Maison Office

Quận Đống Đa: Tổng quan diện tích & đặc điểm các phường

Theo dõi Maison Office trên
Khái quát về quận Đống Đa, Hà Nội, Việt Nam

Quận Đống Đa là một trong những khu vực có vai trò chiến lược về mọi mặt của thành phố Hà Nội, từ kinh tế, văn hóa cho đến xã hội. Với vị thế là một quận trung tâm của thủ đô, Đống Đa cũng được đánh giá là khu vực có tiềm năng phát triển bất động sản mạnh mẽ. Trong bài viết này, hãy cùng Maison Office khám phá những thông tin tổng quát nhất về địa lý, hành chính, diện tích, dân số của quận Đống Đa, Hà Nội!

I – Thông tin hành chính Quận Đống Đa, Hà Nội

Đống Đa là một trong bốn quận trung tâm của thủ đô Hà Nội, đồng thời là khu vực kinh tế có nhiều đóng góp cho bộ mặt của thành phố. Hiện nay, địa bàn quận Đống Đa không chỉ có lượng dân cư đông đúc mà còn tập trung rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp, hệ thống trường học, bệnh viện cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa. 

1. Lịch sử hình thành

Đống Đa xưa kia là một phần đất nội thành của kinh thành Thăng Long, trải qua các thời kỳ lịch sử đã nhiều lần thay đổi địa dư và tên gọi. Vào thế kỷ thứ 11, vua Lý Thái Tổ sau khi lên ngôi đã quyết định dời đô về Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Lúc bấy giờ, phần lớn diện tích quận Đống Đa ngày nay nằm ở khu vực “Thăng Long ngoại thành”. Đến đầu thế kỷ 19, địa bàn Đống Đa nằm trên phần đất thuộc các huyện Vĩnh Thuận và Thọ Xương. 

Đống Đa đã nhiều lần thay đổi địa dư và tên gọi
Đống Đa đã nhiều lần thay đổi địa dư và tên gọi

Giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1981, Đống Đa là tên của một khu phố thuộc Hà Nội. Đến tháng 6 năm 1981, khu phố Đống Đa mới chính thức được gọi là quận Đống Đa, bao gồm 24 phường trực thuộc: Quang Trung, Thượng Đình, Hàng Bột, Phương Liên, Khương Thượng, Thịnh Quang, Kim Liên, Láng Hạ, Láng Thượng, Cát Linh, Nam Đồng, Ô Chợ Dừa, Trung Tự, Văn Miếu, Văn Chương, Trung Phụng, Phương Liệt, Quốc Tử Giám, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Thổ Quan, Phương Mai, Khâm Thiên, Trung Liệt.

Ngày 13/10/1982, địa bàn quận thành lập thêm 2 phường Kim Giang (tách ra từ một xã thuộc huyện Thanh Trì) và Thanh Xuân Bắc (tách ra từ một phần đất của các xã Nhân Chính, Trung Văn thuộc huyện Từ Liêm và xã Tân Triều thuộc huyện Thanh Trì). 

Ngày 22/11/1996, 5 phường: Thanh Xuân, Thanh Xuân Bắc, Phương Liệt, Thượng Đình, Kim Giang cùng một phần diện tích của 2 phường Nguyễn Trãi, Khương Thượng được chuyển sang quận Thanh Xuân. Như vậy, quận Đống Đa còn lại 21 phường trực thuộc cho đến hiện nay. 

2. Vị trí địa lý

Quận Đống Đa có vị trí tọa lạc tại trung tâm thành phố Hà Nội, nằm tiếp giáp với các khu vực: 

  • Phía Đông giáp quận Hai Bà Trưng (ranh giới là phố Lê Duẩn, đường Giải Phóng và phố Vọng).
  • Phía Đông Bắc giáp quận Hoàn Kiếm (ranh giới là phố Lê Duẩn).
  • Phía Tây giáp quận Cầu Giấy (ranh giới là sông Tô Lịch).
  • Phía Nam giáp quận Thanh Xuân (ranh giới là đường Nguyễn Trãi, đường Trường Chinh và sông Tô Lịch).
  • Phía Bắc giáp quận Ba Đình (ranh giới là các phố Láng Hạ, Nguyên Hồng, Nguyễn Thái Học, Huỳnh Thúc Kháng, Đê La Thành, Giảng Võ).
Vị trí địa lý của quận Đống Đa
Bản đồ Quận Đống Đa

Địa hình quận Đống Đa được đánh giá tương đối bằng phẳng. Khu vực phía Đông của quận có một vài gò nhỏ, trong đó nổi bật nhất là gò Đống Đa. Địa bàn quận còn có sông Tô Lịch chảy qua cùng nhiều ao, đầm nhỏ, song phần lớn đã bị san lấp cùng với quá trình phát triển đô thị. 

Vị trí địa lý thuận lợi ngay trung tâm thành phố kết hợp cùng hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện biến khu vực này thành mảnh đất có nhiều tiềm năng trong đầu tư bất động sản.

3. Diện tích

Theo số liệu thống kê, tổng diện tích quận Đống Đa là khoảng 9,95 km2. Mặc dù là một trong số các quận có diện tích tương đối khiêm tốn, song Đống Đa lại là nơi tập trung nhiều cơ quan hành chính, chính trị quan trọng. Đồng thời, trên địa bàn quận hiện đang có hơn 30.000 doanh nghiệp thuộc đa dạng quy mô, có đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế của toàn thành phố. 

4. Dân số

Tổng dân số của quận Đống Đa, tính đến năm 2022 là 378.100 người. Theo đó, mật độ dân số đạt 37.857 người/km2, cao gấp 15 lần so với mật độ dân số trung bình của thành phố Hà Nội. Đây là một trong những khu vực có trình độ dân trí cao, đa phần là cán bộ, công viên chức nhà nước. Chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn cũng được đánh giá rất cao. 

5. Quận Đống Đa có bao nhiêu phường?

Tính đến nay, Quận Đống Đa có 21 phường: Trung Phụng, Hàng Bột, Ô Chợ Dừa, Văn Chương, Láng Thượng, Kim Liên, Thổ Quan, Khương Thượng, Cát Linh, Ngã Tư Sở, Phương Liên, Khâm Thiên, Phương Mai, Quang Trung, Văn Miếu, Láng Hạ, Nam Đồng, Quốc Tử Giám, Thịnh Quang, Trung Liệt, Trung Tự.

Các phường trực thuộc quận Đống Đa, Hà Nội
Các phường trực thuộc quận Đống Đa, Hà Nội
DANH SÁCH CÁC PHƯỜNG QUẬN ĐỐNG ĐA
STT Tên phường Diện tích (km2) Dân số (người) Mật độ dân số (người/km2)
1 Phường Cát Linh 0,36 11.064 30.733
2 Phường Hàng Bột 0,31 18.527 59.764
3 Phường Khâm Thiên 0,19 9.753 51.331
4 Phường Khương Thượng 0,34 15.712 46.211
5 Phường Kim Liên 0,34 13.795 40.573
6 Phường Láng Hạ 0,95 25.369 26.704
7 Phường Láng Thượng 1,23 19.967 16.233
 8 Phường Nam Đồng 0,41 14.619 35.656
 9 Phường Ngã Tư Sở 0,23 7.804 33.930
 10 Phường Ô Chợ Dừa 1,14 34.354 30.135
 11 Phường Phương Liên 0,45 17.693 39.317
 12 Phường Phương Mai 0,6 18.154 30.257
 13 Phường Quang Trung 0,42 14.489 34.497
 14 Phường Quốc Tử Giám 0,19 8.140 42.842
15 Phường Thịnh Quang 0,46 18.669 40.584
 16 Phường Thổ Quan 0,29 16.412 56.593
 17 Phường Trung Liệt 0,76 21.668 28.511
 18 Phường Trung Phụng 0,23 16.998 73.904
 19 Phường Trung Tự 0,42 16.649 32.188
 20 Phường Văn Chương 0,33 16.619 50.360
 21 Phường Văn Miếu 0,29 9.578 33.027

 

>> Tìm hiểu thêm: Danh sách các quận huyện Hà Nội

II – Khám phá các địa điểm nổi bật tại Quận Đống Đa

Quận Đống Đa sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội. Khu vực này hiện có lượng dân cư khá đông đúc, đồng thời cũng tập trung nhiều cơ quan hành chính và trụ sở các doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Cùng với thời gian, các di tích lịch sử, văn hóa và cách mạng trên địa bàn quận vẫn luôn được bảo tồn và lưu giữ.

1. Địa danh du lịch nổi tiếng tại Quận Đống Đa

Đống Đa được mệnh danh là “thủ phủ” của các di tích lịch sử – văn hóa lâu đời. Bên cạnh đó, cùng với quá trình đô thị hóa, trên địa bàn quận cũng xuất hiện không ít địa danh tham quan, du lịch nổi tiếng. Điều này giúp thu hút không chỉ khách tham quan trong nước mà còn có cả các du khách nước ngoài. Dưới đây là một vài địa điểm du lịch nổi tiếng tại quận Đống Đa: 

  • Văn Miếu – Quốc Tử Giám: Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng năm 1070, dưới thời vua Lý Thánh Tông. Ban đầu, đây là nơi thờ Khổng Tử và các bậc hiền triết Nho giáo, sau đó thành lập thêm Quốc Tử Giám – trường đại học đầu tiên của Việt Nam. Bên trong di tích còn có Khuê Văn Các, là nơi tổ chức các cuộc thi khoa cử qua nhiều triều đại. Có thể nói, công trình này là biểu tượng cho truyền thống hiếu học và tinh thần đề cao tri thức của dân tộc Việt Nam. Đến nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là một trong những địa điểm tham quan nổi tiếng tại Hà Nội. Nhiều người dân còn đến đây “xin chữ” lấy may trong dịp đầu năm mới. 
Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Quần thể di tích lịch sử, văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám
  • Chùa Bộc (Thiên Phúc Tự): Đây là một ngôi chùa cổ có lịch sử lâu đời, tọa lạc tại số 14 phố Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội. Theo ghi chép, chùa Bộc được xây dựng vào thế kỷ 17, dưới thời Hậu Lê. Trước kia, nơi đây từng là khu vực diễn ra trận đánh Đống Đa lịch sử năm 1789. Ngôi chùa vì thế cũng bị thiêu rụi phần lớn, song đã được trùng tu lại vào năm 1792. Cái tên chùa Bộc mang ý nghĩa là “nơi quân giặc chết phơi thây”. Hiện nay, chùa Bộc là nơi thờ Phật cùng các vị tướng của nghĩa quân Tây Sơn. Hằng năm, nơi đây luôn thu hút rất nhiều du khách thập phương đến cầu an và tham quan.
  • Di tích Gò Đống Đa: Gò Đống Đa là một di tích lịch sử cấp quốc gia tọa lạc tại phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Mảnh đất này gắn liền với chiến thắng lịch sử Ngọc Hồi – Đống Đa của vua Quang Trung cùng nghĩa quân Tây Sơn, đánh tan quân Thanh vào năm 1789. Công trình di tích này hiện được chia thành 3 khu vực chính gồm: Tượng đài vua Quang Trung, khu trưng bày các hiện vật và gò Đống Đa cũ. Di tích Gò Đống Đa được xem là biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là điểm đến giáo dục cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết và truyền thống anh hùng của dân tộc.
Gò Đống Đa được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia
Gò Đống Đa được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia
  • Chùa Phúc Khánh: Chùa Phúc Khánh (hay chùa Sở) là ngôi chùa cổ được xây dựng vào cuối thời Trần và đầu thời Lê (khoảng thế kỷ 17). Chùa sở hữu kiến trúc đặc trưng kiểu chữ Đinh, được chia thành tiền đường, thượng điện và nhà Mẫu. Bên trong là nơi thờ Phật Di Lặc, Phật Thích Ca Mâu Ni, Quan Âm Bồ Tát, Địa Tạng Vương Bồ Tát, Mẫu Liễu Hạnh và các vị thánh trong đạo Mẫu. Ngôi chùa này cũng là nơi lưu cất giữ nhiều tác phẩm điêu khắc có giá trị về lịch sử, văn hóa như tượng Phật nghìn mắt nghìn tay, các pho tượng có niên đại từ thời Trần,… 

2. Hệ thống các tuyến đường giao thông Quận Đống Đa

Quận Đống Đa sở hữu hệ thống giao thông khá đồng bộ và hiện đại, không ngừng được đầu tư nâng cấp, mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu di chuyển, kết nối giao thương trong khu vực. Một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn quận bao gồm:

  • Tây Sơn
  • Nguyễn Lương Bằng
  • Tôn Đức Thắng
  • Xã Đàn
  • Yên Lãng
  • Láng Hạ
  • Hào Nam
  • Cát Linh
  • Lê Duẩn
  • Chùa Bộc
  • Đường Vành đai 2
  • Trường Chinh
  • Nguyễn Chí Thanh
  • La Thành
  • Khâm Thiên
  • Nguyễn Thái Học
  • Huỳnh Thúc Kháng
  • Chùa Láng
  • Hoàng Cầu
  • Thái Hà
  • Tôn Thất Tùng
  • Phạm Ngọc Thạch
  • Khâm Thiên

3. Các tòa nhà nổi bật tại Quận Đống Đa, Hà Nội

Được biết đến là một trong những quận trung tâm của Hà Nội, khu vực quận Đống Đa không chỉ có dân cư đông đúc mà còn tập trung rất nhiều tòa nhà cao tầng hiện đại. Đây chính là yếu tố quan trọng góp phần tạo nên diện mạo mới cho thủ đô, đồng thời đáp ứng nhu cầu thuê văn phòng của các doanh nghiệp trong khu vực.

Dưới đây là một số tòa nhà cho thuê văn phòng Quận Đống Đa  nổi bật:

  • Tòa nhà TNR Tower: Đây là một trong những tòa nhà văn phòng hạng A, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Hà Nội. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2015, TNR Tower đã nhanh chóng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong khu vực. Không chỉ thừa hưởng ưu thế vượt trội về vị trí, tòa nhà TNR Tower còn gây ấn tượng với thiết kế sang trọng, hiện đại. Quy mô tòa nhà gồm 30 tầng nổi và 4 tầng hầm, trong đó diện tích mỗi tầng là 2.400m2. Khối văn phòng cho thuê được đặt từ tầng 7 đến tầng 30 của toà nhà, có thể phân chia linh hoạt nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay.
TNR Tower là tòa nhà văn phòng hạng A nổi bật tại khu vực Đống Đa
TNR Tower là tòa nhà văn phòng hạng A nổi bật tại khu vực Đống Đa
  • Tòa nhà VPBank: Tọa lạc tại số 89 Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội, tòa nhà VPBank được xem là một trong những biểu tượng của sự phát triển. Quy mô tòa nhà bao gồm 29 tầng nổi và 3 tầng hầm, có tổng diện tích mặt sàn lên đến 26.000m2. Diện tích này có thể được phân chia linh hoạt thành nhiều mặt bằng văn phòng nhỏ hơn (từ 400 – 1200m2). Do đó có thể đáp ứng hiệu quả nhu cầu thuê đa dạng của nhiều khách hàng. Xung quanh tòa nhà còn có nhiều tiện ích, tiện nghi như: hệ thống ngân hàng, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí, mua sắm,… 
  • Tòa nhà Lancaster Luminaire: Tòa nhà cao tầng này có vị trí đắc địa ngay mặt tiền đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là tổ hợp dịch vụ nhà ở, căn hộ khách sạn và tòa nhà văn phòng cho thuê, được định hình theo phân khúc cao cấp. Quy mô tòa nhà bao gồm 25 tầng nổi và 4 tầng hầm, trong đó khu vực văn phòng được đặt từ tầng 14 trở đi. Ngoài sở hữu thiết kế sang trọng, đẳng cấp bậc nhất, Lancaster Luminaire còn hướng đến mục tiêu trở thành “tòa nhà xanh” khi đạt được tiêu chuẩn Leed Gold Certificate. 
Lancaster Luminaire đã được được chứng nhận Leed Gold Certificate
Lancaster Luminaire đã được được chứng nhận Leed Gold Certificate

Với vị thế là một quận trung tâm của thành phố Hà Nội, quận Đống Đa có sự giao thoa độc đáo giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử – văn hóa lâu đời, đồng thời cũng không ngừng phát triển với nhiều công trình, tòa nhà cao tầng hiện đại. Trong tương lai, khu vực Đống Đa hứa hẹn sẽ mang đến những thay đổi mới ngày càng tích cực cho diện mạo đô thị của thủ đô. 

Tìm hiểu thêm thông tin các quận huyện Hà Nội: 

5/5 - (1 vote)
Contact Me on Zalo