Quy trình thiết kế hệ thống PCCC và những lưu ý quan trọng
Theo dõi Maison Office trênThiết kế hệ thống PCCC không chỉ là yêu cầu pháp lý bắt buộc đối với các công trình mà còn là giải pháp hàng đầu giúp bảo vệ tài sản và tính mạng con người. Việc thiết kế và triển khai hệ thống này đòi hỏi phải tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật. Bên cạnh đó, nó cũng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa thiết kế kỹ thuật và quy trình vận hành phù hợp với đặc thù từng loại công trình.
Nội dung chính
- Thiết kế hệ thống PCCC là gì?
- Các tiêu chuẩn thiết kế PCCC theo quy định hiện hành
- Các thành phần cơ bản của hệ thống PCCC
- Quy trình 9 bước thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy
- Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu và phân loại công trình PCCC
- Bước 2: Khảo sát thực tế công trình
- Bước 3: Thiết kế hệ thống PCCC
- Bước 4: Thẩm duyệt thiết kế
- Bước 5: Lập kế hoạch thi công
- Bước 6: Thi công và lắp đặt hệ thống chữa cháy
- Bước 7: Nghiệm thu công trình
- Bước 8: Cơ quan PCCC tiến hành nghiệm thu
- Bước 9: Kiểm tra, bảo trì công trình
- Những lưu ý quan trọng khi thiết kế hệ thống PCCC
- Giải đáp một vài câu hỏi thường gặp
Thiết kế hệ thống PCCC là gì?
Thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC) quá trình lập kế hoạch và triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình xây dựng (nhà ở, nhà xưởng, văn phòng, khu vực công cộng,…). Quá trình này bao gồm việc phân tích, tính toán và bố trí các thiết bị phù hợp để phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn và dập tắt đám cháy một cách hiệu quả.
Các tiêu chuẩn thiết kế PCCC theo quy định hiện hành
Dưới đây là các tiêu chuẩn thiết kế hệ thống PCCC được pháp luật quy định, giúp định hướng cho quá trình thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống PCCC phù hợp với từng loại công trình:
- Nghị định 136/2020 NĐ-CP;
- Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 06:2020/BXD;
- TCVN 3890:2009 – Yêu cầu về trang bị, bố trí, kiểm tra và bảo dưỡng phương tiện PCCC cho nhà và công trình;
- TCVN 4756:1989 – Quy phạm nối đất và nối không các thiết bị điện;
- TCVN 5307:2009 – Yêu cầu thiết kế kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ;
- TCVN 5334:2007 – Quy định về an toàn trong thiết kế, lắp đặt và sử dụng thiết bị điện kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ;
- TCVN 5507:2002 – Quy định về an toàn trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hóa chất nguy hiểm;
- TCVN 5684:2003 – Quy định chung về an toàn cháy các công trình dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ;
- TCVN 5738:2000 – Yêu cầu kỹ thuật của hệ thống báo cháy tự động;
- TCVN 6101:1990 – Thiết kế và lắp đặt hệ thống chữa cháy bằng cacbon dioxit;
- TCVN 6160:1996 – Yêu cầu thiết kế hệ thống PCCC đối với nhà cao tầng;
- TCVN 6223:1996 và TCVN 6223:2011 – An toàn trong các cửa hàng khí đốt hoá lỏng và dầu mỏ hóa lỏng;
- TCVN 6290:1997 – Yêu cầu kiểm tra chai chứa khí vĩnh cửu và kiểm tra tại thời điểm nạp khí;
- TCVN 6292:1997 – Yêu cầu kiểm tra chai chứa khí bằng thép hàn có thể nạp lại;
- TCVN 6034:1997 – Yêu cầu an toàn trong việc bảo quản, xếp dỡ và vận chuyển chai chứa khí đốt hoá lỏng;
- TCVN 6484:1999 – Yêu cầu an toàn trong thiết kế, chế tạo và sử dụng xe bồn vận chuyển khí đốt hoá lỏng;
- TCVN 7161-1:2002 – Quy định về hệ thống chữa cháy bằng khí bao gồm tính chất vật lý và thiết kế hệ thống (Phần 1: Yêu cầu chung);
- TCVN 7161-9:2009 – Quy định về hệ thống chữa cháy bằng khí bao gồm tính chất vật lý và thiết kế hệ thống (Phần 9: chất chữa cháy HFC 227EA);
- TCVN 9206:2012 – Lắp đặt thiết bị điện cho công trình nhà ở và công trình công cộng;
- TCVN 9207:2012 – Hướng dẫn thiết kế hệ thống dây điện cho công trình nhà ở và công cộng;
- TCVN 2622:1995 – Yêu cầu thiết kế phòng cháy, chống cháy cho nhà và công trình;
- TCVN 4879:1989 – biển báo an toàn liên quan đến phòng cháy;
- TCVN 5065:1990 – Tiêu chuẩn thiết kế khách sạn;
- TCVN 6161:1996 – Yêu cầu thiết kế phòng cháy và kiểm soát cháy cho chợ và trung tâm mua sắm;
- TCVN 6379:1998 – Quy định kỹ thuật cho thiết bị chữa cháy bằng trụ nước chữa cháy;
- TCVN 7278-1:2003 – Yêu cầu kỹ thuật cho chất tạo bọt chữa cháy độ nở thấp dùng để phun lên bề mặt các chất lỏng không hòa tan với nước;
- TCVN 7278-2:2003 – Yêu cầu kỹ thuật cho chất tạo bọt chữa cháy độ nở trung bình và cao dùng để phun lên bề mặt chất lỏng không hòa tan với nước;
- TCVN 7278-3:2003 – Yêu cầu kỹ thuật cho chất tạo bọt chữa cháy độ nở thấp dùng để phun lên bề mặt các chất lỏng cháy hòa tan được với nước;
- TCVN 48:1996 – Quy định chung về phòng cháy và kiểm soát cháy cho các doanh nghiệp TMDV;
Các thành phần cơ bản của hệ thống PCCC
Để tạo nên một hệ thống phòng cháy chữa cháy hoàn chỉnh thì cần có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều thành phần. Trong đó bao gồm: hệ thống báo cháy, hệ thống báo động và hệ thống thiết bị chữa cháy.
Hệ thống báo cháy
Hệ thống báo cháy có nhiệm vụ phát hiện và cảnh báo sớm về nguy cơ cháy nổ trong các công trình, từ đó gửi tín hiệu về trung tâm báo cháy để tiếp tục xử lý. Điều này cho phép người dân kịp thời phát hiện đám cháy ở giai đoạn ban đầu và dập tắt đám cháy nhanh chóng bằng các thiết bị cơ bản.
Cấu tạo của hệ thống báo cháy bao gồm các thành phần cơ bản:
- Đầu báo cháy (Cảm biến cháy): Có chức năng nhận biết các dấu hiệu cháy nổ như khói trong không khí, nhiệt độ tăng cao đột ngột, rò rỉ khí gas,…
- Nút nhấn khẩn cấp: Cho phép người dân kích hoạt cảnh báo cháy thủ công khi phát hiện các dấu hiệu cháy nổ.
- Trung tâm báo cháy: Là thiết bị chủ chốt trong hệ thống, có nhiệm vụ thu nhận tín hiệu từ các đầu báo cháy, phân tích và xác định nguồn gốc của sự cố. Đồng thời gửi tín hiệu cảnh báo đến các thiết bị báo động và thông báo cho các bộ phận liên quan.
- Thiết bị cảnh báo: Bao gồm đèn báo cháy, chuông báo cháy, loa hướng dẫn thoát nạn,…
Hệ thống báo động và thông báo
Đây là hệ thống được thiết kế để phát tín hiệu cảnh báo về sự cố cháy nổ, giúp mọi người trong khu vực nhanh chóng nhận biết và thực hiện các biện pháp phòng ngừa hoặc di tản an toàn. Hệ thống này hoạt động ngay sau khi có tín hiệu từ hệ thống báo cháy, đảm bảo sự ứng phó nhanh chóng trong mọi tình huống khẩn cấp.
Khi có sự cố hỏa hoạn, hệ thống báo động cũng có chức năng thông báo đến lực lượng phòng cháy chữa cháy. Từ đó giúp lực lượng ứng cứu xác định chính xác nguồn cháy và đưa ra phương án xử lý kịp thời.
Hệ thống thiết bị chữa cháy
Đây là một trong những thành phần chính của hệ thống phòng cháy chữa cháy tiêu chuẩn. Hệ thống này có nhiệm vụ dập tắt đám cháy, đồng thời ngăn ngừa sự lan rộng của nó nhằm các giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Hiện nay có 04 loại hệ thống thiết bị chữa cháy khác nhau, phù hợp với đặc thù của từng công trình:
Hệ thống chữa cháy Sprinkler
Hệ thống chữa cháy Sprinkler là hệ thống chữa cháy tự động, sử dụng các vòi phun (sprinkler heads) để phun nước trực tiếp lên đám cháy. Nguyên lý hoạt động của hệ thống Sprinkler như sau:
- Khi có sự cố hỏa hoạn và nhiệt độ tại một khu vực tăng cao đến ngưỡng đã cài đặt (thường từ 68 – 74°C), cảm biến nhiệt của vòi phun sẽ được kích hoạt.
- Lúc này, lớp chặn nước của vòi phun sẽ tự động mở ra và phun nước trực tiếp vào đám cháy.
Ưu điểm nổi bật của hệ thống này là khả năng xác định nguồn cháy chính xác và kích hoạt vòi phun tại khu vực cháy cụ thể thay vì kích hoạt toàn bộ hệ thống. Điều này không chỉ tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nước trong công tác chữa cháy mà còn góp phần hạn chế hư hại tài sản không cần thiết.
Hệ thống chữa cháy bằng bọt
Đây là phương pháp chữa cháy hiệu quả, đặc biệt phù hợp với các môi trường có nguy cơ cháy nổ cao như kho xăng, dầu hoặc hóa chất. Khi cảm biến phát hiện dấu hiệu cháy nổ, hệ thống lúc này sẽ được kích hoạt và tiến hành pha trộn dung dịch tạo bọt với nước và không khí. Sau đó bọt chữa cháy sẽ được phun qua các đầu phun và bao phủ lên toàn bộ bề mặt chất lỏng cháy, tạo ra một màng chắn có chức năng:
- Ngăn chặn oxy để làm gián đoạn quá trình cháy.
- Làm giảm nhiệt độ bề mặt, ngăn ngừa khả năng bốc hơi của chất lỏng dễ cháy.
- Tạo lớp bảo vệ trên bề mặt, giảm nguy cơ đám cháy lan sang các khu vực khác.
Ưu điểm của hệ thống chữa cháy bằng bọt là hầu như không làm hư hỏng các loại hàng hóa hay thiết bị. Do đó, nó thường được lắp đặt cho các nhà máy sản xuất hoặc kho chứa hàng hóa giá trị cao.
Hệ thống chữa cháy bằng CO2
Hệ thống chữa cháy CO2 hoạt động bằng cách sử dụng khí carbon dioxide (CO2) để dập tắt đám cháy. Hệ thống có thể được kích hoạt thủ công hoặc tự động khi cảm biến phát hiện dấu hiệu cháy. Lúc này, van điều khiển sẽ được kích hoạt để xả khí CO2 mật độ cao vào đám cháy, làm giảm lượng oxy trong không khí và ngăn chặn quá trình cháy xảy ra.
Khí CO2 là loại khí trơ, không để lại dư lượng sau khi chữa cháy. Do đó rất phù hợp với các môi trường có nhiều thiết bị điện tử, máy móc hoặc tài liệu quan trọng.
Hệ thống chữa cháy bằng hóa chất khô
Đây là hệ thống chữa cháy sử dụng bột khô chuyên dụng để kiểm soát nhanh chóng các sự cố hỏa hoạn. Nó có thể được sử dụng để đối phó với nhiều loại đám cháy, bao gồm cháy cho khí đốt, chất lỏng dễ cháy hoặc thiết bị điện.
Ưu điểm của hệ thống chữa cháy bằng bột khô là khả năng xử lý linh hoạt đối với nhiều loại đám cháy khác nhau. Ngoài ra, hóa chất khô cũng có thể được bảo quản trong thời gian dài mà không bị giảm chất lượng. Hạn chế lớn nhất là hóa chất khô thường tạo ra một lượng lớn bụi bột, đòi hỏi cần nhiều thời gian và công sức để làm sạch.
Quy trình 9 bước thiết kế hệ thống phòng cháy chữa cháy
Quy trình thiết kế hệ thống PCCC không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên môn sâu về kỹ thuật mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan. Dưới đây là chi tiết quy trình thiết kế PCCC đạt chuẩn:
Bước 1: Tiếp nhận yêu cầu và phân loại công trình PCCC
Trước tiên, đơn vị thiết kế hệ thống chữa cháy sẽ tiếp nhận yêu cầu từ chủ đầu tư và xác định loại hình công trình. Sau khi đánh giá sơ bộ các yêu cầu thiết kế, đơn vị sẽ tiến hành phân loại công trình PCCC.
Bước 2: Khảo sát thực tế công trình
Sau khi tiếp nhận yêu cầu, đơn vị thiết kế PCCC sẽ tiến hành khảo sát thực tế công trình. Đây là bước quan trọng để các kỹ sư thu thập thông tin chi tiết về hiện trạng công trình, từ đó đưa ra giải pháp thiết kế phù hợp.
Các thông tin cần được khảo sát bao gồm:
- Cấu trúc công trình (quy mô, diện tích, số tầng,…).
- Đánh giá các khu vực có nguy cơ cháy nổ.
- Kiểm tra hệ thống điện, nước và thông gió.
- Đánh giá các yếu tố về an toàn và thoát hiểm.
- Khảo sát các yếu tố môi trường và đặc thù công trình.
Bước 3: Thiết kế hệ thống PCCC
Dựa trên những dữ liệu đã thu thập, nhà thầu sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể cho việc thiết kế hệ thống PCCC. Trong đó, các hạng mục chính bao gồm:
- Lựa chọn loại hệ thống và thiết bị chữa cháy;
- Thiết kế hệ thống báo cháy;
- Thiết kế hệ thống chữa cháy;
- Thiết kế hệ thống thoát hiểm;
- Phương án phòng cháy cho từng khu vực đặc thù;
- Lập sơ đồ hệ thống PCCC chi tiết.
Bước 4: Thẩm duyệt thiết kế
Sơ đồ thiết kế PCCC sau khi hoàn thành sẽ được gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện thủ tục thẩm duyệt. Đây là bước bắt buộc nhằm mục đích kiểm tra, đánh giá và phê duyệt tính đạt chuẩn của hệ thống PCCC theo quy định của pháp luật.
Bước 5: Lập kế hoạch thi công
Sau khi phương án thiết kế PCCC được thẩm duyệt, nhà thầu sẽ tiến hành lên kế hoạch thi công chi tiết cho công trình.
Bước 6: Thi công và lắp đặt hệ thống chữa cháy
Đây là giai đoạn quan trọng, trong đó các công việc xây dựng thực tế sẽ được triển khai theo đúng kế hoạch và tiến độ đã đề ra.
Bước 7: Nghiệm thu công trình
Bước tiếp theo sau khi hoàn tất giai đoạn thi công là nghiệm thu công trình PCCC. Đây là quá trình kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hệ thống PCCC để đảm bảo độ hoàn thiện và khả năng hoạt động theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.
Bước 8: Cơ quan PCCC tiến hành nghiệm thu
Sau bước nghiệm thu của nhà thầu và đơn vị thi công, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành giai đoạn nghiệm thu chính thức. Trong đó bao gồm các hạng mục chính:
- Kiểm tra toàn bộ hệ thống PCCC;
- Đánh giá sự tuân thủ các quy định pháp lý;
- Thử nghiệm hoạt động của hệ thống chữa cháy;
- Kiểm tra chất lượng hệ thống, thiết bị chữa cháy.
Sau cùng, cơ quan PCCC sẽ cấp giấy chứng nhận nghiệm thu cho các công trình đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ thuật và an toàn.
Bước 9: Kiểm tra, bảo trì công trình
Nhà thầu là đơn vị chịu trách nhiệm kiểm tra và bảo trì hệ thống chữa cháy định kỳ. Nếu có bất kỳ vấn đề nào phát sinh trong thời hạn bảo hành, đơn vị này cũng có trách nhiệm sửa chữa để đảm bảo hệ thống đáp ứng các tiêu chuẩn PCCC.
Những lưu ý quan trọng khi thiết kế hệ thống PCCC
Dưới đây là một vài lưu ý quan trọng cần được xem xét để triển khai quy trình thiết kế hệ thống PCCC đạt chuẩn:
- Lựa chọn hệ thống PCCC phù hợp với đặc điểm của công trình.
- Đảm bảo khoảng cách an toàn giữa địa điểm thi công hệ thống PCCC với các công trình xung quanh.
- Đảm bảo hệ thống PCCC có khả năng bao phủ toàn bộ công trình.
- Hệ thống lối thoát hiểm và cứu nạn phải được thiết kế đạt chuẩn, dễ dàng cho việc tiếp cận khi có sự cố.
- Lập kế hoạch kiểm tra và bảo trì định kỳ nhằm duy trì khả năng hoạt động của hệ thống.
- Đào tạo người dùng công trình về cách sử dụng hệ thống PCCC.
- Đảm bảo chất lượng của các thiết bị và hệ thống PCCC.
Giải đáp một vài câu hỏi thường gặp
Khi nào cần thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC?
Việc thiết kế và lắp đặt hệ thống PCCC là yêu cầu bắt buộc đối với các công trình thuộc diện phải đảm bảo an toàn về cháy nổ theo Nghị định số 35/2003/NĐ-CP. Trong đó bao gồm:
- Công trình nhà ở tập thể, chung cư từ 5 tầng trở lên;
- Trường học, cơ sở giáo dục từ 3 tầng trở lên;
- Bệnh viện cấp huyện trở lên, cơ sở khám chữa bệnh đa khoa có quy mô từ 25 giường;
- Dự án quy hoạch cải tạo hoặc xây dựng mới đô thị các loại;
- Dự án quy hoạch cải tạo hoặc xây dựng mới khu công nghiệp, khu chế xuất, đặc khu kinh tế, khu dân cư cấp tỉnh trở lên;
- Siêu thị, cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại có quy mô từ 300m2 trở lên.
Chi phí thiết kế và thi công hệ thống phòng cháy chữa cháy?
Chi phí thiết kế và thi công hệ thống PCCC có thể có sự chênh lệch khá lớn đối với từng loại hình công trình cũng như quy mô và độ phức tạp của hệ thống.
- Với các công trình nhỏ (nhà ở, văn phòng): Chi phí thường dao động từ 50 triệu – 150 triệu đồng/dự án.
- Với các công trình lớn (nhà máy, tòa nhà văn phòng, trung tâm thương mại): Chi phí thường dao động từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng.
Thực tế, chủ đầu tư sẽ cần tham khảo báo giá từ nhiều nhà thầu khác nhau để có được dự toán chi phí chính xác nhất.
Có bắt buộc nghiệm thu hệ thống PCCC?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc nghiệm thu hệ thống PCCC là yêu cầu bắt buộc đối với các công trình xây dựng thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế PCCC. Điều này được quy định tại Luật Phòng cháy và chữa cháy và các văn bản hướng dẫn liên quan.
Có thể thấy, thiết kế hệ thống PCCC không chỉ cần đáp ứng các yêu cầu về mặt kỹ thuật mà còn phải tuân thủ các quy định pháp lý và tiêu chuẩn an toàn. Một hệ thống PCCC tối ưu và đạt chuẩn sẽ góp phần to lớn vào việc bảo vệ tài sản và tính mạng con người, đồng thời thể hiện trách nhiệm và cam kết của chủ đầu tư đối với cộng đồng.
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.