Maison Office

Bản đồ Huyện Cần Giờ TPHCM [Cập nhật mới nhất]

Theo dõi Maison Office trên
bản đồ huyện cần giờ

Cần Giờ là huyện duy nhất trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh giáp biển. Chính vì vậy, dù có vị trí cách khá xa trung tâm thành phố song huyện ngoại thành này vẫn được đánh giá rất cao về tiềm năng phát triển kinh tế. Trong bài viết này, hãy cùng Maison Office khám phá bản đồ huyện Cần Giờ các loại, bao gồm: bản đồ hành chính, bản đồ quy hoạch và sử dụng đất, bản đồ giao thông của khu vực. 

1. Thông tin tổng quan về huyện Cần Giờ, TP.HCM

Cần giờ là huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh có vị trí giáp biển. Do đó, khu vực này sở hữu nhiều đặc điểm khác biệt về địa hình, địa giới hành chính so với các quận huyện khác. Trong phần này, Maison Office sẽ giúp bạn tổng hợp những thông tin tổng quan về huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh: 

THÔNG TIN TỔNG QUAN HUYỆN CẦN GIỜ
Tên đơn vị hành chính Huyện Cần Giờ
Mã hành chính 787
Thành lập 1991
Diện tích 704,45 km2
Dân số (tính đến 2019) 71.526 người
Mật độ dân số 102 người/km2
Biển số xe 59-Z2
Website cangio.hochiminhcity.gov.vn

 

1.1. Lịch sử hình thành

Địa danh Cần Giờ gắn liền với lịch sử hơn 300 năm của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được biết đến là một trong những mảnh đất được đặt chân đến sớm nhất trong công cuộc khai khẩn phương Nam. Nơi đây cũng từng chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử của đất nước: trận thủy chiến “Thất Kỳ Giang” giữa quân Tây Sơn và Chúa Nguyễn, là địa bàn hoạt động của Bình Tây Đại Nguyên Soái, là căn cứ kháng chiến của Việt Nam và quân Bình Xuyên trong thời kỳ kháng Pháp,… 

Vào thế kỷ 18, Cần Giờ được biết đến là tên của một cửa biển. Năm 1872, thực dân Pháp thành lập tổng Cần Giờ từ phần đất cắt ra của hai tổng thuộc huyện Bình Dương. Đến đầu thế kỷ 19, Cần Giờ là một trong bốn tổng của quận Nhà Bè, tỉnh Gia Định cũ. Tháng 5 năm 1947, tổng Cần Giờ bị tách khỏi tỉnh Gia Định, thành lập quận Cần Giờ thuộc tỉnh Vũng Tàu (được biết đến là thành phố Vũng Tàu ngày nay). 

huyện cần giờ thành phố hồ chí minh
Vị trí của huyện Cần Giờ trên bản đồ Sài Gòn xưa

Năm 1957, thị xã Vũng Tàu bị giải thể, một phần tổng Cần Giờ chuyển sang trực thuộc tỉnh Phước Tuy (tên gọi của tỉnh Bà Rịa lúc đó). Năm 1960, Cần Giờ chuyển sang thuộc tỉnh Biên Hòa và quay trở lại nhập vào tỉnh Gia Định năm 1965. Năm 1968, huyện Duyên Hải được thành lập trên cơ sở sáp nhập huyện Cần Giờ với hai xã Phú Hữu, Phước Khánh (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) và xã Long Sơn (huyện Châu Thành, Long An). 

Tháng 12 năm 1978, huyện Duyên Hải được sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh và đổi tên lại thành huyện Cần Giờ vào năm 1991 (theo Quyết định số 405-HĐBT). Theo đó, huyện Cần Giờ được chia thành 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 1 thị trấn và 6 xã cho đến hiện nay. 

1.2. Vị trí địa lý

Cần Giờ là huyện ngoại thành thành phố Hồ Chí Minh có vị trí giáp biển, cách trung tâm thành phố khoảng 50km về phía Đông Nam. Tọa độ địa lý chính xác của huyện Cần Giờ trên bản đồ là từ 106 độ 46’12” – 107 độ 00’50” kinh độ Đông đến 10 độ 22’14” – 10 độ 40’00” vĩ độ Bắc. Nhìn trên bản đồ huyện Cần Giờ, có thể thấy khu vực này nằm tách biệt với các địa phương lân cận, có địa giới hành chính cụ thể như sau: 

  • Phía Đông giáp với thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (ranh giới là sông Thị Vải).
  • Phía Tây giáp với các huyện Cần Giuộc, Cần Đước (tỉnh Long An) và huyện Gò Công Đông (tỉnh Tiền Giang).
  • Phía Nam giáp với Biển Đông.
  • Phía Bắc giáp với huyện Nhà Bè (qua sông Soài Rạp) và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai (qua sông Đồng Tranh và sông Lòng Tàu). 
Cần Giờ gần quận nào
Vị trí địa lý huyện Cần Giờ trên bản đồ TP.HCM mới nhất

Huyện Cần Giờ có hơn 20km bờ biển trải dài theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Bên cạnh đó còn có khu rừng ngập mặn đan xen cùng hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tạo nên hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại động thực vật đặc hữu của miền duyên hải Việt Nam. Địa bàn huyện có nhiều cửa sông lớn của các con sông: Cái Mép, Soài Rạp, Thị Vải, Đồng Tranh, Lòng Tàu,… 

Vị trí địa lý của huyện Cần Giờ bị ngăn cách với các địa phương lân cận bởi nhiều sông lớn, chưa có cầu bắc qua. Do vậy phương tiện di chuyển chính của người dân nơi đây chủ yếu là phà. Tuyến đường bộ quan trọng nhất của khu vực là đường Rừng Sác, chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. 

1.3. Diện tích và dân số

Tính đến hiện tại, huyện Cần Giờ có diện tích 704,45 km2. Trong đó, đất lâm nghiệp là khoảng 32.109 hecta và đất sông rạch là 22.850 hecta. Vùng ngập mặn chiếm đến 56,7% tổng diện tích toàn huyện. 

Tổng dân số của huyện Cần Giờ tính đến tháng 4 năm 2019 là 71.526 người, mật độ dân số đạt 102 người/km2. Trong đó, dân tộc Kinh chiếm 80% tổng dân số, phần trăm còn lại là các dân tộc Chăm và Khmer. 

>>> Nếu bạn đang tìm thuê văn phòng, hãy xem ngay: 1500+ Tòa nhà cho thuê văn phòng TPHCM 

2. Bản đồ hành chính huyện Cần Giờ mới nhất

Dựa trên bản đồ hành chính huyện Cần Giờ, có thể biết được huyện Cần Giờ đang có 7 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc. Trong đó bao gồm 1 thị trấn (Cần Thạnh) và 6 xã (An Thới Đông, Bình Khánh, Long Hòa, Lý Nhơn, Tam Thôn Hiệp, Thạnh An). Thông tin chi tiết được cập nhật trong bảng dưới đây:

STT Đơn vị hành chính cấp xã Diện tích (km2) Dân số 2021 (người) Mật độ dân số (người/km2)
1 Thị trấn Cần Thạnh 24,51 12.018 490
2 Xã An Thới Đông 103,72 14.222 137
3 Xã Bình Khánh 43,45 22.078 508
4 Xã Long Hòa 132,58 11.498 86
5 Xã Lý Nhơn 158,15 6.350 40
6 Xã Tam Thôn Hiệp 110,38 5.796 52
7 Xã Thạnh An 131,41 4.523 34

 

Bản đồ hành chính huyện Cần Giờ
Bản đồ hành chính huyện Cần Giờ, TP.HCM

Trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ được đặt tại thị trấn Cần Thạnh. Dân cư tập trung đông nhất tại xã Bình Khánh và ít nhất ở xã Thạnh An. 

3. Bản đồ quy hoạch huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh

Diện tích đất tự nhiên của huyện Cần Giờ là 70.445,33ha. Trong đó có hơn 46.875 ha đất nông nghiệp, 22.540 ha đất phi nông nghiệp và 1.029 ha đất chưa sử dụng. Cơ cấu kinh tế của huyện Cần Giờ được xác định là bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới kết hợp cùng khai thác du lịch. Đây được xem là đầu mối giao thông và hạ tầng kỹ thuật quan trọng của khu vực Đông Nam thành phố, thúc đẩy phát triển nông lâm ngư nghiệp, thương mại dịch vụ và công nghiệp xây dựng. 

UBND thành phố Hồ Chí Minh đã xác định, đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản sẽ trở thành đô thị nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng cao ngang tầm khu vực. Để đạt được mục tiêu trên, quy hoạch cần đảm bảo quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Tầm nhìn 2030 – 2040, Cần Giờ sẽ trở thành hình mẫu về sự kết hợp giữa bảo tồn đa dạng sinh học, hệ sinh thái tự nhiên với chất lượng sống ngày một cải thiện của cộng đồng dân cư. 

Bản đồ quy hoạch Cần Giờ
Bản đồ quy hoạch Cần Giờ mới nhất hiện nay

Thành ủy TP.HCM cũng vừa ban hành các giải pháp xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, du lịch sinh thái thân thiện. Cụ thể, xây dựng xã nông thôn mới tại xã Bình Khánh đồng thời triển khai có hiệu quả đề án phát triển kinh tế – xã hội đảo Thạnh An. Bên cạnh đó chú trọng thực hiện các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, chống xói lở, xâm thực bờ biển, xâm nhập mặn,… bằng các mô hình khoa học công nghệ tiên tiến. 

>>> Xem thêm: Bản đồ Việt Nam

4. Bản đồ giao thông huyện Cần Giờ 

Các tuyến đường giao thông quan trọng của huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh bao gồm:

– Đường Rừng Sác: Đây là tuyến giao thông chính chạy dọc huyện Cần Giờ, xuyên theo trục Tây Bắc – Đông Nam, có chiều dài 36,5km và rộng 30m.

– Cao tốc Bến Lức – Long Thành: Là tuyến đường giao thông đối ngoại, kết nối huyện Cần Giờ với trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận.

– Các tuyến giao thông công cộng: Bao gồm các tuyến đường thủy như: Bến phà Cần Thạnh – Vũng Tàu; Bến phà Lý Nhơn, Bến phà Thạnh An, Bến phà Bình Khánh 1 – Phú Xuân – Nhà Bè; Bến phà Bình Khánh 2 – Hiệp Phước – Nhà Bè; Bến phà Bình Khánh 3 – Nhơn Trạch – Đồng Nai; Bến phà An Thới Đông – Cần Giuộc – Long An. 

Bản đồ giao thông huyện Cần Giờ
Bản đồ giao thông huyện Cần Giờ

Dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ (vượt sông Soài Rạp nối huyện Cần Giờ qua Nhà Bè) dự kiến sẽ được khởi công vào tháng 4/2025 với tổng vốn lên đến 10.000 tỷ đồng. Cây cầu này khi chính thức đi vào hoạt động sẽ thay thế cho phà Bình Khánh, vốn đã quá tải nhiều năm nay. 

5. Huyện Cần Giờ có điểm đến nào nổi bật?

Cần Giờ không chỉ là đầu mối giao thương quan trọng của thành phố Hồ Chí Minh mà còn là điểm đến lý tưởng cho những chuyến du lịch nghỉ dưỡng. Với vị trí giáp biển, nơi đây sở hữu hệ sinh thái tự nhiên đa dạng và hoang sơ, thu hút du khách với nhiều điểm đến hấp dẫn. Dưới đây là những địa điểm bạn không nên bỏ qua khi có dịp đến với huyện Cần Giờ: 

5.1. Đảo Thạnh An

Đảo Thạnh An thuộc địa bàn huyện Cần Giờ, nằm cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 70km về phía Đông. Hòn đảo này trước đây từng là cửa ngõ quan trọng của thành phố Sài Gòn – Gia Định xưa. Đảo Thạnh An có diện tích rộng 131,41km2 nhưng chỉ có hơn 4000 cư dân. Khu vực đảo này được biết đến là nơi sinh sống của các loài cây ngập mặn với hệ sinh thái cực kỳ đa dạng. Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ, trong lành mà còn được tham gia nhiều hoạt động thú vị như: câu cá, chèo thuyền Kayak, chèo Sup,… 

Lưu ý, những khung giờ tàu chạy ra đảo Thạnh An sẽ là 6h30, 9h30, 12h, 14h và 17h. Tuy nhiên, vào thứ 7 và chủ nhật, khi đã có đủ lượng khách thì tàu có thể chạy sớm hơn lịch trình. 

Đảo Thạnh An
Đảo Thạnh An đẹp hoang sơ và thơ mộng

5.2. Đảo Khỉ

Điểm đến thú vị tiếp theo mà du khách không nên bỏ qua khi đến Cần Giờ đó chính là Đảo Khỉ. Hòn đảo này nằm trong khu dự trữ sinh quyển ngập mặn Cần Giờ, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng 50km về phía Đông Nam. Đúng như tên gọi của Đảo Khỉ, hòn đảo này được biết đến là nơi cư trú của hơn 2000 cá thể khỉ thuộc đa dạng các loại. Du khách khi đến đây ngoài tham quan và xem khỉ còn có thể thưởng thức xiếc khỉ, xiếc cá voi hoặc tham quan khu bảo tồn cá sấu. 

5.3. Khu du lịch Vàm Sát

Khu du lịch sinh thái Vàm Sát thuộc địa bàn xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, nằm cách bến phà Bình Khánh khoảng 40km. Đây là 1 trong 2 khu du lịch sinh thái bền vững của thế giới tại Việt Nam, được tổ chức Du lịch thế giới công nhận vào năm 2003. 

Khu du lịch Vàm Sát có lịch sử lâu đời
Khu du lịch Vàm Sát

Khu du lịch Vàm Sát được hình thành bắt đầu từ một chiến dịch trồng lại rừng Cần Giờ, do lực lượng thanh niên xung phong thực hiện vào năm 1979. Đến năm 1999, Vàm Sát được giao cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Du lịch Phú Thọ quản lý và khai thác kinh doanh du lịch. Với bước chuyển đổi này, Vàm Sát đã trở thành một trong những khu du lịch sinh thái nổi tiếng, thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước. 

6. Lời kết

Với sự đổi mới và phát triển không ngừng, bản đồ huyện Cần Giờ cũng dần có nhiều đổi thay tích cực theo thời gian. Hứa hẹn trong tương lai, huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh sẽ đạt được tầm nhìn trở thành đô thị nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái chất lượng hàng đầu trong khu vực. 

Xem thêm bản đồ các quận huyện TPHCM:

Đánh giá bài viết
Contact Me on Zalo