Cách giới thiệu bản thân ấn tượng, hay trong mọi tình huống
Theo dõi Maison Office trênViệc giới thiệu bản thân ấn tượng ngay từ đầu rất quan trọng để bắt đầu một mối quan hệ mới. Dù bạn lựa chọn giới thiệu bản thân qua lời nói hay văn bản, việc chuẩn bị kỹ lưỡng những gì bạn muốn truyền tải là một bước không thể bỏ qua. Qua đó, bạn sẽ có thể xây dựng một bản giới thiệu chính xác và hấp dẫn, giúp mọi người dễ dàng nhận ra và ghi nhớ bạn.
Tìm hiểu thêm: Những kỹ năng cần thiết trong công việc nhất định bạn phải có
Nội dung chính
1. Giới thiệu bản thân là gì?
Giới thiệu bản thân là cách bạn chia sẻ những thông tin cơ bản về mình với người khác, giúp họ nắm được nguồn gốc cũng như những chi tiết quan trọng về cuộc sống và sở thích cá nhân của bạn.
Thông tin khi giới thiệu bản thân thường bao gồm tên, độ tuổi, địa chỉ cư trú, công việc hoặc học vấn, sở thích hoặc những nét riêng mà bạn muốn chia sẻ với người khác. Việc này có thể xảy ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như: Buổi phỏng vấn xin việc, tại các sự kiện xã hội hay khi làm quen với ai đó.
2. Tầm quan trọng của việc giới thiệu bản thân?
Phần giới thiệu bản thân đầu buổi phỏng vấn có vai trò quan trọng. Nó không chỉ đơn giản là cung cấp thông tin cá nhân, mà còn là cơ hội để:
- Tạo ấn tượng ban đầu: Nhà tuyển dụng sẽ dựa vào phần giới thiệu này để hình dung về bạn, từ tính cách, phong thái đến sự chuyên nghiệp.
- Thể hiện sự phù hợp: Đây là lúc bạn nhấn mạnh những kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm hay kinh nghiệm liên quan đến vị trí ứng tuyển, chứng tỏ bạn là ứng viên tiềm năng.
- Bộc lộ cá tính: Cách bạn giới thiệu bản thân phần nào thể hiện được thái độ, sự tự tin cũng như kỹ năng giao tiếp của bạn, những yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc.
- Tạo sự khác biệt: Hãy tận dụng cơ hội này để kể về những thành tựu nổi bật, điểm mạnh cá nhân, giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
3. Giới thiệu bản thân trong phỏng vấn bao gồm những phần nào?
3.1 Cảm ơn nhà tuyển dụng
Một lời cảm ơn chân thành thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn của bạn đối với nhà tuyển dụng, vì đã dành thời gian quý báu để gặp mặt và trao đổi. Điều này không chỉ là một hành động lịch sự mà còn là cách khéo léo để khởi đầu phần giới thiệu bản thân, tạo ra một ấn tượng sâu sắc và thu hút sự quan tâm của nhà tuyển dụng.
3.2 Giới thiệu thông tin cá nhân
Mặc dù sơ yếu lý lịch đã chứa đựng các thông tin chi tiết, nhưng khi giới thiệu bản thân, bạn vẫn nên đề cập ngắn gọn về tên, biệt danh, tuổi,… rõ ràng, không nhà tuyển dụng nào muốn trò chuyện với một người mà họ không biết tên. Hơn nữa, việc giới thiệu này còn làm cho cách xưng hô trở nên tự nhiên và dễ chịu hơn.
3.3 Giới thiệu trình độ, chuyên môn
Khi giới thiệu bản thân, nên nhắc đến trình độ học vấn và chuyên môn. Điều này giúp nhà tuyển dụng đánh giá năng lực của bạn. Trình độ học vấn cho thấy kiến thức, trong khi chuyên môn thể hiện kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến vị trí.
Đây là cơ hội để xác nhận lại thông tin trong CV, hãy giới thiệu ngắn gọn tập trung vào điểm chính, nhấn mạnh thành tích và sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp.
3.4 Giới thiệu kinh nghiệm làm việc
Khi giới thiệu kinh nghiệm, bạn nên tập trung vào những trải nghiệm liên quan chặt chẽ đến vị trí ứng tuyển. Tránh cung cấp quá nhiều thông tin không cần thiết, điều này có thể khiến nhà tuyển dụng mất tập trung.
Đầu tiên hãy nghiên cứu kỹ yêu cầu của công việc và tùy chỉnh phần giới thiệu kinh nghiệm để nhấn mạnh những điểm quan trọng.
Trình bày kinh nghiệm theo thứ tự giảm dần về mức độ quan trọng, bắt đầu bằng những thành tựu gần đây nhất, mô tả cụ thể về nhiệm vụ, thành tích và vị trí đã đảm nhận, sử dụng số liệu và kết quả cụ thể để minh họa đóng góp của bản thân.
3.5 Nói về điểm mạnh, điểm yếu
Nói về điểm mạnh, hãy tập trung vào những gì bạn làm tốt nhất và liên quan trực tiếp đến công việc. Đừng quên kể về những thành công đã đạt được để chứng minh năng lực của mình. Ngoài ra, hãy cho nhà tuyển dụng thấy bạn sẽ mang lại giá trị gì cho công ty.
Về điểm yếu, hãy thành thật nhưng đừng quá tiêu cực. Quan trọng là thể hiện bạn biết rõ điểm yếu của mình và đang cố gắng cải thiện. Nếu có thể, hãy biến điểm yếu thành cơ hội để chứng tỏ sự cầu tiến và khả năng học hỏi của bạn.
Cuối cùng, đừng quên rằng kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém kỹ năng chuyên môn. Hãy thể hiện sự tự tin, khả năng giao tiếp và tinh thần làm việc nhóm để tạo ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
3.6 Mục tiêu ngắn hạn và dài hạn
Phần mục tiêu nghề nghiệp không chỉ đơn thuần là bạn muốn gì, mà còn thể hiện bạn có phù hợp với công ty hay không. Nhà tuyển dụng quan tâm đến điều này để xem bạn có kế hoạch gắn bó lâu dài, hay chỉ xem đây là bước đệm.
Vì vậy, hãy chia sẻ rõ ràng mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bạn. Điều này không chỉ giúp bạn thể hiện sự chuyên nghiệp và tầm nhìn xa, mà còn cho nhà tuyển dụng thấy bạn là người có kế hoạch và nghiêm túc trong công việc.
3.7 Nguyện vọng về vị trí làm việc
Những mong muốn và yêu cầu của bạn về vị trí làm việc, bao gồm môi trường làm việc, các khóa đào tạo, và cơ hội thăng tiến. Những điều này giúp nhà tuyển dụng đánh giá và chọn lựa ứng viên phù hợp với chiến lược cũng như định hướng phát triển của công ty.
Vì vậy, hãy trình bày rõ ràng những nguyện vọng và yêu cầu của mình để có thể gắn kết lâu dài với công ty.
3.8 Lời cảm ơn sau cùng
Để kết thúc phần giới thiệu bản thân một cách thuyết phục và chuyên nghiệp, bạn nên một lần nữa thể hiện sự cảm kích đến nhà tuyển dụng vì đã quan tâm và dành thời gian cho cuộc trò chuyện. Việc này không chỉ tạo ấn tượng tích cực mà còn thể hiện sự tôn trọng đối với nhà tuyển dụng.
4. Cách giới thiệu bản thân ấn tượng nhất
4.1 Giới thiệu bản thân qua con số
Việc sử dụng con số vừa thể hiện sự logic của bản thân mà còn làm nổi bật khả năng tư duy sắc bén của bạn, cho thấy bạn là người khả năng phân tích tuyệt vời. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể xem xét ví dụ về cách đưa con số vào giới thiệu bản thân.
“ Nếu phải lựa chọn một con số để tóm lược về bản thân tôi, chắc chắn đó là con số 9. Không giống như số 10 mang cho mình vẻ đẹp hoàn hảo, số 9 có vẻ như thiếu sót một chút. Nhưng nhờ sự không hoàn thiện đó, trở thành nguồn cảm hứng giúp tôi theo đuổi và phấn đấu.”
“Số 7 mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với tôi. Năm tôi 7 tuổi, đó là lần đầu tiên tôi cầm chạm lên những phím đàn piano và phát hiện ra niềm đam mê âm nhạc. Đến năm 17 tuổi, tôi đã quyết định theo đuổi âm nhạc chuyên nghiệp, mở ra một chương mới trong cuộc đời. Có thể đây chỉ là bước đầu tiên trên con đường thực hiện ước mơ, nhưng tôi sẽ không ngừng nỗ lực và phấn đấu, giống như số 7 thể hiện sự hoàn hảo và sức mạnh của tôi.”
4.2 Giới thiệu bản thân bắt đầu từ một câu chuyện
Nếu bạn dùng một câu chuyện để giới thiệu bản thân thì sẽ làm cho phần giới thiệu của bạn trở nên chân thật hơn. Nhưng phải dùng câu chuyện của chính bản thân bạn hoặc một người bạn hay một thần tượng mà bạn yêu thích và nó phải liên quan đến những gì bạn định giới thiệu.
Bạn có thể tham khảo ví dụ sau:
“Hồi nhỏ, ai cũng có những ước mơ đầy màu sắc, từ trở thành phi công cho đến nhiếp ảnh gia. Tôi cũng không ngoại lệ. Lúc lên lớp 2, tôi mơ ước trở thành một nhà khoa học.
Nhưng khi tiến gần đến ngưỡng cửa của tương lai, khi phải điền vào biểu mẫu nguyện vọng, tôi nhận ra rằng ước mơ của tôi đã không còn phù hợp với bản thân. Sau nhiều lần suy ngẫm, tôi quyết định rằng ngành công nghệ thông tin sẽ là lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của mình. Tôi đã quyết tâm đặt cược vào lựa chọn này.
Không ngờ rằng, một sức mạnh bí ẩn đã đưa tôi quay trở lại với thế giới đầy sự sống động và năng động – Học viện Nghệ thuật. Đó là lúc tôi bắt đầu tìm thấy đam mê với việc trở thành một nhà thiết kế đồ họa.”
4.3 Giới thiệu bản thân bắt đầu bằng một câu châm ngôn
Câu châm ngôn mà bạn yêu thích nó có thể phản ánh quan điểm sống và cách tư duy của bạn. Vì vậy, giới thiệu bản thân bằng câu châm ngôn có thể giúp bạn tạo được ấn tượng tốt với người nghe.
Bạn có thể tham khảo phần ví dụ sau:
“Một người chiến thắng không bao giờ ngừng cố gắng”. Đó là triết lý sống của tôi, và tôi luôn sống và làm việc theo nó. Vì tin tưởng điều này, tôi chưa bao giờ lùi bước trước bất kỳ thử thách nào.
Đến nay, tôi đã là một nhân viên văn phòng với vài năm kinh nghiệm, tôi đã đạt được những thành quả nhất định. Dù có thể chúng không đáng kể với nhiều người, nhưng đối với tôi chúng là nền tảng để tiếp tục tiến bước, để sống một cuộc đời không hối tiếc.”
4.4 Giới thiệu bản thân từ đồ vật
Nghe thì có vẻ không liên quan nhưng giới thiệu bản thân bằng một đồ vật nó sẽ phản ảnh được tư duy biên tập và tư duy nói của bạn.
“Trong suốt hai năm qua, hình ảnh nào đã in sâu vào tâm trí bạn nhiều nhất? Có lẽ không phải gương mặt thân quen của gia đình, không phải nụ cười của người thương, cũng chẳng phải món đồ công nghệ bạn hằng ao ước. Đó chính là chiếc khẩu trang – người bạn đồng hành không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật, dù ở nhà hay ngoài phố.
Tôi, một tân sinh viên năm nhất trường Đại học Y, cũng không ngoại lệ. Cái nhìn đầu tiên khi tôi đặt chân đến thành phố này, thay vì những tòa nhà cao tầng hay dòng người tấp nập, lại là hình ảnh những chiếc khẩu trang trên từng gương mặt. Có lẽ, đó cũng là lý do tôi chọn theo đuổi ngành y.
Tôi muốn trở thành một bác sĩ tận tâm, giống như chiếc khẩu trang luôn âm thầm bảo vệ sức khỏe mọi người. Tôi sẽ cố gắng hết mình để chăm sóc và chữa lành cho những người xung quanh, mang lại nụ cười và hạnh phúc cho họ.”
5. Mẫu giới thiệu bản thân trong các trường hợp
5.1 Khi đi phỏng vấn
“Chào anh/chị, rất vui được gặp anh/chị hôm nay. Tôi là A, vừa tốt nghiệp chuyên ngành Digital Marketing tại Đại học ABC. Trong thời gian qua, tôi không chỉ tập trung vào kiến thức chuyên môn mà còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để trau dồi kỹ năng mềm.
Trước đây, tôi đã có cơ hội làm việc tại [Tên công ty/ tổ chức], nơi tôi đã triển khai thành công hơn 100 dự án SEO Marketing đa dạng lĩnh vực, từ Việt Nam đến các thị trường quốc tế. Tôi đặc biệt tự hào về dự án [Đề cập đến thành tích quan trọng hoặc dự án đáng chú ý], nơi tôi đã đóng góp tích cực vào thành công chung của đội ngũ.
Vị trí công ty đang tuyển dụng thực sự phù hợp với đam mê và kinh nghiệm của tôi. Tôi tin rằng mình có thể nhanh chóng hòa nhập và đóng góp giá trị cho công ty. Tôi luôn sẵn sàng học hỏi, hợp tác và không ngừng hoàn thiện bản thân. Ngoài ra, tôi còn có khả năng giao tiếp tốt, làm việc độc lập và kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả. Tôi luôn đặt mục tiêu cao và cam kết phấn đấu hết mình để đạt được chúng.
Một lần nữa, xin cảm ơn anh/chị đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Hy vọng sẽ sớm có cơ hội được trở thành một phần của đội ngũ và cùng nhau phát triển.”
5.2 Khi gặp đồng nghiệp
“Xin chào cả nhà,
Mình là [Tên], rất phấn khởi khi được trở thành một phần của đội ngũ này. Trước đây, mình đã từng “chinh chiến” trong lĩnh vực [lĩnh vực làm việc] và có kinh nghiệm với [một số lĩnh vực chuyên môn]. Mình tin rằng những trải nghiệm này sẽ giúp ích cho công việc sắp tới của chúng ta.
Mình luôn xem việc học hỏi và phát triển là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Làm việc cùng mọi người ở đây chắc chắn sẽ là cơ hội tuyệt vời để chúng ta cùng nhau tiến bộ và gặt hái thành công.
Ngoài công việc, mình cũng rất đam mê [đề cập đến sở thích hoặc sở thích liên quan đến công việc]. Hy vọng chúng ta có thể chia sẻ và cùng nhau tạo nên một không khí làm việc vui vẻ, thoải mái.
Rất mong được hợp tác và học hỏi từ tất cả mọi người. Nếu có bất kỳ câu hỏi hay góp ý gì, đừng ngần ngại trao đổi với mình nhé. Xin cảm ơn!”
5.3 Khi gặp bạn mới
“Xin chào cả nhà, mình là Thư, mình đến từ thành phố biển Phan Thiết. Hiện tại mình đang làm công việc kinh doanh tại công ty ABC. Mình là đứa hướng ngoại thích nói chuyện và làm quen với mọi người, nên rất mong có thể kết bạn với tất cả các bạn ở đây nhé!”
6. Những lưu ý cần nhớ khi giới thiệu bản thân
6.1 Chuẩn bị kỹ lưỡng
Chuẩn bị kỹ càng trước khi giới thiệu bản thân là điều không thể bỏ qua. Hãy chuẩn bị kỹ nội dung. Cần có đầy đủ thông tin quan trọng về bạn, từ tên tuổi, học vấn đến kinh nghiệm và mục tiêu. Giới thiệu phải rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu, tựa như một diễn giả chuyên nghiệp.
Đừng quên tập dượt trước gương hoặc với người thân để tự tin hơn và giảm bớt căng thẳng. Mỗi buổi phỏng vấn là một sân khấu khác nhau, hãy linh hoạt điều chỉnh bài giới thiệu của bạn để phù hợp với từng hoàn cảnh.
6.2 Tự tin và thoải mái
Hãy tự tin và thoải mái khi giới thiệu bản thân. Đây là cơ hội để bạn thể hiện tài năng và khẳng định bản thân. Hãy nhìn thẳng vào mắt đối phương, sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực và nở nụ cười thân thiện.
Sự tự tin và thoải mái sẽ tạo ấn tượng tích cực ngay từ đầu, thể hiện sự tự tin vào khả năng của bạn và sẵn sàng đối mặt với thử thách. Khi tự tin và thoải mái, bạn sẽ truyền đạt thông tin một cách rõ ràng và dễ hiểu, thể hiện sự tự tin trong kinh nghiệm, kỹ năng và thành tựu của mình.
6.3 Chọn những thông tin quan trọng
Khi giới thiệu bản thân, hãy chọn những thông tin quan trọng và liên quan đến vị trí công việc đang ứng tuyển. Tránh những thông tin không liên quan, hoặc những câu nói sáo rỗng, chung chung.
Ví dụ, nếu ứng tuyển vị trí nhân viên kinh doanh, hãy tập trung giới thiệu về trình độ học vấn, chuyên môn liên quan đến kinh doanh, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, những điểm mạnh phù hợp với vị trí này.
6.4 Đừng suy nghĩ một cách kiêu ngạo
Thành tựu và kỹ năng của bạn là những điểm mạnh đáng ngưỡng mộ, nhưng hãy tránh tỏ ra kiêu ngạo hoặc tự cao tự đại trong giới thiệu bản thân. Hãy giữ thái độ khiêm tốn và tôn trọng nhà tuyển dụng, thể hiện sự chân thành và sự quan tâm đến vị trí công việc.
6.5 Tự xác định giá trị của chính mình
Bằng việc xác định và tuân theo những giá trị hay nguyên tắc mà bạn cho là quan trọng trong cả cuộc sống cá nhân lẫn nghề nghiệp, bạn có thể chia sẻ những điều này trong phần giới thiệu để giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn sâu sắc hơn về con người bạn.
6.6 Lắng nghe, tương tác
Trong lúc tự giới thiệu, hãy tập trung vào việc lắng nghe và phản hồi lại người đang trò chuyện với bạn. Điều này không chỉ giúp bạn nhận diện những thế mạnh của mình mà còn hiểu được yêu cầu của công việc, từ đó nhấn mạnh vào những điểm then chốt để tạo nên một bài giới thiệu ấn tượng và cuốn hút.
Việc chú ý lắng nghe trong suốt buổi giới thiệu còn cho thấy bạn có kỹ năng giao tiếp và lắng nghe tốt, một yếu tố mà nhà tuyển dụng rất coi trọng. Đồng thời, nó cũng tạo điều kiện cho bạn tham gia vào cuộc đối thoại hoặc đặt câu hỏi liên quan đến công việc, công ty hay quy trình tuyển dụng.
6.7 Thích nghi với ngữ cảnh
Trong quá trình tự giới thiệu, hãy lưu ý đến bối cảnh và người tiếp nhận thông tin. Điều này sẽ giúp bạn điều chỉnh cách thức giới thiệu sao cho phù hợp với hoàn cảnh và mục tiêu của cuộc giao tiếp.
Dựa trên những chia sẻ này, chúng ta đã cùng tìm hiểu một số cách giới thiệu bản thân ấn tượng cũng như những lưu ý khi phỏng vấn. Hãy nhớ luôn giữ thái độ chuyên nghiệp, lịch sự, tự tin và tích cực để gây ấn tượng với nhà tuyển dụng.
Có thể tham khảo:
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.