Maison Office

Quận Nam Từ Liêm Hà Nội: Diện tích và đặc điểm các phường

Theo dõi Maison Office trên
Tìm hiểu thông tin về quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam

Quận Nam Từ Liêm dù chỉ mới được nâng cấp thành quận khoảng hơn 10 năm, thế nhưng đây lại là một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh chóng nhất của Hà Nội. Theo quy hoạch chung của thủ đô đến năm 2030, Nam Từ Liêm được định hướng trở thành một trong những đô thị lõi, trung tâm hành chính, thương mại và dịch vụ của thành phố. Trong bài viết này, Maison Office sẽ tổng hợp đến bạn những thông tin về địa lý, hành chính và tiềm năng phát triển của khu vực Nam Từ Liêm!

I – Thông tin hành chính Quận Nam Từ Liêm

Nam Từ Liêm là một quận non trẻ của thành phố Hà Nội. Thế nhưng nhờ có chiến lược phát triển đúng đắn mà Nam Từ Liêm giờ đây đã trở thành một trong những khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng. 

1. Lịch sử hình thành

Theo sử ghi, vào thời Trần, Từ Liêm là tên gọi của một huyện thuộc phủ Đông Đô. Đến thời Lê, Từ Liêm là một trong các huyện trực thuộc phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Năm 1831, vùng đất này là một trong các huyện thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử và đặt dưới các triều đại khác nhau, địa giới hành chính của vùng đất Từ Liêm đã có rất nhiều thay đổi. Song về cơ bản, khu vực này phần lớn vẫn thuộc vùng ngoại thành Hà Nội và giữ nguyên địa danh, địa giới cho đến năm 2013.

Quận Nam Từ Liêm được tách ra từ quận Từ Liêm cũ
Quận Nam Từ Liêm được tách ra từ quận Từ Liêm cũ

Theo Nghị quyết số 132/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ, chính thức thành lập quận Nam Từ Liêm trên cơ sở điều chỉnh:

  • Toàn bộ diện tích tự nhiên và dân cư của 5 xã: Trung Văn, Đại Mỗ, Mễ Trì, Tây Mỗ, Mỹ Đình;
  • 536,34 ha diện tích tự nhiên và 34.052 nhân khẩu của xã Xuân Phương;
  • 137,75 ha diện tích tự nhiên và 23.279 nhân khẩu của thị trấn Cầu Diễn (huyện Từ Liêm cũ);

Như vậy, quận Nam Từ Liêm có tổng cộng 10 phường trực thuộc và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/04/2014. Đây chính là dấu mốc quan trọng cho thấy sự thay đổi của một địa bàn mang tính chất nông thôn sang địa bàn mang tính chất đô thị.

2. Vị trí địa lý

Quận Nam Từ Liêm nằm ở phía Tây nội thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 10km. Trên bản đồ địa lý, khu vực Nam Từ Liêm có vị trí tiếp giáp với các quận, huyện: 

  • Phía Đông giáp quận Cầu Giấy và quận Thanh Xuân.
  • Phía Tây giáp huyện Hoài Đức.
  • Phía Nam giáp quận Hà Đông.
  • Phía Bắc giáp quận Bắc Từ Liêm.
Vị trí địa lý của quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
Bản đồ Quận Nam Từ Liêm

Nam Từ Liêm là cửa ngõ quan trọng trong việc kết nối, giao thương giữa các quận nội đô và các huyện ngoại thành Hà Nội. Tận dụng ưu thế về vị trí như hiện tại, thị trường bất động sản của khu vực cũng có nhiều tiềm năng phát triển trong tương lai. 

3. Diện tích

Theo số liệu, diện tích quận Nam Từ Liêm là khoảng 3.227,36 ha, tương đương 32,27 km2. Mặc dù thành lập muộn sau các quận huyện khác, Nam Từ Liêm vẫn được đánh giá cao về tốc độ đô thị hóa, sở hữu nhiều dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội. Cùng với những di tích lịch sử, văn hóa lâu đời, quận Nam Từ Liêm cũng dần xuất hiện nhiều khu đô thị hiện đại cùng các công trình mang tính chất quốc gia như: Đại lộ Thăng Long, Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Sân vận động Quốc gia,…

4. Dân số

Tính đến năm 2022, quận Nam Từ Liêm có tổng dân số là 269.076 người, mật độ dân số đạt 8.364 người/km2. Do sự phát triển mạnh mẽ của quá trình đô thị hóa, địa bàn quận cũng đón nhận lượng lớn dân cư trong những năm trở lại đây. 

5. Quận Nam Từ Liêm có bao nhiêu phường?

Quận Nam Từ Liêm hiện có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 10 phường: Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Xuân Phương, Tây Mỗ, Mễ Trì, Trung Văn, Đại Mỗ, Phú Đô, Phương Canh, Cầu Diễn.

Quận Nam Từ Liêm có 10 phường trực thuộc
Quận Nam Từ Liêm có 10 phường trực thuộc
DANH SÁCH CÁC PHƯỜNG QUẬN NAM TỪ LIÊM
STT Tên phường trực thuộc Diện tích (km2) Dân số (người) Mật độ (người/km2)
1 Phường Cầu Diễn 1,79 27.017 15.093
2 Phường Mỹ Đình 1 2,28 30.264 13.273
3 Phường Mỹ Đình 2 1,94 33.666 17.353
4 Phường Phú Đô 2,39 15.983 6.687
5 Phường Mễ Trì 4,67 32.169 6.888
6 Phường Trung Văn 2,78 43.757 15.739
7 Phường Đại Mỗ 4,98 32.920 6.610
 8 Phường Tây Mỗ 6,05 28.808 4.761
 9 Phường Phương Canh 2,61 20.117 7.707
 10 Phường Xuân Phương 2,76 17.743 6.428

 

>> Tìm hiểu thêm: Danh sách các quận huyện Hà Nội

II – Khám phá các địa điểm nổi bật tại Quận Nam Từ Liêm

1. Địa danh du lịch nổi tiếng tại Quận Nam Từ Liêm

Nam Từ Liêm từ lâu đã là vùng đất có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, mang đậm những nét đặc trưng của nền văn minh sông Hồng. Bên cạnh những di tích có ý nghĩa về mặt lịch sử, văn hóa, trên địa bàn quận cũng có nhiều địa điểm tham quan, vui chơi, giải trí hấp dẫn. Chính sự giao thoa giữa nét truyền thống và hiện đại đã mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm khám phá độc đáo. Một vài địa danh nổi bật của quận Nam Từ Liêm phải kể đến:

  • Chùa Chèm: Một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi bật tại quận Nam Từ Liêm phải kể đến chùa Chèm. Chùa được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17 nhưng đến nay kiến trúc vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn theo cấu trúc của thời xưa. Kiến trúc ngôi chùa khá độc đáo, tam quan được xây dựng theo kiểu 3 tầng, 8 mái cong vút, tạo nên vẻ đẹp thanh thoát mà uy nghi. Tòa thượng điện được xây dựng trên một nền cao, bên trong là nơi thờ tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đồng cao 2m, được dát vàng ròng. Đến với chùa Chèm, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc cổ kính mà còn được tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của vùng đất Từ Liêm cổ xưa.
Chùa Chèm là ngôi chùa cổ tâm linh được xây dựng từ thế kỷ 17
Chùa Chèm là ngôi chùa cổ tâm linh được xây dựng từ thế kỷ 17
  • Bảo tàng Hà Nội: Bảo tàng Hà Nội được thành lập vào năm 1958 với mục đích lưu giữ và trưng bày các tư liệu, hiện vật của thủ đô Hà Nội qua các thời kỳ. Đây hiện đang là bảo tàng có quy mô lớn nhất cả nước với diện tích trưng bày lên đến 3.000m2 và 6 tầng trưng bày. Bên trong bảo tàng có nhiều hiện vật quý hiếm như: tượng Phật thời Lý, Trần, trống đồng Đông Sơn, đồ gốm sứ cổ,… Ngoài ra còn có các mô hình thu nhỏ của Hà Nội qua các triều đại, phản ánh lịch sử, văn hóa và đời sống xã hội của thủ đô. Tại đây thường xuyên tổ chức các hoạt động giáo dục và truyền thông nhằm giới thiệu về lịch sử, văn hóa của Hà Nội đến các du khách cả trong và ngoài nước.
  • Làng cổ Tây Mỗ: Đây là một ngôi làng cổ kính tọa lạc tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ngôi làng này được hình thành từ khoảng thế kỷ 17, cho đến nay vẫn còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Nổi bật là các kiến trúc nhà cổ được xây dựng theo kiểu nhà 3 gian, 2 chái với mái ngói cong cong. Từng đường nét kiến trúc cổ xưa được chạm trổ tinh xảo, có tuổi lời gắn liền với sự phát triển của thủ đô. Nếu bạn muốn tạm rời xa không khí náo nhiệt, sầm uất của đô thị để hòa mình vào không khí yên bình, thư giãn, hãy đến với làng cổ Tây Mỗ. Tại đây, du khách còn có thể khám phá những nét văn hóa xưa cũng như được trải nghiệm cuộc sống của một vùng quê yên bình.
Làng cổ Tây Mỗ còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống
Làng cổ Tây Mỗ còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống
  • Làng cốm Mễ Trì: Nhắc đến một trong những làng nghề truyền thống độc đáo của Hà Nội thì không thể không nhắc đến làng cốm Mễ Trì. Nghề làm cốm ở đây đã tồn tại được hơn một thế kỷ và Mễ Trì, từ bao đời nay, vẫn được biết đến là “làng cốm” nức tiếng Kinh Kỳ. Không chỉ được biết đến là đặc sản của những ngày thu Hà Nội, cốm Mễ Trì còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, người dân Mễ Trì vẫn gìn giữ và phát huy nghề làm cốm truyền thống, góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa độc đáo cho mảnh đất Hà Thành.

2. Hệ thống các tuyến đường giao thông Quận Nam Từ Liêm

Quận Nam Từ Liêm hiện đang có hệ thống giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại. Ngoài ra trên địa bàn quận cũng được chú trọng đầu tư với nhiều dự án giao thông trọng điểm. Dưới đây là một số tuyến đường giao thông quan trọng của khu vực Nam Từ Liêm, Hà Nội:

  • Đại lộ Thăng Long
  • Phạm Hùng
  • Đường Vành đai 3
  • Quốc lộ 32 
  • Xuân Phương
  • Tôn Thất Thuyết
  • Phúc Diễn
  • Nguyễn Văn Giáp 
  • Lê Quang Đạo
  • Hữu Hưng
  • Cương Kiên
  • Tố Hữu
  • Mễ Trì
  • Trịnh Văn Bô
  • Nguyễn Hữu Dực
  • Phương Canh
  • Nguyễn Cơ Thạch
  • Đỗ Xuân Hợp
  • Sa Đôi
Các tuyến đường giao thông quận Nam Từ Liêm
Các tuyến đường giao thông quận Nam Từ Liêm

3. Các tòa nhà nổi bật tại Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội

Hiện nay, Hà Nội đang có chủ trương quy hoạch quận Nam Từ Liêm thành một khu trung tâm hành chính, thương mại và dịch vụ của thành phố. Với định hướng này, khu vực Nam Từ Liêm hiện đang được chú trọng nâng cấp, hoàn thiện về hạ tầng, đồng thời đầu tư nhiều dự án quy mô lớn. Sự xuất hiện của hàng loạt công trình cao tầng cũng biến nơi đây thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Một vài cái tên nổi bật phải kể đến như: 

  • Keangnam Landmark Hanoi: Keangnam Hanoi là dự án tổ hợp trung tâm thương mại, chung cư cao cấp và văn phòng cho thuê hiện đại bậc nhất Hà Nội. Công trình này được xây dựng với tổng diện tích hơn 40.000m2, có quy mô gồm 72 tầng và chiều cao lên đến 346m. Với chiều cao cực kỳ ấn tượng, Keangnam Landmark Hanoi hiện đang là tòa nhà cao nhất Hà Nội và cao thứ 2 tại Việt Nam (chỉ sau Landmark 81). Tòa nhà nằm ngay mặt tiền đường Phạm Hùng và Dương Đình Nghệ, 2 tuyến đường lớn trên địa bàn quận, do đó được thừa hưởng rất nhiều ưu thế về vị trí, giao thông và tiện ích trong khu vực. Hiện nay, Keangnam Landmark Hanoi là nơi đặt trụ sở chính của rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực. 
Keangnam Landmark Hanoi là tòa nhà cao nhất Hà Nội và cao thứ 2 tại Việt Nam
Keangnam Landmark Hanoi là tòa nhà cao nhất Hà Nội và cao thứ 2 tại Việt Nam
  • Tòa nhà CEO Tower: Chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2009, CEO Tower cung cấp đến thị trường văn phòng Hà Nội hơn 20.000 m2 mặt bằng cho thuê. Với vị trí tọa lạc ngay mặt tiền đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, tòa nhà tận dụng được rất nhiều lợi thế về mặt kết nối, giao thương. Tổng quy mô xây dựng công trình bao gồm 27 tầng nổi và 2 tầng hầm. Trong đó, mỗi sàn cho thuê có diện tích rộng khoảng 842 m2. Bằng cách phân chia mặt bằng thuê linh hoạt, CEO Tower có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu của mọi doanh nghiệp hiện nay. 
  • Tổ hợp Sunshine Center: Sunshine Center là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ dịch vụ cao cấp, tọa lạc ngay trục đường Phạm Hùng trọng điểm của khu vực. Quy mô tòa nhà gồm 33 tầng nổi và 2 tầng hầm, được xây dựng trên một khu đất rộng khoảng 4.600m2. Khối văn phòng cho thuê được đặt từ tầng 6 đến tầng 12, cung ứng diện tích mặt sàn đa dạng, phù hợp với nhu cầu của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Bên trong tòa nhà được thiết kế theo phong cách hiện đại, sang trọng, kèm với đó là nhiều tiện ích, dịch vụ hiện đại. Điều này giúp mang đến cho doanh nghiệp môi trường làm việc đầy đủ tiện nghi, đồng thời nâng tầm hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt đối tác, khách hàng. 
Sunshine Center là tòa nhà văn phòng cao nhất bậc nhất tại Hà Thành
Sunshine Center là tòa nhà văn phòng cao nhất bậc nhất tại Hà Thành
  • Tòa nhà IDMC Mỹ Đình Building: Tọa lạc ngay khu vực sầm uất, sôi động của phía Tây Hà Nội, IDMC Mỹ Đình Building là một trong những điểm đến hứa hẹn của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Khách thuê văn phòng tại đây có thể nhanh chóng di chuyển đến các khu vực trọng điểm của thành phố như: sân bay Nội Bài, khu vực trung tâm, đường Vành đai 3 (hướng đi các tỉnh lân cận),… IDMC Mỹ Đình Building được phân chia thành 2 tòa nhà có quy mô lần lượt là 20 tầng và 6 tầng. Ngoài sở hữu thiết kế sang trọng bậc nhất, bên trong tòa nhà còn được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách thuê.

Quận Nam Từ Liêm là một trong những khu vực có tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh chóng, nổi bật tại Hà Nội. Với hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng và khu đô thị cao cấp, Nam Từ Liêm đang dần hướng đến trở thành trung tâm kinh tế, xã hội và văn hóa hàng đầu của thủ đô. 

Tìm hiểu thêm thông tin các quận huyện Hà Nội: 

5/5 - (1 bình chọn)
Contact Me on Zalo