Gen Z là gì? Thế hệ Gen Z có gì nổi bật so với gen X, gen Y
Theo dõi Maison Office trênTrong thế giới hiện nay, mỗi khi thế hệ mới nảy sinh, khoảng cách giữa các thế hệ dường như càng ngày càng rộng lớn. Việc hiểu biết về những đặc điểm đặc biệt của mỗi nhóm tuổi trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Thế hệ Z là nhóm tuổi tiếp theo sau thế hệ Millennials (Thế hệ Y) và trước thế hệ Alpha, nhóm tuổi này đang làm thay đổi cảnh văn hóa, xã hội và kinh tế một cách đáng kinh ngạc.
Nội dung chính
1. Gen Z là gì?
Gen Z (Generation Z) là nhóm người sinh từ năm 1997 đến năm 2012 (một số tài liệu cho rằng Gen Z bắt đầu từ năm 1997 đến năm 2012). Gen Z là thế hệ đầu tiên được tiếp xúc với công nghệ ngay từ khi còn nhỏ và được xem là thế hệ “công dân kỹ thuật số”.
Gen Z là gì?
Đây là một cộng đồng người trẻ sôi nổi, năng động và đầy nhiệt huyết, được sinh ra vào thời kỳ công nghệ cùng với sự bùng nổ của Internet. Chính vì vậy, Gen Z còn được gọi bằng nhiều cái tên khác như: iGeneration, Internet Generation, Net Gen, Digital Natives, Neo-Digital Natives, Homeland Generation, Pluralist Generation, Gen-Tech, Gen Wii, Centennials, Zoomer.
Trên thực tế, phần lớn người trẻ thuộc thế hệ Gen Z thường là con cái của Gen X (những người sinh năm 1965 đến 1980). Hiện nay có đến khoảng 2.6 tỷ người trên thế giới thuộc thế hệ Z, tương đương khoảng 1/4 dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, thế hệ Z bao gồm khoảng 15 triệu người, tương đương với 25% lực lượng lao động cả nước.
2. Nguồn gốc của cụm từ Gen Z
Gen Z là thế hệ tiếp nối của Gen X (những người sinh năm 1965 đến 1980) và Gen Y (những người sinh năm 1980 đến 1996). Thuật ngữ này lần đầu tiên xuất hiện trong một bài viết trên Ad Age xuất bản vào tháng 9 năm 2000. Có thể hiểu đơn giản, thế hệ Z ra đời ngay sau thế hệ Y, do vậy nó được gọi là Gen Z.
Gen Z là thế hệ tiếp nối ngay sau Gen Y
Những người thuộc thế hệ Gen Z được sinh ra trong thời đại công nghệ và Internet phát triển mạnh mẽ, khác với Gen Y sinh ra trong quá trình Internet đang được hình thành và phát triển. Đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra sau thời kỳ Internet được phổ cập rộng khắp trên toàn cầu.
Cũng chính vì vậy, Gen Z được mệnh danh là những công dân của thời đại số hóa. Với tư duy mạnh mẽ về tiền tệ, kinh tế, thế hệ Z hứa hẹn sẽ là nhân tố then chốt trong công cuộc thay đổi và xây dựng thế giới phát triển trong tương lai.
3. Đặc điểm của thế hệ Gen Z là gì?
Đâu là đặc điểm nổi bật của thế hệ Gen Z so với những thế hệ trước? Cùng khám phá ngay trong phần dưới đây!
3.1 Tiếp cận sớm với công nghệ
Hầu hết những người thuộc thế hệ Z đều được tiếp cận với công nghệ từ nhỏ, do vậy họ có khả năng sử dụng công nghệ một cách linh hoạt. Không chỉ dừng lại ở điện thoại di động hay các thiết bị kỹ thuật số, Gen Z cũng rất cởi mở và dễ thích nghi với những thay đổi trên Internet. Các nền tảng được sử dụng nhiều nhất bởi Gen Z phải kể đến: Facebook, Google, Youtube, Instagram, v.v.
Thế hệ Z tiếp cận với công nghệ từ sớm
3.2 Tạo xu hướng mới
Gen Z luôn được xem là thế hệ tiên phong trong việc tạo ra xu hướng trong nhiều lĩnh vực từ thời trang, âm nhạc, văn hóa cho đến truyền thông xã hội. Điều này đến từ cách thức mà họ tiếp cận và sử dụng các công nghệ mới. Các xu hướng, trào lưu mà Gen Z tạo ra thường truyền tải những thông điệp tích cực và được lan tỏa mạnh mẽ.
3.3 Sáng tạo, cởi mở
Tư duy đa dạng, sáng tạo và đổi mới không ngừng cũng là yếu tố giúp họ dẫn đầu xu hướng của thời đại. Dễ dàng thấy được, những người sáng tạo nội dung trực tuyến trên các nền tảng như TikTok, Facebook, Instagram hầu hết đều thuộc thế hệ Z.
Gen Z có tư duy mở, sáng tạo và tràn đầy năng lượng tích cực
Với tư duy mở và năng lượng tích cực, Gen Z có thể đưa ra nhiều ý tưởng và góc nhìn khác nhau cho cùng một vấn đề. Họ cũng có khả năng tìm kiếm, sử dụng thông tin hoặc tài nguyên trực tuyến để học hỏi và phát triển một cách nhanh chóng.
3.4 Thích nghi với sự thay đổi
Thế hệ Gen Z có sự cởi mở và đón nhận tích cực trước những thay đổi, đặc biệt là trong lĩnh vực xã hội, công nghệ. Cùng với sự phát triển nhanh chóng của kỹ thuật số cùng các nền tảng mạng xã hội, Gen Z luôn là những người tiên phong trong việc thích nghi, ứng dụng các công nghệ mới.
Họ cũng luôn tôn trọng sự khác biệt và đa dạng về giới tính, chủng tộc, tôn giáo hay văn hóa. Chính thái độ tích cực, sẵn sàng thích nghi với mọi thay đổi sẽ mang đến cho họ những cơ hội mới trong cả công việc lẫn cuộc sống.
3.5 Đề cao tự do cá nhân
Những người thuộc thế hệ Gen Z thường đề cao cái tôi và sự tự do cá nhân. Thay vì đi theo những quy tắc hay khuôn mẫu cũ, họ lựa chọn đi con đường riêng, chia sẻ quan điểm cá nhân và hướng đến sự khác biệt. Nếu phong cách ăn mặc của thế hệ trước hướng đến sự chuẩn mực thì Gen Z ngày nay lại có xu hướng phá cách, độc đáo hơn.
Thế hệ Gen Z đề cao tự do cá nhân
Gen Z cũng có xu hướng tự chủ kể cả trong cuộc sống lẫn tài chính. Chính đặc điểm tính cách mạnh mẽ này khiến thế hệ Gen Z trở thành nhân tố bùng nổ, góp phần tạo nên những thay đổi mới tích cực cho môi trường doanh nghiệp.
Tìm hiểu thêm: DISC là gì? Khám phá 4 nhóm tính cách cá nhân DISC
4. Trước và sau Gen Z là thế hệ nào?
4.1 Gen Y – Thế hệ đứng trước Gen Z
Được biết, Gen Z là những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 1997 đến năm 2012. Trước Gen Z là Gen Y, bao gồm những người sinh năm 1980 đến năm 1996, còn gọi là thế hệ Millennials. Đây là những người được sinh ra trong thời kỳ hình thành và phát triển công nghệ. Do vậy, họ cũng có những hiểu biết nhất định về công nghệ kỹ thuật, đồng thời biết cách áp dụng chúng vào thực tiễn công việc.
Hiện nay, thế hệ Gen Y đang được xem là lực lượng lao động chủ chốt trong mọi lĩnh vực. Trong công việc, những người Gen Y luôn làm việc hướng đến kết quả. Họ thường mong muốn giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng, trực diện song vẫn phải đảm bảo lợi ích thỏa đáng. Bên cạnh đó, những người thuộc thế hệ này cũng yêu thích sự tự do, linh hoạt trong môi trường làm việc.
Có thể thấy, khoảng cách giữa hai thế hệ Y và Z không quá có nhiều cách biệt. Điều này giúp họ trở nên hoà hợp, hợp tác hiệu quả hơn tại môi trường công sở.
Các thế hệ trước và sau Gen Z
4.2 Gen Alpha – Thế hệ sau Gen Z
Tiếp nối thế hệ Z là Gen Alpha, bao gồm những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2025. Đây là thế hệ đầu tiên được sinh ra ở thế kỷ 21 – thời đại của công nghệ số.
Thế hệ này tiếp tục kế thừa những thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại, do vậy cuộc sống của họ luôn gắn liền với các thiết bị công nghệ. Đặc biệt là khi Internet ngày càng phát triển cùng sự ra đời của trí tuệ nhân tạo, các trò chơi dân gian, truyền thống cũng trở nên ngày càng xa lạ hơn với Gen Alpha.
5. So sánh sự khác biệt giữa Gen Z, Gen X và Gen Y
Những thế hệ khác nhau luôn mang trong mình những đặc điểm và giá trị riêng biệt. Nhìn vào sự thay đổi và khác biệt giữa các thế hệ X, Y, Z theo thời gian, ta sẽ có được bức tranh đa dạng về thế giới cũng như cách mà mỗi thế hệ định hình và tác động đến cuộc sống hiện đại.
Tiêu chí so sánh | Gen X | Gen Y | Gen Z |
Năm sinh | 1965 – 1980 | 1981 – 1996 | 1997 – 2012 |
Tên gọi khác | Baby Bust, Latchkey Kids | Millennials, Echo Boomers | iGen, Centennials, Zoomers |
Công nghệ | Trải qua sự phát triển của máy tính cá nhân và Internet. | Trải qua thời kỳ thúc đẩy sự phát triển của internet và công nghệ di động. | Sinh ra trong thời đại số hóa, sử dụng công nghệ tự nhiên và thành thạo. |
Phong cách làm việc | Thích làm việc độc lập và tự quản lý công việc. | Thích làm việc trong môi trường thân thiện, hợp tác, đòi hỏi sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. | Yêu thích sự linh hoạt, có thể làm việc từ xa, thường xuyên chuyển đổi công việc. |
Thái độ trong công việc | Thường ổn định và trung thành với một công ty. | Thích tìm kiếm cơ hội mới và có thể thay đổi công việc thường xuyên. | Thường tìm kiếm sự đa dạng và linh hoạt trong sự nghiệp. |
Tính cá nhân và tinh thần tập thể | Thường có tư duy cá nhân hóa. | Thích làm việc nhóm và đánh giá cao tương tác xã hội. | Có khả năng làm việc cá nhân hoặc làm việc nhóm tùy theo tình huống. |
Tư duy tài chính | Thường tiết kiệm và quản lý tài chính cẩn thận. | Thường đối mặt với nhiều áp lực tài chính. | Có xu hướng tiết kiệm và đầu tư tài chính thông minh. |
Quan điểm xã hội | Thường được mô tả là thế hệ “lạc hậu”, khó chấp nhận những thay đổi. | Quan tâm đến các vấn đề xã hội, môi trường và quyền con người. | Quan tâm đến đa dạng, bình đẳng và kết nối toàn cầu. |
6. Phong cách đậm chất Gen Z tại môi trường công sở
Những năm gần đây, môi trường công sở trở nên đa dạng hơn bao giờ hết nhờ sự tham gia tích cực của thế hệ Gen Z. Những người trẻ này không chỉ mang đến tài năng và nguồn năng lượng mới mẻ mà còn là phong cách làm việc đậm chất riêng Gen Z. Cùng khám phá ngay phong cách Gen Z tại môi trường công sở có gì đặc biệt!
6.1 Có tính cạnh tranh cao
Gen Z là thế hệ những người trẻ sôi nổi, năng động và tràn đầy nhiệt huyết. Họ luôn đề cao tính cạnh tranh trong hầu hết các lĩnh vực, từ việc chọn trường đại học tốt, đạt điểm cao hay học bổng cho đến việc tìm kiếm công việc phù hợp. Gen Z không ngần ngại thiết lập mục tiêu cao và sẵn sàng đổ mồ hôi, công sức để đạt được mục tiêu đó. Có thể nói, tính cạnh tranh chính là động lực vô cùng quan trọng, thúc đẩy Gen Z nỗ lực và đạt được thành công.
Gen Z có tính cạnh tranh cao trong công việc
Ở môi trường công sở, thế hệ Z thường xem công việc như một cơ hội để thể hiện năng lực của bản thân, luôn sẵn sàng nỗ lực để thăng tiến. Họ thường không chỉ đạt được những thành tựu riêng mà còn đóng góp tích cực vào sự phát triển của tổ chức. Bằng cách thử nghiệm không ngừng những ý tưởng mới, Gen Z có thể làm thay đổi cách thức hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tạo ra sự đổi mới và mang lại hiệu quả cao.
6.2 Thích làm việc độc lập
Bản tính cạnh tranh của Gen Z cũng dẫn đến việc họ có xu hướng làm việc một cách độc lập, thay vì phụ thuộc và bị kiểm soát. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến các thế hệ khác cảm thấy Gen Z “tự cao” và kiêu ngạo trong giao tiếp, hợp tác.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ khác, Gen Z có khả năng tự quản lý và thực hiện công việc một cách hiệu quả. Họ rất nhanh nhạy với công nghệ, biết cách ứng dụng vào việc tìm kiếm, nghiên cứu và phân tích thông tin. Do vậy, họ luôn muốn được trao quyền để tự quản lý và chịu trách nhiệm với công việc. Điều này cũng giúp họ trở nên vững vàng hơn trên con đường sự nghiệp của mình.
Mặc dù có xu hướng làm việc độc lập nhưng không đồng nghĩa là Gen Z không thể hợp tác và làm việc hiệu quả với các đồng nghiệp khác.
6.3 Nhanh nhạy với công nghệ
Gen Z có thể được xem như những “người bản địa” trong thời đại kỹ thuật số hiện nay. Với việc lớn lên trong một thời đại số hóa, họ không chỉ biết sử dụng công nghệ mà còn chủ động phát triển và cải thiện nó. Sẽ không quá ngạc nhiên khi những người trẻ Gen Z có thể dễ dàng thành thạo các công cụ, phần mềm, ứng dụng công nghệ phức tạp chỉ với một vài hướng dẫn.
Thế hệ Z nhanh nhạy với công nghệ mới
Bằng cách tiếp thu và thích nghi với các công cụ và ứng dụng mới, Gen Z giúp tạo nên môi trường làm việc hiện đại, linh hoạt và hiệu quả hơn. Công nghệ không chỉ giúp họ làm việc hiệu quả mà còn tạo ra các cơ hội mới để tương tác và kết nối với đồng nghiệp, đối tác, khách hàng.
6.4 Cởi mở với thế giới đa dạng
Như đã đề cập ở trên, thế hệ Z không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi sự khác biệt về giới tính, chủng tộc, tôn giáo,… Họ tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, đồng thời cởi mở với những thay đổi. Chính sự cởi mở này đã giúp họ tạo ra các mối quan hệ tích cực và xây dựng tính đoàn kết trong tổ chức.
Gen Z cởi mở và tôn trọng sự đa dạng
Điều này cũng không khó lý giải khi Gen Z được sinh ra trong thời kỳ hội nhập. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của Internet cũng tạo điều kiện để họ được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau từ rất sớm.
7. Doanh nghiệp nên làm gì để thích ứng với nhân sự Gen Z
Thế hệ Gen Z đời đầu hiện đã và đang trở thành lực lượng lao động quan trọng cho các doanh nghiệp hiện nay. Vậy doanh nghiệp cần phải làm gì để tận dụng nguồn nhân lực đa dạng và đầy tiềm năng này? Cùng tìm hiểu ngay dưới đây!
7.1 Tìm hiểu kỹ về Gen Z
Việc quan trọng đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm là tìm hiểu kỹ về thế hệ Gen Z. Điều này có thể bao gồm: sở thích, phong cách làm việc, những giá trị về quan điểm hay cách thức mà họ tương tác, kết nối với thế giới bên ngoài. Việc nắm rõ những đặc điểm này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách làm việc và giao tiếp với nhân sự Gen Z.
Cần lưu ý rằng, không nên nghe những định kiến tiêu cực và chưa thực sự đúng về thế hệ này. Thay vào đó, doanh nghiệp nên nhìn vào những mặt tích cực và đóng góp mà thế hệ Z có thể mang lại cho tổ chức. Ngoài ra, các cuộc thảo luận, trao đổi với nhân sự Gen Z sẽ là cần thiết để doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn về họ.
7.2 Tạo môi trường làm việc tự do, linh động
Gen Z thích có không gian tự do để sáng tạo và thể hiện bản thân. Do đó, doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng mô hình làm việc linh hoạt, cho phép nhân sự có thể làm việc từ xa hoặc thời gian làm việc linh động hơn. Điều này không chỉ giúp họ cảm thấy thoải mái mà còn tạo điều kiện để tối ưu hóa hiệu suất làm việc.
Hình thức làm việc linh động giúp Gen Z làm việc hiệu quả hơn
Hiện nay, doanh nghiệp có thể cân nhắc mô hình làm việc Hybrid Work – kết hợp giữa làm việc online và offline. Đây không chỉ là hình thức làm việc mới mẻ, phù hợp với Gen Z mà còn giúp doanh nghiệp quản lý công việc hiệu quả.
Tham khảo thêm: Agile Workspace là gì? Tìm hiểu không gian làm việc linh hoạt
7.3 Chấp nhận sự đa dạng
Gen Z là một thế hệ đa dạng về giới tính, văn hóa và tôn giáo, do đó suy nghĩ và quan điểm của từng cá nhân cũng có ít nhiều sự khác biệt. Thay vì phán xét hay chỉ trích, doanh nghiệp nên tạo ra một môi trường làm việc chấp nhận và tôn trọng sự đa dạng này. Trong đó, sự công bằng và hợp tác bình đẳng cũng là yếu tố hàng đầu mà Gen Z đang tìm kiếm ở các môi trường làm việc.
7.4 Bắt kịp xu hướng công nghệ
Có đến hơn 75% các bạn trẻ thuộc thế hệ Z dành từ 1 – 10 tiếng mỗi ngày cho các nền tảng mạng xã hội và thiết bị điện tử. Trên thực tế, công nghệ không chỉ được Gen Z áp dụng vào giải trí mà hơn thế còn được dùng để tối ưu hóa năng suất làm việc.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ để tạo điều kiện làm việc tốt nhất
Để thích ứng nhanh chóng với cách thức làm việc của Gen Z, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh vào công nghệ và các công cụ hỗ trợ làm việc hiệu quả. Nó có thể bao gồm các ứng dụng, phần mềm hay hệ thống quản lý công việc. Ngoài ra, đội ngũ quản lý am hiểu công nghệ cũng giúp doanh nghiệp dễ dàng làm việc và hợp tác với nhóm nhận sự Gen Z.
Tìm hiểu ngay:
- Remote Work – 50+ Phần Mềm Làm Việc Từ Xa Hiệu Quả
- 9 Phần Mềm Quản Lý Công Việc Cá Nhân Miễn Phí
7.5 Duy trì kết nối, tương tác thường xuyên
Doanh nghiệp nên sử dụng nhiều kênh giao tiếp khác nhau để duy trì kết nối với Gen Z, từ email, tin nhắn văn bản cho đến video call. Sự đa dạng và linh hoạt trong cách giao tiếp giúp họ cảm thấy thoải mái, dễ dàng kết nối với các thành viên còn lại. Bên cạnh đó, người quản lý có thể thường xuyên đưa ra những phản hồi, nhận xét ngắn gọn mà tích cực. Điều này giúp Gen Z có thêm động lực để hoàn thành tốt công việc của họ.
8. Lời kết
Bài viết trên đây của Maison Office đã vừa giúp bạn tìm hiểu Gen Z là gì cũng như có được cái nhìn tổng quan về thế hệ Gen Z. Đây được xem là thế hệ những người trẻ năng động, sáng tạo và có tư duy mở trong mọi vấn đề của cuộc sống. Trong tương lai, chúng ta có thể mong đợi thấy Gen Z tiếp tục định hình và thay đổi thế giới với tầm nhìn độc đáo, đa chiều.
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.