Maison Office

Quy định mới nhất về chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu [2024]

Theo dõi Maison Office trên
Quy định về chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu năm 2024

Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu là một khoản chi phí quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và tính minh bạch của mỗi dự án. Việc xác định chi phí này đòi hỏi sự chính xác và công bằng, đảm bảo không gây lãng phí ngân sách và tăng cường hiệu quả đầu tư. Hiện nay, định mức chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu đã được quy định rõ tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

1. Hồ sơ mời thầu là gì?

Theo quy định tại Khoản 21 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2023: “Hồ sơ mời thầu là toàn bộ tài liệu sử dụng cho hình thức đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, bao gồm các yêu cầu cho một dự án, gói thầu, dự án đầu tư kinh doanh làm căn cứ để nhà thầu, nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ dự thầu và để bên mời thầu tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu.”

Hồ sơ mời thầu là tài liệu quan trọng trong quá trình đấu thầu
Hồ sơ mời thầu là tài liệu quan trọng trong quá trình đấu thầu

Trong đó, bên mời thầu là các cơ quan, tổ chức có chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm thực hiện các hoạt động đấu thầu, được quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 bao gồm:

  • Chủ đầu tư hoặc tổ chức do chủ đầu tư quyết định thành lập/lựa chọn.
  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cơ quan có thẩm quyền quyết định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
  • Đơn vị được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

Thẩm định hồ sơ mời thầu là quá trình tổ thẩm định chuyên môn tiến hành xem xét, đánh giá và đưa ra phản hồi để làm cơ sở phê duyệt hồ sơ mời thầu. Thành viên tham gia tổ thẩm định phải là những người có trình độ chuyên môn, năng lực và kinh nghiệm, đồng thời đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 4 Thông tư 19/2015/TT – BKHĐT.

2. Quy định cụ thể về thẩm định hồ sơ mời thầu

Việc hiểu rõ và tuân thủ các quy định về thẩm định hồ sơ mời thầu là điều quan trọng nhằm đạt được thành công trong mỗi dự án đầu tư. Dưới đây là các quy định cụ thể về thẩm định hồ sơ mời thầu mà chủ đầu tư cần nắm rõ:

2.1 Hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Nghị định Nghị định 23/2024/NĐ-CP, hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu bao gồm các giấy tờ:

  • Tờ trình đề nghị phê duyệt hồ sơ mời thầu của bên mời thầu;
  • Dự thảo hồ sơ mời thầu;
  • Bản chụp các tài liệu:
    • Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư (đối với dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư);
    • Văn bản phê duyệt thông tin dự án đầu tư kinh doanh (đối với dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư);
  • Các tài liệu khác theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực và pháp luật có liên quan.
Hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu
Hồ sơ trình thẩm định và phê duyệt hồ sơ mời thầu

2.2 Nội dung thẩm định

Quy trình thẩm định hồ sơ mời thầu được thực hiện bởi các chuyên gia trong tổ thẩm định. Căn cứ theo Điều 52 Nghị định 23/2024/NĐ-CP, tổ thẩm định sẽ tiến hành xem xét hồ sơ mời thầu trên cơ sở:

  • Kiểm tra cơ sở pháp lý và các tài liệu là cơ sở để lập hồ sơ mời thầu.
  • Kiểm tra sự phù hợp về nội dung của hồ sơ mời thầu với quy mô, mục tiêu, phạm vi công việc, thời gian thực hiện dự án; sự phù hợp của hồ sơ mời thầu với quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan;
  • Xem xét những ý kiến khác nhau (nếu có) giữa tổ chức, cá nhân tham gia lập hồ sơ mời thầu.
  • Các nội dung liên quan khác.

2.3 Báo cáo thẩm định

Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu là tài liệu đánh giá và xác nhận tính hợp lệ của hồ sơ mời thầu trước khi ký phê duyệt chính thức. Tại Khoản 3 Điều 52 Nghị định 23/2024/NĐ-CP có quy định rõ về nội dung báo cáo thẩm định như sau:

  • Khái quát các thông tin chính của dự án và cơ sở pháp lý để lập hồ sơ mời thầu;
  • Tổng hợp ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan (nếu có);
  • Nhận xét và ý kiến của tổ thẩm định về các nội dung quy định tại Khoản 2 điều này, ý kiến thống nhất hoặc không thống nhất về nội dung dự thảo hồ sơ mời thầu;
  • Đề xuất và kiến nghị của tổ thẩm định về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu;
  • Đề xuất các phương án xử lý trong trường hợp hồ sơ mời thầu có nội dung không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật khác có liên quan;
  • Các ý kiến khác (nếu có).
Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu
Báo cáo thẩm định hồ sơ mời thầu

Trước khi ký báo cáo thẩm định, đơn vị thẩm định có thể tổ chức họp lại giữa các bên nhằm trao đổi, giải quyết các vấn đề còn tồn tại hoặc các nội dung còn có ý kiến khác nhau của hồ sơ mời thầu (nếu cần thiết).

3. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu 2024 là bao nhiêu?

Một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hoạt động đấu thầu là chi phí lập và thẩm định hồ sơ mời thầu. Chính vì vậy, các bên liên quan cần nắm rõ chi phí này để đảm bảo quá trình đấu thầu diễn ra minh bạch và hiệu quả. Căn cứ theo quy định tại Khoản 4 Điều 12 Nghị định 24/2024/NĐ-CP về chi phí trong lựa chọn nhà thầu:

“Điều 12. Chi phí trong lựa chọn nhà thầu

….

4. Chi phí lập, thẩm định hồ sơ:

a) Chi phí lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;

b) Chi phí thẩm định hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển được tính bằng 0,06% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 30.000.000 đồng;

c) Chi phí lập hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng;

d) Chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.”

Chi phí thẩm định HSMT năm 2024 là bao nhiêu?
Chi phí thẩm định HSMT năm 2024 là bao nhiêu?

Với quy định trên, ta có thể biết được chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu năm 2024 sẽ được tính bằng 0,1% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 2.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng. Trong khi đó, chi phí lập hồ sơ mời thầu được tính bằng 0,2% giá gói thầu nhưng tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 60.000.000 đồng.

Đối với các gói thầu có nội dung tương tự thuộc cùng một dự án, dự toán mua sắm của cùng chủ đầu tư hoặc các gói thầu phải tổ chức lại việc lựa chọn nhà thầu thì các chi phí: lập, thẩm định hồ sơ mời thầu phải được tính tối đa bằng 50% mức chi phí quy định. Trường hợp phải tổ chức đấu thầu lại một phần của gói thầu thì chi phí lập, thẩm định hồ sơ mời thầu được tính tối đa bằng 50% mức chi phí theo giá trị ước tính của phần tổ chức đấu thầu lại.

Trong trường hợp chủ đầu tư thuê tư vấn đấu thầu để thực hiện một hoặc một số công việc trong quá trình lựa chọn nhà thầu, chi phí thuê tư vấn lập hồ sơ mời thầu hoặc thẩm định hồ sơ mời thầu không căn cứ theo quy định tại các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 12 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

4. Thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu

Thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu được quy định cụ thể tại Luật Đấu thầu 2023, Nghị định số 30/2015/NĐ-CP và Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, trình tự các bước thực hiện thủ tục như sau:

Bước 1: Bên mời thầu trình lên cơ quan có thẩm quyền dự thảo hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và các tài liệu cần thiết khác, đồng thời gửi cho đơn vị thẩm định.

Bước 2: Cơ quan, đơn vị thẩm định kiểm tra sơ bộ hồ sơ và tiếp nhận nếu hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện. Trường hợp hồ sơ không đủ các giấy tờ, tài liệu theo quy định, cơ quan thẩm định sẽ làm phiếu chuyển yêu cầu bổ sung và thời hạn hoàn thành.

Bước 3: Thành viên tổ thẩm định tiến hành xem xét hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo quy định tại Khoản 2 Điều 105 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Sau đó, các thành viên tổ thẩm định thống nhất lập báo cáo thẩm định hoặc bảo lưu ý kiến (nếu có trong trường hợp một hoặc một số thành viên có ý kiến khác biệt so với phần còn lại).

Bước 4: Lập báo cáo thẩm định theo Mẫu số 02 hoặc Mẫu số 03 đi kèm Thông tư số 19/2015/TT-BKHĐT, đồng thời trình báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ mời thầu.

Bước 5: Căn cứ vào tờ trình phê duyệt và báo cáo thẩm định, người có thẩm quyền sẽ ký phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu
Thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu

Thời hạn giải quyết thủ tục thẩm định, phê duyệt hồ sơ mời thầu như sau:

  • 30 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình duyệt đối với thẩm định hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
  • 20 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ báo cáo thẩm định đối với phê duyệt hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Chi phí thẩm định đối với từng nội dung về hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu được tính bằng 0,02% tổng mức đầu tư nhưng tối thiểu là 5.000.000 đồng và tối đa là 100.000.000 đồng.

Trên đây là quy định mới nhất về chi phí thẩm định hồ sơ mời thầu và chi phí lập hồ sơ mời thầu năm 2024. Việc nắm rõ các quy định này là trách nhiệm chung của các bên liên quan nhằm đảm bảo hoạt động đấu thầu diễn ra minh bạch và hiệu quả. Hy vọng bài viết đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin pháp lý hữu ích trong lĩnh vực đấu thầu!

Tham khảo thêm về:

Đánh giá bài viết
Contact Me on Zalo