Bản đồ hành chính quận Cầu Giấy Hà Nội chi tiết
Theo dõi Maison Office trênQuận Cầu Giấy là khu vực có thị trường bất động sản sôi động, sầm uất nhờ vị thế đắc địa, nhiều quỹ đất rộng và dân cư tập trung đông đúc. Đây cũng được biết đến là một trong các quận nội thành của thủ đô Hà Nội, được đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ và tập trung nhiều cơ quan hành chính quan trọng. Trong bài viết dưới đây, Maison Office sẽ giúp bạn khám phá bản đồ quận Cầu Giấy cùng nhiều thông tin thú vị xoay quanh khu vực này!
Nội dung chính
1. Giới thiệu về quận Cầu Giấy, Hà Nội
Quận Cầu Giấy là khu vực nắm giữ vị trí chiến lược quan trọng phía Tây của thủ đô Hà Nội. Đây còn được biết đến là cửa ngõ kết nối khu vực Mỹ Đình đến trung tâm thành phố, đồng thời là nơi lưu giữ nhiều di tích lịch sử – văn hóa quan trọng của cả nước. Theo Nghị định số 74-CP, quận Cầu Giấy được thành lập vào ngày 22/11/1996 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/9/1997.
Tính đến hiện nay, trên địa bàn quận Cầu Giấy có hơn 28.500 doanh nghiệp đang hoạt động đa lĩnh vực. Nơi đây cũng thu hút lượng lớn nguồn nhân lực đến để sinh sống, học tập và làm việc. Hiện nay, chính quyền địa phương của quận Cầu Giấy đang tập trung phát triển về không gian, đầu tư và mở rộng các quỹ đất mới nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hóa – hiện đại hóa, góp phần cải thiện du lịch của địa phương.
Vùng | Đồng bằng sông Hồng |
Thành phố | Hà Nội |
Thành lập | 1996 |
Diện tích | 12,44 km2 |
Dân số (năm 2022) | 293.938 người |
Mật độ dân số (năm 2022) | 23.628 người/km2 |
Mã hành chính | 005 |
Trụ sở UBND | Số 36 đường Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội |
Đơn vị hành chính trực thuộc | 8 phường |
Biển số | 29-P1-P2 |
Website | caugiay.hanoi.gov.vn |
>>> Xem ngay: Các tòa nhà cho thuê văn phòng Quận Cầu Giấy
2. Bản đồ hành chính
Nhìn trên bản đồ Hà Nội, quận Cầu Giấy nằm ở phía Tây trung tâm thành phố. Địa giới hành chính của quận Cầu Giấy trên bản đồ như sau:
- Phía Đông giáp các quận Ba Đình và quận Đống Đa (ranh giới là sông Tô Lịch).
- Phía Tây giáp quận Nam Từ Liêm.
- Phía Nam giáp quận Thanh Xuân.
- Phía Bắc giáp các quận Tây Hồ và quận Bắc Từ Liêm.
Với vị trí chiến lược phía Tây thành phố, cư dân sinh sống trên địa bàn quận có thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực khác như: Mộ Lao, Mễ Trì, Xuân La, Kim Chung, Dương Nội, Giáp Bát,… Ngoài ra, thời gian di chuyển đến các thành phố khác như: Hải Dương, Bắc Ninh, Hòa Bình,… cũng được rút ngắn thông qua các trục đường lớn trọng điểm như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 32, CT8, AH13, AH14,…
Tính đến hiện nay, quận Cầu Giấy có tổng diện tích đất tự nhiên là 12,44 km2. Dân số tính đến năm 2022 là 293.938 người, mật độ dân số đạt 23.628 người/km2. Qua nhiều lần thay đổi bản đồ hành chính quận Cầu Giấy hiện có 8 phường: Mai Dịch, Dịch Vọng, Nghĩa Đô, Dịch Vọng Hậu, Quan Hoa, Nghĩa Tân, Yên Hòa, Trung Hòa.
Dưới đây là thông tin chi tiết về các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quận Cầu Giấy mới nhất:
Đơn vị hành chính trực thuộc | Diện tích (km²) | Dân số (người) | Mật độ dân số (người/km²) |
Phường Mai Dịch | 2,02 | 40.527 | 20.063 |
Phường Dịch Vọng | 1,32 | 27.979 | 21.196 |
Phường Quan Hoa | 0,83 | 34.055 | 41.030 |
Phường Nghĩa Tân | 0,68 | 22.207 | 32.657 |
Phường Dịch Vọng Hậu | 1,48 | 31.879 | 21.540 |
Phường Yên Hòa | 2,07 | 47.467 | 22.931 |
Phường Nghĩa Đô | 1,29 | 35.054 | 27.174 |
Phường Trung Hòa | 2,46 | 54.770 | 22.264 |
Trên bản đồ quận Cầu Giấy Hà Nội, phường Quan Hoa có mật độ dân số cao nhất trong tất cả các đơn vị hành chính trực thuộc. Đây cũng là khu vực đặt trụ sở Ủy ban nhân dân và các cơ quan hành chính quan trọng của quận.
>>> Xem thêm: Bản đồ Việt Nam
3. Bản đồ quy hoạch
Về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030:
Ngày 13/9/2021, UBND quận Cầu Giấy đã thông báo về nhu cầu sử dụng đất trong giai đoạn 2021 – 2030. Theo đó, tổng diện tích đất sử dụng trên địa bàn quận Cầu Giấy là 1.225,96 ha. Chi tiết nhu cầu sử dụng đối với từng loại đất như sau:
- Đất nông nghiệp: 1,84 ha.
- Đất phi nông nghiệp: 1.222,57 ha.
- Đất chưa sử dụng: 1,55 ha.
Nhìn trên bản đồ quy hoạch quận Cầu Giấy, người tra cứu có thể biết được danh sách các dự án và công trình trọng điểm có sử dụng đất. Bên cạnh đó cũng biết được diện tích đất ở đô thị dành cho các kế hoạch phát triển đô thị mới.
Về quy hoạch đô thị quận Cầu Giấy:
Theo bản đồ quy hoạch quận Cầu Giấy, khu công viên Cầu Giấy sẽ được phát triển, mở rộng và đa dạng hóa để phục vụ tối đa nhu cầu của mọi đối tượng. Thêm vào đó, việc xây dựng hồ điều hòa với diện tích 19 ha hướng đến mục tiêu điều hòa môi trường, thoát nước hiệu quả cho khu vực đồng thời tạo cảnh quan tự nhiên xanh mát.
Kế hoạch quy hoạch đô thị của khu vực này còn bao gồm việc điều chỉnh ô D27 để phát triển khu đô thị mới Cầu Giấy. Song song với đó, các cụm D9, D15 và D16 trong các khu công nghiệp của quận cũng được điều chỉnh và bổ sung chức năng trung tâm thương mại, dịch vụ tài chính, văn phòng, khách sạn,… Đặc biệt, khu đô thị Đông Nam trên trục đường Trần Duy Hưng sẽ được bổ sung thêm chức năng cho thuê văn phòng cùng nhiều dịch vụ như ngân hàng, tài chính,…
4. Bản đồ giao thông
Quận Cầu Giấy là khu vực có hệ thống mạng lưới giao thông đồng bộ. Nhìn trên bản đồ giao thông quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội, ta có thể thấy được trên địa bàn quận có nhiều tuyến đường trọng điểm đi qua như: Đường Vành Đai 3, Tôn Thất Thuyết, Trần Duy Hưng, Trần Thái Tông, Cầu Giấy, Đường Láng, Xuân Thủy, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Huyên,… Với mạng lưới giao thông thuận tiện, cư dân sinh sống tại đây có thể dễ dàng di chuyển đến các khu vực lân cận.
Hướng đến mục tiêu đưa quận Cầu Giấy trở thành khu vực dẫn đầu của thành phố, Ủy ban nhân nhân quận đã thúc đẩy quy hoạch mạng lưới giao thông với các tuyến đường quan trọng như sau:
Các tuyến đường chính:
- Xây dựng mới đường Vành đai 2.5, đoạn từ trục đường Nguyễn Phong Sắc đến đường Đỗ Nhuận.
- Xây mới các tuyến đường Tô Hiệu, Trần Quốc Hoàn, Phùng Chí Kiên,… với 4 làn xe lớn.
- Trục đường Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu với lộ giới 6 – 8 làn xe;
- Đường Nguyễn Văn Huyên và Nguyễn Văn Huyên kéo dài với 4 – 6 làn xe chính và đường gom hai bên;
- Tuyến đường Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Khánh Toàn, phố Trần Vỹ có lộ giới từ 6 – 8 làn xe.
Tuyến đường khu vực:
Cải tạo và mở rộng các tuyến đường khu vực trên cơ sở các tuyến phố: Phan Văn Trường – Đặng Tuấn Tài, Chùa Hà, Đặng Thùy Trâm, Quan Hoa – Nguyễn Đình Hoàn, Dương Quảng Hàm,…
Tuyến đường sắt:
Cải tạo các tuyến đường sắt: Tuyến số 3 theo lộ trình Sơn Tây – Nhổn – Yên Sở; Tuyến số 4 theo lộ trình Liên Hà – Bắc Thăng Long và Tuyến số 8 theo lộ trình An Khánh – Dương Xá.
Các nút giao thông khác:
Xây dựng 4 nút giao thông mới gồm: nút đường Hoàng Quốc Việt – Vành Đai 3; nút Bưởi; nút đường Vành Đai 3 – đường Láng Hoà Lạc; nút đường Vành Đai 3 – đường Xuân Thuỷ.
5. Một số địa điểm nổi bật tại quận Cầu Giấy
Cầu Giấy là một trong những quận nội thành Hà Nội có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh chóng. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội, quận Cầu Giấy cũng sở hữu nhiều điểm đến tham quan, vui chơi nổi bật, thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách ghé đến. Nếu bạn chưa biết đi đâu chơi, hãy tham khảo ngay những “tọa độ” thú vị trên bản đồ Cầu Giấy dưới đây:
- Công viên Cầu Giấy: Đây được biết đến là một trong những công viên đẹp nhất trong lòng thủ đô Hà Nội. Không chỉ là địa điểm vui chơi cuối tuần lý tưởng cho người dân trong khu vực mà còn được mệnh danh là “lá phổi xanh” của thành phố. Công viên này có tổng diện tích lên đến 6.540 m2, bên trong là hệ thống cây xanh đa dạng và một hồ nước rộng lớn. Với không khí mát mẻ, trong lành cùng không gian xanh dễ chịu, nơi đây từ lâu đã trở thành điểm hẹn lý tưởng của người dân thủ đô.
- Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam: Đây là điểm tham quan có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng của cả nước. Bảo tàng có quy mô rộng 4,5 ha, bên trong bao gồm nhiều tư liệu và hiện vật về văn hóa, lịch sử của 54 dân tộc Việt Nam. Nét đặc trưng của mỗi dân tộc sẽ được thể hiện qua các hiện vật như: trang phục, trang sức, vũ khí, nhạc cụ, tôn giáo,… Đến đây, bạn còn có thể thưởng thức nhiều tiết mục nghệ thuật độc đáo, thú vị như múa rối nước, hát chèo, hát dân ca quan họ,…
- Đại sứ quán Hàn Quốc: Một “tọa độ” check-in trên bản đồ quận Cầu Giấy thành phố Hà Nội không thể không nhắc đến đó chính là Đại sứ quán Hàn Quốc. Địa danh này thu hút rất nhiều bạn trẻ đến tham quan, check-in nhờ nhiều góc “sống ảo” mang đậm phong cách Hàn Quốc. Từ những bức tường gạch truyền thống đến khuôn viên xanh mát, chỉ cần giơ máy lên chụp là bạn đã có ngay ảnh xinh để khoe với bạn bè. Tuy nhiên cần lưu ý rằng, không nên quá ồn ào để tránh làm phiền đến hoạt động của Đại sứ quán.
- Chợ nhà Xanh: Đây chắc hẳn không còn là điểm đến quá xa lạ với người dân thủ đô, đặc biệt là các bạn học sinh, sinh viên. Nơi đây được biết đến là “thiên đường thời trang” giá rẻ dành cho giới trẻ khi cung cấp đầy đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, phụ kiện. Ngoài ra, nhiều du khách cũng lựa chọn đến đây để thưởng thức các món ăn vặt hay món ăn đường phố đặc sắc.
6. Lời kết
Trên đây là một số thông tin về bản đồ quận Cầu Giấy, giúp bạn hiểu hơn về vị trí địa lý, địa giới hành chính, hệ thống giao thông cũng như các địa điểm nổi bật trong khu vực. Cùng với sự phát triển về kinh tế, văn hóa và xã hội, quận Cầu Giấy tiếp tục là khu vực trọng điểm góp phần vào sự phát triển toàn diện của thành phố.
Tham khảo thêm:
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.