Tỉnh nào nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam hiện nay
Theo dõi Maison Office trênViệt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ về kinh tế, thu hút rất nhiều nguồn vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Trong đó, sự phát triển của các khu công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam. Vậy bạn có biết tỉnh nào nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam hiện nay? Theo số liệu thống kê mới nhất, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước phần lớn tập trung ở phía Nam Việt Nam.
Nội dung chính
1. Việt Nam có bao nhiêu khu công nghiệp hiện nay?
Theo báo cáo thống kê mới nhất của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Việt Nam hiện có khoảng 563 khu công nghiệp nằm trong quy hoạch tại 61/63 tỉnh thành của cả nước. Trong đó bao gồm:
- 397 khu công nghiệp được thành lập;
- 292 khu công nghiệp đã chính thức đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên hơn 87.100 ha và diện tích đất công nghiệp hơn 58.700 ha;
- 106 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng trên tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 35.700 ha, diện tích đất công nghiệp khoảng 23.800 ha.
Tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp trên cả nước có chiều hướng tăng cao, đạt mức trên 80%. Riêng các khu công nghiệp ở một vài tỉnh, thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh,… đã được lấp đầy gần như 100%.
Tìm hiểu ngay: Danh cách các khu công nghiệp ở TPHCM
2. Tỉnh nào có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam?
Theo số liệu mới nhất, Đồng Nai là tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam khi sở hữu đến 32 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch. Tổng diện tích các khu công nghiệp đang hoạt động của Đồng Nai là khoảng 10.000 ha với tỷ lệ lấp đầy khoảng 86%.
Đồng Nai là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây được xem là cửa ngõ giao thương quan trọng của khu vực kinh tế phát triển năng động nhất cả nước, đồng thời cũng là khu vực có ngành công nghiệp phát triển sớm nhất tại Việt Nam (từ những năm 60 của thế kỷ XX).
Các khu công nghiệp Đồng Nai từ lâu đã trở thành điểm đến thu hút nguồn vốn đầu tư của nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Đồng Nai sở hữu nguồn nhân lực dồi dào với tỷ lệ người trong độ tuổi lao động chiếm hơn 60%. Bên cạnh đó, nhờ ưu thế về vị trí gần các tuyến đường giao thông huyết mạch, sân bay và cảng biển, các KCN ở tỉnh Đồng Nai cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai.
Các khu công nghiệp nổi bật hàng đầu của tỉnh Đồng Nai phải kể đến: KCN Nhơn Trạch III, KCN Giang Điền, KCN Lộc An – Bình Sơn, KCN Long Thành,… Và mới đây nhất vào tháng 7/2023, tỉnh Đồng Nai đã chính thức khởi công xây dựng KCN công nghệ cao Long Thành với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.
Bạn có biết:
3. Tỉnh thành nào có nhiều khu công nghiệp nhất miền Bắc?
Miền Bắc là một trong những khu vực phát triển năng động nhất Việt Nam với nhiều tỉnh thành có nền kinh tế công nghiệp sôi động. Vậy tỉnh thành nào có nhiều khu công nghiệp nhất khu vực miền Bắc?
3.1. Bắc Ninh
Mặc dù là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, thế nhưng Bắc Ninh lại sở hữu số lượng khu công nghiệp nhiều nhất khu vực miền Bắc. Theo số liệu mới nhất, tỉnh Bắc Ninh hiện có 15 khu công nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó còn có 1 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp quy mô lớn. Tổng diện tích các KCN là 6.847 ha (chiếm khoảng 8% diện tích cả tỉnh) và chưa bao gồm các cụm công nghiệp.
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đều được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, giao thông thuận tiện cùng hệ thống cấp nước, xử lý nước thải đồng bộ, đạt chuẩn. Bên cạnh đó, các dịch vụ ngân hàng, viễn thông, bảo hiểm,… cũng được đưa vào các khu công nghiệp để phục vụ nhu cầu của người lao động. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh vẫn là một trong những địa phương có sản lượng và giá trị hàng hóa sản xuất thuộc top đầu cả nước nói chung và khu vực miền Bắc nói riêng.
3.2. Hải Phòng
Hải Phòng, với 14 khu công nghiệp và cụm công nghiệp, cũng góp mặt vào danh sách các tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam. Với tổng diện tích các KCN lên đến 7.000 ha, thành phố Hải Phòng là địa phương có tổng diện tích khu công nghiệp lớn nhất khu vực miền Bắc. Sự hình thành của các khu công nghiệp này giúp thành phố thu hút hơn 1.700 dự án đầu tư và tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động.
Với hệ thống KCN hiện đại, đa dạng và tiềm năng, Hải Phòng hứa hẹn sẽ mang đến cho các nhà đầu tư môi trường kinh doanh thuận lợi và hiệu quả. Một vài khu công nghiệp tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hải Phòng phải kể đến: KCN Đình Vũ – Cát Hải, KCN VSIP Hải Phòng, KCN Nomura – Hải Phòng, KCN Nam Cầu Kiền,…
3.3. Hải Dương
Hải Dương cũng là một trong các tỉnh có nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam. Tính đến nay, tỉnh Hải Dương có 9 KCN đã chính thức đi vào hoạt động, 2 KCN đang trong quá trình đầu tư xây dựng và 6 KCN đang trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính liên quan.
Tỉnh Hải Dương sở hữu vị trí địa lý vô cùng đắc địa, vừa nằm ngay trung tâm vùng Đồng bằng sông Hồng, lại vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc. Với ưu thế đó, Hải Dương có thể kết nối giao thông thuận tiện với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Vị trí gần các cảng biển quốc tế cũng tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa. Một vài KCN tiêu biểu của tỉnh phải kể đến như: KCN Đại An, KCN Nam Sách, KCN Phúc Điền, KCN Bình Giang, KCN Đông Hòa,…
Tìm hiểu thêm: Danh sách các tỉnh miền Bắc
4. Tỉnh nào nhiều khu công nghiệp nhất khu vực miền Trung?
Miền Trung, với bờ biển dài và nhiều cảng biển, đang thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vào lĩnh vực công nghiệp. Nổi bật trong số đó là các tỉnh Quảng Nam, Bình Định và Đà Nẵng – các tỉnh thành có nhiều KCN nhất khu vực miền Trung.
4.1. Quảng Nam
Tỉnh Quảng Nam hiện đang dẫn đầu khu vực miền Trung với 9 khu công nghiệp đang hoạt động. Nổi bật trong số đó là KCN Tam Thăng, KCN Bắc Chu Lai, KCN Thuận Yên, KCN Điện Nam – Điện Ngọc,… Sự xuất hiện của các khu công nghiệp quy mô lớn tại Quảng Nam đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương. Bên cạnh đó còn giải quyết vấn đề về việc làm cho hơn 20.000 lao động cả trong và ngoài khu vực.
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam cũng đang đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng và ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nhằm hình thành thêm nhiều KCN mới. Một số ngành công nghiệp thu hút đầu tư tại đây như: công nghiệp điện tử, công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí,…
4.2. Bình Định
Bình Định là 1 trong 5 tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, được đánh giá cao về tiềm năng phát triển công nghiệp với hệ thống KCN ngày càng đa dạng và phát triển. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với diện tích hơn 2.850 ha. Những cái tên nổi bật nhất trong số đó phải kể đến: KCN Nhơn Hòa, KCN Phú Tài, KCN Gò Găng,…
Các KCN tại Bình Định phần lớn thu hút đầu tư vào ngành sản xuất thép, vật liệu xây dựng, sản xuất thiết bị điện, điện tử, công nghiệp năng lượng,… Có thể nói, Bình Định đang là một điểm sáng thu hút đầu tư công nghiệp tại miền Trung. Với những lợi thế sẵn có, địa phương này hứa hẹn sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước trong tương lai.
4.3. Đà Nẵng
Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp chính đã đi vào hoạt động gồm: KCN Đà Nẵng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng và Khu dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng. Tổng diện tích đất của các KCN tại Đà Nẵng là hơn 1.160,18 ha (chiếm khoảng 1% diện tích toàn thành phố). Với cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hiện đại và nguồn nhân lực dồi dào, thành phố Đà Nẵng có đủ điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp.
Hiện nay, các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đã thu hút hơn 489 dự án, trong đó có 128 dự án sở hữu nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các dự án này không chỉ góp phần tạo cơ hội việc làm cho gần 80.000 lao động mà đồng thời còn thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố.
Tìm hiểu thêm: Danh sách các tỉnh miền Trung
5. Các tỉnh miền Nam có nhiều khu công nghiệp nhất hiện nay
Hiện nay, các tỉnh miền Nam đang dẫn đầu cả nước về số lượng các khu công nghiệp đang hoạt động. Theo số liệu thống kê đến năm 2023, khu vực phía Nam có tổng cộng 203 khu công nghiệp, trong đó dẫn đầu là tỉnh Đồng Nai với 32 KCN. Xếp ngay sau đó là các tỉnh Bình Dương, TP.HCM và Long An.
5.1. Bình Dương
Tính đến năm 2023, tỉnh Bình Dương có tổng cộng 30 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 87,4%. Bình Dương cũng được biết đến là tỉnh có diện tích khu công nghiệp lớn nhất cả nước khi hoạt động trên tổng diện tích lên đến 12.721 ha (chiếm đến 1/4 tổng diện tích các KCN miền Nam).
Ngoài diện tích đất tương đối rộng lớn, Bình Dương còn sở hữu nguồn nhân lực dồi dào, góp phần thúc đẩy sự hình thành mới của các KCN trên địa bàn tỉnh. Những khu công nghiệp tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của tỉnh phải kể đến: KCN Sóng Thần 1, 2, 3, KCN Đồng An, KCN Việt Hương, KCN Mỹ Phước, Khu công nghiệp VSIP 1, 2, 2A, 3,…
5.2. TP. HCM
Thành phố Hồ Chí Minh được biết đến là trung tâm kinh tế quan trọng hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và của cả nước nói chung. Theo đó, thành phố đặc biệt phát triển kinh tế công nghiệp, hình thành khá nhiều khu công nghiệp và cụm công nghiệp đa dạng quy mô. Hiện nay, TP.HCM có tổng cộng 19 khu công nghiệp đang hoạt động với đa dạng lĩnh vực. Trong đó thu hút nguồn vốn đầu tư chủ yếu là các ngành sản xuất công nghiệp và chế tạo.
Tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thông qua đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh, bổ sung các KCN ở TP.HCM vào quy hoạch phát triển KCN ở Việt Nam. Cụ thể, thành phố sẽ bổ sung thêm KCN Phạm Văn I và KCN Phạm Văn Hai II với quy mô diện tích lần lượt là 379 ha và 289 ha tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Song song với đó là đưa các KCN Bàu Đưng, Phước Hiệp và Xuân Thới Thượng ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN của thành phố.
5.3. Long An
Kinh tế công nghiệp của tỉnh Long An đặc biệt phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây nhờ vị trí địa lý thuận lợi, tiếp giáp với các quận huyện TPHCM. Tỉnh Long An đồng thời cũng dễ dàng kết nối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các trung tâm phân phối, logistics của khu vực.
Tính đến nay, Long An hiện có 18 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với đa dạng lĩnh vực. Bên cạnh đó, theo định hướng đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm 17 KCN thành lập mới với diện tích gần 3.200ha. Như vậy, toàn tỉnh sẽ có đến 51 KCN với diện tích gần 12.500 ha (xếp thứ 2 cả nước về diện tích các KCN). Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp tại Long An đạt khoảng 65,2%, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.
Một số khu công nghiệp tiêu biểu tại tỉnh Long An như: KCN Thuận Đạo, KCN Phú An Thạnh, KCN Long Hậu, KCN Đức Hòa, KCN Tân Kim, KCN Xuyên Á,…
Tìm hiểu thêm: Danh sách các tỉnh miền Nam
Như vậy, qua những thông tin chia sẻ trên đây, bạn đã biết được tỉnh nào nhiều khu công nghiệp nhất Việt Nam hiện nay. Có thể nói, việc phát triển các khu công nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thúc đẩy kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, quá trình này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường và xã hội. Do đó, cần có những giải pháp đồng bộ để đảm bảo phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.
Maison Office là đơn vị cho thuê văn phòng chuyên nghiệp, đội ngũ tư vấn kinh nghiệm 10+ năm sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được văn phòng phù hợp nhất ✅ Liên hệ 0988.902.468 ngay!