Bản đồ Huyện Hóc Môn TPHCM [Cập nhật mới nhất]
Theo dõi Maison Office trênHuyện Hóc Môn là một trong những huyện ngoại thành trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với các quận trung tâm, huyện Hóc Môn cũng đang phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng. Để có được góc nhìn tổng quan nhất về khu vực này, hãy cùng Maison Office khám phá bản đồ Hóc Môn mới nhất hiện nay!
Nội dung chính
1. Giới thiệu về huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh
Huyện Hóc Môn là 1 trong số 22 quận huyện trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh, nổi bật với những đặc trưng văn hóa và lịch sử độc đáo. Trong những năm vừa qua, huyện Hóc Môn ghi nhận tốc độ phát triển nhanh chóng với định hướng quy hoạch bài bản, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa trong khu vực. Trong phần này, hãy cùng tìm hiểu những thông tin tổng quan nhất về huyện Hóc Môn thành phố Hồ Chí Minh!
Tên đơn vị hành chính |
Huyện Hóc Môn |
Mã hành chính | 784 |
Vùng | Đông Nam Bộ |
Diện tích | 110,18 km2 |
Dân số (tính đến 2019) | 542.243 người |
Mật độ dân số | 4.967 người/km2 |
Đơn vị hành chính cấp xã | 1 thị trấn, 11 xã |
Biển số xe | 59-Y1; 50-Y1 |
Trụ sở UBND | Số 1 Lý Nam Đế, Thị Trấn Hóc Môn, Huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh |
Website | hocmon.hochiminhcity.gov.vn |
1.1. Lịch sử hình thành
Địa danh Hóc Môn được hình thành trên bản đồ cách đây trên 300 năm, cùng với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn xưa. Vào năm 1968, khu vực phía Nam đất đai còn hoang vu, dân cư thưa thớt, địa danh Hóc Môn lúc này chưa có tên gọi chính thức, là một vùng thuộc huyện Tân Bình, phủ Gia Định. Trong giai đoạn 1945 – 1954, Hóc Môn được biết đến là 1 trong 4 quận của tỉnh Gia Định (cùng Thủ Đức, Gò Vấp, Nhà Bè).
Theo yêu cầu phát triển của phong trào cách mạng trong từng giai đoạn, Hóc Môn đã có nhiều lần tách nhập và thay đổi địa giới hành chính. Cụ thể như sau:
- Từ năm 1954 – 1959: Quận Hóc Môn bao gồm 3 quận, huyện là Hóc Môn, Củ Chi và Quận 12 ngày nay;
- Từ năm 1960 – 1961: Hóc Môn tách ra thành 2 quận: Hóc Môn và Củ Chi;
- Từ năm 1961 – 1969: Hóc Môn và Gò Vấp được sáp nhập để thành lập quận Gò Môn, sau đó nhập thêm một số xã của Củ Chi và thành lập phân khu Gò Môn;
- Từ năm 1969 – 1972: Phân khu Gò Môn tách ra thành 4 quận nhỏ, trong đó Hóc Môn được tách ra thành 2 quận Đông Môn và Tây Môn;
- Từ năm 1972 – 1975: Đông Môn và Tây Môn sáp nhập lại thành quận Hóc Môn.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/04/1975, huyện Hóc Môn được thành lập (bao gồm 1 thị trấn và 16 xã), trở thành 1 trong 5 huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh. Năm 1997, do yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của thành phố, 7 xã của huyện Hóc Môn được tách ra để thành lập Quận 12. Cho đến hiện tại, huyện Hóc Môn được phân chia thành 12 đơn vị hành chính trực thuộc.
1.2. Vị trí địa lý
Hóc Môn là huyện ngoại thành trực thuộc TP. Hồ Chí Minh, nằm ở cửa ngõ phía Tây thành phố. Vị trí địa lý của huyện Hóc Môn trên bản đồ như sau:
- Phía Đông giáp với thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương (ranh giới là sông Sài Gòn);
- Phía Tây giáp với huyện Đức Hòa, tỉnh Long An;
- Phía Nam giáp với các quận Bình Tân, Quận 12 và huyện Bình Chánh;
- Phía Bắc giáp với huyện Củ Chi.
Huyện Hóc Môn nằm trên trục Quốc lộ 22 – vùng chuyển tiếp và kết nối giao thông giữa miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Địa bàn huyện được đánh giá có hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ và đường vành đai khá hoàn chỉnh. Bên cạnh đó, khu vực này còn có ưu thế về hệ thống sông ngòi, kênh rạch, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông đường thủy.
1.3. Diện tích và dân số
Tính đến hiện tại, tổng diện tích đất của huyện Hóc Môn là 109,17 km2. Trong đó, diện tích đất ở chiếm gần 1/2 diện tích đất tự nhiên, riêng phần đất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 11%. Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa cao, dẫn đến tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng trong khu vực.
Theo số liệu từ cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở 2019, huyện Hóc Môn có tổng dân số là 542.243 người. Mật độ dân số địa phương đạt 4.967 người/km2. Với tốc độ gia tăng dân số hiện tại, dự đoán tỉ trọng đất ở trên tổng diện tích đất tự nhiên của huyện còn tiếp tục tăng mạnh trong tương lai.
>>> Nếu bạn đang tìm thuê văn phòng, hãy xem ngay: 1500+ Tòa nhà cho thuê văn phòng TPHCM
2. Bản đồ hành chính huyện Hóc Môn
Qua nhiều lần tách nhập, điều chỉnh địa giới hành chính thì tính đến nay, huyện Hóc Môn đang có 12 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trong đó bao gồm 1 thị trấn và 11 xã như sau:
STT | Đơn vị hành chính cấp xã | Diện tích (km2) | Dân số 2021 (người) | Mật độ dân số (người/km2) |
1 | Thị trấn Hóc Môn | 1,74 | 20.748 | 11.924 |
2 | Bà Điểm | 7,05 | 96.388 | 13.672 |
3 | Đông Thạnh | 12,83 | 83.160 | 6.481 |
4 | Nhị Bình | 8,53 | 17.433 | 2.043 |
5 | Tân Hiệp | 11,97 | 34.107 | 2.849 |
6 | Tân Thới Nhì | 17,28 | 31.769 | 1.838 |
7 | Tân Xuân | 2,74 | 31.604 | 11.534 |
8 | Thới Tam Thôn | 8,94 | 85.293 | 9.540 |
9 | Trung Chánh | 1,77 | 36.028 | 20.354 |
10 | Xuân Thới Đông | 2,99 | 38.841 | 12.990 |
11 | Xuân Thới Sơn | 15,02 | 36.123 | 2.404 |
12 | Xuân Thới Thượng | 18,57 | 81.781 | 4.403 |
Trụ sở Ủy ban nhân dân và các cơ quan hành chính quan trọng của huyện Hóc Môn được đặt tại thị trấn Hóc Môn. Xã Bà Điểm có dân số đông nhất, trong khi đó thị trấn Hóc Môn lại là một trong các khu vực có dân số thấp nhất của huyện.
3. Bản đồ quy hoạch huyện Hóc Môn mới nhất
Cùng với quá trình đô thị hóa nhanh chóng của TP. Hồ Chí Minh, huyện Hóc Môn cũng được đầu tư mạnh vào lĩnh vực xây dựng. Theo đó, có nhiều công trình chung cư, khu phức hợp thương mại, khu đô thị hiện đại,… đang được triển khai tại địa phương. Bản đồ quy hoạch huyện Hóc Môn sẽ là công cụ hữu ích giúp người dân cũng như các tổ chức nắm rõ kế hoạch phát triển, mở rộng của huyện trong tương lai gần.
Theo quy hoạch đến năm 2030, huyện Hóc Môn sẽ tập trung vào mục tiêu phát triển bền vững kinh tế – xã hội, đồng thời nâng cao chất lượng hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục và dịch vụ công cộng. Bên cạnh đó, địa phương còn đặt mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội như: nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội,…
Nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông và tiết kiệm thời gian di chuyển, địa bàn huyện Hóc Môn cũng tiến hành triển khai nhiều hạng mục quan trọng. Trong đó, các hạng mục hạ tầng giao thông cần hoàn thiện đến năm 2030 bao gồm:
- Hoàn thiện tuyến đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, nối liền Quốc lộ 1A và Quốc lộ 22.
- Xây dựng nút giao nối liền TP. Hồ Chí Minh với cao tốc Bến Lức – Long Thành.
- Mở rộng các tuyến đường huyết mạch của thành phố như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22, Đại lộ Đông Tây, đường Bưng Ông Thoàn,…
- Xây dựng các hạng mục: Đường vành đai 2, Hầm chui An Sương, Cầu Bình Tiên và nhiều tuyến đường khác.
>>> Xem thêm: Bản đồ Việt Nam
4. Bản đồ giao thông huyện Hóc Môn
Hệ thống giao thông tại huyện Hóc Môn được cải tạo và mở rộng theo đúng lộ giới quy định. Bên cạnh đó là đầu tư xây mới một số tuyến đường, tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Bản đồ giao thông huyện Hóc Môn bao gồm các hạng mục như sau:
– Các tuyến đường giao thông đối ngoại: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 22 (đoạn từ Hương lộ 60 đến ranh giới huyện Củ Chi) có lộ giới 120m. Quốc lộ 22 (đoạn từ Quận 12 đến Hương lộ 60) và đường Vành đai 3 có lộ giới 60m.
– Các tuyến đường giao thông đối nội:
- Đường D5 và 2 tuyến đường vòng thuộc khu đô thị đại học Quốc tế Berjaya có lộ giới 60m.
- Các tuyến đường: Lê Văn Khương, Đặng Công Bỉnh, Nguyễn Văn Bứa, Bùi Công Trừng, Đặng Thúc Vịnh, Tô Ký, Vòng cung Tây Bắc, Kênh Xáng, đường nối Kênh Xáng – Vòng cung Tây Bắc Rạch Tra, N6 nối dài lộ giới 40m.
- Các tuyến đường còn lại có quy mô lộ giới từ 16 – 30m.
– Giao thông đường sắt:
- Tuyến đường sắt liên đô thị TP.HCM – Mộc Bài Tây Ninh được bố trí 2 ga tàu dọc đường, quy mô từ 0,5 – 1 ha cho mỗi ga.
- Tuyến đường sắt quốc gia phía Tây TP.HCM, tại một số đoạn tuyến có hành lang đường bộ ở hai bên đường sắt.
– Giao thông đường thủy: Gồm sông Sài Gòn, Kênh Xáng, Kênh An Hạ, Rạch Tra, Rạch Cầu Mênh. Đây là các sông, kênh rạch có chức năng giao thông, còn các kênh rạch khác chủ yếu được sử dụng để tiêu thoát nước.
– Bến xe: Bến xe An Sương (quy mô 1,6 ha) trên địa bàn huyện dự kiến được nâng cấp thành bến xe buýt thành phố, đảm nhận chức năng giao thông công cộng. Bên cạnh đó còn xây dựng mới bến xe Xuyên Á với quy mô 25ha. Đây là bến xe khách liên tỉnh nằm tại cửa ngõ Tây Bắc của TP.HCM.
5. Huyện Hóc Môn có điểm đến nào nổi bật?
Huyện Hóc Môn, vùng đất nằm ở phía Tây Sài Gòn, là sự đan xen giữa nét đẹp đô thị hiện đại với hơi thở của làng quê yên bình. Với sự phát triển nhanh chóng, huyện Hóc Môn đã trở thành một điểm sáng trong bản đồ phát triển kinh tế và du lịch của khu vực. Tại đây có nhiều điểm đến hấp dẫn mà bạn nên thử ghé thăm một lần. Trong đó phải kể đến như:
5.1. Chùa Hoằng Pháp
Chùa Hoằng Pháp cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 20km về phía Tây Bắc, nằm dọc Quốc lộ 22, thuộc xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Ngôi chùa này được xây dựng vào năm 1959 bởi cố hòa thượng Ngộ Chân Tử thuộc hệ phái Bắc tông.
Chùa Hoằng Pháp được xây dựng trên khu đất rộng 756m2, theo lối kiến trúc chữ công. Nhìn từ xa, ta đã có thể cảm nhận nét đẹp cổ kính của ngôi chùa linh thiêng, nổi bật với 2 tầng mái ngói đỏ và các chi tiết chạm khắc tinh xảo. Cứ đến các ngày rằm hoặc lễ lớn, chùa lại đón nhận rất nhiều phật tử và những người hướng phật đến đây để dâng hương.
Địa chỉ: Xã Tân Hiệp, Huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh.
5.2. Khu di tích Ngã Ba Giồng
Ngã Ba Giồng là khu di tích lịch sử ghi lại một thời chiến đấu oanh liệt của các anh hùng liệt sĩ trong cuộc chiến chống thực dân Pháp. Dự án này mang một ý nghĩa lịch sử, văn hóa sâu sắc nhằm bày tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đến những anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc.
Khu di tích có diện tích 2.300m2, bao gồm các hạng mục công trình: đền tưởng niệm, nhà trưng bày hiện vật, quảng trường với 3 cụm tượng đài và vườn trầu cau. Đến đây, bạn không chỉ được tận hưởng không khí yên bình mà còn được tìm hiểu thêm những kiến thức bổ ích về lịch sử.
Địa chỉ: 1 Phan Văn Hớn, xã Xuân Tân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
5.3. Công viên cá Koi Nhật Bản – Rin Rin Park
Công viên cá Koi Rin Rin Park có quy mô lên đến 20.000m2, tọa lạc tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM. Công trình độc đáo này được xây dựng dưới bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân Nhật Bản. Khi bước chân đến đây, bạn sẽ phải choáng ngợp trước không gian rộng lớn cùng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp. Xung quanh được trang trí với nhiều cây xanh, chậu bonsai được tạo hình độc đáo. Xen kẽ với đó là những bức tượng bằng đá được điêu khắc một cách tỉ mỉ.
Điểm thu hút nhất ở Rin Rin Park chắc chắn phải kể đến đàn cá Koi màu sắc rực rỡ. Hoạt động cho cá ăn cũng rất thú vị, được rất nhiều gia đình, đặc biệt là các bạn nhỏ yêu thích.
- Địa chỉ: 87/8P Xuân Thới Thượng 6, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM.
- Thời gian mở cửa: 7:00 – 19:00.
6. Lời kết
Như vậy, Maison Office đã vừa chia sẻ đến bạn bản đồ Hóc Môn được cập nhật mới nhất hiện nay. Huyện Hóc Môn là một trong những huyện có tốc độ đô thị hóa cao của thành phố Hồ Chí Minh. Sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng và giao thông hiện đại chính là điểm sáng mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển bền vững của khu vực này. Đừng quên theo dõi Maison Office để biết thêm thông tin mới nhất về các quận huyện khác của TP.HCM!
Xem thêm bản đồ các quận huyện TPHCM:
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.