Kỹ năng kiểm soát cảm xúc: Cách kiểm soát cảm xúc bản thân
Theo dõi Maison Office trênNhững khó khăn, áp lực trong cuộc sống hằng ngày đôi khi khiến chúng ta đánh mất khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân. Điều này có thể dẫn đến hành động nóng vội, thiếu suy nghĩ, thậm chí là có những hành vi gây tổn thương cho bản thân và những người xung quanh. Vậy kỹ năng kiểm soát cảm xúc là gì? Làm thế nào để quản lý cảm xúc bản thân một cách hiệu quả?
Nội dung chính
1. Kỹ năng kiểm soát cảm xúc là gì?
Kỹ năng kiểm soát cảm xúc là khả năng mà một cá nhân có thể nhận thức, hiểu rõ và điều chỉnh được những cảm xúc của bản thân trong mọi tình huống. Kỹ năng này đòi hỏi bản thân mỗi người phải biết điều chỉnh, cân đối giữa hai trạng thái cảm xúc tích cực và tiêu cực một cách phù hợp trước khi thể hiện ra ngoài.
Song kiểm soát cảm xúc không phải là loại bỏ hoàn toàn những cảm xúc của bản thân mà thay vào đó là học cách quản lý, làm chủ thái độ, hành vi trong mọi tình huống, dù là tiêu cực nhất. Việc phát triển kỹ năng kiểm soát cảm xúc đòi hỏi sự tự nhìn nhận chính xác, sự kiên nhẫn và ý thức về bản thân.
2. Tại sao kỹ năng kiểm soát cảm xúc lại quan trọng?
Cảm xúc là một phần quan trọng của cuộc sống, tuy nhiên không phải lúc nào việc bộc lộ cảm xúc thật cũng là điều nên làm. Trong những tình huống như vậy, kỹ năng kiểm soát cảm xúc bản thân sẽ là cần thiết, mang đến nhiều lợi ích quan trọng như sau:
2.1. Tránh xung đột, mâu thuẫn
Khi không kiểm soát được cảm xúc của bản thân, đặc biệt là những cảm xúc tiêu cực như tức giận, thất vọng, buồn rầu,… chúng ta thường dễ có những lời nói, hành vi thiếu suy nghĩ, gây tổn thương cho bản thân và người xung quanh. Chẳng hạn, khi đang trong cơn nóng giận, chúng ta có thể nói ra những lời xúc phạm, làm tổn thương người khác hoặc thậm chí xô xát, bạo lực.
Trong những trường hợp này, kiểm soát cảm xúc là cách tốt nhất để bản thân mỗi người có thể bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo trước khi đưa ra lời nói hoặc hành động nào. Điều này giúp chúng ta không dễ bị cuốn theo cảm xúc tiêu cực, từ đó tránh những xung đột, mâu thuẫn căng thẳng.
2.2. Xây dựng các mối quan hệ tích cực
Những cảm xúc tiêu cực như: giận dữ, ghen tị, căm ghét, nói năng mất kiểm soát,… là yếu tố khiến cho mối quan hệ nhanh chóng trở nên rạn nứt. Dù là vô tình hay cố ý thì chỉ một vài lời nói, thái độ không đúng mực hoặc hành vi mất kiểm soát cũng đủ làm người khác bị tổn thương.
Việc làm chủ cảm xúc bản thân sẽ giúp bạn cư xử khéo léo, thể hiện thái độ và hành vi đúng mực trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, kỹ năng này cũng giúp bạn có đủ bình tĩnh để lắng nghe người khác một cách tích cực. Điều này sẽ giúp xây dựng mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
2.3. Hạn chế các vấn đề về tâm lý, thể chất
Có thể bạn chưa biết, cảm xúc thường có mối liên kết chặt chẽ với các vấn đề về sức khỏe tâm lý và thể chất của mỗi người. Một vài nghiên cứu đã chứng minh rằng, những người có khả năng làm chủ cảm xúc của bản thân thường ít gặp vấn đề về tâm lý. Đồng thời họ cũng có hệ thống miễn dịch mạnh mẽ, ít gặp các vấn đề liên quan đến căng thẳng. Điều này là bởi, khi có những cảm xúc tích cực, cơ thể con người sẽ sản sinh ra các hormone: dopamine, adrenaline, endorphin,… Không chỉ giúp mang lại cảm giác vui vẻ, phấn chấn mà còn có khả năng giảm đau xương khớp, thư giãn các cơ, điều hòa hoạt động trong cơ thể.
Ngược lại, những ai thường hay đối mặt với những cảm xúc tiêu cực như: nóng giận, buồn bã, tuyệt vọng,… sẽ làm tăng các hormone cortisol và adrenaline. Đây đều là những tác nhân có thể gây nên các bệnh lý như: đau đầu, rối loạn nhịp tim, đau dạ dày,…
2.4. Thể hiện ứng xử phù hợp
Người có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt sẽ có ý thức rõ ràng về cảm xúc của bản thân và biết cách điều chỉnh nó theo hướng tích cực. Bất kể là trong công việc hay cuộc sống thường ngày, khả năng làm chủ cảm xúc sẽ giúp bạn ứng xử đúng mực và phù hợp hơn, từ đó tạo thiện cảm với mọi người xung quanh.
2.5. Chuyên nghiệp hơn trong công việc
Không phải lúc nào bạn cũng có thể bộc lộ cảm xúc của mình ra bên ngoài bởi điều này sẽ phần nào ảnh hưởng đến cách mà người khác nhìn nhận về bạn. Đặc biệt là trong công việc, những người thường bị chi phối bởi cảm xúc sẽ rất dễ đưa ra những quyết định sai lầm, cảm tính. Không chỉ ảnh hưởng đến kết quả công việc mà còn cho thấy bạn là người thiếu chín chắn và không đáng tin cậy. Thay vào đó, hãy cải thiện khả năng làm chủ cảm xúc để xây dựng hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt đối tác, khách hàng, đồng nghiệp và cấp trên.
2.6. Không để bị lợi dụng điểm yếu
Tranh chấp là điều rất khó tránh khỏi trong cả công việc, cuộc sống và các mối quan hệ xã hội. Trong những tình huống này, nếu không kiểm soát cảm xúc tốt, điểm yếu này sẽ bị đối thủ lợi dụng để làm xấu đi hình ảnh, sự chuyên nghiệp và uy tín của bạn. Đặc biệt là trên thương trường, chỉ một vài sơ suất nhỏ cũng đủ để đánh mất những cơ hội hợp tác, làm ăn lâu dài.
Kỹ năng làm chủ cảm xúc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tâm lý ổn định, thái độ khách quan để ứng phó trước mọi khó khăn, áp lực. Điều này giúp bạn tránh bị người khác lợi dụng, khiêu khích.
3. Cách kiểm soát cảm xúc bản thân hiệu quả
Khi có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, chúng ta sẽ biết cách cư xử đúng mực, xây dựng các mối quan hệ tích cực và tránh được những mâu thuẫn không đáng có. Vậy làm thế nào để làm chủ cảm xúc của bản thân? Dưới đây là những cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả mà bạn có thể áp dụng:
3.1. Lắng nghe bản thân trước khi thể hiện cảm xúc
Điều quan trọng đầu tiên cần làm đó chính là nhận thức và hiểu rõ về cảm xúc của bản thân trước khi thể hiện ra ngoài. Hãy tự hỏi bản thân rằng mình cảm thấy như thế nào, nguyên nhân của cảm xúc đó là gì và hậu quả có thể xảy ra khi thể hiện cảm xúc quá mức. Việc lắng nghe bản thân giúp chúng ta có thời gian để bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo về mọi việc và từ đó có những ứng xử phù hợp trong từng tình huống.
3.2. Làm chủ suy nghĩ bản thân
Người có khả năng làm chủ suy nghĩ của bản thân sẽ biết cách điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực, từ đó có những lời nói và hành vi phù hợp. Khi làm chủ được suy nghĩ, bản thân chúng ta cũng sẽ suy nghĩ thấu đáo hơn về mọi việc, tránh bị cảm xúc chi phối và đưa ra những quyết định sai lầm.
3.3. Nhìn nhận theo hướng tích cực
Bản thân mỗi người sẽ có những suy nghĩ, góc nhìn khác nhau về các vấn đề trong cuộc sống. Song việc suy nghĩ theo hướng tích cực hay tiêu cực sẽ là lựa chọn của mỗi người. Sự tiêu cực trong suy nghĩ thường khiến chúng ta nhìn nhận mọi việc ở góc độ tiêu cực, thậm chí là suy diễn quá mức. Chẳng hạn như khi bị trách mắng, ta thường có cảm giác uất ức, tức giận và mất kiểm soát trong lời nói. Ngược lại, sự tích cực trong suy nghĩ lại giúp chúng ta tìm ra giải pháp thay vì tập trung vào vấn đề.
3.4. Tự tin hơn để kiểm soát cảm xúc
Một người có sự tự tin sẽ luôn trong tâm thế sẵn sàng để đương đầu với mọi khó khăn, thử thách. Sự tự tin giúp tạo tâm lý ổn định, giúp chúng ta không bị ảnh hưởng bởi áp lực xã hội hay bị lung lay bởi ý kiến của người khác. Điều này cũng giúp chúng ta nhìn nhận thách thức như là cơ hội để học hỏi thay vì xem nó là một nỗi sợ. Chính sự tự tin đối mặt với áp lực, khó khăn sẽ là cách mà bạn kiểm soát được cảm xúc của mình.
3.5. Thực hành Mindfulness
Thực hành Mindfulness (hay thực hành chánh niệm) là một phương pháp hiệu quả giúp kiểm soát cảm xúc bằng cách tập trung vào hiện tại, không bị tác động bởi những vấn đề trong quá khứ hay lo lắng về tương lai. Điều này cũng đề cập đến cách mà bạn chấp nhận mọi cảm xúc của bản thân một cách không định kiến.
Thực hành Mindfulness thường tập trung vào hơi thở, cảm nhận cơ thể và nhận thức về môi trường xung quanh. Thông qua cách này, chúng ta sẽ học được cách làm chủ cảm xúc thay vì để chúng kiểm soát chính mình.
3.6. Tập thiền
Tập thiền là một phương pháp thực hành có ảnh hưởng lớn đến khả năng kiểm soát cảm xúc. Hoạt động này tập trung vào việc giảm bớt nhiễm loạn trong tâm trí, tăng cường sự nhận thức và tạo ra một trạng thái tĩnh lặng. Thông qua việc thực hành thiền, bạn có thể học cách nhìn nhận và kiểm soát cảm xúc một cách tự tin hơn. Từ đó tạo ra sự cân bằng trong tâm trí, giúp lắng nghe cơ thể và dòng cảm xúc của chính mình một cách hiệu quả.
3.7. Hít thở sâu để bình tĩnh
Hít thở sâu là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả để đạt được trạng thái cân bằng trong tâm trí và kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Bằng cách tập trung vào việc hít thở sâu, chúng ta có thể kích thích hệ thống thần kinh parasympathetic để giảm căng thẳng và tạo ra một trạng thái thư giãn. Bên cạnh đó, hít thở sâu còn giúp cung cấp nhiều oxy hơn cho não bộ, giúp làm giảm cortisol – một loại hormone gây căng thẳng. Điều này giúp bạn có thể nhanh chóng trở lại trạng thái bình tĩnh với tinh thần thoải mái.
3.8. Viết nhật ký
Một trong những cách để kiểm soát cảm xúc hiệu quả đó chính là viết nhật ký. Thói quen viết nhật ký hằng ngày không chỉ là một hình thức giải tỏa cảm xúc mà còn là cách để thấu hiểu hơn về bản thân. Thông qua ghi chép, bạn có thể xác định được những cảm xúc, trạng thái tâm lý mà mình đã trải qua cũng như nguyên nhân dẫn đến cảm xúc đó. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy nhẹ nhõm hơn đồng thời biết cách cải thiện tinh thần và tập trung vào những mục tiêu tích cực.
3.9. Giải tỏa cảm xúc tiêu cực
Các cảm xúc tiêu cực như buồn rầu, giận dữ, tuyệt vọng, chán nản,… là một phần tự nhiên của cuộc sống, thường xuất hiện khi chúng ta đối mặt với thách thức, áp lực. Việc giải tỏa những cảm xúc tiêu cực này sẽ cách tốt nhất để bạn có thể rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc.
Theo đó, bạn hãy dành cho mình một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, làm những việc mình thích và gặp những người mình yêu thương. Bằng cách này, bạn có thể gạt hết những cảm xúc tiêu cực, tìm lại sự bình yên trong tâm hồn và cả tâm trí.
4. Bạn có phải là người giỏi kiểm soát cảm xúc?
Bạn là người có khả năng ứng phó trước những khó khăn, áp lực một cách bình tĩnh hay thường bị cảm xúc chi phối mà không kiểm soát được? Để biết được bạn có phải là một người giỏi làm chủ cảm xúc, hãy tự nhìn nhận xem mình có đang sở hữu những đặc điểm sau đây:
– Làm nhiều hơn nói: Những người làm nhiều hơn nói thường là người rất đáng tin cậy, dễ tạo được sự thiện cảm trong mắt người khác. Họ luôn biết cách kiểm soát cảm xúc hiệu quả, không bị xao nhãng bởi những yếu tố tác động xung quanh. Tuýp người này cũng thường chú trọng vào kết quả công việc, không để cảm xúc ảnh hưởng đến mục tiêu chung. Nhờ đó, những người như vậy thường dễ thăng tiến trong sự nghiệp, nhận được sự tín nhiệm từ cả đồng nghiệp và cấp trên.
– Luôn điềm tĩnh: Một người có kỹ năng quản lý tốt cảm xúc của bản thân thường nhìn nhận mọi việc một cách điềm tĩnh, không quan trọng hóa những vấn đề tiêu cực. Thay vì thể hiện mọi cảm xúc ra bên ngoài hay có những lời nói, thái độ, hành động bồng bột, họ sẽ bình tĩnh suy nghĩ, tìm ra giải pháp cho từng tình huống.
– Nhìn nhận lại bản thân: Những người có khả năng kiểm soát cảm xúc tốt luôn biết tự nhìn nhận, kiểm điểm lại bản thân sau những lỗi sai thay vì tìm cớ hay đổ lỗi cho người khác. Qua đó, họ cũng tự rút ra kinh nghiệm và tìm cách khắc phục vấn đề để tránh sự việc lặp lại trong tương lai.
– Thấu hiểu và đồng cảm với người khác: Người có kỹ năng làm chủ cảm xúc bản thân thường biết cách thấu hiểu, đồng cảm với những cảm xúc của người khác. Điều này giúp tạo ra môi trường giao tiếp tích cực, nuôi dưỡng các mối quan hệ tốt đẹp trên cơ sở tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
5. Một vài lưu ý khi rèn luyện kỹ năng kiểm soát cảm xúc
Để kiểm soát cảm xúc hiệu quả, bạn cần lưu ý một vài vấn đề sau đây:
– Không lờ đi hoặc che giấu cảm xúc: Việc nhận thức, hiểu rõ và chấp nhận cảm xúc của bản thân là điều cực kỳ quan trọng. Thay vì lờ đi hoặc che giấu cảm xúc của mình, bạn cần học cách chấp nhận và quản lý chúng một cách hiệu quả. Việc thể hiện cảm xúc một cách chân thành đồng thời điều chỉnh mức độ thể hiện sao cho phù hợp với từng tình huống sẽ giúp bạn tạo ra môi trường tương tác tích cực.
– Nhờ sự hỗ trợ của các chuyên gia: Nếu bạn nhận thấy cảm xúc của mình luôn bị quá khích, khó kiểm soát và gây ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý, thể chất, hãy tìm ngay đến sự hỗ trợ của các chuyên gia tâm lý. Các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cảm xúc của mình đồng thời cung cấp các kỹ thuật, phương pháp để bạn thực hành quản lý cảm xúc.
– Không ép buộc kiểm soát quá mức: Đừng cố ép buộc bản thân phải kiểm soát cảm xúc quá mức bởi điều này đôi khi lại là “con dao hai lưỡi” có thể gây ra rất nhiều hậu quả tiêu cực. Đôi khi chúng ta quên rằng cảm xúc cũng là một phần tự nhiên của cuộc sống. Thay vì kìm nén quá mức, hãy dành thời gian để suy ngẫm và giải tỏa cảm xúc của mình một cách lành mạnh. Chẳng hạn như: tập thể dục, tập thiền, nghe nhạc, viết nhật ký,…
Kiểm soát cảm xúc là một kỹ năng quan trọng giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản thân đồng thời xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp. Hãy nhớ rằng, cảm xúc là một phần quan trọng của cuộc sống con người. Bằng cách chấp nhận, hiểu rõ và điều chỉnh cảm xúc một cách lành mạnh, chúng ta có thể tăng cường khả năng tương tác xã hội và giao tiếp hiệu quả.
Tham khảo ngay một số kỹ năng cần thiết :
- Các kỹ năng mềm
- Các kỹ năng cứng
- Các kỹ năng sống
- Kỹ năng lãnh đạo
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng lắng nghe
- Kỹ năng ra quyết định
- Kỹ năng đàm phán
- Kỹ năng lập kế hoạch
- Kỹ năng quản lý thời gian
- Kỹ năng giải quyết vấn đề
- Kỹ năng thuyết phục
- Kỹ năng giao tiếp với khách hàng
- Kỹ năng thuyết trình
Nhà biên tập và sản xuất nội dung tại Maison Office.
Có hơn 3 năm kinh nghiệm sản xuất nội dung trong lĩnh vực bất động sản và nội thất văn phòng. Với hiểu biết và kiến thức của mình, tôi luôn cố gắng tạo ra những bài viết có tính chuyên môn cao, mang đến giá trị thông tin cho khách hàng.