Maison Office

Chứng nhận Green Mark cho công trình xanh là gì?

Theo dõi Maison Office trên
Tổng quan về bộ tiêu chuẩn Green Mark

Đứng trước các thách thức về biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, xu hướng xây dựng và phát triển bền vững đã trở thành ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia hiện nay. Trong bối cảnh đó, tiêu chuẩn Green Mark nổi lên như một công cụ mạnh mẽ, thúc đẩy việc xây dựng các công trình xanh thân thiện với môi trường. Hệ thống tiêu chí đánh giá này không chỉ phát triển mạnh mẽ tại Singapore mà còn lan rộng sang các nước thuộc khu vực Đông Nam Á.  

1. Chứng nhận Green Mark là gì?

Chứng nhận Green Mark (Green Mark Certification Scheme) là hệ thống đánh giá công trình xanh được thiết lập để đánh giá tác động và hiệu suất môi trường của một tòa nhà, được Cơ quan Môi trường Xanh (BCA) của Bộ xây dựng Singapore công bố vào tháng 1 năm 2005. 

Green Mark là hệ thống đánh giá và chứng nhận công trình xanh của Singapore
Green Mark là hệ thống đánh giá và chứng nhận công trình xanh của Singapore

Green Mark có cấu trúc tương tự với các hệ thống tiêu chí đánh giá quốc tế đã được ban hành trước đó, bao gồm một số tiêu chí bền vững như: hiệu quả về năng lượng, tiết kiệm nước, quản lý và vận hành bền vững,… Song bộ tiêu chuẩn này cũng có sự điều chỉnh đáng kể nhằm phù hợp hơn với vùng khí hậu nhiệt đới. 

Việc phát triển và áp dụng chứng chỉ Green Mark không chỉ nhằm mục tiêu giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của ngành xây dựng. Hiện nay, trên thế giới có hơn 110 tòa nhà đã đạt được chứng nhận Green Mark về công trình xanh. 

** Tìm hiểu thêm về: Tiêu Chuẩn LOTUS là gì? & LEED Là Gì?

2. Nguồn gốc của chứng nhận Green Mark

Chứng chỉ Green Mark được phát triển bởi Cơ quan Môi trường Xanh (BCA – Building and Construction Authority). Đây là cơ quan công quyền do Chính phủ Singapore chịu trách nhiệm quản lý, đóng vai trò định hướng sự phát triển của ngành xây dựng tại nước này. 

Kể từ khi đưa vào áp dụng năm 2005, BCA Green Mark đã nhanh chóng trở thành một công cụ quan trọng góp phần định hướng và thúc đẩy việc xây dựng các công trình xanh tại Singapore. Không chỉ được áp dụng ở phạm vi trong nước, Green Mark hiện nay còn được áp dụng rộng rãi tại nhiều nước khác trên thế giới, đặc biệt là các nước khu vực Đông Nam Á. 

3. Lợi ích khi đạt chứng nhận BCA Green Mark là gì?

Tiêu chuẩn Green Mark được thiết lập nhằm mục tiêu thúc đẩy các công trình được xây dựng và vận hành một cách bền vững, thân thiện với môi trường. Việc đạt được mục tiêu này góp phần mang đến rất nhiều lợi ích quan trọng như sau:

  • Bảo vệ môi trường: Chứng nhận Green Mark khuyến khích việc xây dựng các công trình bền vững và thân thiện với môi trường. Điều này giúp giảm thiểu lượng chất thải ra ngoài môi trường, giảm khí thải nhà kính và góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên.
Áp dụng tiêu chuẩn Green Mark góp phần bảo vệ môi trường
Áp dụng tiêu chuẩn Green Mark góp phần bảo vệ môi trường
  • Tiết kiệm tài nguyên và năng lượng: Green Mark khuyến khích việc sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng một cách hiệu quả, ưu tiên các nguồn năng lượng tự nhiên và có thể tái tạo. Điều này không chỉ giúp giảm phát thải nhà kính mà còn góp phần tiết kiệm chi phí vận hành công trình về lâu dài. 
  • Cải thiện chất lượng môi trường bên trong: Hệ thống chứng nhận Green Mark cũng tập trung vào việc cải thiện chất lượng môi trường bên trong các công trình xanh. Trong đó bao gồm các biện pháp tối ưu về chất lượng không khí, nguồn nước, ánh sáng tự nhiên, tiếng ồn,… nhằm tạo ra môi trường sống lành mạnh và thoải mái cho người sử dụng. 
  • Tăng giá trị tài sản: Các công trình xanh đạt được chứng chỉ Green Mark thể hiện cam kết của chủ đầu tư đối với mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra nhiều lợi ích về mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Do đó, các công trình này thường có giá trị thương hiệu và tài sản cao hơn.
Công trình đạt được chứng chỉ Green Mark có giá trị tài sản cao hơn
Công trình đạt được chứng chỉ Green Mark có giá trị tài sản cao hơn
  • Thúc đẩy sáng tạo, đổi mới công nghệ: Green Mark khuyến khích các công trình áp dụng công nghệ mới và tiên tiến trong quá trình xây dựng và vận hành. Đồng thời cũng thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong lĩnh vực này nhằm tạo ra các công trình bền vững hơn. 
  • Tăng cường nhận thức của cộng đồng: Việc áp dụng tiêu chuẩn Green Mark cũng giúp tăng cường nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc xây dựng các công trình xanh bền vững, thân thiện với môi trường. Từ đó gia tăng cam kết trong việc chung tay bảo vệ môi trường tự nhiên. 

4. Tiêu chuẩn Green Mark áp dụng cho công trình nào?

Kể từ khi ra mắt vào năm 2005 cho đến nay, tiêu chuẩn Green Mark đã phát triển thành nhiều phiên bản khác nhau, tương ứng với các loại hình công trình như sau:

  • Green Mark for Non-Residential Buildings (GMN): Đây là phiên bản dành cho các công trình phi nhà ở, bao gồm: các tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại, hệ thống trường học, bệnh viện, khách sạn và các công trình khác không phải là nhà ở. 
  • Green Mark for Residential Buildings (GMR): Đây là phiên bản đánh giá và chứng nhận dành cho các dự án xây dựng nhà ở, bao gồm: các căn hộ chung cư, biệt thự. 
  • Green Mark for Parks (GMP): Phiên bản này đề ra các tiêu chuẩn đánh giá dành riêng cho các công viên, khuôn viên xanh công cộng, vườn hoa, khu vui chơi giải trí,… nhằm đảm bảo khu vực này mang lại lợi ích về mặt môi trường và xã hội.
  • Green Mark for Districts (GMD): Phiên bản Green Mark này được áp dụng cho các khu đô thị, khu vực tổng thể và khu quy hoạch phát triển bền vững. 
  • Green Mark for Existing Non-Residential Buildings (GMENR): Đây là phiên bản được áp dụng cho các công trình phi nhà ở đã hoạt động, vận hành trong thời gian dài. 
  • Green Mark for Existing Residential Buildings (GMER): Phiên bản này cung cấp hệ thống các tiêu chí đánh giá và chứng nhận cho các dự án nhà ở đang vận hành, đồng thời đề xuất các giải pháp cải tiến để nâng cao hiệu quả năng lượng và phát triển bền vững. 

5. Các tiêu chí đánh giá của hệ thống chứng nhận Green Mark

Hệ thống chứng nhận Green Mark đánh giá các công trình xây dựng dựa trên một loạt các tiêu chí. Trong đó bao gồm các tiêu chí bắt buộc (điều kiện tiên quyết để đạt được chứng chỉ) và các tiêu chí vượt chuẩn (điểm thưởng cho các sáng kiến, ý tưởng mới), được phân loại thành 5 hạng mục chính như sau: 

5.1. Hiệu quả về năng lượng

Hạng mục này tập trung vào việc tối ưu hóa sử dụng các hệ thống tiết kiệm năng lượng, bao gồm: hệ thống điều hòa không khí, hệ thống thông gió, hệ thống chiếu sáng, thang máy, thang cuốn,… Bên cạnh đó cũng khuyến khích việc sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên và năng lượng tái tạo. 

BCA Green Mark khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên
BCA Green Mark khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng tự nhiên

Dưới đây là một số giải pháp tối ưu năng lượng được hướng dẫn bởi bộ tiêu chí Green Mark:

  • Sử dụng các thiết bị điều hòa không khí có hiệu suất tốt hơn.
  • Thiết kế hệ thống thông gió tự nhiên.
  • Tận dụng nguồn ánh sáng tự nhiên, sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng. 
  • Lắp đặt hệ thống thông gió bãi đỗ xe với cảm biến CO. 
  • Lắp đặt thang máy, thang cuốn có động cơ điều khiển bằng điện áp xoay chiều.
  • Ưu tiên các nguồn năng lượng tự nhiên, thân thiện với môi trường và có thể tái tạo. 
  • Sử dụng năng lượng hiệu quả nhờ các thiết bị thông minh như: thiết bị hồi nhiệt, cảm biến chuyển động, tấm phản sáng, máy bơm nhiệt,… 

5.2. Hiệu quả sử dụng nước

Tiêu chí này tập trung vào việc giảm thiểu lượng nước tiêu thụ của công trình bằng cách áp dụng các biện pháp như: 

  • Lắp đặt hệ thống đo lường và phát hiện rò rỉ để kiểm soát lượng nước tốt hơn.
  • Sử dụng các thiết bị, phụ kiện tiết kiệm nước.
  • Tận dụng nước mưa hay hệ thống tuần hoàn nước cho các mục đích tưới tiêu, xả nước nhà vệ sinh, cung cấp cho hệ thống làm mát,… 
  • Sử dụng hệ thống tưới tự động tiết kiệm nước. 

5.3. Quản lý và vận hành bền vững

Tiêu chí này tập trung vào việc đánh giá cách quản lý, vận hành và bảo trì công trình nhằm đảm bảo hiệu quả hoạt động về lâu dài. Theo đó, các công trình xây dựng xanh được khuyến khích áp dụng các biện pháp bền vững như:

  • Ưu tiên sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường.
  • Trồng nhiều cây xanh để giảm hiệu ứng đảo nhiệt.
  • Giảm thiểu lượng chất thải từ quá trình xây dựng, vận hành ra ngoài môi trường.
  • Thu gom và phân loại các loại rác thải có thể tái chế. 
  • Thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, xe đạp hoặc xe điện.
  • Đưa ra các hướng dẫn xanh cho cộng đồng về việc giảm sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước, giảm chất thải,… 

5.4. Chất lượng môi trường bên trong công trình

Chất lượng môi trường bên trong là một trong những điều kiện tiên quyết mà các công trình xanh cần đáp ứng để đạt được chứng chỉ Green Mark. Hạng mục này bao gồm các yêu cầu cụ thể về chất lượng không khí, ánh sáng tự nhiên, mức độ tiếng ồn,… có thể được cải thiện bằng các cách như sau: 

  • Giảm thiểu các chất gây ô nhiễm trong không khí bằng cách sử dụng vật liệu tự nhiên, sản phẩm hữu cơ, thân thiện với môi trường. 
  • Đảm bảo hệ thống chiếu sáng tốt, đặc biệt là ở môi trường làm việc. 
  • Duy trì mức nhiệt và độ ẩm phù hợp.
  • Lắp đặt hệ thống kiểm soát khói bụi, khí thải độc hại.
  • Đáp ứng yêu cầu về kiểm soát tiếng ồn bên trong công trình.
  • Hệ thống thông gió tự nhiên cho mỗi không gian. 
Chất lượng môi trường bên trong công trình phải được đảm bảo
Chất lượng môi trường bên trong công trình phải được đảm bảo

5.5. Các giải pháp đổi mới và sáng tạo

Khác với các tiêu chí bắt buộc kể trên, đây được xem là khoản thưởng thêm cho các công trình khi có những giải pháp, sáng kiến đổi mới và sáng tạo giúp nâng cao hiệu suất và tính bền vững. Trong đó có thể kể đến như:

  • Hệ thống mặt ngoài tự làm sạch (Self-cleaning Façade System).
  • Hệ thống tái chế nước xám (Greywater Recycling System).
  • Hệ thống thu gom rác thải bằng khí nén.
  • Hệ thống thùng rác phân loại và tái chế.
  • Hệ thống quản lý và tái chế nước mưa.

6. Các cấp độ của chứng chỉ Green Mark

Dựa vào điểm số đạt được trong quá trình đánh giá theo các tiêu chí của Green Mark, các công trình xây dựng có thể đạt được 1 trong 4 cấp độ chứng chỉ như sau: 

  • Green Mark Certified: Được cấp cho công trình đạt từ 50 điểm trở lên. Đây là cấp độ thấp nhất của chứng chỉ Green Mark, cho thấy công trình đã đáp ứng một số tiêu chuẩn bền vững cơ bản. 
  • Green Mark Gold: Được cấp cho các công trình đạt từ 75 điểm trở lên.
  • Green Mark Gold Plus: Đây là cấp độ chứng chỉ được cấp cho các công trình đạt từ 85 điểm trở lên.
  • Green Mark Platinum: Đây là cấp độ chứng chỉ cao nhất của Green Mark, được cấp cho các công trình đạt từ 90 trở lên.
Các cấp độ của chứng chỉ Green Mark
Các cấp độ của chứng chỉ Green Mark

25 Tiêu chi đánh giá tòa nhà & văn phòng cho thuê

7. Các dự án nổi bật đã đạt chứng chỉ Green Mark 

Xu hướng xây dựng bền vững đang ngày càng được thúc đẩy trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam cũng không đứng ngoài xu thế đó khi ngày càng có nhiều dự án đạt được các chứng chỉ xanh quốc tế, trong đó có BCA Green Mark của Singapore. Hệ thống tiêu chí đánh giá này được xem là phù hợp với thực tiễn ngành xây dựng và điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Dưới đây là một vài dự án cao ốc nổi bật tại Việt Nam đã đạt được chứng nhận Green Mark: 

  • The Hallmark Tower: Tọa lạc ngay cửa ngõ của khu đô thị mới Thủ Thiêm, tòa nhà The Hallmark 30 tầng được đánh giá là tòa cao ốc văn phòng chất lượng hàng đầu tại TP.HCM. Đây cũng là một trong những dự án công trình xanh đã đạt được chứng nhận Green Mark Gold (Singapore) với việc sử dụng năng lượng và tài nguyên hiệu quả. 
The Hallmark (Thủ Thiêm) đã được cấp chứng nhận Green Mark Gold
The Hallmark (Thủ Thiêm) đã được cấp chứng nhận Green Mark Gold
  • The METT Tower: Tòa nhà The METT được xem là một trong những công trình kiến trúc biểu tượng của khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP.HCM. Lấy mục tiêu phát triển bền vững làm cốt lõi, tòa cao ốc này được thiết kế đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường. Với những nỗ lực đáng ghi nhận, The METT đã được trao chứng nhận Green Mark Gold về công trình xanh. 
  • Melinh Point Tower: Melinh Point Tower tọa lạc ngay trung tâm Quận 1 sầm uất, gần các khu dân cư và trung tâm thương mại lớn. Đây được biết đến là tòa nhà văn phòng đang hoạt động đầu tiên của Việt Nam được cấp chứng chỉ Green Mark Platinum từ BCA. Để đạt được kết quả này, Melinh Point Tower đã trải qua một quá trình cải tiến nhằm cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng cũng như kiến tạo một không gian thoải mái, thân thiện với môi trường. 
Melinh Point Tower đã được trao chứng nhận Green Mark Platinum
Melinh Point Tower đã được trao chứng nhận Green Mark Platinum

Có thể nói, tiêu chuẩn Green Mark không chỉ là một hệ thống chứng nhận công trình xanh mà còn là “kim chỉ nam” cho xu hướng phát triển bền vững trong ngành xây dựng. Trong tương lai, Việt Nam sẽ còn có nhiều dự án công trình xanh đạt được chứng nhận Green Mark, thể hiện cam kết mạnh mẽ về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

5/5 - (1 bình chọn)
0/5 (0 Reviews)
Contact Me on Zalo