Top 10 Tỉnh Thành Nghèo Nhất Việt Nam Hiện Nay
Theo dõi Maison Office trênViệt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ và đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế xã hội nổi bật, nhưng vẫn còn nhiều khu vực khó khăn và cần sự can thiệp của Nhà nước để thoát nghèo. Trong đó, 10 tỉnh thành nghèo nhất theo thống kê Tổng sản phẩm trên địa bản (GRDP) năm 2022, chỉ đạt được mức dưới 41.5 tỷ VNĐ trên năm.
STT | Tên tỉnh, thành phố | Tổng GRDP
(Tỉ VNĐ) |
Tổng GRDP
(Tỉ USD) |
1 | Lạng Sơn | 41.487 | 1.75 |
2 | Quảng Trị | 40.823 | 1.76 |
3 | Yên Bái | 40.212 | 1.73 |
4 | Đắk Nông | 39.939 | 1.72 |
5 | Hà Giang | 30.571 | 1.31 |
6 | Kon Tum | 30.412 | 1.31 |
7 | Điện Biên | 25.238 | 1.09 |
8 | Lai Châu | 23.389 | 1.03 |
9 | Cao Bằng | 21.635 | 0.94 |
10 | Bắc Kạn | 15.014 | 0.65 |
Nội dung chính
1. Bắc Kạn
Bắc Kạn là tỉnh nghèo nhất Việt Nam với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới khoảng 26,75% (theo số liệu năm 2022) và GRDP năm 2022 xếp thứ 63/63 tỉnh thành với 0,65 tỷ USD. Nằm ở vùng Đông Bắc, Bắc Kạn có địa hình đồi núi phức tạp, bị chi phối bởi những dãy núi vòng cung xen lẫn với các thung lũng nhỏ hẹp, gây cản trở tới khả năng phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng ở nơi đây.
Nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa bàn, với hoạt động chủ đạo là trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, do kỹ thuật canh tác lạc hậu và đất đai thiếu màu mỡ khiến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, bởi còn thiếu hụt về nhân lực có trình độ cũng như hạ tầng giao thông kém phát triển, Bắc Kạn khó có thể thu hút đầu tư và thúc đẩy nền kinh tế địa phương phát triển.
>> Tìm hiểu thêm: Danh sách 63 Tỉnh thành Việt Nam
2. Cao Bằng
Cao Bằng xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng các tỉnh nghèo nhất Việt Nam với chỉ 0,94 tỷ USD GRDP (theo thống kê năm 2022). Nằm ở vùng biên giới phía Bắc, nền kinh tế của Cao Bằng cũng phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Các sản phẩm chính ở nơi đây có thể kể đến ngô, lúa và các loại cây ăn quả, nhưng do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cũng như đất đai không thuận lợi cho canh tác, thu nhập của người dân tại địa phương rất thấp.
Tỉnh còn phải đối mặt với tình trạng dân số ít, phân bố thưa thớt và tình trạng thiếu việc làm, dẫn đến nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh nghèo đói (thống kê khoảng 25,41% hộ nghèo).
Thêm vào đó, địa hình đa dạng, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống sông suối dày đặc, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu, cũng như cách xa trung tâm kinh tế lớn là Hà Nội khiến việc cải thiện cơ sở hạ tầng và mở rộng giao thương kết nối với các khu vực phát triển khác vẫn là một thách thức.
3. Lai Châu
Xếp thứ 3 trong tổng số 10 tỉnh thành nghèo nhất Việt Nam, GRDP năm 2022 của Lai Châu đạt 1,03 tỷ USD, khoảng 23 tỷ VNĐ và có tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 24,58%.
Lai Châu là tỉnh miền núi phía Tây Bắc, nơi tập hợp của nhiều dân tộc thiểu số sống rải rác ở các bản làng, có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giá lạnh và địa hình hiểm trở. Với diện tích hơn 18.000 km², có tới 60% đạt độ cao trên 1.000 m và 90% diện tích có độ dốc trên 25 độ, đặc điểm này khiến điều kiện giao thông của tỉnh trở nên khó khăn, hạn chế kết nối với các vùng kinh tế phát triển, người dân ở đây chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp tự cung tự cấp.
Người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp tự cung tự cất, bởi tuy là tỉnh miền núi có độ dốc lớn, nhưng xen giữa các dãy núi là những thung lũng tương đối bằng phẳng, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, như khu vực Mường So, Tam Đường và Than Uyên…
4. Điện Biên
Cũng nằm ở vùng Tây Bắc khắc nghiệt, Điện Biên với tỷ lệ hộ nghèo khoảng 23,53%, là một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam. Với GRDP năm 2022 đạt 1,09 tở, Điện Biên xếp ở vị trí 60/63 tỉnh thành có tổng sản phẩm trên địa bàn cao nhất cả nước. Đây là địa phương có bề dày lịch sử văn hóa và nổi tiếng gắn với di tích lịch sử Điện Biên Phủ; tuy nhiên, sự phát triển kinh tế của tỉnh vẫn còn rất chậm.
Phần lớn là do địa hình của tỉnh khá phức tạp, chủ yếu là đồi núi dốc, hiểm trở và bị chia cắt mạnh, gây khó khăn cho việc giao thương và phát triển cơ sở hạ tầng. Hơn 90% dân số của tỉnh là nông dân, sống chủ yếu dựa vào canh tác nông nghiệp, nhưng đất đai cằn cỗi và điều kiện canh tác khó khăn khiến năng suất không cao.
Vốn có xuất phát điểm thấp, lại thêm điều kiện tự nhiên khó khăn, thường xuyên xảy ra thiên tai và nguồn lực đầu tư còn hạn chế, nên nhiều năm qua, tình hình kinh tế tỉnh vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể.
5. Kon Tum
Nằm ở khu vực Tây Nguyên với địa hình đồi núi là chủ yếu, nền kinh tế chính của Kon Tum phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp. Cũng giống với đa phần các tỉnh nghèo, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu và điều kiện đất đai cũng như thời tiết khó khăn khiến tỉnh nằm trong những vùng có kinh tế kém phát triển nhất cả nước.
Kon Tum có diện tích lớn nhưng dân số thưa thớt, phần lớn là các dân tộc thiểu số, điều này làm hạn chế sự phát triển của kinh tế – xã hội. Tỉnh cũng đang rất nỗ lực để phát triển công nghiệp và dịch vụ, nhưng quá trình này vẫn còn chậm chạp do thiếu vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn.
6. Hà Giang
Thuộc một trong nhiều vùng với đặc thù địa hình hiểm trở, núi đá vôi cao, Hà Giang là một trong 10 tỉnh thành nghèo nhất Việt Nam theo thống kê gần nhất năm 2022. Đời sống của người dân nơi đây còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp tự cung tự cấp và chăn nuôi gia súc.
Hà Giang còn là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, với tình trạng hạn hán và lũ quét thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, tỉnh đang cố gắng phát triển du lịch sinh thái nhờ các cảnh quan tự nhiên như cao nguyên đá Đồng Văn và các bản làng dân tộc.
7. Đắk Nông
Tỉnh Đắk Nông thuộc khu vực Tây Nguyên có tỷ lệ hộ nghèo khoảng 20,68% và đạt khoảng 40 tỷ đồng GRDP/năm. Tỉnh có tiềm năng phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê và hồ tiêu, nhưng do hạ tầng giao thông chưa phát triển và việc tiếp cận thị trường còn hạn chế, Đắk Nông vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng kinh tế của tỉnh.
Đời sống của người dân tộc thiểu số ở đây còn gặp nhiều khó khăn, với tình trạng thiếu nước sinh hoạt và đất canh tác bị suy thoái. Đắk Nông cũng đang hướng tới phát triển du lịch và năng lượng tái tạo, nhưng còn cần nhiều nguồn lực để thực hiện.
8. Yên Bái
Xếp thứ 56/63 tỉnh thành về tỷ lệ GRDP, Yên Bái thuộc khu vực Tây Bắc, có thống kê hộ nghèo khoảng 19,34%. Kinh tế của tỉnh dựa vào nông nghiệp, lâm nghiệp và khai thác thủy sản, nhưng phần lớn vẫn là sản xuất tự cung tự cấp.
Tỉnh có địa hình miền núi bị chia cắt mạnh và có độ dốc lớn, diện tích đất canh tác của người dân nơi đây bị hạn chế. Cơ sở hạ tầng và giao thông kém đầu tư cùng với điều kiện thiên nhiên không thuận lợi đã khiến vùng gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực kinh tế phát triển lân cận.
Bên cạnh những bất cập, Yên Bái cũng có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái và văn hóa nhờ các danh lam thắng cảnh như Mù Cang Chải hay ruộng bậc thang.
9. Quảng Trị
Quảng Trị – là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ các cuộc chiến tranh trong lịch sử và cho đến nay, kinh tế của tỉnh vẫn chưa thực sự phục hồi. Nằm ở miền Trung đất nước, Quảng Trị thường xuyên phải đối mặt với các thiên tai như bão lụt và hạn hán, gây ảnh hưởng lớn đến nông nghiệp và đời sống của người dân trên địa bàn.
Mặc dù tỉnh đã có những bước tiến trong phát triển công nghiệp và thương mại, nhưng mức sống của người dân vẫn còn thấp và nhiều vùng vẫn nằm trong diện nghèo.
10. Lạng Sơn
Thuộc vùng Đông Bắc nước ta, Lạng Sơn là một trong những tỉnh được đánh giá nghèo nhất cả nước, với mức GRDP khoảng 41 tỷ VNĐ/năm, đứng 54/63 tổng GRDP cả nước. Với địa hình đồi núi, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ đạo, nhưng sản xuất nông nghiệp tại Lạng Sơn còn gặp nhiều khó khăn do đất đai khô cằn và thiếu nguồn nước.
Giao thương qua cửa khẩu biên giới với Trung Quốc là một trong những nguồn thu chính của tỉnh, nhưng kinh tế tỉnh vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp, chưa phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ. Tuy nhiên, tỉnh đang cố gắng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch và dịch vụ cửa khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế, 10 tỉnh thành nghèo nhất Việt Nam vẫn đang nỗ lực phát triển để thoát khỏi nghèo đói. Nhà nước cũng đã và đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, từ việc cải thiện hạ tầng giao thông đến việc tăng cường đầu tư vào giáo dục và đào tạo nghề. Hy vọng rằng, trong tương lai, cuộc sống của người dân tại các tỉnh này sẽ được cải thiện đáng kể.
THAM KHẢO THÊM:
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.