Sàn nâng là gì? Cấu tạo, phân loại và tác dụng
Theo dõi Maison Office trênHệ thống sàn nâng (Raised Floor) ngày càng khẳng định vai trò vượt trội trong các công trình hiện đại, đặc biệt là tại các tòa nhà văn phòng, trung tâm dữ liệu và phòng máy chủ. Với thiết kế thông minh, sàn nâng không chỉ tối ưu hóa không gian mà còn mang lại sự tiện lợi, giúp việc lắp đặt và bảo trì các hệ thống kỹ thuật như điện, mạng, điều hòa trở nên đơn giản, linh hoạt và hiệu quả hơn.
Nội dung chính
1. Sàn nâng là gì?
Sàn nâng (còn được gọi là sàn thông minh, sàn kỹ thuật) là loại sàn tạo ra một không gian giữa các tấm sàn và sàn bê tông nhờ các chân đế nâng nó lên. Loại sàn này thường được sử dụng cho mục đích đi dây cáp, dây điện bên dưới, và cũ thể sử dụng cho mục đích điều hoà không khí hoặc đi ống nước làm mát.
>> Xem thêm 7 loại vật liệu lát sàn trong văn phòng phổ biến hiện nay
2. Cấu tạo của sàn nâng
Sàn nâng được cấu tạo từ nhiều bộ phận, mỗi thành phần đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hệ thống sàn bền vững, chịu tải tốt và đáp ứng nhu cầu sử dụng linh hoạt.
2.1 Tấm sàn nâng
Tấm sàn nâng là bộ phận chính của sàn nâng, được thiết dưới dạng hộp và làm từ thép chắc chắn. Bên ngoài tấm sàn được phủ một lớp sơn tĩnh điện nhằm tăng khả năng chống oxy hóa và hạn chế tác động từ môi trường. Bên trong tấm sàn chứa lớp xi măng giúp tăng khả năng cách âm, đồng thời nâng cao khả năng chịu lực, đảm bảo độ bền khi sử dụng trong thời gian dài.
2.2 Hệ thống chân đỡ
Hệ thống chân đỡ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo khoảng trống bên dưới mặt sàn, giúp lắp đặt hệ thống dây điện, cáp mạng và hệ thống thông gió dễ dàng. Các chân đỡ có thể điều chỉnh độ cao linh hoạt để đảm bảo bề mặt sàn bằng phẳng ngay cả khi mặt nền có sự chênh lệch. Chân đỡ thường được làm từ thép mạ để tăng độ bền và chống ăn mòn, đặc biệt là phần đầu chân đế tiếp xúc với bề mặt tường.
2.3 Thanh giằng
Thanh giằng là phụ kiện giúp gia cố hệ thống sàn, tăng độ ổn định và khả năng chịu tải. Các thanh giằng được làm từ thép mạ có nhiệm vụ kết nối chân đế với nhau, giúp mặt sàn vững chắc hơn, hạn chế rung lắc khi có tác động lực.
2.4 Phụ kiện đi kèm
Bên cạnh các bộ phận chính, sàn nâng còn đi kèm với nhiều phụ kiện hỗ trợ như:
- Vít bắt thanh giằng: Dùng để cố định thanh giằng với hệ thống chân đỡ.
- Keo dán chân đỡ: Tăng độ bám dính giữa chân đỡ và bề mặt sàn.
- Chân nâng tấm sàn: Hỗ trợ điều chỉnh độ cao phù hợp với yêu cầu sử dụng.
Nhờ vào cấu tạo chắc chắn và linh hoạt, sàn nâng kỹ thuật được ứng dụng rộng rãi trong các trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ, văn phòng và nhiều công trình công nghiệp khác.
3. Quy trình lắp đặt, thi công sàn nâng
Việc lắp đặt sàn nâng cần được thực hiện theo quy trình chuyên nghiệp để đảm bảo độ bền và tính an toàn, hiệu quả sử dụng.
Quy trình lắp đặt và thi công sàn nâng tiêu chuẩn gồm 7 bước:
Bước 1: Chuẩn bị mặt bằng
- Tiếp nhận mặt bằng thi công, xác định phạm vi lắp đặt sàn nâng.
- Kiểm tra, đánh dấu vị trí thi công, đảm bảo mặt bằng đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.
Bước 2: Vệ sinh khu vực thi công
- Dọn dẹp rác thải, loại bỏ vật liệu thừa để đảm bảo bề mặt sạch sẽ trước khi thi công.
- Kiểm tra độ phẳng của mặt sàn để tránh các lỗi trong quá trình lắp đặt.
Bước 3: Xác định độ cao hệ thống sàn nâng
- Đo đạc và xác định chiều cao phù hợp với hệ thống kỹ thuật.
- Đảm bảo khu vực cửa ra vào và lối đi lại thuận tiện sau khi lắp đặt.
Bước 4: Xác định vị trí chân đế
- Chia ô trên mặt sàn và đánh dấu vị trí chân đế để đảm bảo độ chính xác khi lắp đặt.
Bước 5: Lắp đặt hệ thống khung đỡ
- Cố định chân đế và lắp đặt hệ thống thanh giằng ngang.
- Đệm cao su được dán vào chân đế để giảm tiếng ồn và tăng độ chắc chắn.
Bước 6: Lắp đặt tấm sàn
- Lắp đặt từng tấm sàn theo đúng vị trí đã định sẵn.
- Kiểm tra độ khớp giữa các tấm, đảm bảo độ ổn định của hệ thống.
Bước 7: Kiểm tra và bàn giao
- Kiểm tra tổng thể công trình, đảm bảo tính thẩm mỹ và độ bền.
- Bàn giao cho khách hàng, hướng dẫn sử dụng và bảo trì.
>> Tìm hiểu thêm về: [Kinh nghiệm] Cải tạo văn phòng tiết kiệm và hiệu quả
4. Các yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn sàn nâng
Việc lựa chọn sàn nâng không chỉ đơn thuần dựa vào chi phí mà còn phải xem xét nhiều yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo tính phù hợp, an toàn và hiệu quả sử dụng lâu dài. Dưới đây là những yếu tố quan trọng cần cân nhắc khi lựa chọn sàn nâng:
- Trọng tải: Yếu tố đầu tiên cần lưu ý là khả năng chịu tải của sàn nâng. Đặc biệt, trong các khu vực có thiết bị nặng như trung tâm dữ liệu, phòng máy chủ hay nhà xưởng, sàn nâng cần có khả năng chịu lực tốt để tránh sụt lún hoặc hư hỏng, đảm bảo an toàn cho người sử dụng và thiết bị.
- Kích thước: Trước khi chọn sàn nâng, việc đo đạc không gian lắp đặt là điều cần thiết để đảm bảo kích thước tấm sàn phù hợp. Một sàn nâng quá nhỏ có thể không đáp ứng được nhu cầu, trong khi sàn nâng quá lớn có thể gây khó khăn trong lắp đặt và vận hành.
- Chi phí: Giá thành là một trong những yếu tố quan trọng quyết định đến sự lựa chọn. Tuy nhiên, thay vì chỉ tìm kiếm sản phẩm có giá rẻ, cần cân nhắc đến chất lượng và độ bền để tránh chi phí sửa chữa, bảo trì về sau. Một sản phẩm có giá hợp lý nhưng bền bỉ sẽ giúp tối ưu ngân sách đầu tư lâu dài.
- Chất liệu: Mỗi loại sàn nâng có chất liệu khác nhau với ưu và nhược điểm riêng. Chẳng hạn, sàn nâng bằng gỗ phù hợp với không gian nội thất văn phòng, trong khi sàn nâng bê tông hoặc kim loại lại có độ bền cao hơn, phù hợp với môi trường công nghiệp hoặc trung tâm dữ liệu. Lựa chọn chất liệu phù hợp sẽ giúp tối ưu công năng sử dụng và tuổi thọ sản phẩm.
- Độ bền: Để đảm bảo độ bền của sàn nâng, cần xem xét các yếu tố như chất liệu, thiết kế, độ dày và quy trình sản xuất. Một sản phẩm có độ bền cao không chỉ giúp giảm chi phí bảo trì, sửa chữa mà còn đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Bằng cách cân nhắc đầy đủ các yếu tố trên, bạn có thể lựa chọn được hệ thống sàn nâng phù hợp, vừa đảm bảo tính bền vững, vừa đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng trong dài hạn.
5. Tác dụng của sàn nâng trong các tòa nhà hiện đại
Trong các tòa nhà hiện đại, sàn nâng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa không gian và hệ thống kỹ thuật. Chức năng chính của hệ thống này là giảm thiểu việc đi dây âm tường, giúp việc bảo trì và sửa chữa hệ thống điện, mạng trở nên dễ dàng hơn. Đồng thời, mỗi loại sàn nâng lại có những tác dụng riêng, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng.
Sàn nâng nguyên khối:
- Sàn nâng phủ sắt sơn tĩnh điện kết hợp với lõi xi-măng: giúp tăng khả năng chịu lực, phù hợp với những không gian cần độ bền cao như trung tâm dữ liệu và phòng máy chủ.
- Sàn nâng phủ vinyl: có khả năng khử tĩnh điện, thích hợp sử dụng trong phòng sạch, nhà máy sản xuất linh kiện điện tử để hạn chế rủi ro do tích điện gây ra.
- Sàn nâng phủ HPL: mang lại hiệu quả chống ồn tốt, là lựa chọn lý tưởng cho các phòng hội nghị, phòng họp cao cấp.
Sàn nâng có lỗ thông hơi:
- Được thiết kế với các lỗ nhỏ trên bề mặt, loại sàn này cho phép tích hợp hệ thống điều hòa bên dưới, giúp cải thiện hiệu suất làm mát và tối ưu chi phí vận hành so với điều hòa gắn tường truyền thống.
Nhờ những lợi ích này, sàn nâng ngày càng trở thành một giải pháp không thể thiếu trong các tòa nhà văn phòng, trung tâm dữ liệu và nhà máy hiện đại, góp phần nâng cao tính linh hoạt và hiệu suất vận hành của không gian làm việc.
6. Các tòa nhà có sàn nâng tại Hà Nội
Tên tòa nhà | Địa chỉ | Hạng tòa nhà |
Capital Place | 29 Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội | Hạng A |
Lotte Center | 54 Liễu Giai, Quận Ba Đình, Hà Nội | Hạng A |
Lotte Mall | 272 Võ Chí Công, Quận Tây Hồ, Hà Nội | Hạng A |
Diamond Park Plaza | 16 Láng Hạ, Quận Ba Đình, Hà Nội | Hạng A |
LPB Tower | 17 Tông Đản & 210 Trần Quang Khải, Hà Nội | Hạng A |
Pacific Place | 83B Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội | Hạng A |
Gelex 27 Lý Thái Tổ | 27-29 Lý Thái Tổ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội | Hạng A |
Grand Terra | 36 Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội | Hạng A |
Lancaster Luminaire | 1152 – 1154 Đường Láng, Quận Đống Đa, Hà Nội | Hạng A |
ThaiSquare Caliria | 11A Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội | Hạng A |
Taisei Square Hanoi | 289 Khuất Duy Tiến, Cầu Giấy, Hà Nội | Hạng A |
Keangnam Landmark Ha Noi | Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội | Hạng A |
Oriental Square | KĐT Tây Hồ Tây (Starlake), Bắc Từ Liêm, Hà Nội | Hạng A |
Hiện nay, trong các tòa nhà văn phòng hiện đại, sàn nâng ngày càng trở thành một giải pháp tối ưu giúp quản lý hệ thống kỹ thuật như điện, mạng, điều hòa một cách hiệu quả. Không chỉ mang lại sự linh hoạt trong thiết kế không gian, hệ thống sàn nâng còn giúp nâng cao hiệu suất làm việc, đảm bảo tính thẩm mỹ và thuận tiện cho việc bảo trì. Tại Hà Nội, nhiều tòa nhà văn phòng hạng A đã tích hợp hệ thống sàn nâng này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp.
Với những ưu điểm nổi bật về tính linh hoạt, khả năng chịu tải vượt trội và việc tối ưu hóa không gian hiệu quả, sàn nâng đã khẳng định vị thế không thể thay thế trong các công trình hiện đại. Tùy thuộc vào mục đích sử dụng cụ thể, mỗi loại sàn nâng sẽ mang đến những lợi ích riêng biệt, giúp doanh nghiệp không chỉ cải thiện môi trường làm việc mà còn tối đa hóa hiệu suất vận hành.
>>> Tham khảo thêm:
Maison Office là đơn vị cho thuê văn phòng chuyên nghiệp, đội ngũ tư vấn kinh nghiệm 10+ năm sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm được văn phòng phù hợp nhất ✅ Liên hệ 0988.902.468 ngay!