu hợp đồng thuê văn phòng ảo
4.6. Hợp đồng gửi giữ tài sản
Hợp đồng gửi giữ tài sản là loại hợp đồng trong đó bên nhận giữ có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn tài sản trong thời gian nhất định. Bên gửi tài sản có nghĩa vụ trả tiền thù lao cho bên nhận giữ theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Tùy vào từng trường hợp mà hợp đồng gửi giữ tài sản có thể là hợp đồng đền bù hoặc không đền bù.
4.7. Hợp đồng mượn tài sản
Điều 494 Bộ luật dân sự năm 2015 có quy định: Hợp đồng mượn tài sản là thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho mượn giao tài sản cho bên mượn sử dụng trong một thời hạn nhất định mà không phải trả tiền. Sau khi hết thời hạn mượn hoặc đạt được mục đích sử dụng, bên mượn phải hoàn trả tài sản lại cho bên cho mượn. Đối tượng của loại hợp đồng này là tất cả những tài sản có tính chất không tiêu hao.
4.8. Hợp đồng về quyền sử dụng đất
Quyền sử dụng đất được xem là một tài sản đặc biệt gắn liền với đất đai, thuộc nhóm quyền tài sản mà pháp luật đã công nhận. Hợp đồng về quyền sử dụng đất được định nghĩa là thỏa thuận giữa các bên, trong đó người sử dụng đất chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, góp vốn, thế chấp quyền sử dụng đất hoặc thực hiện quyền khác theo quy định của Luật đất đai cho bên còn lại. Bên còn lại tham gia hợp đồng sẽ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng với người sử dụng đất (Căn cứ Điều 500 Bộ luật Dân sự 2015).
Hợp đồng về quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản,…
4.9. Hợp đồng hợp tác
Căn cứ theo Điều 504, Bộ luật Dân sự 2015:
– Hợp đồng hợp tác là thỏa thuận giữa các bên về việc cùng đóng góp công sức, tài sản để thực hiện một công việc nhất định, cùng hưởng lợi và chịu trách nhiệm.
– Hợp đồng hợp tác phải được lập thành văn bản theo đúng quy định của pháp luật.
Hợp đồng hợp tác thường bao gồm các nội dung như: mục đích hợp tác, thông tin pháp nhân, tài sản, công sức đóng góp (nếu có), cách thức phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác, điều kiện tham gia và rút khỏi HĐ hợp tác, điều kiện chấm dứt hợp tác, chữ ký và xác nhận của các bên.
4.10. Hợp đồng dịch vụ
Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cung ứng dịch vụ sẽ thực hiện đầy đủ công việc cho bên sử dụng dịch vụ; ngược lại bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng. Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là tất cả các công việc có thể thực hiện được, không vi phạm pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Ví dụ: Hợp đồng thiết kế website, Hợp đồng dịch vụ vệ sinh công nghiệp, Hợp đồng dịch vụ môi giới bất động sản,…
4.11. Hợp đồng thương mại
Hợp đồng thương mại được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa thương nhân với thương nhân hoặc giữa thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động thương mại. Bao gồm:
– Mua bán hàng hóa;
– Cung ứng dịch vụ;
– Đầu tư, xúc tiến thương mại;
– Các hoạt động khác nhằm mục đích sinh lợi.
Ví dụ: Hợp đồng mua bán hàng hóa, Hợp đồng đại lý thương mại, Hợp đồng nhượng quyền thương mại,…
Do tính chất phức tạp của hoạt động thương mại, hợp đồng thương mại thường được ký kết bằng hình thức văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương.
4.12. Hợp đồng vận chuyển
Hợp đồng vận chuyển được chia thành 2 loại, bao gồm:
– Hợp đồng vận chuyển hành khách: là thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyên chở hành khách, hành lý đến địa điểm như trong thỏa thuận và hành khách phải thanh toán cước phí cho bên vận chuyển.
– Hợp đồng vận chuyển tài sản: là thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên vận chuyển có nghĩa vụ chuyển tài sản đến địa điểm như trong thỏa thuận và giao tài sản đó cho người có quyền nhận. Bên thuê vận chuyển sẽ phải trả cước phí cho bên vận chuyển như đã thỏa thuận trong hợp đồng.
Hiện nay, các cá nhân, doanh nghiệp có quyền lựa chọn nhiều hình thức vận chuyển khác nhau như đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy. Mỗi loại hình vận chuyển sẽ có các hình thức hợp đồng tương ứng theo quy định của pháp luật.
4.13. Hợp đồng gia công
Theo Điều 542 Bộ luật Dân sự 2015: “Hợp đồng gia công là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên nhận gia công thực hiện công việc để tạo ra sản phẩm theo yêu cầu của bên đặt gia công, bên đặt gia công nhận sản phẩm và trả tiền công”. Đối tượng của hợp đồng gia công là một loại sản phẩm, hàng hóa được xác định trước theo mẫu, theo tiêu chuẩn mà các bên thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
Ví dụ: Hợp đồng gia công may mặc, Hợp đồng gia công mỹ phẩm, Hợp đồng gia công linh kiện điện tử,…
4.14. Hợp đồng ủy quyền
Hợp đồng ủy quyền là văn bản pháp lý trong đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền. Bên ủy quyền sẽ trả thù lao cho bên nhận ủy quyền nếu có thỏa thuận giữa các bên hoặc pháp luật có quy định. Hợp đồng ủy quyền phải được lập thành văn bản, trong nhiều trường hợp còn cần phải có chứng nhận của công chứng nhà nước hoặc chứng thực của UBND cấp có thẩm quyền.
4.15. Hợp đồng lao động
Căn cứ theo Điều 13 Bộ luật lao động năm 2019: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Đây là một trong các loại hợp đồng thông dụng nhất mà bất kỳ tổ chức, doanh nghiệp nào muốn sử dụng lao động cũng phải nắm rõ. Theo đó, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động phải tiến hành giao kết hợp đồng lao động một cách rõ ràng. Nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là dựa trên sự tự nguyện, bình đẳng và hợp tác giữa các bên. Ngoài ra, hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản, có thể là hợp đồng giấy hoặc hợp đồng điện tử.
4.16. Hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng bảo hiểm được định nghĩa là sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, còn doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận ghi trong hợp đồng (Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Hợp đồng bảo hiểm bắt buộc phải được giao kết bằng hình thức văn bản, không chấp nhận các hình thức khác như bằng lời nói hay hành vi cụ thể. Hiện nay có các loại hợp đồng bảo hiểm như sau:
- Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ;
- Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe;
- Hợp đồng bảo hiểm tài sản;
- Hợp đồng bảo hiểm thiệt hại;
- Hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm.
4.17. Hợp đồng đại lý
Đây là một trong các loại hợp đồng được sử dụng phổ biến trong hoạt động kinh doanh thương mại hiện nay. Hợp đồng đại lý là loại hợp đồng giao kết dịch vụ, theo đó các bên sẽ thỏa thuận với nhau về việc bên đại lý nhân danh chính mình để mua, bán hàng hóa cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.
Tùy vào hình thức đại lý mà sẽ có các loại hợp đồng tương ứng như: hợp đồng đại lý bao tiêu, hợp đồng đại lý độc quyền, hợp đồng đại lý hưởng hoa hồng,…
5. Các hình thức giao kết hợp đồng
Giao kết hợp đồng là quá trình mà hai hoặc nhiều bên đạt được thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên cơ sở tuân theo quy định pháp luật. Vậy có các hình thức giao kết hợp đồng nào hiện nay?
5.1. Hợp đồng miệng
Hợp đồng miệng (hay hợp đồng bằng lời nói) là loại hợp đồng được giao kết thông qua ngôn ngữ nói, không được thể hiện bằng văn bản cụ thể. Theo đó, các bên giao kết hợp đồng sẽ trao đổi với nhau các nội dung thỏa thuận bằng lời nói trực tiếp hoặc thông qua điện đàm, cuộc gọi, phương tiện điện tử.
5.2. Hợp đồng bằng văn bản
Hợp đồng bằng văn bản là thỏa thuận giữa các bên được thể hiện và ghi chép đầy đủ thông qua các điều kiện, điều khoản, cam kết trong một văn bản pháp lý. Điều này tạo ra một căn cứ pháp lý cụ thể để đảm bảo quyền, nghĩa vụ của các bên đồng thời là cơ sở giải quyết tranh chấp (nếu có). Do vậy, hợp đồng bằng văn bản được xem là có giá trị pháp lý cao hơn so với hợp đồng miệng.
5.3. Hợp đồng giao kết bằng hành vi cụ thể
Hợp đồng giao kết bằng hành vi được xác nhận thông qua các hành động, hành vi cụ thể của các bên tham gia. Mặc dù không được xác lập bằng tài liệu văn bản nhưng những hành vi cụ thể này có thể tạo nên một thỏa thuận pháp lý đặc biệt trong môi trường kinh doanh và giao dịch hàng ngày.
Ví dụ: Hành vi mua vé số, mua báo, hành vi mượn đồ của bạn, hành vi mua hàng của người bán hàng rong,…
Tổng kết lại, các loại hợp đồng đóng vai trò rất quan trọng trong việc quản lý mối quan hệ giữa các bên tham gia trong các giao dịch kinh doanh. Từ hợp đồng mua bán, hợp đồng lao động đến những hợp đồng ủy quyền, mỗi loại hợp đồng sẽ có những quy định riêng biệt. Việc hiểu và thực hiện đúng các loại hợp đồng này không chỉ giúp duy trì môi trường kinh doanh tích cực mà còn đảm bảo tính minh bạch, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.