Maison Office

Tiêu chuẩn xây dựng WELL là gì? 10 tiêu chí WELL Certified

Theo dõi Maison Office trên
Tìm hiểu về chứng nhận WELL Certified

Trong bối cảnh cuộc sống hiện đại bận rộn và nhiều áp lực, con người ngày càng quan tâm đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo đó, môi trường sống là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần của mỗi cá nhân. Nhận thức được điều này, hệ thống tiêu chuẩn WELL Certified đã ra đời như một giải pháp đột phá, kiến tạo không gian sống tối ưu cho sức khỏe và hạnh phúc của con người. Trong bài viết này, hãy cùng Maison Office khám phá: Tiêu chuẩn xây dựng WELL là gì? Đâu là các tiêu chí và cấp độ đánh giá của tiêu chuẩn WELL? 

1. WELL Certified là gì?

WELL Certified (hay tiêu chuẩn xây dựng WELL) là một hệ thống các tiêu chuẩn đo lường, đánh giá cho các công trình kiến trúc, dựa trên hiệu suất để xác định được các tính năng của công trình có tác động đến sức khỏe và sự phát triển của cá nhân. Tiêu chuẩn này được phát triển và quản lý bởi Tổ chức Quốc tế WELL Building Institute (IWBI) – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu các giải pháp xây dựng hướng đến sức khỏe. Ngoài ra, Green Business Certification Incorporation (GBCI) là tổ chức độc lập thứ 3 cung cấp chứng nhận WELL Building Standard.

Định nghĩa tiêu chuẩn xây dựng WELL
Định nghĩa tiêu chuẩn xây dựng WELL

Tiêu chuẩn WELL được phát triển dựa trên một nghiên cứu y tế về mối liên hệ giữa không gian tòa nhà và sức khỏe cũng như sự phát triển của các cư dân sinh sống tại đây. Theo đó, mục tiêu của bộ tiêu chuẩn này là mang đến một môi trường sống chất lượng, giúp cải thiện cuộc sống của cư dân cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. 

Hiện nay, có hơn 5.700 dự án ở 67 quốc gia đã đạt được chứng nhận WELL Certified. Tại Việt Nam, bộ tiêu chuẩn xây dựng này cũng dần nhận được sự quan tâm với một số dự án tiêu biểu đã áp dụng như: Tòa nhà Capital Place (Hà Nội), Tòa nhà The Landmark 81 (TP.HCM), Khu đô thị Vinhomes Central Park (TP.HCM),… 

Tìm hiểu thêm: Tiêu chuẩn LEED là gì?

2. 10 tiêu chí đánh giá của tiêu chuẩn xây dựng WELL

WELL Certified đo lường và đánh giá chất lượng của các công trình, tòa nhà bằng cách xem xét 10 yếu tố chính như sau:

10 yếu tố đánh giá của tiêu chuẩn WELL
10 yếu tố đánh giá của tiêu chuẩn WELL

2.1. Air – Không khí

Hiện nay, vấn đề ô nhiễm không khí đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và đe dọa đến sức khỏe của con người. Cùng với quá trình phát triển công nghiệp và đô thị hóa nhanh chóng, lượng khí thải và tạp chất trong không khí cũng ngày càng gia tăng đáng kể. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc bảo vệ môi trường sống và đảm bảo chất lượng cuộc sống của cư dân.

Chất lượng không khí là yếu tố đánh giá quan trọng thuộc tiêu chuẩn WELL
Chất lượng không khí là yếu tố đánh giá quan trọng thuộc tiêu chuẩn WELL

Tiêu chuẩn Air trong hệ thống WELL Certified không chỉ đề cập đến việc loại bỏ các tạp chất ô nhiễm trong không khí mà còn tập trung vào việc phòng ngừa và làm sạch không khí bên trong các tòa nhà. Điều này nhằm mục đích giảm thiểu các rủi ro liên quan đến ô nhiễm không khí và tăng cường chất lượng cuộc sống của cư dân.

2.2. Water – Nguồn nước

Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Y học Hoa Kỳ, lượng nước tối thiểu mà một người phải hấp thụ hàng ngày là 3,7 lít đối với nam giới và 2,7 lít đối với nữ giới. Do vậy, cung cấp nguồn nước sạch và đáp ứng nhu cầu sử dụng của tòa nhà được xem là một trong những hạng mục quan trọng của WELL Building Standard. 

Yếu tố Water của tiêu chuẩn WELL tập trung vào việc tối ưu hóa chất lượng nguồn nước bằng cách loại bỏ các chất ô nhiễm thông qua quá trình lọc và xử lý. Điều này giúp đảm bảo cư dân tòa nhà có nguồn nước sạch, an toàn và phù hợp để sử dụng hàng ngày. Ngoài ra, việc áp dụng các biện pháp đảm bảo chất lượng nguồn nước tại nơi làm việc cũng góp phần cải thiện sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên.

2.3. Nourishment – Dinh dưỡng

Tiêu chí Nourishment được đặt ra nhằm đánh giá công trình có đảm bảo được bữa ăn dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe của cư dân hay nhân viên tòa nhà. Cụ thể, tiêu chí này tập trung vào việc khuyến khích thói quen ăn uống lành mạnh bằng cách cung cấp các lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, cân đối và đa dạng. Bên cạnh đó còn có các hoạt động tăng cường nhận thức về dinh dưỡng và hành vi ăn uống.

2.4. Light – Ánh sáng tự nhiên

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhịp sinh học của cơ thể con người chính là ánh sáng tự nhiên. Việc thiếu ánh sáng tự nhiên không chỉ gây rối loạn đồng hồ sinh học mà còn làm ảnh hưởng đến trạng thái tinh thần, sự tập trung và năng suất làm việc của mỗi cá nhân.

Các công trình cần tận dụng ánh sáng tự nhiên một cách hiệu quả
Các công trình cần tận dụng ánh sáng tự nhiên một cách hiệu quả

Hiểu được mối liên kết này, tiêu chí Light được WELL phát triển nhằm đánh giá công tác sử dụng ánh sáng trong các tòa nhà. Theo đó, WELL Certified đặt ra các yêu cầu cụ thể bao gồm: sử dụng vật liệu và thiết kế tối ưu để tận dụng ánh sáng tự nhiên, hạn chế ánh sáng xanh, mức độ chiếu sáng phù hợp và tiết kiệm năng lượng. 

2.5. Sound – Âm thanh

Tiếng ồn có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, gây ra căng thẳng, mệt mỏi và giảm khả năng tập trung. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng tiếng ồn có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ, tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và suy giảm hệ thống miễn dịch. Do vậy, việc kiểm soát, giảm thiểu tiếng ồn trong môi trường sống và làm việc là rất quan trọng để duy trì sức khỏe và tăng cường hiệu suất làm việc.

Yếu tố “Sound” trong tiêu chuẩn xây dựng WELL đặt ra các tiêu chuẩn để kiểm soát âm thanh gây ồn trong tòa nhà. Điều này có thể bao gồm việc sử dụng vật liệu hấp thụ âm thanh, áp dụng các biện pháp cách âm tốt hay thiết kế không gian mở để giảm âm thanh phản xạ. 

2.6. Materials – Vật liệu

Yếu tố tiếp theo trong bộ tiêu chuẩn WELL Certified là “Materials”, nhấn mạnh vào việc sử dụng các vật liệu an toàn và bền vững trong xây dựng. Điều này đồng nghĩa các công trình cần hạn chế tối đa việc sử dụng các vật liệu có thể gây hại cho sức khỏe con người như: formaldehyde, phthalates, asbestos, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs),… Bên cạnh đó, tiêu chí này cũng thúc đẩy việc sử dụng các vật liệu tái chế, tái sử dụng để giảm lượng chất thải ra ngoài môi trường.

Tiêu chuẩn WELL nhấn mạnh việc sử dụng vật liệu an toàn. bền vững
Tiêu chuẩn WELL nhấn mạnh việc sử dụng vật liệu an toàn. bền vững

2.7. Fitness – Hoạt động thể chất

Thể dục thể thao hay các hoạt động thể chất là một phần quan trọng giúp con người duy trì sức khỏe và cuộc sống lành mạnh. Yếu tố Fitness trong tiêu chuẩn WELL khuyến khích các công trình có những thiết kế hỗ trợ hoạt động thể chất của dân cư như: phòng gym, hồ bơi, sân thể thao,… Bên cạnh đó, vị trí tòa nhà gần các tiện ích như: công viên, sân bóng, đường chạy bộ,… cũng là đặc điểm được WELL đánh giá cao ở mỗi công trình.  

2.8. Comfort – Sự thoải mái

Tiêu chuẩn xây dựng WELL cũng đề cao yếu tố thoải mái (Comfort) trong một môi trường sống và làm việc bởi nó có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cư dân. Bằng cách kiểm soát các yếu tố môi trường như ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn,… công trình có thể giảm thiểu các yếu tố gây căng thẳng. Từ đó tạo ra môi trường sống thoải mái cho mọi cư dân.

2.9. Mind – Tâm trí

Không chỉ tập trung nâng cao sức khỏe thể chất, tiêu chuẩn WELL còn hướng đến xây dựng một môi trường sống lành mạnh, nơi tâm trí được cân bằng. Vậy nên, những tòa nhà có thiết kế tổng hòa đáp ứng được cả nhu cầu giải trí, thư giãn, cân bằng cảm xúc,… sẽ được đánh giá rất cao ở tiêu chí này. Với các không gian văn phòng, tiêu chí Mind đề cập đến việc xây dựng môi trường làm việc linh hoạt để nhân viên có thể dễ dàng thích nghi và làm việc hiệu quả. 

2.10. Community – Cộng đồng 

Yếu tố Community (Cộng đồng) rất được đề cao ở một công trình tòa nhà, nơi mọi người có sự tương tác tích cực và hỗ trợ lẫn nhau. Theo đó, thiết kế công trình cần tạo ra các không gian chung như: sân vườn, quảng trường, phòng sinh hoạt chung,… để giao lưu, gặp gỡ và tổ chức các hoạt động cộng đồng. Ngoài ra, tòa nhà cũng cần thường xuyên tổ chức chương trình và hoạt động để gia tăng sự gắn kết, thúc đẩy lối sống lành mạnh và bền vững.

Yếu tố cộng đồng cũng được đề cao trong tiêu chuẩn WELL
Yếu tố cộng đồng cũng được đề cao trong tiêu chuẩn WELL

>>> TÌM HIỂU THÊM: 25 Tiêu chi đánh giá tòa nhà & văn phòng cho thuê

3. Các cấp độ đánh giá của tiêu chuẩn WELL

Để đạt được chứng nhận WELL Certified, các dự án phải đáp ứng được tất cả các điều kiện tiên quyết cũng như đạt được điểm số tối thiểu cho mỗi tiêu chí. Dựa trên tổng điểm đánh giá đạt được, mỗi công trình sẽ nhận được chứng nhận WELL với cấp độ tương ứng như sau: 

Tổng số điểm đạt được Điểm tối thiểu cho mỗi tiêu chí Cấp độ chứng nhận WELL
40 điểm 0 điểm Chứng nhận WELL Bronze
50 điểm 1 điểm Chứng nhận WELL Silver
60 điểm 2 điểm Chứng nhận WELL Gold
80 điểm 3 điểm Chứng nhận WELL Platinum
Các cấp độ của chứng nhận WELL
Các cấp độ của chứng nhận WELL

Đối với những dự án đăng ký lộ trình chứng nhận WELL Core, công trình cũng phải đáp ứng được tất cả các điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên không bắt buộc có điểm tối thiểu cho mỗi tiêu chí đánh giá. Các cấp độ chứng nhận WELL Core cũng có sự khác nhau dựa trên tổng điểm đạt được như sau: 

  • Chứng nhận WELL Core Bronze: 40 điểm.
  • Chứng nhận WELL Core Silver: 50 điểm.
  • Chứng nhận WELL Core Gold: 60 điểm.
  • Chứng nhận WELL Core Platinum: 80 điểm.

Lưu ý, chứng nhận WELL không có thời hạn vĩnh viễn. Thay vào đó, các tòa nhà đã đạt được chứng nhận WELL cần phải đăng ký kiểm định lại 3 năm một lần. Điều này nhằm đảm bảo tòa nhà vẫn duy trì việc tuân thủ các yêu cầu của WELL trong quản lý và vận hành. 

4. Xu hướng văn phòng xanh WELL Green Building 

Cùng với khối lượng công việc ngày càng tăng cao, con người cũng dành phần lớn thời gian tại văn phòng làm việc. Do vậy, không khó để hình dung về những tác động của môi trường làm việc đến sức khỏe và sự phát triển của mỗi cá nhân. Nhận thức được vấn đề này, các doanh nghiệp hiện nay cũng ngày càng quan tâm đến xu hướng văn phòng xanh và phát triển bền vững.

Xu hướng văn phòng xanh theo tiêu chuẩn WELL đang trở nên ngày càng phổ biến trên toàn thế giới bởi những lợi ích to lớn mà nó mang lại. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các văn phòng đạt chứng nhận WELL không chỉ tạo ra môi trường làm việc thoải mái mà còn giúp tăng hiệu suất làm việc của nhân viên. Chính sự cải thiện về cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần đã giúp giảm căng thẳng, tăng cường khả năng tập trung và sự sáng tạo trong công việc.

Xu hướng WELL Green Building ngày càng trở nên phổ biến
Xu hướng WELL Green Building ngày càng trở nên phổ biến

Bên cạnh đó, tiêu chuẩn WELL cũng thúc đẩy ý thức về bảo vệ môi trường và hướng đến sự phát triển bền vững. 

Trong tương lai, WELL Certified hứa hẹn sẽ tiếp tục là thước đo bền vững cho các công trình, tòa nhà, văn phòng xanh. Việc áp dụng tiêu chuẩn WELL ngày càng phổ biến trên toàn thế giới là minh chứng cho tầm quan trọng của sức khỏe và sự phát triển của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện đại.

Đánh giá bài viết
Contact Me on Zalo