Maison Office

Khu đô thị là gì? Top 5 khu đô thị lớn nhất tại TP.HCM

Theo dõi Maison Office trên
Khám phá các khu đô thị lớn nhất TP.HCM

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, các khu đô thị lớn và hiện đại cũng dần được hình thành. Đây không chỉ là nơi tập trung đông dân cư mà còn được xem là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của các tỉnh thành và quốc gia. Trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng gia tăng, vai trò của khu đô thị cũng trở nên ngày càng quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu sinh sống và phát triển của cộng đồng. Vậy khu đô thị là gì? Đâu là tiêu chí để được công nhận là một khu đô thị hiện đại? Tất cả sẽ được Maison Office giải đáp trong bài viết dưới đây!

1. Khu đô thị là gì?

Khái niệm khu đô thị là gì được quy định rõ tại Khoản 3 Điều 1.2 của Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam 01:2018/BXD như sau: “Khu đô thị là khu vực xây dựng một hay nhiều khu chức năng của đô thị, được giới hạn bởi các ranh giới tự nhiên, ranh giới nhân tạo hoặc các đường chính đô thị.”

Khu đô thị là gì?
Khu đô thị là gì?

Một khu đô thị bao gồm các đơn vị ở, công trình dịch vụ cho khu đô thị đó (có thể là các công trình dịch vụ chung của toàn đô thị hoặc cấp vùng). Theo đó, mọi công trình kiến trúc, hệ thống giao thông, tiện ích công cộng,… đều được tính toán kỹ lưỡng sao cho phù hợp với cơ sở hạ tầng trong khu đô thị. 

Bên cạnh chức năng dân cư, các khu đô thị hiện nay còn thực hiện các chức năng thương mại, dịch vụ, tài chính, giải trí,… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng. Sự xuất hiện của hàng loạt khu đô thị hiện đại, sang trọng đã góp phần làm thay đổi mạnh mẽ diện mạo đô thị của Việt Nam, đồng thời giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hiện nay, Hà Nội và TP.HCM được biết đến là 2 thành phố lớn có tốc độ đô thị hóa dẫn đầu cả nước, hình thành nhiều khu đô thị mới văn minh và hiện đại bậc nhất.   

2. Các tiêu chí công nhận một khu đô thị

Để được công nhận là một khu đô thị, khu vực đó cần đáp ứng các tiêu chí theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các tiêu chí để công nhận một khu đô thị không chỉ đơn thuần là quy mô và dân số mà còn liên quan chặt chẽ đến nhiều yếu tố khác, từ cơ sở hạ tầng đến môi trường sống và văn hóa – xã hội.

2.1. Quy mô và mật độ dân số

Nghị định số 72/2001/NĐ-CP về việc phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị có quy định: Một đơn vị hành chính muốn được công nhận là khu đô thị cần có quy mô dân số ít nhất là 4.000 người. Đối với các khu đô thị mới, số lượng dân cư ít nhất phải đạt khoảng 5.000 người trở lên. Mật độ dân số phải phù hợp với quy mô, tính chất và đặc điểm của từng loại đô thị. 

Xét về quy mô diện tích của khu đô thị, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về tiêu chí này. Theo đó, quy mô diện tích KĐT sẽ do chủ đầu tư xin trình duyệt để được cấp phép. Diện tích KĐT có thể từ vài hecta cho đến hàng trăm hecta tùy theo mục đích xây dựng. 

2.2. Trình độ phát triển cơ sở hạ tầng

Các khu đô thị đều cần được chú trọng đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc cảnh quan. Theo đó, Nghị định số 72/2001/NĐ-CP có quy định: Cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động của dân cư phải đạt tối thiểu 70% mức tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định cho từng loại đô thị. Bên cạnh đó cũng cần đảm bảo tính lành mạnh, thân thiện của môi trường văn hóa đô thị. Các công trình kiến trúc cũng được tính toán kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với kiến trúc cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Khu đô thị cần đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng
Khu đô thị cần đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng

2.3. Tỷ lệ lao động thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp

Bên cạnh các tiêu chuẩn về quy mô dân số và trình độ phát triển cơ sở hạ tầng, một khu đô thị đạt chuẩn cũng cần đáp ứng tiêu chuẩn về tỷ lệ lao động trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Theo đó, khu đô thị phải có tỷ lệ lao động phi nông nghiệp tối thiểu là 65% trên tổng số lao động của khu vực. 

2.4. Vai trò và chức năng đô thị

Vị trí của khu đô thị phải phù hợp với định hướng quy hoạch của địa phương. Quá trình quản lý, khai thác sử dụng KĐT phải hướng đến vì lợi ích của cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó, khu đô thị cũng cần được xây dựng và phát triển thành trung tâm tổng hợp hoặc trung tâm chuyên ngành, thực hiện vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng lãnh thổ hoặc cả nước.

Các khu đô thị đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt
Các khu đô thị đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt

2.5. Cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế – xã hội

Cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế – xã hội là tiêu chí cuối cùng cần được đảm bảo nhằm phát triển một khu đô thị. Theo đó, mỗi khu đô thị cần đáp ứng đủ 6 tiêu chuẩn với số điểm được quy định rõ, bao gồm: 

  • Cân đối thu chi ngân sách
  • Thu nhập bình quân đầu người/năm so với cả nước
  • Mức tăng trưởng kinh tế bình quân trong 3 năm gần nhất
  • Chuyển dịch cơ cấu kinh tế
  • Tỷ lệ dân số hàng năm
  • Tỷ lệ hộ nghèo

3. Phân loại khu đô thị 

Như vậy ta đã cùng tìm hiểu khái niệm KĐT là gì cũng như những tiêu chí để trở thành một KĐT mới. Trong phần này, Maison Office sẽ giúp bạn phân loại các khu đô thị hiện nay. 

  • Khu đô thị phức hợp: KĐT phức hợp là một loại hình phát triển đô thị đa chức năng, được xây dựng phức hợp với nhiều công trình và cơ sở hạ tầng. Bao gồm: trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, quảng trường, công viên, nhà hàng, khách sạn và các loại hình công trình công cộng phục vụ dân cư. 
  • Khu đô thị vệ tinh: Đây là các khu đô thị mới nằm lân cận trung tâm các thành phố lớn, được xây dựng nhằm mục đích giảm bớt áp lực về giao thông, dân số,… Các KĐT vệ tinh thường có các tiện ích cơ bản như: trường học, bệnh viện, công viên và cơ sở hạ tầng giao thông phát triển để thu hút dân cư và nguồn đầu tư từ các đô thị lớn. 
  • Khu đô thị sinh thái: Khu đô thị sinh thái là loại hình khu đô thị có mật độ dân số thấp, được chuyển đổi sang quy mô dân số trung bình hoặc cao. Song song với đó, KĐT được thiết kế và xây dựng nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường tự nhiên và không gian xanh. Trong một khu đô thị sinh thái, các yếu tố như: sử dụng đất đai, quản lý nước, tiết kiệm năng lượng, tái chế rác thải,… được tích hợp một cách thông minh nhằm tạo ra môi trường sống bền vững cho cư dân.
Loại hình khu đô thị sinh thái
Loại hình khu đô thị sinh thái
  • Khu đô thị thông minh: Loại hình đô thị này được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) để thu thập và quản lý dữ liệu của toàn thành phố. Theo đó, các hệ thống và dịch vụ tại KĐT đều được kết nối nhờ công nghệ số, từ quản lý năng lượng, quản lý rác thải cho đến hệ thống giao thông và an ninh trật tự. Nhờ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của cư dân, đồng thời tăng cường khả năng quản lý của các cấp chính quyền địa phương. 
  • Khu đô thị sáng tạo: Đây là loại hình khu đô thị được phát triển nhằm thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong các lĩnh vực. Bằng cách tập trung các công ty công nghệ, doanh nghiệp tăng trưởng cao, các tổ chức nghiên cứu và giáo dục,… KĐT thông minh tạo ra một hệ sinh thái đa ngành, thúc đẩy phát triển các ngành nghề đầu tàu tiềm năng. 

4. Quy định về quy hoạch KĐT của nhà nước

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị 2009: Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân sống trong đô thị được thể hiện thông qua đồ án quy hoạch đô thị.

Quy định về quy hoạch khu đô thị cụ thể như sau:

  • Quy hoạch chung: Được áp dụng cho thành phố trực thuộc trung ương, thành phố thuộc tỉnh, thị xã, thị trấn và các đô thị mới, bao gồm việc tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của đô thị. Song song với đó là đảm bảo an ninh, quốc phòng và phát triển bền vững.
  • Quy hoạch phân khu: Được lập cho các khu vực trong thành phố, thị xã và đô thị mới; bao gồm việc phân chia và xác định các chức năng, mạng lưới công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị của một khu vực nhằm cụ thể hóa nội dung quy hoạch chung. 
  • Quy hoạch chi tiết: Bao gồm việc phân chia và xác định chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch đô thị, yêu cầu quản lý kiến trúc, cảnh quan của từng lô đất; bố trí công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội nhằm cụ thể hoá nội dung của quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chung. Quy định này được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng.

5. Top 5 khu đô thị lớn nhất tại TPHCM

Trên bản đồ đô thị Việt Nam, TP.HCM nổi bật với nhiều khu đô thị lớn hiện đại, từ khu vực trung tâm sầm uất đến những khu vực phát triển mới nổi. Các khu đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là biểu tượng cho sự phát triển kinh tế mà còn góp phần làm thay đổi bộ mặt của thành phố trong nhiều năm trở lại đây. Dưới đây là top 5 khu đô thị lớn nhất tại TP.HCM:

5.1. Khu đô thị Vinhomes Central Park 

Vinhomes Central Park là khu đô thị hiện đại bậc nhất tại TP.HCM, mang đậm dấu ấn của tập đoàn Vingroup – một trong những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam. Dự án được triển khai với tổng vốn đầu tư lên đến 30.000 tỷ đồng. Quy mô của toàn bộ dự án khoảng 43,91 ha, trong đó diện tích mảng xanh chiếm khoảng 13,8 ha, mật độ xây dựng là 16%. 

Khu đô thị Vinhomes Central Park hiện đại bậc nhất
Khu đô thị Vinhomes Central Park hiện đại bậc nhất

Khu đô thị sở hữu vị trí vô cùng đắc địa ngay trung tâm thành phố, nằm bên bờ sông Sài Gòn thơ mộng với tầm nhìn tuyệt đẹp. Bên cạnh đó là hệ thống tiện ích đẳng cấp quốc tế, mang đến cho cư dân một cuộc sống tiện nghi, hiện đại và đẳng cấp. Mặt bằng tổng thể của khu đô thị được chia thành 3 phân khu chức năng chính. Trong đó bao gồm khu nhà ở với 93 căn biệt thự cùng 10.000 căn hộ cao cấp, căn hộ dịch vụ, văn phòng cho thuê và tòa cao ốc Landmark 81. Ngoài ra còn có 1 trung tâm thương mại đầy đủ tiện ích với quy mô 59.000 m2. 

Cư dân sinh sống tại KĐT Vinhomes Central Park sẽ được tận hưởng hệ sinh thái khép kín bao gồm các tiện ích: Trung tâm thương mại Vincom, Trường học Vinschool, Bệnh viện Vinmec, Tòa nhà văn phòng cho thuê,… 

5.2. Khu đô thị Phú Mỹ Hưng

Khu đô thị Phú Mỹ Hưng tọa lạc tại Quận 7, TP.HCM được biết đến là một trong những khu đô thị kiểu mẫu đầu tiên tại Việt Nam. Với diện tích hơn 750 ha, khu đô thị này được ví như một “thành phố thu nhỏ” hiện đại, tiện nghi và đẳng cấp – nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố cho một cuộc sống chất lượng. Hiện KĐT Phú Mỹ Hưng đang được định hướng để trở thành KĐT đa chức năng, tạo động lực phát triển cho vùng phía Nam và Đông Nam thành phố. 

Với quy mô rộng lớn và quy hoạch tổng thể đồng bộ, Phú Mỹ Hưng được đánh giá là điểm đến lý tưởng cho cả cộng đồng cư dân và các doanh nghiệp. Tổng thể mặt bằng đại đô thị được khai thác và phát triển thành 5 cụm đô thị bao gồm: 

  • Khu A: Trung tâm đô thị Phú Mỹ Hưng
  • Khu B: Khu làng đại học 
  • Khu C: Trung tâm kỹ thuật cao
  • Khu D: Trung tâm lưu thông hàng hóa II
  • Khu E: Trung tâm lưu thông hàng hóa I

Hiện nay, số lượng cư dân sinh sống tại đây đã trên 30.000 người, trong đó có hơn 50% là cư dân nước ngoài như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc,…

Xem thêm: Các tòa nhà văn phòng khu đô thị Phú Mỹ Hưng

5.3. Khu đô thị Thảo Điền

Khu đô thị Thảo Điền được biết đến là một trong các khu đô thị ở TPHCM sở hữu vị trí đắc địa bậc nhất ngay bờ sông Sài Gòn. Khu đô thị sầm uất Thảo Điền là nơi tập trung nhiều biệt thự sang trọng, nhà phố cao cấp và các khu căn hộ cao tầng hạng sang.

Khu đô thị Thảo Điền còn được gọi là “khu nhà giàu”
Khu đô thị Thảo Điền còn được gọi là “khu nhà giàu”

Tổng thể khu đô thị được quy hoạch với diện tích khoảng 375,87 ha, quy mô dân số đạt 6.714 người. Hệ thống tiện ích đa dạng, môi trường sống xanh cùng cộng đồng cư dân văn minh, trí thức chính là những yếu tố tạo nên không gian sống lý tưởng cho mọi gia đình. Tiềm năng phát triển của KĐT Thảo Điền cũng được đánh giá rất cao, hứa hẹn sẽ mang lại nhiều giá trị trong tương lai. 

Xem thêm: Các tòa nhà cho thuê văn phòng Thảo Điền

5.4. Khu đô thị Sala

Khu đô thị Sala tại trung tâm thành phố Thủ Đức, ngay vị trí giao lộ của 2 trục đường Mai Chí Thọ và Nguyễn Cơ Trạch. Dự án được phát triển nhằm mục tiêu tạo ra một môi trường sống xanh, tiện nghi và đa dạng cho cộng đồng cư dân. 

Mặt bằng khu đô thị được xây dựng thành 3 phân khu chính với quy mô linh hoạt, bao gồm: 

  • Khu dân cư phía Nam với quy mô 78,97 ha.
  • Khu dân cư phía Bắc với quy mô 20,59 ha.
  • Khu công viên phục vụ dân cư với quy mô 7,32 ha. 

Với tổng diện tích hơn 100 ha, khu đô thị Sala ước tính có quy mô dân số khoảng 22.500 người. Ngoài cung cấp đa dạng các loại hình nhà ở từ biệt thự, nhà phố đến căn hộ chất lượng cao, khu đô thị còn mang đến nhiều tiện ích vượt trội như trường học quốc tế, trung tâm thương mại, công viên, hồ bơi, sân golf,… giúp cư dân tận hưởng cuộc sống đầy đủ và tiện nghi.

5.5. Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là dự án phát triển đô thị tại bán đảo Thủ Thiêm, thuộc thành phố Thủ Đức, TPHCM. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, khu đô thị có tổng diện tích 730 ha, được phát triển đa dạng chức năng gồm: khu trung tâm thương mại, tài chính với các tòa nhà cao 10 – 40 tầng; khu dân cư đáp ứng nhu cầu cho hơn 130.000 người và 1 triệu khách vãng lai. Song song với đó, 1/2 diện tích của KĐT được dành để xây dựng hệ thống giao thông và mảng xanh.

Khu đô thị Thủ Thiêm được định hướng trở thành trung tâm mới của TPHCM
Khu đô thị Thủ Thiêm được định hướng trở thành trung tâm mới của TPHCM

Tổng thể dự án được chia thành 8 khu chức năng chính với những đặc điểm riêng biệt:

  • Khu chức năng 1: Tọa lạc tại phía bắc Khu lõi trung tâm, được định hướng là khu trung tâm thương mại – dịch vụ đa chức năng, có mật độ dân cư cao.
  • Khu chức năng 2: Nằm ở phía nam Khu lõi trung tâm, là một khu phức hợp với nhiều chức năng gồm: khu thương mại, khu dân cư và thể thao, giải trí. 
  • Khu chức năng 3: Khu chức năng này bao gồm trường học và nhà bảo tàng, có mật độ dân cư thấp hơn phía bờ sông Sài Gòn và hồ trung tâm.
  • Khu chức năng 4: Tọa lạc ở phía Bắc Thủ Thiêm, là khu dân cư hỗn hợp kết hợp với công trình thương mại đa chức năng.
  • Khu chức năng 5: Khu công trình công cộng và khu dân cư mật độ thấp.
  • Khu chức năng 6: Khu Công viên Phần mềm, được biết đến là đầu mối của các hoạt động kinh tế và nghiên cứu công nghệ thông tin.
  • Khu chức năng 7: Bao gồm Khu nhà ở phức hợp ở phía Đông, Khu khách sạn – nghỉ dưỡng ở phía Nam và Khu phức hợp bến du thuyền.
  • Khu chức năng 8: Là khu vực phát triển sinh thái đa dạng nhất tại KĐT Thủ Thiêm.

Khu đô thị mới Thủ Thiêm là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố cho một cuộc sống tiện nghi, hiện đại và văn minh. Đây được xem là lựa chọn hoàn hảo cho những ai đang tìm kiếm một môi trường sống đẳng cấp và chất lượng tại TP.HCM. 

Xem thêm: Các tòa nhà văn phòng khu đô thị Thủ Thiêm

Trong bài viết này, Maison Office đã cùng bạn khám phá định nghĩa khu đô thị là gì cũng như những loại hình khác nhau của khu đô thị. Từ các khu đô thị phức hợp đến các dự án đô thị thông minh, mỗi loại hình đều phản ánh sự đa dạng của quá trình đô thị hóa tại Việt Nam. 

Xem thêm: Các khu đô thị Hà Nội đáng sống

4.8/5 - (5 votes)
Contact Me on Zalo