Bản đồ quy hoạch các tuyến Metro Hà Nội chi tiết nhất
Theo dõi Maison Office trênThủ đô Hà Nội đang không ngừng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng gia tăng của người dân trong khu vực. Trong đó, các tuyến Metro Hà Nội được xem là giải pháp chiến lược nhằm giảm tải áp lực giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Tính đến nay, Nhà nước đã phê duyệt triển khai 04 tuyến đường Metro tại Hà Nội, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đô thị hiện đại.
Nội dung chính
Tổng quan quy hoạch các tuyến Metro Hà Nội
Tuyến Metro Hà Nội (hay Đường sắt đô thị Hà Nội) là hệ thống đường sắt đô thị được vận hành bởi Công ty Đường sắt Hà Nội (HMC). Trong đó dự kiến có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài lên đến 417,8 km và 3 tuyến tàu điện một ray dài khoảng 44 km. Đây được biết đến là hệ thống đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam được đưa vào vận hành và khai thác thương mại.
THÔNG TIN TỔNG QUAN VỀ TUYẾN METRO HÀ NỘI
Chủ đầu tư |
|
Đơn vị vận hành | Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội |
Loại tuyến | Tàu điện ngầm |
Số lượng tuyến |
|
Số nhà ga |
|
Chiều dài hệ thống | 417,8 km |
Khổ đường sắt | 1.435 mm |
Tốc độ cao nhất | 80 km/h |
Bắt đầu vận hành | 06/11/2021 |
Website | hanoimetro.net.vn |
Theo Quyết định số 519/QĐ-TTg ngày 31/03/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó đề cập, mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội được quy hoạch với 10 tuyến chính, bao gồm:
- Tuyến Metro số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh (dài khoảng 38,7 km).
- Tuyến Metro số 2: Nội Bài – Thượng Đình – Bưởi (dài khoảng 35,2 km).
- Tuyến Metro số 2A: Cát Linh – Ngã tư Sở – Hà Đông (dài khoảng 14 km).
- Tuyến Metro số 3: Trôi – Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai (dài khoảng 21km).
- Tuyến Metro số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh (dài khoảng 53,1km).
- Tuyến Metro số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc (dài khoảng 34,5 km).
- Tuyến Metro số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi (dài khoảng 43 km).
- Tuyến Metro số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội (dài khoảng 35 km).
- Tuyến Metro số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá (dài khoảng 28 km).
- Tuyến vệ tinh: Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai (dài khoảng 32km). Đây là tuyến đường sắt đô thị kết nối các đô thị vệ tinh.
Nhà nước định hướng quy hoạch Metro Hà Nội thành một hệ thống tàu điện công cộng hiện đại, đồng bộ và bền vững. Không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân thủ đô mà còn kết nối nhanh chóng trung tâm thành phố với các khu vực ngoại ô, giảm áp lực giao thông đường bộ và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Các tuyến Metro Hà Nội đã được xây dựng
Cùng với sự hoàn thành của các tuyến Metro đầu tiên, hệ thống giao thông công cộng của Hà Nội đang dần chuyển mình và tạo nền tảng cho một mạng lưới kết nối hiệu quả. Tính đến nay, thành phố Hà Nội đã hoàn thiện việc thi công 02 tuyến đường sắt lớn nhất là Tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) và Tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội).
Tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông
Chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động từ ngày 06/11/2021, tuyến Metro Cát Linh – Hà Đông tự hào là tuyến đường sắt đô thị trên cao đầu tiên tại Việt Nam. Tuyến đường này có tổng chiều dài khoảng 13,1 km, kéo dài từ ga Cát Linh đến ga Yên Nghĩa (Hà Đông). Dự án bao gồm 12 nhà ga trên cao là: Cát Linh – La Thành – Vành đai 3 – Phùng Khoang – Văn Quán – Thái Hà – Láng – Thượng Đình – Hà Đông – La Khê – Văn Khê – Yên Nghĩa.
Với tổng mức đầu tư khoảng 868,04 triệu USD, tuyến Cát Linh – Hà Đông được đầu tư mạnh mẽ với công nghệ và trang thiết bị hiện đại. Hệ thống vận hành tự động hóa cao giúp tốc độ tối đa đạt đến 80 km/h. Các đoàn tàu hoạt động liên tục với tần suất 6-10 phút/chuyến, đáp ứng nhu cầu đi lại của hàng nghìn người dân mỗi ngày.
Kể từ khi chính thức vận hành vào tháng 11/2021, tuyến metro này đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng khách tăng dần theo thời gian. Đây được xem là một bước đệm quan trọng, góp phần xây dựng niềm tin của người dân đối với các dự án Metro trong tương lai.
Tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội
Sau thành công của tuyến Cát Linh – Hà Đông, tuyến Metro Nhổn – Ga Hà Nội là dự án thí điểm tiếp theo đang trong quá trình hoàn thiện. Dự án này do Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư, được xây dựng với tổng chiều dài 12,5km, bao gồm 8 nhà ga trên cao và 4 nhà ga ngầm.
Tuyến Metro số 3 được khởi công vào ngày 10/10/2010 và chính thức được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 08/08/2024 đối với đoạn từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy. Đoạn tàu ngầm từ ga Cầu Giấy đến ga Hà Nội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2027 – 2029.
Mặc dù được dự kiến hoàn thành vào năm 2022, thế nhưng do gặp nhiều vướng mắc về dữ liệu thiết kế và chi phí phát sinh, thời điểm hoàn thành dự kiến đã được đẩy lùi sang năm 2029. Đây là tuyến đường sắt trọng điểm trong bản đồ Metro Hà Nội, do đó đang được chủ đầu tư cố gắng đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành thử nghiệm trong thời gian sớm nhất.
Các tuyến Metro sắp được xây dựng tại Hà Nội
Hà Nội đang tích cực triển khai và lên kế hoạch xây dựng nhiều tuyến Metro mới để hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng. Trong đó bao gồm:
Dự án đường sắt đô thị Văn Cao – Hòa Lạc
Tuyến Metro số 5 Văn Cao – Hòa Lạc là dự án đường sắt đô thị tiếp theo được Chính phủ phê duyệt và đưa vào triển khai với chủ đầu tư là Tập đoàn Vingroup. Tổng chiều dài của tuyến đường này là 38,4 km, đi qua địa bàn các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Nam Từ Liêm và các huyện Quốc Oai, Hòa Đức, Thạch Thất.
Theo quy hoạch, tuyến Metro Văn Cao – Hòa Lạc được chia thành 02 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Nam Hồ Tây – Láng – An Khánh dài khoảng 14.1 km, bao gồm 10 nhà ga.
- Giai đoạn 2: An Khánh – Hòa Lạc – Ba Vì dài khoảng 24.3 km, bao gồm 11 nhà ga.
Đây là tuyến đường sắt đô thị kết nối các khu vực từ trung tâm Hà Nội đến khu vực phía Tây thành phố, nơi đang có các khu công nghệ cao và khu đô thị mới. Ngoài khả năng giảm ùn tắc giao thông và hỗ trợ việc phát triển khu vực, tuyến số 5 còn tạo ra sự kết nối giữa các khu vực phát triển mạnh mẽ về kinh tế và hạ tầng.
Tuyến Metro ga Hà Nội – Hoàng Mai
Tuyến Metro ga Hà Nội – Hoàng Mai thuộc dự án đường sắt số 3 sẽ là tuyến đường tiếp theo được thành phố chú trọng triển khai trong thời gian sắp tới. Tuyến Metro này có tổng mức đầu tư lên đến 40 nghìn tỷ đồng, được xây dựng với tổng chiều dài 8,786 km. Trong đó có một phần tuyến sẽ đi ngầm dưới lòng đất và một phần sẽ chạy trên cao.
Lộ trình đoạn tuyến này đi qua các điểm: Trần Hưng Đạo – Trần Thánh Tông – Kim Ngưu – Nguyễn Tam Trinh. Sau khi hoàn thành, dự án sẽ giúp giảm đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt là tại các khu vực đông dân cư như quận Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm và Hoàng Mai. Công trình dự kiến được thi công và hoàn thiện trong vòng 10 năm, từ năm 2022 – 2029.
Tiến độ xây dựng các tuyến Metro Hà Nội mới nhất
Tiến độ xây dựng các tuyến Metro Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Bởi đây không chỉ là những dự án giao thông trọng điểm mà còn là biểu tượng cho sự phát triển hiện đại hóa của thủ đô.
Dưới đây là cập nhật mới nhất về tiến độ các tuyến Metro quan trọng:
- Tuyến số 2A (Cát Linh – Hà Đông) đã hoàn thành xây dựng và chính thức đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/11/2021. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước tiến đầu tiên trong việc phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Việt Nam.
- Tuyến số 3 (Nhổn – Ga Hà Nội) đã chính thức đưa vào vận hành và khai thác thương mại từ ngày 8/8/2024 với đoạn trên cao dài 8,5 km. Trong khi đó, đoạn ngầm dài 4km nối từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội đang được gấp rút thi công và dự kiến đưa vào khai thác năm 2027 – 2029.
- Tuyến Metro số 2 (Trần Hưng Đạo – Nam Thăng Long) và tuyến Metro số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) cũng đang được nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư. Trong giai đoạn tới sẽ gấp rút hoàn thiện các thủ tục cần thiết để khởi công xây dựng. Dự kiến thời gian vận hành toàn tuyến vào năm 2029 – 2031.
Theo kế hoạch, chỉ tiêu từ nay đến năm 2030 là hoàn thành việc thi công xây dựng 96,9 km đường sắt đô thị. Trong đó bao gồm:
- Tuyến số 2: Gồm 03 đoạn: Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, Trần Hưng Đạo – Thượng Đình và Nội Bài – Nam Thăng Long.
- Tuyến số 3: Gồm 2 đoạn: Nhổn – Ga Hà Nội và Ga Hà Nội – Hoàng Mai.
- Tuyến số 5: Văn Cao – Hoà Lạc.
Giai đoạn từ năm 2030 – 2035, dự kiến hoàn thành xây dựng 301 km tiếp theo, bao gồm:
- Tuyến Metro số 1 Hà Nội: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh;
- Tuyến số 2: Đoạn kéo dài lên Sóc Sơn;
- Tuyến số 2A: Đoạn kéo dài lên Xuân Mai;
- Tuyến số 3: Đoạn Nhổn – Trôi và đoạn kéo dài lên Sơn Tây;
- Tuyến số 4: Mê Linh – Sài Đồng – Liên Hà;
- Tuyến số 6: Nội Bài – Ngọc Hồi;
- Tuyến số 7: Mê Linh – Hà Đông;
- Tuyến số 8: Sơn Đồng – Mai Dịch – Vành đai 3 – Lĩnh Nam – Dương Xá;
- Tuyến vệ tinh: Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai.
Tìm hiểu thêm: Danh sách các quận huyện, thị xã ở Hà Nội [Mới nhất 2025]
Vai trò của các tuyến tàu điện Hà Nội
Giao thông đô thị luôn là một thách thức lớn đối với các thành phố đang phát triển. Sự phụ thuộc vào phương tiện cá nhân không chỉ làm gia tăng tình trạng ùn tắc mà còn gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong bối cảnh đó, các tuyến tàu điện Hà Nội đã trở thành một giải pháp tối ưu.
Giảm áp lực giao thông nội đô
Các tuyến metro Hà Nội đang được kỳ vọng là lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông đô thị, vấn đề vốn đã trở thành áp lực lớn đối với sự phát triển của thủ đô. Theo đó, các tuyến Metro được thiết kế để tận dụng không gian trên cao, giúp tối ưu hóa hạ tầng giao thông và giảm thiểu xung đột với các phương tiện dưới mặt đất.
Hệ thống Metro không chỉ mang lại khả năng vận chuyển lớn, tốc độ nhanh mà còn giúp giảm đáng kể mật độ xe cộ trên các tuyến đường trọng điểm. Với sự phát triển của các tuyến tàu điện, Hà Nội đang từng bước xây dựng một mạng lưới giao thông công cộng hiện đại và bền vững cho tương lai.
Giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn
Ô nhiễm không khí đang là vấn đề đáng báo động tại Hà Nội, đặc biệt là trong bối cảnh số lượng phương tiện giao thông cá nhân ngày càng gia tăng. Trong bối cảnh đó, việc đưa các tuyến Metro vào vận hành sẽ là giải pháp hiệu quả nhằm giảm bớt lượng phương tiện cá nhân trên đường.
Các tuyến tàu điện Hà Nội không tạo ra khí thải như các phương tiện động cơ đốt trong, giúp cải thiện chất lượng không khí ở các khu vực đông dân cư. Bên cạnh đó, việc di chuyển bằng Metro còn giúp giảm tiếng ồn từ giao thông đường bộ. Điều này không chỉ bảo vệ sức khỏe người dân mà còn mang đến không gian sống trong lành, yên tĩnh và thoải mái.
Đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách
Với mật độ dân cư dày đặc và nhu cầu di chuyển lớn, việc có một phương tiện giao thông công cộng hiện đại, nhanh chóng và thuận tiện là rất cần thiết. Hiện nay, các tuyến Metro Hà Nội có khả năng vận chuyển hàng trăm nghìn hành khách mỗi ngày, đáp ứng nhu cầu di chuyển ngày càng tăng của người dân khu vực. Điều này góp phần nâng cao năng lực vận tải của thành phố, giảm bớt áp lực cho các tuyến đường bộ vốn đang quá tải.
Góp phần vào quá trình đô thị hóa
Các tuyến metro Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong quá trình đô thị hóa của thành phố, thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa hạ tầng giao thông. Khi các tuyến metro được đưa vào vận hành, chúng không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh. Đây chính là yếu tố thu hút đầu tư và phát triển các dự án bất động sản, trung tâm thương mại, dịch vụ và các khu đô thị mới.
Có thể nói, các tuyến metro Hà Nội không chỉ là giải pháp giao thông quan trọng mà còn đóng góp vào việc xây dựng một thành phố hiện đại và thông minh. Khi mạng lưới Metro hoàn chỉnh, nó sẽ là nền tảng vững chắc cho một thủ đô văn minh, xanh sạch và phát triển bền vững trong tương lai.
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.