Bản đồ Huyện Nhà Bè TPHCM [Cập nhật mới nhất]
Theo dõi Maison Office trênVới điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng nguồn lao động dồi dào, huyện Nhà Bè đóng một vai trò quan trọng về mặt kinh tế đối với thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, vị trí của huyện Nhà Bè trên bản đồ còn mang ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược. Để biết thêm nhiều thông tin về khu vực huyện ngoại thành này, hãy cùng Maison Office khám phá bản đồ huyện Nhà Bè mới nhất hiện nay!
Nội dung chính
1. Giới thiệu tổng quan về huyện Nhà Bè (TP.HCM)
Nhà Bè được biết đến là một huyện ngoại thành thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Khu vực này tập trung phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của TP.HCM. Dưới đây là những thông tin tổng quan về huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh, được cập nhật mới nhất hiện nay:
Tên đơn vị hành chính | Huyện Nhà Bè |
Mã hành chính | 786 |
Diện tích | 100,43 km2 |
Dân số (tính đến 2019) | 206.837 người |
Mật độ dân số | 2.060 người/km2 |
Đơn vị hành chính trực thuộc | 1 thị trấn và 6 xã |
Biển số xe | 59Z1 |
Trụ sở UBND | Số 330 Nguyễn Bình, ấp 1, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh |
Website | nhabe.hochiminhcity.gov.vn |
1.1. Lịch sử hình thành
Vào khoảng nửa đầu thế kỷ 18, địa danh Nhà Bè xuất hiện khi công cuộc khẩn hoang được đẩy mạnh trên quy mô lớn. Lúc đó, nhiều cư dân đàng ngoài xuôi thuyền vào tới sông Soài Rạp đã kết bè trên sông để làm nơi nấu nướng, sinh hoạt. Về sau, khoảng sông này ngày càng tấp nập, trở thành nơi buôn bán, trao đổi hàng hoá và địa danh Nhà Bè cũng ra đời từ đó.
Năm 1836, các thôn xã thuộc khu vực Nhà Bè là đơn vị hành chính thuộc phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định cũ. Từ ngày 1 tháng 1 năm 1911, tỉnh Gia Định được chia thành 4 quận bao gồm: Hóc Môn, Thủ Đức, Gò Vấp và Nhà Bè. Sau nhiều lần thay đổi, điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Nhà Bè được thành lập theo Nghị quyết ngày 9 tháng 5 năm 1975 của Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam thành phố Sài Gòn – Gia Định.
Đến năm tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Huyện Nhà Bè từ đó cũng trở thành đơn vị hành chính trực thuộc thành phố. Tính đến nay, huyện Nhà Bè bao gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, trong đó gồm 1 thị trấn và 6 xã, huyện lỵ dời về xã Phú Xuân.
1.2. Vị trí địa lý
Huyện Nhà Bè nằm về phía Đông Nam của thành phố Hồ Chí Minh, cách trung tâm thành phố khoảng 12km. Vị trí địa lý của huyện Nhà Bè trên bản đồ được thể hiện như sau:
- Phía Đông giáp với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (ranh giới là sông Nhà Bè) và huyện Cần Giờ (ranh giới là sông Soài Rạp).
- Phía Tây giáp với huyện Bình Chánh.
- Phía Nam giáp với huyện Cần Giờ, TP.HCM và huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
- Phía Bắc giáp với Quận 7.
Huyện Nhà Bè nằm trên đoạn đường thủy huyết mạch từ biển Đông vào đến nội thành TP.HCM đồng thời tiếp giáp với rừng Sác. Khu vực phía Tây của huyện là con kênh Cây Khô, nằm trên tuyến đường thủy từ đồng bằng sông Cửu Long kết nối đến TP. Hồ Chí Minh. Nhờ có hệ thống sông ngòi chằng chịt, huyện Nhà Bè có thể thuận lợi mở rộng mạng lưới giao thông đường thủy. Bên cạnh đó còn có thể xây dựng các cảng nước sâu để tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn.
Tuy nhiên, vị trí gần cửa sông, giáp biển cũng khiến nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất bị khan hiếm, đặc biệt là vào mùa khô. Ngoài ra, hiện tượng sạt lở đất cũng thường xuyên xảy ra trong thời gian qua, gây ảnh hưởng không chỉ đến tài sản mà còn là tính mạng của người dân.
1.3. Diện tích và dân số
Nhìn trên bản đồ huyện Nhà Bè thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy khu vực này sở hữu quỹ đất khá rộng lớn. Tính đến hiện tại, tổng diện tích đất tự nhiên của huyện Nhà Bè là 100,43 km2. Trong đó, 41% diện tích là đất nông nghiệp và 59% còn lại là diện tích đất phi nông nghiệp.
Tổng dân số của huyện tính đến năm 2019 là 206.837 người, mật độ dân số đạt 2.060 người/km2. Tỷ lệ dân số thành thị là 22% (45.524 người), tỷ lệ dân số nông thôn là 78% (161.313 người).
Trong tổng dân số của huyện Nhà Bè, người Kinh chiếm đến 99%, các dân tộc khác chỉ chiếm khoảng 1% dân số. Theo thống kê năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của địa phương này đạt mức 65,542 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 0,25%.
>>> Nếu bạn đang tìm thuê văn phòng, hãy xem ngay: 1500+ Tòa nhà cho thuê văn phòng TPHCM
2. Bản đồ hành chính huyện Nhà Bè
Huyện Nhà Bè được chia thành 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, trong đó bao gồm 1 thị trấn và 6 xã. Thông tin cụ thể như sau:
STT | Đơn vị hành chính cấp xã | Diện tích (km2) | Dân số 2021 (người) | Mật độ dân số (người/km2) |
1 | Thị trấn Nhà Bè | 5,99 | 45.395 | 7.578 |
2 | Xã Hiệp Phước | 38,02 | 20.687 | 544 |
3 | Xã Long Thới | 10,89 | 16.022 | 1.471 |
4 | Xã Nhơn Đức | 14,56 | 29.120 | 2.000 |
5 | Xã Phú Xuân | 10,00 | 36.116 | 3.611 |
6 | Xã Phước Kiển | 15,04 | 60.898 | 4.049 |
7 | Xã Phước Lộc | 6,05 | 15.641 | 2.585 |
Năm 1986, thị trấn Nhà Bè là thị trấn huyện lỵ của huyện Nhà Bè trên cơ sở diện tích và dân số của xã Phú Mỹ và Phú Xuân. Sau khi có sự điều chỉnh địa giới hành chính, huyện lỵ mới của huyện Nhà Bè dời về xã Phú Xuân như hiện nay.
3. Bản đồ quy hoạch huyện Nhà Bè mới nhất
Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra đề án quy hoạch năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa huyện Nhà Bè trở thành khu đô thị sầm uất trong tương lai.
Với ưu thế về vị trí địa lý giáp biển, huyện Nhà Bè được định hướng tập trung vào các hoạt động kinh tế công nghiệp cảng, thương mại và dịch vụ. Khu vực này cũng được quy hoạch để hình thành các khu đô thị hiện đại cùng một số khu chức năng hành chính quan trọng của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời cũng được đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hệ thống giao thông của khu vực phía Nam thành phố.
Bên cạnh đầu tư xây mới, địa bàn huyện Nhà Bè cũng cần quy hoạch lại sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng nhằm phát triển kinh tế thương mại, dịch vụ. Mục tiêu hướng đến là nâng cao chất lượng dịch vụ nhằm phục vụ cư dân địa phương và nhu cầu của cả thành phố. Xét về định hướng lâu dài, huyện Nhà Bè có mục tiêu được duyệt quy hoạch lên quận trước năm 2025 và được công nhận là quận trước năm 2030.
Các hạng mục công trình giao thông công cộng được triển khai trong thời gian tới bao gồm:
- Đưa vào sử dụng cầu Phước Lộc (nối liền 2 xã Phước Lộc và Phước Kiển) và đường Đào Sư Tích;
- Hầm chui tại nút giao các tuyến đường Nguyễn Văn Linh – Nguyễn Hữu Thọ;
- Hoàn thiện tuyến bờ kè Rạch Long Kiểng thuộc xã Phước Kiển;
- Triển khai xây dựng cầu Bình Khánh, kết nối với huyện Cần Giờ;
- Đầu tư xây mới cầu bê tông Long Kiển, Rạch Đĩa thay cho cây cầu sắt trên tuyến đường Lê Văn Lương;
- Đưa vào sử dụng tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành đi ngang qua địa bàn huyện.
>>> Xem thêm: Bản đồ Việt Nam
4. Bản đồ giao thông huyện Nhà Bè, TP.HCM
Trong những năm gần đây, huyện Nhà Bè đã đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống giao thông. Trong đó bao gồm cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, cụ thể như sau:
- Xây dựng tuyến đường cao tốc liên vùng phía Nam. Đây là vành đai cao tốc nối liền thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đảm bảo giảm ùn tắc, di chuyển thuận lợi tốc độ cao.
- Với các tuyến đường bộ hiện hữu, tiếp tục cải tạo và nâng cấp lộ giới theo đúng quy hoạch đã được duyệt. Đảm bảo khai thác hiệu quả chức năng giao thông và mật độ giao thông phù hợp.
- Xây dựng tuyến đường sắt chuyên dụng phía Nam, đi từ đường sắt quốc gia đến khu cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa và giao thương.
- Các tuyến đường thủy có chức năng thông thủy vẫn tiếp tục được quy hoạch theo đề án của Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh.
5. Điểm đến tham quan nổi bật tại huyện Nhà Bè
Với vị trí chiến lược trên bản đồ TP.HCM, huyện Nhà Bè không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế mà còn nổi tiếng với nhiều điểm đến tham quan độc đáo. Cùng khám phá dưới đây những địa điểm tham quan nổi bật tại khu vực huyện nội thành phía Đông Nam thành phố!
5.1. Chùa Pháp Võ
Chùa Pháp Võ hay còn gọi là Pháp Võ Cổ Tự, do sư bà Thích Nữ Liễu Tướng sáng lập vào năm 1934, thuộc hệ phái Bắc tông. Ban đầu, đây chỉ là ngôi nhà mái tranh đơn sơ, sau đó được hai Phật tử Bùi Thị Da và Bùi Thị Tố góp công xây dựng. Sau nhiều lần tu sửa, Pháp Võ Cổ Tự đã được hoàn thành chính thức vào năm 2010, bao gồm các hạng mục: Giảng đường, Đại hùng bảo điện, Tiền sảnh và Dãy nhà Đông lang.
Ngôi chùa này sở hữu lối kiến trúc độc đáo, được tạo thành từ các loại vật liệu đặc biệt. Theo đó, trong quá trình kiến thiết, Ni sư trụ trì của chùa đã ra tận Hà Tây để mua những khối gỗ lim từ một ngôi nhà cổ trên 150 năm của một gia đình Phật giáo để làm trụ cột của chùa. Bên trong điện Phật được bài trí trang nghiêm, đặt thờ các tượng Bổn sư Thích Ca, Thất Phật Dược Sư, Di Đà Tam Tôn, Bồ tát Di Lặc,… Cứ mỗi dịp rằm hay lễ lớn, chùa lại đón nhiều Phật tử và người dân đến đây để dâng hương.
Địa chỉ: Ấp 3, Xã Phú Xuân, Huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.
5.2. Khu sinh thái Tháp Ngà
Một trong những điểm đến hàng đầu không thể bỏ qua tại huyện Nhà Bè, TP.HCM đó chính là khu sinh thái Tháp Ngà. Khu sinh thái này nằm cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 15 phút di chuyển, sở hữu không gian rộng lớn cùng bốn bề cảnh vật còn hoang sơ, trong lành. Đến với Tháp Ngà, du khách sẽ được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, dễ chịu cũng như được thưởng thức nhiều món ăn ngon đặc sắc.
Đặc biệt, khu sinh thái này còn thiết kế riêng một khu cắm trại phù hợp với các gia đình, nhóm bạn hay các cơ quan tổ chức. Theo đó, bạn có thể thỏa thích tham gia các hoạt động thú vị như câu cá, cưỡi trâu, tham quan vườn thú, bơi lội,… Bên trong khu du lịch sinh thái Tháp Ngà là khu resort nghỉ dưỡng nằm giữa rừng dừa, thuận tiện cho những ai muốn nghỉ ngơi thư giãn tại đây.
Địa chỉ: 168 Nguyễn Hữu Thọ, Phước Kiển, Nhà Bè.
5.3. Công viên nước Thiên Thanh
Thiên Thanh được biết đến là công viên nước lớn nhất thành phố Hồ Chí Minh khi sở hữu quy mô lên đến 7 ha. Nơi đây cũng được đánh giá là khu vực sở hữu mô hình khu vui chơi – giải trí độc đáo, được nhiều yêu thích nhất hiện nay. Đến với công viên nước Thiên Thanh, bạn sẽ được trải nghiệm hệ thống máng trượt cao đến 9m và máng trượt lộ thiên cao 2,5m.
Bên cạnh đó, còn nhiều hoạt động thú vị khác mà bạn có thể tham gia như khám phá quảng trường nước, hồ tạo sóng lớn, nước phun từ lòng đất,… Chỉ mất khoảng 35 phút di chuyển từ trung tâm thành phố, bạn đã có thể đến được khu vui chơi công viên nước Thiên Thanh.
Địa chỉ: 168 Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Lời kết
Trong vài năm trở lại đây, huyện Nhà Bè được đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông, tạo động lực thúc đẩy quá trình đô thị hóa nhanh chóng tại khu vực. Thông qua bản đồ huyện Nhà Bè mới nhất, ta có thể nắm được những thông tin tổng quan về vị trí địa lý, địa giới hành chính cũng như tiềm năng phát triển của khu vực này trong tương lai. Để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích, đừng quên theo dõi những bài viết tiếp theo của Maison Office!
Xem thêm bản đồ các quận huyện TPHCM:
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.