Maison Office

FDI là gì? Điều kiện và thủ tục trở thành doanh nghiệp FDI

Theo dõi Maison Office trên
Điều kiện và thủ tục trở thành doanh nghiệp FDI là gì?

Trong những năm qua, FDI đã và đang là nguồn vốn đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Thuật ngữ FDI cũng được sử dụng rất phổ biến trong lĩnh vực đầu tư tài chính. Vậy FDI là gì? Đặc điểm, vai trò của FDI đối với nền kinh tế ra sao? Điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI gồm những gì? 

1. FDI là gì?

FDI là từ viết tắt của cụm từ “Foreign Direct Investment”, được hiểu là nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Đây là hình thức đầu tư mà một cá nhân, tổ chức hoặc doanh nghiệp từ một quốc gia đầu tư tiền, tài sản hoặc nguồn lực vào một quốc gia khác. Thông qua hình thức FDI, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tham gia vào quản lý và vận hành hoạt động của một doanh nghiệp, dự án tại quốc gia được đầu tư. 

FDI được xem là nguồn vốn đầu tư quan trọng, góp phần tạo ra động lực mới cho nền kinh tế của mỗi quốc gia. Quyết định đầu tư thường được thực hiện dựa trên nhiều yếu tố khác nhau như: môi trường kinh doanh, tiềm năng lợi nhuận, rủi ro thách thức, chính trị quốc gia,… 

Tìm hiểu thêm:

2. Đặc điểm của FDI

Hình thức vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có những đặc điểm cơ bản như sau:

  • Lợi nhuận: Lợi nhuận được xem là mục đích chính của FDI. Dù là triển khai dưới bất kỳ hình thức nào thì mối quan tâm hàng đầu của các chủ đầu vẫn là lợi nhuận.
  • Cơ sở tính lợi nhuận: Cơ sở lợi nhuận của FDI là kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được đầu tư. Hiệu quả của FDI được đánh giá dựa trên việc doanh nghiệp sau khi được đầu tư có cải thiện hiệu quả hoạt động, tốc độ tăng trưởng hay mang lại lợi nhuận cao hơn hay không.
  • Sự tham gia của các nhà đầu tư: Để được tham gia vào việc kiểm soát, điều hành các hoạt động của doanh nghiệp, các nhà đầu tư phải đáp ứng điều kiện về số vốn tối thiểu. Bên cạnh đó, sự thỏa thuận giữa các bên sẽ quyết định nhà đầu tư được can thiệp ở mức độ nào vào hoạt động của doanh nghiệp.
Mục tiêu chính của FDI là lợi nhuận
Mục tiêu chính của FDI là lợi nhuận

3. Tổng quan về doanh nghiệp FDI

Hiện nay, luật pháp Việt Nam chưa có quy định nào cụ thể về khái niệm doanh nghiệp FDI hay FDI là gì. Tuy nhiên, vẫn có quy định chung về các doanh nghiệp sở hữu vốn đầu tư từ nước ngoài (theo Khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư 2020) như sau: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.”

Theo quy định này, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có thể được xem là doanh nghiệp FDI. Dưới đây là những đặc điểm cơ bản của hình thức doanh nghiệp FDI:

Hình thức đầu tư

Có 3 hình thức doanh nghiệp FDI gồm:

  • Doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài;
  • Công ty nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam;
  • Doanh nghiệp có sự hợp tác đầu tư kinh doanh theo hợp đồng BCC.

Trong đó, BCC là hình thức thỏa thuận hợp pháp giữa các nhà đầu tư nhằm mục đích hợp tác kinh doanh và phân chia lợi nhuận theo quy định pháp luật. 

Loại hình doanh nghiệp

Doanh nghiệp FDI có thể được thành lập dưới nhiều loại hình khác nhau. Chẳng hạn như: Công ty TNHH 1 thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh.

> Tìm hiểu thêm:

Quyền và nghĩa vụ

Doanh nghiệp FDI bắt buộc phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam khi tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó cũng được hưởng nhiều ưu đãi, chính sách dành riêng cho hình thức FDI. 

Mục tiêu hoạt động

Mục tiêu của doanh nghiệp FDI có thể là mở rộng thị trường, nắm bắt cơ hội kinh doanh ở quốc gia mới, hợp tác, phát triển lâu dài cũng như tạo ra giá trị lợi nhuận. Hình thức FDI cũng mang lại nhiều đóng góp to lớn cho nền kinh tế và sự tăng trưởng của các quốc gia nhận đầu tư.

4. Điều kiện để trở thành doanh nghiệp FDI là gì?

Sở hữu môi trường kinh doanh đầy tiềm năng cùng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư dành cho doanh nghiệp FDI, Việt Nam đang dần trở thành điểm đến được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Tuy nhiên, để trở thành doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài cần phải đáp ứng một số điều kiện được quy định trong Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành như sau:

4.1. Được thành lập hoặc có phần vốn góp sở hữu bởi nhà đầu tư nước ngoài

Theo quy định tại Khoản 19 Điều 3 của Luật Đầu Tư 2020: “Nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam”. Theo đó, doanh nghiệp FDI phải có ít nhất 01 nhà đầu tư nước ngoài đứng ra thành lập hoặc góp vốn vào doanh nghiệp.

Công ty FDI phải có ít nhất 01 nhà đầu tư nước ngoài
Công ty FDI phải có ít nhất 01 nhà đầu tư nước ngoài

4.2. Kinh doanh ngành, nghề hợp pháp theo quy định

Theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư 2020, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không được kinh doanh các ngành, nghề bị cấm bao gồm: 

  • Kinh doanh các chất ma túy (được quy định tại Phụ lục I của Luật này);
  • Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật (được quy định tại Phụ lục II của Luật này);
  • Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên;
  • Kinh doanh mại dâm;
  • Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
  • Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
  • Kinh doanh pháo nổ;
  • Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

4.3. Xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, 2 Điều 22 Luật Đầu tư 2020 về đầu tư thành lập tổ chức kinh tế: 

Nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập doanh nghiệp FDI thì trước hết phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật.

Để thành lập công ty FDI thì cần có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Để thành lập công ty FDI thì cần có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được quy định cụ thể tại Khoản 1, 2 Điều 39 Luật Đầu tư 2020 như sau:

  • Đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế sẽ có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
  • Đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế: Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ là cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh và thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

4.4. Thành lập doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các cá nhân, tổ chức cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp. Hồ sơ được nộp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI do nhà đầu tư nước ngoài thành lập có thể thực hiện dự án đầu tư theo thông tin ghi nhận trên Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng được hưởng các ưu đãi đầu tư của Chính phủ dành riêng cho các doanh nghiệp FDI.

5. Các loại đầu tư nước ngoài FDI

Các nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn 1 trong 3 loại hình đầu tư nước ngoài FDI bao gồm: FDI theo chiều dọc, FDI theo chiều ngang và FDI tập trung. 

Các loại đầu tư FDI
Các loại đầu tư FDI

5.1. FDI theo chiều dọc

FDI theo chiều dọc (Vertical FDI) là loại hình đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài vào các khâu khác nhau trong chuỗi giá trị của một ngành sản xuất hoặc dịch vụ. Mục tiêu chính là kiểm soát một phần hoặc toàn bộ chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả hoạt động và lợi nhuận.

Ví dụ: Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư vào các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại Việt Nam.

5.2. FDI theo chiều ngang

FDI theo chiều ngang (Horizontal FDI) là loại hình đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp hoạt động trong cùng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh. Mục tiêu chính hướng đến là mở rộng thị trường, tăng thị phần và nâng cao năng lực cạnh tranh. Hoạt động đầu tư này thường diễn ra dưới hình thức mua lại, sáp nhập hoặc liên doanh với các doanh nghiệp nội địa.

Ví dụ: Tập đoàn Unilever (Anh) mua lại Công ty Kinh Đô (Việt Nam) trong lĩnh vực sản xuất hàng tiêu dùng.

5.3. FDI tập trung

Ngoài các loại đầu tư FDI theo chiều dọc và chiều ngang, các nhà đầu tư còn có thể lựa chọn hình thức FDI tập trung. FDI tập trung là loại hình đầu tư được thực hiện bởi nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề hoàn toàn khác nhau. Mục tiêu hướng đến là đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận. 

Ví dụ: Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư vào nhiều lĩnh vực như điện tử, điện tử gia dụng, đóng tàu, xây dựng, v.v.

Quốc gia nhận đầu tư cũng được hưởng nhiều lợi ích từ loại đầu tư FDI này, bao gồm: tạo ra nhiều việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút vốn đầu tư lớn và thúc đẩy sự phát triển kinh tế. 

6. Vai trò của FDI đối với sự phát triển kinh tế

Như vậy ta đã cùng tìm hiểu fdi là viết tắt của từ gì cũng như khái niệm, đặc điểm và các loại hình đầu tư FDI. Trong phần này, hãy cùng điểm qua những lợi ích quan trọng mà hình thức FDI mang lại cho sự phát triển của một quốc gia.

Tạo điều kiện kết nối giao thương

Quá trình giao thương giữa các quốc gia thường khá khó khăn và phức tạp do quy định về thuế nhập khẩu của mỗi nước. Song nhờ có FDI, các hoạt động thương mại quốc tế có thể được diễn ra một cách dễ dàng và linh hoạt hơn. Khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào một quốc gia, họ thường mang theo không chỉ vốn đầu tư mà còn có công nghệ và quy trình quản lý. Điều này thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

FDI tạo điều kiện kết nối giao thương giữa các quốc gia
FDI tạo điều kiện kết nối giao thương giữa các quốc gia

Tạo cơ hội việc làm cho người dân

Khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào một quốc gia, họ thường xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất, văn phòng cùng nhiều cơ sở hạ tầng khác. Cùng với đó, nhu cầu về lao động cũng tăng cao để thực hiện hiệu quả các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới cho quốc gia nhận đầu tư, giảm tỷ lệ thất nghiệp đồng thời tăng thu nhập cho người lao động địa phương. Ngoài ra, việc đầu tư vào các ngành công nghiệp mới có thể tạo ra nhiều công việc có giá trị gia tăng và cơ hội nâng cao năng lực, tay nghề cho người lao động. 

Cùng với sự gia tăng về thu nhập, sức mua của người dân cũng có chiều hướng tăng. Điều này giúp thúc đẩy mục tiêu kinh tế tổng thể của một quốc gia. 

Thúc đẩy phát triển kinh tế

Hình thức FDI mang đến nhiều lợi ích to lớn, từ tăng cường nguồn vốn đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu cho đến tạo cơ hội việc làm và chuyển giao công nghệ mới. Sự đầu tư này cũng giúp các doanh nghiệp trong nước mở rộng quy mô hoạt động và nâng cao khả năng cạnh tranh. Tất cả góp phần vào việc thúc đẩy sự tăng trưởng, phát triển kinh tế của một quốc gia. 

Tạo ra nguồn thuế trực tiếp

Theo quy định, doanh nghiệp FDI phải nộp thuế trực tiếp cho chính phủ. Trong đó bao gồm thuế thu nhập, thuế GTGT, thuế TNDN và các loại thuế khác. Các nguồn thuế này góp phần vào ngân sách quốc gia, hỗ trợ các dự án công cộng, cải thiện cơ sở hạ tầng hoặc đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng như y tế và giáo dục. 

Chuyển giao tài nguyên, công nghệ

Thông qua quá trình đầu tư trực tiếp, quốc gia nhận đầu tư có thể được chuyển giao các công nghệ, kỹ thuật hoặc quy trình sản xuất mới. Điều này góp phần không nhỏ vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp tạo ra các sản phẩm/dịch vụ với giá trị cao hơn.

7. Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI

Các nhà đầu tư có nhu cầu thành lập công ty FDI ở Việt Nam thì có thể tham khảo theo 1 trong 2 cách: đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư gián tiếp.

Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Thủ tục thành lập doanh nghiệp FDI tại Việt Nam

7.1. Thành lập doanh nghiệp FDI ngay từ đầu (đầu tư trực tiếp)

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài có kế hoạch đầu tư vốn tại Việt Nam với tư cách pháp nhân hoặc thực hiện dự án liên quan đến nhà nước, dự án có quy mô lớn thì bắt buộc phải thành lập công ty theo dạng đầu tư trực tiếp. Theo đó, thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:

Bước 1: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Theo quy định đã đề cập ở trên, để thành lập doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư trước hết phải có dự án đầu tư và thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

  • Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm các giấy tờ:
  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Văn bản xác minh số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài tương đương hoặc nhiều hơn với số tiền đầu tư;
  • Hợp đồng thuê nhà/văn phòng để thực hiện dự án đầu tư;
  • Bản sao công chứng CMND/CCCD/Hộ chiếu người Việt Nam (trường hợp có góp vốn chung);
  • Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân: Bản sao công chứng hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức:

            + Bản sao giấy đăng ký kinh doanh của tổ chức nước ngoài;

            + Bản sao CMND/CCCD/Hộ chiếu của người đại diện cho tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

            + Báo cáo tài chính trong 2 năm gần nhất có kiểm toán của tổ chức nước ngoài;

  • Đề xuất thực hiện dự án đầu tư, bao gồm các nội dung: nhà đầu tư dự án, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, tiến độ đầu tư, nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư,…

Sau khi chuẩn bị xong các giấy tờ, nhà đầu tư tiến hành nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ xem xét và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan đăng ký đầu tư sẽ thông báo hướng dẫn bổ sung hoặc điều chỉnh hồ sơ nộp lại. 

Bước 2: Xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài cần thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm các giấy tờ:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Bản sao chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được cấp;
  • Bản sao công chứng giấy tờ pháp lý cá nhân của thành viên, chủ sở hữu, cổ đông góp vốn, người đại diện pháp luật của công ty;
  • Trường hợp là tổ chức thì cần bổ sung thêm bản sao công chứng giấy phép kinh doanh của tổ chức nước ngoài và bản sao công chứng hộ chiếu của người đại diện phần vốn góp của tổ chức đó;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên góp vốn hoặc danh sách cổ đông (nếu có).

Sau khi hoàn tất việc chuẩn bị, doanh nghiệp cần nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong vòng 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Lưu ý: Các tài liệu sao y công chứng tại nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch thuật sang tiếng Việt trước khi nộp hồ sơ. 

7.2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam (đầu tư gián tiếp)

Nhà đầu tư nước ngoài có thể thực hiện đầu tư góp vốn, mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam để hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp FDI. Trình tự thủ tục bao gồm các bước như sau:

Bước 1: Đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư cần chuẩn bị các giấy tờ sau đây để được cấp văn bằng đủ điều kiện góp vốn cho doanh nghiệp Việt Nam:

  • Văn bản đăng ký góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Bản sao công chứng hộ chiếu của nhà đầu tư nước ngoài;
  • Bản sao công chứng giấy phép kinh doanh/giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức nước ngoài (nếu nhà đầu tư là tổ chức);

Hồ sơ được nộp tại Phòng Đăng ký đầu tư trực thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong vòng 10 ngày, Phòng Đăng ký đầu tư sẽ xem xét và thông báo về việc đáp ứng điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài
Thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài

Bước 2: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (chuyển nhượng vốn góp cho nhà đầu tư nước ngoài)

Hồ sơ đăng ký thay đổi thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

  • Thông báo về việc đáp ứng đủ điều kiện góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đã được cấp;
  • Bản sao công chứng giấy tờ pháp lý cá nhân của thành viên, chủ sở hữu, cổ đông góp vốn, đại diện pháp luật của công ty. 
  • Trường hợp là tổ chức thì cần có các giấy tờ:

            + Bản sao công chứng giấy phép ĐKKD/giấy chứng nhận ĐKKD của tổ chức nước ngoài;

            + Bản sao công chứng hộ chiếu của cá nhân người đại diện phần vốn góp của tổ chức đó;

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
  • Quyết định của doanh nghiệp về những nội dung cần thay đổi;
  • Biên bản họp về việc quyết định thay đổi nội dung Giấy chứng nhận ĐKKD (nếu có);
  • Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần vốn góp;
  • Danh sách thành viên/danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (nếu có);
  • Điều lệ công ty;
  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Danh sách thành viên/danh sách cổ đông (nếu có).

Bộ hồ sơ được gửi về Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong vòng 05 đến 07 ngày, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ xem xét và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. 

>> Xem thêm: Các thủ tục thay đổi địa điểm kinh doanh

Với những chia sẻ trên đây, chắc hẳn bạn đã nắm rõ FDI là gì cũng như đặc điểm, vai trò của hình thức đầu tư FDI đối với sự phát triển của mỗi quốc gia. Để thu hút nguồn vốn FDI hiệu quả, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tập trung vào các dự án FDI có chất lượng cao góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

>> Tham khảo thêm về các công ty cổ phần khác

Đánh giá bài viết
Contact Me on Zalo