Maison Office

Chi nhánh công ty: Đặc điểm, nhiệm vụ và thủ tục thành lập

Theo dõi Maison Office trên

Chi nhánh công ty là đơn vị phụ thuộc của công ty mẹ, thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp. Với vai trò quan trọng trong việc mở rộng thị trường, chi nhánh giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng tại các khu vực khác nhau. Đồng thời, việc thành lập chi nhánh cũng góp phần tối ưu hóa nguồn lực và tăng cường khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường.

Chi nhánh là gì?

Căn cứ theo Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020: “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền.” 

Chi nhánh là gì?
Chi nhánh là gì?

Nói một cách cụ thể, chi nhánh là đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp, được thành lập khi doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng quy mô và thị trường kinh doanh. Theo quy định, ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Chi nhánh công ty không có tư cách pháp nhân. 

Đặc điểm của chi nhánh công ty

Dưới đây là những đặc điểm cơ bản của chi nhánh công ty: 

  • Chi nhánh công ty là đơn vị phụ thuộc của công ty mẹ, được thành lập theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp.
  • Chi nhánh có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng, tuy nhiên chưa hoàn toàn độc lập về tài sản, phải nhân danh công ty mẹ trong việc thực hiện các quan hệ pháp luật.
  • Chi nhánh hoạt động như một công ty con, có nhiệm vụ thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp. 
  • Doanh nghiệp có quyền thành lập một hoặc nhiều chi nhánh ở cả trong nước và nước ngoài, có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính. 
  • Chi nhánh công ty có thể đăng ký số lượng ngành nghề ít hơn hoặc bằng với số lượng ngành nghề kinh doanh của công ty mẹ. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành nghề kinh doanh mà công ty đã đăng ký. 
  • Chi nhánh có 02 hình thức hạch toán thuế, bao gồm: Hạch toán độc lập và Hạch toán phụ thuộc. 
Chi nhánh công ty có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng
Chi nhánh công ty có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng

Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh doanh nghiệp

Với vai trò là một đơn vị phụ thuộc, chi nhánh được trao quyền thực hiện một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong phạm vi được ủy quyền. Đồng thời, chi nhánh cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ pháp lý, tài chính và quản lý theo quy định của pháp luật.

Quyền của chi nhánh

Chi nhánh công ty có quyền thực hiện các công việc sau đây:

  • Khắc con dấu;
  • Mở tài khoản ngân hàng;
  • Mua sắm phương tiện, vật dụng, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của chi nhánh;
  • Ký kết hợp đồng lao động; 
  • Ký kết hợp đồng kinh tế khi có văn bản ủy quyền của công ty mẹ;
  • Xuất hóa đơn khi được sự cho phép của công ty mẹ. 
Chi nhánh được quyền ký kết hợp đồng khi có ủy quyền từ công ty mẹ
Chi nhánh được quyền ký kết hợp đồng khi có ủy quyền từ công ty mẹ

Nghĩa vụ của chi nhánh

Các nghĩa vụ mà chi nhánh công ty cần tuân theo bao gồm: 

  • Thực hiện các chức năng của doanh nghiệp được ghi trên Giấy chứng nhận hoạt động của chi nhánh;
  • Có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức hạch toán kế toán: hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc;
  • Kê khai thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế TNDN, thuế TNCN (đối với trường hợp hạch toán độc lập);
  • Tổng hợp và chuyển số liệu, chứng từ hằng quý, hằng năm về cho công ty mẹ để hạch toán (đối với trường hợp hạch toán phụ thuộc);

Chi nhánh công ty có tư cách pháp nhân hay không?

Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định cụ thể về chi nhánh công ty như sau: 

  • Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, không phải là pháp nhân.
  • Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân.

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành, chi nhánh không có tư cách pháp nhân mà chỉ là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân. 

Chi nhánh doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân
Chi nhánh doanh nghiệp không có tư cách pháp nhân

Điều kiện thành lập chi nhánh doanh nghiệp

Việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp là một bước quan trọng trong quá trình mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để chi nhánh hoạt động hợp pháp và hiệu quả, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện theo quy định của pháp luật như sau: 

>> TÌM HIỂU THÊM: 

Về tư cách hoạt động

Để thành lập chi nhánh thì trước hết phải thành lập công ty. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, công ty mới có thể thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh. 

Đặt tên chi nhánh

Theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020:

  • Tên chi nhánh phải được cấu thành từ cụm từ “Chi nhánh”, loại hình doanh nghiệp và tên riêng công ty. Ví dụ: Chi nhánh Công ty cổ phần XYZ.
  • Tên chi nhánh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
  • Tên chi nhánh phải được viết hoặc gắn tại trụ sở chính của chi nhánh công ty.

Ngành nghề kinh doanh

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, chi nhánh có thể đăng ký ít hơn hoặc đăng ký toàn bộ các ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. 

Quy định về ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh
Quy định về ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh

Trong trường hợp doanh nghiệp muốn mở chi nhánh công ty để hoạt động kinh doanh các ngành, nghề khác với ngành, nghề đã đăng ký, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục bổ sung ngành, nghề kinh doanh. 

Người đứng đầu chi nhánh

Theo Khoản 5 Điều 84 Bộ luật Dân sự 2015, người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền. Theo quy định hiện hành, Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh không quy định cụ thể về chức danh mà chỉ ghi là “người đứng đầu chi nhánh”.

Tuy nhiên trong thực tế, người đứng đầu chi nhánh thường là Giám đốc chi nhánh, không thuộc trường hợp bị treo mã số thuế trên Hệ thống đăng ký thuế và đăng ký doanh nghiệp quốc gia. 

Nghĩa vụ thuế

Căn cứ theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, mã số đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh đồng thời cũng là mã số thuế của chi nhánh. Khi đăng ký thành lập chi nhánh, doanh nghiệp có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức hạch toán gồm: hạch toán phụ thuộc và hạch toán độc lập. 

Tùy thuộc vào hình thức hạch toán đã đăng ký mà chi nhánh có thể tự kê khai hoặc được doanh nghiệp kê khai các loại thuế. 

Nghĩa vụ thuế của chi nhánh doanh nghiệp
Nghĩa vụ thuế của chi nhánh doanh nghiệp

>> Tham khảo ngay:

Hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh công ty

Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh bao gồm các giấy tờ:

  • Thông báo thành lập chi nhánh có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Bản sao biên bản họp về việc thành lập chi nhánh của doanh nghiệp;
  • Bản sao quyết định thành lập chi nhánh công ty;
  • Quyết định bổ nhiệm người đứng đầu chi nhánh;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người đứng đầu chi nhánh;
  • Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người đứng đầu chi nhánh (đối với một số ngành nghề cụ thể do pháp luật quy định);
  • Văn bản ủy quyền cho người khác thực hiện thủ tục thành lập chi nhánh (nếu có). 

Thủ tục thành lập chi nhánh công ty mới nhất

Việc nắm vững trình tự thủ tục mở chi nhánh công ty là yếu tố then chốt để đảm bảo chi nhánh được thành lập và hoạt động hợp pháp. Quy trình này bao gồm các bước:

Trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh công ty theo quy định  
Trình tự, thủ tục thành lập chi nhánh công ty theo quy định

Bước 1: Chuẩn bị điều kiện thành lập chi nhánh

Bước đầu tiên, doanh nghiệp cần đảm bảo đáp ứng đủ các điều kiện pháp lý và thực tiễn để tiến hành mở chi nhánh công ty. Bao gồm điều kiện về đặt tên chi nhánh, ngành nghề kinh doanh, người đứng đầu chi nhánh, trụ sở chi nhánh và nghĩa vụ thuế. 

Bước 2: Soạn hồ sơ thành lập chi nhánh

Bước tiếp theo cần thực hiện là soạn hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh doanh nghiệp. Hồ sơ bao gồm đầy đủ các giấy tờ theo quy định tại Khoản 2 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020.

Bước 3: Nộp hồ sơ thành lập chi nhánh và nộp lệ phí

Hồ sơ đăng ký thành lập chi nhánh công ty có thể được nộp thông qua 1 trong 3 hình thức dưới đây:

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
  • Cách 2: Nộp hồ sơ qua dịch vụ bưu chính.
  • Cách 3: Nộp hồ sơ qua mạng trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn 

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ là Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch & Đầu tư nơi doanh nghiệp thành lập chi nhánh.

Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư
Nộp hồ sơ tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư

Bước 4: Cơ quan đăng ký kinh doanh xem xét và cấp Giấy chứng nhận

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ bị từ chối, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo bằng văn bản có nêu rõ lý do. 

Bước 5: Các thủ tục sau khi thành lập chi nhánh

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh thì cần thực hiện các thủ tục sau đây:

  • Khắc con dấu;
  • Kê khai và nộp thuế;
  • Làm biển và treo biển tại trụ sở chi nhánh;
  • Mua chữ ký số điện tử.

Ưu – nhược điểm khi thành lập chi nhánh

Ưu điểm

  • Mở rộng thị trường: Việc mở chi nhánh giúp doanh nghiệp tiếp cận nhiều khách hàng hơn ở các khu vực khác nhau, tăng cơ hội phát triển và mở rộng thị phần trong lĩnh vực kinh doanh.
  • Quản lý tập trung: Dù hoạt động tại các địa phương khác nhau, các chi nhánh vẫn chịu sự kiểm soát từ công ty mẹ. Điều này giúp doanh nghiệp quản lý tập trung, nhất quán và hiệu quả.
  • Nâng cao mức độ nhận biết thương hiệu: Sự hiện diện của hệ thống các chi nhánh giúp nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường. 
  • Tối ưu nguồn lực: Bằng cách thành lập chi nhánh công ty tại nhiều khu vực khác nhau, doanh nghiệp có thể tận dụng các nguồn lực địa phương như nguồn nguyên liệu, lao động và các chính sách ưu đãi. 
Mở chi nhánh giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường
Mở chi nhánh giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và quy mô hoạt động

Nhược điểm

  • Chi phí đầu tư ban đầu: Việc mở chi nhánh công ty đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, trong đó bao gồm: chi phí thuê văn phòng, tuyển dụng nhân sự, đầu tư cơ sở vật chất,…
  • Quản lý phức tạp: Doanh nghiệp phải đối mặt với việc quản lý từ xa, đòi hỏi một hệ thống quản lý hiệu quả để đảm bảo hoạt động đồng bộ của các chi nhánh với công ty mẹ. 

Phân biệt chi nhánh và văn phòng đại diện 

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, chi nhánh công ty và văn phòng đại diện đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hoạt động theo ủy quyền của công ty mẹ. Đây cũng là 2 hình thức mở rộng quy mô hoạt động thường thấy ở các doanh nghiệp hiện nay. Vậy chi nhánh công ty và văn phòng đại diện có điểm gì khác biệt?

Tiêu chí Chi nhánh Văn phòng đại diện
Khái niệm Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền (Theo Khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020). Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó (Theo Khoản 2 Điều 44 Luật doanh nghiệp 2020).
Phạm vi hoạt động Thực hiện một phần hoặc toàn bộ chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền và chức năng kinh doanh. Thực hiện nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp, không thực hiện chức năng kinh doanh. 
Mục đích thành lập Mở rộng hoạt động kinh doanh, tiếp cận thị trường mới. Thăm dò, nghiên cứu thị trường và làm đầu mối liên lạc.
Tính pháp lý Phụ thuộc vào công ty mẹ, nhưng có thể tự mình giao dịch kinh doanh và chịu trách nhiệm tài chính. Hoàn toàn phụ thuộc công ty mẹ, không có quyền tự mình giao dịch hay phát sinh nghĩa vụ tài chính.
Hạch toán tài chính Hạch toán độc lập hoặc hạch toán phụ thuộc. Không có quyền hạch toán tài chính, mọi chi phí phụ thuộc vào công ty mẹ.
Phát sinh lợi nhuận Có thể phát sinh lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Không được phép phát sinh lợi nhuận.
Nghĩa vụ thuế

– Nộp thuế môn bài tại Cơ quan thuế nơi chi nhánh đặt trụ sở chính.

– Thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các khoản thuế GTGT, thuế TNDN theo quy định của pháp luật. 

– Không nộp thuế môn bài do không thực hiện chức năng kinh doanh.

– Nộp hồ sơ khai thuế đối với các sắc thuế văn phòng đại diện phải nộp hoặc phải nộp thay; với các sắc thuế không phát sinh thì không phải nộp hồ sơ khai thuế. 

Thủ tục thành lập Thủ tục thành lập tương đối phức tạp so với văn phòng đại diện. Thủ tục thành lập đơn giản hơn so với chi nhánh công ty. 

Như vậy, thông qua bảng so sánh có thể đưa ra nhận định:

  • Việc thành lập chi nhánh phù hợp cho những doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng quy mô, gia tăng sự hiện diện thương hiệu và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh ở nhiều địa phương khác nhau.
  • Trong khi đó, văn phòng đại diện phù hợp với doanh nghiệp muốn tiếp cận thị trường mới nhưng chưa sẵn sàng triển khai kinh doanh, hoặc muốn tiết kiệm chi phí do không phải thực hiện nghĩa vụ thuế phức tạp.
Nên thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện?
Nên thành lập chi nhánh hay văn phòng đại diện?

Một vài câu hỏi thường gặp về chi nhánh doanh nghiệp

Một doanh nghiệp có thể thành lập bao nhiêu chi nhánh?

Căn cứ quy định tại Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020:

  • Doanh nghiệp có quyền thành lập chi nhánh ở trong nước và nước ngoài;
  • Doanh nghiệp có thể đặt một hoặc nhiều chi nhánh tại một địa phương theo địa giới hành chính.

Như vậy, pháp luật hiện hành không giới hạn số lượng chi nhánh mà công ty có thể thành lập. Các chi nhánh có thể đặt cùng tỉnh hoặc khác tỉnh với công ty mẹ. 

Chi nhánh có tư cách pháp nhân không?

Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, hoạt động theo ủy quyền của công ty mẹ. Do đó, chi nhánh không có tư cách pháp nhân. Mặc dù chi nhánh vẫn có thể ký hợp đồng và thực hiện các giao dịch sinh lời. 

Chi nhánh công ty có được vay vốn?

Chi nhánh có thể được vay vốn trong trường hợp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp lập văn bản ủy quyền cho người đứng đầu chi nhánh làm đại diện theo ủy quyền của công ty. Đồng thời nhân danh công ty thực hiện việc vay vốn hoặc ký kết hợp đồng. 

Có thể nói, chi nhánh công ty đóng vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Việc phát triển hệ thống chi nhánh không chỉ giúp doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh mà còn củng cố sự hiện diện và uy tín trên thị trường. Tuy nhiên, để chi nhánh đi vào hoạt động hợp pháp và hiệu quả, doanh nghiệp cần nắm rõ thủ tục thành lập cùng các quy định pháp lý liên quan. 

>> CÓ THỂ BẠN CẦN

5/5 - (1 bình chọn)
Contact Me on Zalo