Maison Office

Công trình xanh là gì? 6 tiêu chuẩn công trình xanh phổ biến

Theo dõi Maison Office trên
Các tiêu chuẩn công trình xanh phổ biến hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, việc giải quyết biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang trở thành ưu tiên hàng đầu trên toàn thế giới. Trong đó, sự ra đời của các công trình xanh được xem là giải pháp thiết thực và hiệu quả góp phần kiến tạo một tương lai bền vững. Các công trình này không chỉ mang lại lợi ích về môi trường mà còn đem lại nhiều giá trị kinh tế và xã hội.

1. Công trình xanh là gì?

Khái niệm Công trình xanh(Green Building) được Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (United States Green Building Council – USGBC) đưa ra nhằm nói đến các công trình đạt được hiệu quả cao về sử dụng năng lượng, vật liệu, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời hạn chế tối đa những tác động không tốt của môi trường xây dựng đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên. 

Công trình xanh là gì?
Công trình xanh là gì?

Theo Hội đồng Công trình xanh thế giới (WGBC) định nghĩa: Công trình xanh là công trình trong thiết kế, xây dựng và vận hành có thể giảm thiểu tối đa các tác động xấu, đồng thời tạo ra những tác động tích cực đối với môi trường và khí hậu. Công trình xanh phải góp phần bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. 

Mục tiêu chung của việc xây dựng công trình xanh là giảm tác động tổng thể của môi trường xây dựng đến sức khỏe con người và môi trường tự nhiên bằng cách: 

  • Sử dụng hiệu quả năng lượng, nguồn nước và các tài nguyên khác.
  • Bảo vệ sức khỏe của cư dân và cải thiện năng suất làm việc của nhân viên.
  • Giảm thiểu các chất thải, ô nhiễm và suy thoái môi trường. 

2. Lợi ích của việc xây dựng công trình xanh

Green Building không chỉ là một xu hướng kiến trúc mới mẻ mà còn là nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh có nhiều thách thức về biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên. Lợi ích của tòa nhà xanh không mang tính chất ngắn hạn mà được thể hiện qua những ảnh hưởng tích cực kéo dài trong tương lai. Dưới đây là những lợi ích quan trọng phải kể đến:

2.1. Hiệu quả về năng lượng

Green Building là giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như: hệ thống điều khiển thông minh, vật liệu cách nhiệt, nguồn năng lượng tái tạo,… Trong thực tế, các công trình xanh khi đi vào hoạt động có thể giúp tiết kiệm từ 15 – 30% năng lượng sử dụng so với các công trình truyền thống. Nhờ đó góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho chủ đầu tư và người sử dụng. 

Các tòa nhà xanh sử dụng năng lượng một cách hiệu quả
Các tòa nhà xanh sử dụng năng lượng một cách hiệu quả

2.2. Bảo vệ tài nguyên nước

Nước sạch là nguồn tài nguyên quý giá, đang ngày càng trở nên khan hiếm do biến đổi khí hậu và hoạt động khai thác, sử dụng nước quá mức của con người. Để giải quyết được vấn đề này, các công trình xanh đã áp dụng nhiều biện pháp như: thu thập và tái sử dụng nước mưa, sử dụng các thiết bị tiết kiệm nước, thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt,… 

Nhờ những biện pháp này, các công trình có thể giảm áp lực lên hệ thống cấp nước địa phương, giúp duy trì tài nguyên nước sạch một cách bền vững. Bên cạnh đó, việc giảm lượng nước thải từ các công trình cũng giúp hạn chế nguy cơ ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường sống của con người. 

2.3. Giảm thiểu chất thải và ô nhiễm

Việc ứng dụng kiến trúc xanh vào thực tế cũng là cách hiệu quả để giảm thiểu rác thải xây dựng. Theo đó, công trình xanh thường sử dụng các vật liệu có thể tái chế, tái sử dụng hoặc những sản phẩm công nghiệp thứ cấp như than, cát, mảnh vụn xây dựng,… Điều này giúp giảm lượng chất thải sản sinh trong quá trình xây dựng và vận hành. Không chỉ hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra một môi trường sống lành mạnh, an toàn cho cư dân.

2.4. Đảm bảo an toàn, sức khỏe người dùng

Cải thiện chất lượng môi trường không khí là một trong những mục tiêu hàng đầu của các tòa nhà xanh. Theo báo cáo nghiên cứu của EPA (Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ), mức ô nhiễm không khí trong nhà lớn hơn từ 2 đến 5 lần so với ngoài trời. Nguyên nhân gây ra ô nhiễm một phần đến từ các vật liệu được sử dụng trong xây dựng và trang trí nội thất. 

Công trình tòa nhà xanh tạo ra môi trường sống và làm việc lành mạnh
Công trình tòa nhà xanh tạo ra môi trường sống và làm việc lành mạnh

Hiểu được vấn đề này, các tòa nhà xanh hiện nay đều ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường nhằm giảm thiểu lượng chất gây ô nhiễm trong không khí. Bằng cách này có thể tạo ra một môi trường sống và làm việc lành mạnh, an toàn cho sức khỏe của mọi người dùng. 

2.5. Giữ gìn cảnh quan xanh

Ngoài việc ứng dụng các loại vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, các công trình xanh cũng chú trọng mang đến những không gian xanh mát bên trong tòa nhà. Thiết kế cảnh quan với nhiều cây xanh, thảm thực vật, vườn treo,… mang đến không gian sống gần gũi với thiên nhiên. Bên cạnh đó, các khu vườn xanh cũng có khả năng hấp thụ khí CO2 hiệu quả, giảm ô nhiễm không khí cũng như hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. 

2.6. Tối ưu chi phí vận hành công trình

Bên cạnh những lợi ích về môi trường và sức khỏe con người, công trình xanh còn mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho chủ đầu tư, đặc biệt là trong việc tối ưu chi phí vận hành công trình. Trong thực tế, các tòa nhà xanh khi đi vào vận hành sẽ giúp tiết kiệm từ 30 – 50% lượng nước sử dụng, 15 – 30% năng lượng sử dụng, giảm 30 – 35% lượng khí thải carbon và giảm 50 – 70% chi phí xử lý chất thải. Điều này giúp tăng tuổi thọ công trình đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành tòa nhà một cách bền vững.

Green Building là giải pháp giúp tối ưu chi phí vận hành
Green Building là giải pháp giúp tối ưu chi phí vận hành

3. Tiêu chí cơ bản để đánh giá một công trình xanh

Các tiêu chí đánh giá công trình xanh được xem là nền tảng quan trọng để đảm bảo dự án đó có thể phát triển bền vững và tạo ra nhiều giá trị. Dưới đây là những tiêu chí cơ bản được áp dụng cho hầu hết các công trình hiện nay:

  • Sử dụng hiệu quả năng lượng, nguồn nước và các tài nguyên khác.
  • Sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời,…
  • Có những giải pháp giúp giảm thiểu rác thải và ô nhiễm môi trường, đồng thời có biện pháp tái chế, tái sử dụng vật liệu một cách hợp lý.
  • Vật liệu sử dụng trong xây dựng và thiết kế công trình phải đảm bảo tính bền vững, không độc hại, thân thiện với môi trường. 
  • Đảm bảo chất lượng không khí bên trong công trình.
  • Quy trình thiết kế, thi công và vận hành tòa nhà phải tính đến các yếu tố môi trường cũng như chất lượng cuộc sống cư dân.
  • Thiết kế công trình đảm bảo phù hợp với sự biến đổi của môi trường. 

4. Các tiêu chuẩn công trình xanh trên thế giới

Với sự gia tăng về các vấn đề môi trường như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường,… công trình xanh đã và đang trở thành xu hướng tất yếu trong ngành xây dựng và phát triển đô thị trên toàn thế giới. 

Hiện nay, nhiều tổ chức quốc tế đã ban hành các tiêu chuẩn công trình xanh – bộ quy tắc và hướng dẫn cụ thể về thiết kế, thi công và vận hành các công trình nhằm đảm bảo hiệu quả phát triển bền vững. Dưới đây là một vài tiêu chuẩn Green Building phổ biến nhất hiện nay: 

4.1. LEED – Leadership In Energy & Environment Design

LEED (Leadership In Energy & Environment Design) là tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh của Mỹ, do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ – USGBC ban hành. Đây được xem là bộ tiêu chuẩn công trình xanh phổ biến nhất trên thế giới hiện nay, được áp dụng cho hầu hết công trình tại các quốc gia. Mặc dù không phải là bộ tiêu chuẩn tiên phong, song nhờ vào việc thương mại hóa, tiêu chuẩn LEED đã được chấp nhận và sử dụng rộng rãi như hiện nay. 

BCA Green Mark là bộ tiêu chuẩn đến từ Singapore
Tiêu chuẩn LEED được áp dụng rộng rãi trên thế giới

Để được cấp chứng chỉ LEED, các công trình xây dựng cần có chất lượng đáp ứng được các yêu cầu cụ thể. Tùy thuộc vào thang điểm đạt được mà các công trình sẽ được cấp các cấp bậc chứng chỉ khác nhau, cụ thể như sau:

Điểm đánh giá Cấp bậc chứng nhận
Đạt 40 – 49 điểm Chứng nhận LEED Certified
Đạt 50 – 59 điểm Chứng nhận Bạc (LEED Silver)
Đạt 60 – 79 điểm Chứng nhận Vàng (LEED Gold)
Từ 80 điểm trở lên Chứng nhận Bạch Kim (LEED Platinum)

4.2. BREEAM – BRE Environment Assessment Method

BREEAM được Tổ chức Nghiên cứu Xây dựng BRE của Anh ban hành, là bộ tiêu chuẩn công trình xanh tiên phong đầu tiên trên thế giới, nhanh chóng thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn BREEAM lại không quá phổ biến tại nhiều quốc gia mà chỉ áp dụng trong phạm vi Vương Quốc Anh. 

4.3. BCA Green Mark (Singapore)

BCA Green Mark là hệ thống các tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh do Cơ quan Xây dựng Singapore (BCA – Building and Construction Authority) thiết lập. Các tiêu chí đánh giá của bộ tiêu chuẩn này được phát triển dành riêng cho khu vực các nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa (trong đó có Việt Nam). Tùy thuộc vào mức độ đạt được các tiêu chuẩn bền vững, công trình sẽ được cấp chứng nhận theo cấp độ từ Green Mark Certified đến Green Mark Platinum. 

Tiêu chuẩn LEED được áp dụng rộng rãi trên thế giới
BCA Green Mark là bộ tiêu chuẩn đến từ Singapore

4.4. Green Star

Green Star được xem là một phiên bản của tiêu chuẩn LEED tại Úc, được GBCA – Hội đồng Công trình xanh của Úc ban hành. Các tiêu chí đánh giá của Green Star có phần tương tự với LEED, bao gồm: hiệu suất năng lượng, tiết kiệm nước, sử dụng vật liệu bền vững, quản lý rác thải, đảm bảo sức khỏe người dùng,… Tiêu chuẩn này chỉ được áp dụng trong phạm vi nước Úc, do đó chưa quá phổ biến tại các quốc gia khác trên thế giới. 

4.5. LOTUS

Tại Việt Nam cũng có một bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh với tên gọi LOTUS, được phát triển bởi VGBC. Bộ tiêu chuẩn này còn khá mới, do đó chỉ mới được sử dụng chủ yếu tại thị trường Việt Nam, chưa quá phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới. 

Chứng nhận LOTUS được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam
Chứng nhận LOTUS được phát triển bởi Hội đồng Công trình xanh Việt Nam

Chứng nhận LOTUS hiện có 7 hệ thống đánh giá, được áp dụng cho hầu hết các loại hình công trình. Đây được xem là bộ tiêu chuẩn định hướng giúp xây dựng các công trình thân thiện với môi trường và sức khỏe người dùng, đồng thời tối ưu chi phí vận hành thấp hơn. 

4.6. EDGE

Chứng chỉ xanh EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies) được phát triển bởi IFC – một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Đây là bộ tiêu chuẩn công trình xanh mang tính toàn cầu, áp dụng cho hầu hết các loại hình công trình hiện nay. Điểm nổi bật của tiêu chuẩn EDGE là sự đơn giản khi đưa vào triển khai. Các tiêu chí đánh giá được xem là phù hợp với chi phí của doanh nghiệp, dễ dàng đạt được nên được rất nhiều doanh nghiệp lựa chọn. 

5. Thực trạng công trình xanh tại Việt Nam

Xu hướng xây dựng công trình xanh tại Việt Nam bắt đầu trở nên phổ biến trong vài năm trở lại đây khi nhận thức xã hội về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng được nâng cao. Có thể nói, Green Building là một xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình này cũng gặp phải khá nhiều thách thức như: 

  • Chi phí đầu tư ban đầu cho công trình xanh thường cao hơn so với các công trình thông thường khiến cho nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư e dè trong việc bỏ vốn đầu tư xây dựng.
  • Thiếu hụt nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cũng là một thách thức lớn đối với sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam.
  • Bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh tại Việt Nam vẫn chưa được hoàn thiện, chưa thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia.
Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển công trình xanh
Việt Nam hiện còn gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển công trình xanh

Mặc dù vướng phải nhiều khó khăn, Việt Nam vẫn đang từng bước thúc đẩy phát triển xanh trong lĩnh vực xây dựng. Các nỗ lực này không chỉ đến từ Chính phủ Việt Nam mà còn có cộng đồng kinh doanh và các bên liên quan khác, được thể hiện qua các khía cạnh sau đây:

  • Nền tảng pháp lý: Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công trình xanh, tạo cơ sở pháp lý cho việc phát triển loại hình kiến trúc này. Trong đó phải kể đến: Luật Xây dựng 2014, Nghị định 15/2021/NĐ-CP về đầu tư xây dựng, Quyết định 882/QĐ-TTg 2022 về tăng trưởng xanh,… 
  • Hệ thống đánh giá: Việt Nam cũng đã có một bộ tiêu chuẩn đánh giá riêng về công trình xanh do VGBC phát triển, đó chính là chứng nhận LOTUS. Điều này cho thấy cam kết của Việt Nam về sự phát triển bền vững của các công trình đô thị trong tương lai. 
  • Chương trình thúc đẩy: Chính phủ Việt Nam có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận thông qua các chương trình về ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng,…
The Hallmark là tòa nhà biểu tượng của khu đô thị mới Thủ Thiêm
The Hallmark là tòa nhà biểu tượng của khu đô thị mới Thủ Thiêm

Tính đến nay, Việt Nam đã có hơn 200 công trình đạt được các chứng chỉ xanh. Trong đó phải kể đến các cái tên nổi bật như: TechnoPark Tower (đạt chứng chỉ LEED Platinum), The Hallmark Tower (đạt chứng chỉ BCA Green Mark Gold), dự án Ecohome 3 (đạt chứng chỉ xanh EDGE),… 

Có thể thấy, việc thúc đẩy phát triển các công trình xanh đang trở nên ngày càng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Mặc dù còn nhiều thách thức và rào cản nhưng sự phát triển của các công trình xanh đang cho thấy cam kết ngày càng cao của Việt Nam về một tương lai xanh và bền vững.

5/5 - (1 bình chọn)
Contact Me on Zalo