Tầm nhìn là gì? Sứ mệnh là gì? Vai trò tầm nhìn và sứ mệnh
Theo dõi Maison Office trênTầm nhìn và sứ mệnh là hai khía cạnh quan trọng trong quản trị doanh nghiệp. Đây đều là những tuyên bố ngắn gọn, súc tích nhưng lại mang ý nghĩa định hướng chiến lược phát triển cho mọi doanh nghiệp, tổ chức. Vậy tầm nhìn là gì? Sứ mệnh là gì? Làm thế nào để phân biệt tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp? Bài viết dưới đây của Maison Office sẽ giúp bạn tìm ra lời giải đáp cho mọi thắc mắc!
Nội dung chính
1. Tổng quan về tầm nhìn
Một tổ chức có tầm nhìn rõ ràng sẽ được định hướng phát triển đúng đắn và đạt được những mục tiêu đề ra. Vậy tầm nhìn là gì? Có vai trò và ý nghĩa ra sao đối với hoạt động của tổ chức?
1.1. Tầm nhìn là gì?
Tầm nhìn là một tuyên bố ngắn gọn, súc tích về mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được trong tương lai. Nói cách khác, tầm nhìn là bức tranh toàn cảnh về tương lai của một doanh nghiệp, tổ chức. Trong đó mô tả về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, những cơ hội, thách thức phải đối mặt để từ đó đưa ra quyết định đúng đắn và xây dựng chiến lược trong dài hạn.
Ví dụ, Steve Jobs có một tầm nhìn tương lai mở rộng khi ông sáng lập Apple. Thay vì chỉ tập trung vào sản phẩm hiện tại, ông nhìn thấy tiềm năng của công nghệ và sự thay đổi trong cách chúng ta tương tác với nó. Điều này đã giúp Apple định hình ngành công nghiệp điện tử, tạo ra những sản phẩm đột phá như iPhone và iPad.
Tầm nhìn của doanh nghiệp tập trung vào tương lai, phản ánh giá trị cốt lõi và mục tiêu dài hạn của tổ chức. Ngay cả khi chiến lược thay đổi, tầm nhìn vẫn giữ được sự nhất quán. Tầm nhìn thực tế và đáng tin cậy là chìa khóa để thu hút và giữ chân nhân viên đồng thời tạo động lực cho họ hoàn thành tốt mọi công việc.
1.2. Tầm nhìn có vai trò như thế nào đối với doanh nghiệp?
Tầm nhìn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và thành công của mỗi doanh nghiệp, tổ chức. Vậy vai trò của tầm nhìn được thể hiện qua những khía cạnh nào?
– Tầm nhìn đặt ra một hướng đi rõ ràng cho doanh nghiệp, giúp xác định mục tiêu và định hình chiến lược để đạt được mục tiêu đó.
– Một tuyên bố tầm nhìn rõ ràng sẽ là động lực thúc đẩy nhân viên làm việc, giúp họ hiểu được giá trị công việc mà họ đang làm. Từ đó, nhân viên càng nỗ lực hơn vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.
– Tầm nhìn giúp doanh nghiệp tạo dựng được hình ảnh trong mắt công chúng đồng thời nhận được sự ủng hộ từ các bên liên quan như: khách hàng, đối tác, nhà đầu tư,…
– Tầm nhìn cũng giúp thúc đẩy doanh nghiệp ra quyết định, hành động đúng lúc nhằm nắm bắt mọi cơ hội có giá trị đối với hoạt động kinh doanh.
2. Tổng quan về sứ mệnh
Sứ mệnh được xem là “lá cờ” định hướng cho mọi hoạt động và cam kết tạo ra giá trị của tổ chức. Vậy sứ mệnh là gì? Yếu tố này có ý nghĩa như thế nào đối với sự thành công của mỗi doanh nghiệp?
2.1. Sứ mệnh là gì?
Sứ mệnh là một tuyên bố ngắn gọn đề cập đến mục đích tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, tổ chức. Cụ thể hơn, sứ mệnh là những nhiệm vụ quan trọng mà doanh nghiệp cần thực hiện nhằm mang lại giá trị cho khách hàng, cộng đồng và đạt được mục tiêu đề ra trong tầm nhìn. Nếu tầm nhìn là dài hạn thì sứ mệnh lại mang tính chất ngắn hạn.
Ví dụ: Công ty sản xuất ô tô điện Tesla có sứ mệnh “đẩy nhanh chuyển đổi từ việc sử dụng năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch sang việc sử dụng năng lượng tái tạo và bền vững”. Sứ mệnh này không chỉ đơn thuần là về việc sản xuất xe điện mà còn liên quan đến việc thay đổi cách thức con người tái tạo năng lượng và tạo ra ảnh hưởng tích cực đến môi trường.
2.2. Vai trò của sứ mệnh trong doanh nghiệp
Tuyên bố sứ mệnh của một doanh nghiệp, tổ chức mang ý nghĩa như sau:
– Sứ mệnh là cơ sở cho quá trình lập kế hoạch và chiến lược, giúp định rõ mục tiêu và hướng đi của tổ chức.
– Sứ mệnh đóng vai trò thúc đẩy nhân viên làm việc, tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm nâng cao hiệu suất công việc. Đây đồng thời cũng là yếu tố giúp kết nối các cá nhân với mục tiêu lớn hơn của tổ chức.
– Sứ mệnh là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, cho thấy cam kết của doanh nghiệp và tạo ấn tượng tích cực trong tâm trí khách hàng.
– Sứ mệnh đóng vai trò định hình văn hóa tổ chức, tạo ra các giá trị và niềm tin làm nền tảng xây dựng các quy tắc làm việc và quan hệ nội bộ.
>>> Bạn có biết: Văn hóa doanh nghiệp là gì? Cách xây dựng văn hóa công ty
3. Phân biệt tầm nhìn và sứ mệnh
Tầm nhìn và sứ mệnh là hai khái niệm luôn luôn song hành và không thể tách rời. Mặc dù đều là những tuyên bố ngắn gọn về mục tiêu, định hướng chiến lược của doanh nghiệp, hai khái niệm này vẫn có nhiều điểm khác biệt rõ ràng. Để giúp bạn phân biệt một cách chính xác giữa sứ mệnh và tầm nhìn, Maison Office đã tổng hợp thành bảng so sánh dưới đây:
Tiêu chí so sánh | Tầm nhìn | Sứ mệnh |
Vai trò | Giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu muốn đạt được trong tương lai, định hình chiến lược dài hạn. | Giúp xác định mục đích tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, mang tính ngắn hạn. |
Giá trị về mặt thời gian | Hướng đến tương lai – bức tranh toàn cảnh về doanh nghiệp trong tương lai. | Tập trung vào hiện tại – mục tiêu và hành động cụ thể ngay trong thời điểm hiện tại. |
Trả lời cho câu hỏi | Tầm nhìn trả lời cho câu hỏi: “Đích đến của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp muốn đạt được điều gì trong tương lai?”. | Sứ mệnh trả lời cho câu hỏi: “Doanh nghiệp cần làm gì để đạt được mục tiêu? Doanh nghiệp muốn mang lại giá trị gì?” |
Chức năng | Tầm nhìn cho thấy doanh nghiệp sẽ ở đâu trong những năm tới. Điều này giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng cho các hoạt động và quyết định của mình trong dài hạn. | Sứ mệnh giúp xác định rõ ràng vai trò của doanh nghiệp trong thị trường và xã hội. Điều này giúp doanh nghiệp định hướng cho các hoạt động của mình nhằm tạo ra giá trị cho khách hàng, cộng đồng và xã hội. |
Sự thay đổi | Với những định hướng phát triển rộng mở, doanh nghiệp có thể thay đổi tuyên bố tầm nhìn của mình. Tuy nhiên hãy lưu ý rằng, tầm nhìn là nền tảng quan trọng cho mọi mục tiêu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, đừng cố thay đổi tầm nhìn nếu không thực sự cần thiết. | Tuyên bố sứ mệnh cũng có thể thay đổi linh hoạt. Tuy nhiên, sứ mệnh phải luôn bám sát vào tầm nhìn dài hạn và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. |
4. Tầm nhìn và sứ mệnh: Yếu tố nào quan trọng hơn?
Tầm nhìn và sứ mệnh đều là những yếu tố quan trọng đối với sự hình thành và phát triển của mỗi doanh nghiệp. Do đó, không có câu trả lời chính xác hoàn toàn trong việc xác định yếu tố nào đóng vai trò quan trọng hơn. Việc ưu tiên một trong hai yếu tố còn phụ thuộc vào thời gian thành lập và thực tế hoạt động của mỗi doanh nghiệp. Cụ thể như sau:
– Đối với các doanh nghiệp mới thành lập: Với các công ty, doanh nghiệp mới thành lập, việc xây dựng tầm nhìn dài hạn là yếu tố cần được chú trọng hơn so với sứ mệnh. Bởi tầm nhìn chiến lược sẽ giúp doanh nghiệp xác định được mục tiêu dài hạn để phát triển trong tương lai. Tầm nhìn sẽ dẫn dắt sứ mệnh, giúp doanh nghiệp hoạt động đúng hướng theo như mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, tầm nhìn còn là yếu tố tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ nhân viên, tăng tính cam kết và hướng đến mục tiêu chung.
– Đối với các doanh nghiệp lâu năm: Với các công ty, doanh nghiệp có tuổi đời lâu năm thì sứ mệnh lại đóng vai trò quan trọng hơn hẳn. Việc xác định đúng sứ mệnh sẽ dẫn dắt tầm nhìn và toàn bộ phần còn lại trong chiến lược hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai.
Tìm hiểu thêm:
- Startup là gì? Những lưu ý khi thành lập công ty khởi nghiệp
- Thủ tục thành lập Chi nhánh, văn phòng đại diện mới nhất
5. Cách xác định tầm nhìn và sứ mệnh cho doanh nghiệp
Xác định tầm nhìn và sứ mệnh là một phần quan trọng để tạo nền tảng phát triển bền vững cho một doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để xác định được tầm nhìn, sứ mệnh của doanh nghiệp một cách hiệu quả, đồng thời phản ánh đúng những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp? Hãy cùng đi vào chi tiết các bước xác định dưới đây:
5.1. Bước 1: Nghiên cứu thị trường
Thị trường có ảnh hưởng sâu sắc đến việc xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, ngay từ bước đầu, doanh nghiệp cần nghiên cứu thật kỹ về thị trường mục tiêu mà mình đang hướng tới.
Ở bước này, doanh nghiệp cần trả lời được những câu hỏi:
– Sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp là gì?
– Sản phẩm, dịch vụ này có giải quyết được “điểm đau” (pain point) của khách hàng mục tiêu?
– Sản phẩm, dịch vụ này đáp ứng những nhu cầu nào của khách hàng?
– Tại sao khách hàng nên chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp mà không phải là của đối thủ khác?
– Doanh nghiệp mang đến những giá trị gì cho khách hàng?
– …
Xu hướng thị trường cũng như nhu cầu khách hàng luôn luôn biến đổi liên tục. Chính vì vậy, bước nghiên cứu thị trường sẽ là quan trọng, giúp doanh nghiệp đánh trúng tâm lý của khách hàng. Từ đó mới có thể xác định được đúng mục tiêu và chiến lược trong dài hạn.
5.2. Bước 2: Xác định giá trị doanh nghiệp có thể mang lại
Sau khi có được góc nhìn tổng quan về thị trường, ban lãnh đạo doanh nghiệp cần xác định được đâu là những giá trị tốt nhất mà mình có thể mang lại cho khách hàng. Theo đó, khi xác định tầm nhìn chiến lược, các nhà lãnh đạo cần phác họa được bức tranh toàn cảnh của doanh nghiệp trong tương lai. Đây chính là mục tiêu dài hạn mà doanh nghiệp đang hướng đến trong 10 năm, 15 năm hoặc 20 năm sau.
Để xác định tuyên bố về sứ mệnh, doanh nghiệp không nên chỉ tập trung làm rõ những ưu điểm nổi trội của mình. Thay vào đó, hãy cho khách hàng thấy được những đóng góp bền vững mà doanh nghiệp có thể mang lại cho thị trường, cộng đồng và xã hội. Việc truyền đạt những giá trị bền vững này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin và các mối quan hệ lâu dài. Điều này cũng đáp ứng đúng kỳ vọng ngày càng cao của công chúng đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
5.3. Bước 3: Brainstorming, sáng tạo ý tưởng
Xây dựng tầm nhìn, sứ mệnh không phải là một quá trình dễ dàng, đặc biệt là với các doanh nghiệp trẻ. Quá trình này đòi hỏi doanh nghiệp phải nhạy bén trước các xu hướng mới của thị trường đồng thời đưa ra những giá trị độc đáo nhằm xác định tầm nhìn và sứ mệnh phù hợp với bối cảnh thời đại.
Quan trọng hơn, quá trình xác định sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp không chỉ là công việc của lãnh đạo mà được xem là nhiệm vụ chung. Điều này đòi hỏi sự đóng góp và cam kết từ tất cả các thành viên của tổ chức. Bắt đầu từ việc brainstorming, đưa ra các ý tưởng và lý giải chúng một cách thật cặn kẽ. Sau cùng là đi đến thống nhất về các tuyên bố tầm nhìn, sứ mệnh. Từ đó tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững và thành công của doanh nghiệp trong tương lai.
5.4. Bước 4: Ban hành, lắng nghe và sửa đổi
Sau khi đã có được sự thống nhất về sứ mệnh, tầm nhìn, doanh nghiệp cần tiến hành truyền đạt một cách rõ ràng và minh bạch cho toàn bộ tổ chức. Ngoài ra có thể thông qua truyền thông, báo chí để gửi thông tin đến các bên liên quan như khách hàng, đối tác,…
Chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp cũng cần tạo cơ hội để mọi người đưa ra ý kiến và phản hồi. Bởi mọi hoạt động dựa trên sự lắng nghe, thảo luận, góp ý và tư duy đổi mới mới có thể góp phần xây dựng tầm nhìn và sứ mệnh vững chắc. Điều này cũng đồng thời giúp doanh nghiệp duy trì tính linh hoạt, thích ứng nhanh chóng trước những biến động của thị trường.
6. Ví dụ về sứ mệnh và tầm nhìn của các doanh nghiệp hàng đầu
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về vai trò của tầm nhìn và sứ mệnh, chúng ta hãy cùng đi vào phân tích các ví dụ thành công của những doanh nghiệp hàng đầu hiện nay. Thông qua đó có thể xác định được đâu là yếu tố dẫn đường, giúp các doanh nghiệp đạt được nhiều thành tựu to lớn trong lĩnh vực của mình.
6.1. PNJ
– Tầm nhìn: Là công ty chế tác và bán lẻ trang sức hàng đầu châu Á, giữ vị trí số 1 trong các phân khúc trung và cao cấp tại Việt Nam.
– Sứ mệnh: PNJ mang lại niềm kiêu hãnh cho khách hàng bằng các sản phẩm trang sức tinh tế, chất lượng vượt trội.
PNJ là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trang sức vàng, bạc, đá quý. Được thành lập vào năm 1988, PNJ đã nhanh chóng trở thành một thương hiệu uy tín, nổi tiếng với đa dạng sản phẩm chất lượng cao và dịch vụ khách hàng xuất sắc. Qua tuyên bố tầm nhìn và sứ mệnh của PNJ, có thể thấy cam kết của công ty không chỉ dừng ở việc tạo ra trang sức chất lượng cao mà còn là những trải nghiệm đặc biệt, mang đến vẻ đẹp đẳng cấp cho mọi khách hàng.
6.2. Google
– Tầm nhìn: To provide access to the world’s information in one click (Tạm dịch: Cung cấp thông tin cho toàn cầu chỉ với một nút nhấn).
– Sứ mệnh: To organize the world’s information and make it universally accessible and useful (Tạm dịch: Sắp xếp và biến thông tin trở nên hữu ích, dễ dàng tiếp cận với tất cả mọi người).
Google là một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới, được biết đến là “bách khoa toàn thư” của toàn nhân loại. Tầm nhìn và sứ mệnh của Google tập trung vào việc kết nối và mang lại giá trị cho cộng đồng thông qua công nghệ và thông tin. Đây chính là nền tảng định hướng cho mọi hoạt động của Google, thúc đẩy tổ chức phát triển và cung cấp đa dạng sản phẩm/dịch vụ để đáp ứng nhu cầu người dùng. Một vài cái tên nổi bật phải kể đến như: Google Search, Google Maps, Gmail, Youtube,…
6.3. Tesla
– Tầm nhìn: To create the most compelling car company of the 21st century by driving the world’s transition to electric vehicles (Tạm dịch: Tạo ra công ty xe hơi dẫn đầu thế kỷ 21 bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi của thế giới sang xe điện).
– Sứ mệnh: To accelerate the world’s transition to sustainable energy (Tạm dịch: Thúc đẩy sự chuyển đổi của thế giới sang năng lượng bền vững).
Tesla là một công ty chuyên sản xuất và phân phối các loại xe ô tô điện đồng thời được biết đến là công ty tiên phong trong lĩnh vực phát triển công nghệ năng lượng tái tạo. Tầm nhìn và sứ mệnh của Tesla không chỉ đơn thuần là về việc sản xuất xe điện mà còn là cam kết của họ đối với việc giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, hướng tới một tương lai bền vững.
Như vậy, Maison Office đã vừa giúp bạn tìm hiểu “Tầm nhìn là gì?”, “Sứ mệnh là gì?” cũng như cách phân biệt giữa hai khái niệm quan trọng này. Hy vọng những thông tin chia sẻ trên đây có thể giúp bạn xác định được tầm nhìn và sứ mệnh phù hợp cho doanh nghiệp của mình.
Nhà biên tập và sản xuất nội dung tại Maison Office.
Có hơn 3 năm kinh nghiệm sản xuất nội dung trong lĩnh vực bất động sản và nội thất văn phòng. Với hiểu biết và kiến thức của mình, tôi luôn cố gắng tạo ra những bài viết có tính chuyên môn cao, mang đến giá trị thông tin cho khách hàng.