Chuyển đổi xanh là gì? Mục tiêu chuyển đổi xanh của Việt Nam
Theo dõi Maison Office trênChuyển đổi xanh hiện đang là mục tiêu quan trọng hàng đầu của nhiều quốc gia nhằm hướng đến giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Quá trình này đề cập đến sự thay đổi toàn diện trong nhiều lĩnh vực của xã hội, bao gồm: chuyển đổi năng lượng xanh, công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn,… Không đứng ngoài xu thế chung của toàn cầu, Việt Nam cũng đã đặt ra nhiều mục tiêu chuyển đổi xanh để thúc đẩy phát triển bền vững.
Nội dung chính
1. Chuyển đổi xanh là gì?
Chuyển đổi xanh (Green Transformation) là quá trình xây dựng một nền kinh tế có mức phát thải carbon thấp, hướng đến một tương lai phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Nói một cách đơn giản, chuyển đổi xanh là sự chuyển dịch từ mô hình phát triển kinh tế – xã hội truyền thống sang mô hình phát triển mới, nơi mà sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Chuyển đổi xanh đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong các chính sách, chiến lược nhằm đạt được tính bền vững về môi trường trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm sản xuất, tiêu dùng cho đến quản lý tài nguyên.
2. Mục tiêu của chuyển đổi xanh là gì?
Chuyển đổi xanh đã và đang trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu, mang tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của hành tinh. Mục tiêu mà chuyển đổi xanh hướng đến bao gồm:
- Giảm thiểu khí thải nhà kính: Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chuyển đổi xanh là giảm lượng khí thải carbon, khí thải nhà kính nhằm hạn chế biến đổi khí hậu và sự nóng lên toàn cầu.
- Bảo tồn đa dạng sinh học: Chuyển đổi xanh hướng đến giảm thiểu khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thay thế bằng các nguồn năng lượng tái tạo. Điều này góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì cân bằng cho hệ sinh thái tự nhiên.
- Sử dụng hiệu quả năng lượng: Chuyển đổi xanh thúc đẩy sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời,… Mục tiêu hướng đến là nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch, đảm bảo an ninh năng lượng toàn cầu.
- Thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng: Chuyển đổi xanh thúc đẩy sự chung tay hợp tác giữa các thành phần trong xã hội, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ. Quá trình này cũng hướng đến nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
3. Các yếu tố quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh
Chuyển đổi xanh là một quá trình mang tính chiến lược mà để thành công thì cần có sự kết hợp chặt chẽ của nhiều yếu tố, bao gồm:
3.1 Đầu tư vào công nghệ
Công nghệ được xem là “chìa khóa” then chốt đối với các doanh nghiệp, tổ chức đang hướng đến mục tiêu chuyển đổi xanh. Các khoản đầu tư này có thể tạo ra những đột phá trong nhiều lĩnh vực như: năng lượng, giao thông vận tải, sản xuất, xây dựng,… Việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới cho phép doanh nghiệp hiện đại hóa quy trình sản xuất, tiết kiệm chi phí vận hành đồng thời góp phần bảo vệ môi trường xanh.
3.2 Quản trị sự thay đổi
Chuyển đổi xanh là một quá trình đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong nhiều khía cạnh khác nhau từ công nghệ, quy trình sản xuất cho đến văn hóa doanh nghiệp. Do vậy, để chuyển đổi thành công, quá trình này cần được quản lý một cách hiệu quả. Mục đích của việc quản trị sự thay đổi là nhằm đảm bảo sự thích ứng nhanh chóng của các thành viên trong tổ chức. Đồng thời thúc đẩy việc thực hành các chiến lược, sáng kiến bền vững một cách hiệu quả trong doanh nghiệp.
3.3 Xây dựng văn hóa doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp duy trì và thúc đẩy các sáng kiến bền vững trong chiến lược chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. Trong đó, lãnh đạo doanh nghiệp cần thể hiện cam kết rõ ràng bằng cách đưa mục tiêu này vào chiến lược phát triển và định hướng hoạt động. Ngoài ra, việc triển khai và truyền tải các cam kết này đến đội ngũ nhân viên cũng là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy những nỗ lực hợp tác hướng đến mục tiêu chuyển đổi chung.
4. Lợi ích khi áp dụng chuyển đổi xanh vào doanh nghiệp
Chuyển đổi xanh là xu hướng tất yếu trong thế giới kinh doanh hiện đại, mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp, điển hình như:
4.1 Tác động tích cực đến nhận diện thương hiệu
Chuyển đổi xanh không chỉ thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề bảo vệ môi trường mà còn góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu tích cực. Đặc biệt là khi khách hàng đang ngày càng đánh giá cao và ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp có trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Việc sở hữu một thương hiệu xanh và bền vững cũng là yếu tố khác biệt giúp doanh nghiệp giữ chân đối tác và khách hàng.
4.2 Tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường
Theo Báo cáo thị trường của Nielsen 2021, có đến 66% người tiêu dùng toàn cầu sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm, dịch vụ đến từ các doanh nghiệp có trách nhiệm với môi trường. Điều này cho thấy, khách hàng đang dần chuyển đổi sang tiêu dùng xanh, ưu tiên các sản phẩm hữu cơ thay cho các sản phẩm truyền thống.
Việc triển khai chuyển đổi xanh thành công sẽ là chìa khóa giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Từ đó mở rộng thị phần, tăng doanh thu và tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng. Trong thực tế, không ít doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh đang có lợi thế cạnh tranh cao hơn so với các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.
4.3 Tiết kiệm chi phí
Chuyển đổi xanh khuyến khích doanh nghiệp thực hiện các giải pháp bền vững như: sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, giảm khai thác tài nguyên, sử dụng nguyên vật liệu tái chế,… Đây đều là những giải pháp thiết thực giúp cắt giảm chi phí vận hành và bảo trì, mang lại lợi ích kinh tế dài hạn cho doanh nghiệp.
Đặc biệt, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi xanh còn nhận được nhiều hỗ trợ, ưu đãi từ chính phủ. Không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính ban đầu mà còn thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động bền vững trong tương lai.
4.4 Thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà đầu tư ngày càng quan tâm đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị khi đưa ra quyết định đầu tư. Theo đó, các doanh nghiệp có cam kết rõ ràng về trách nhiệm xã hội, hướng đến chuyển đổi xanh trong sản xuất và vận hành thường có khả năng thu hút vốn đầu tư lớn. Điều này mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp trong việc mở rộng thị phần và phát triển ổn định.
4.5 Nhận được nhiều hỗ trợ từ chính phủ
Hiện nay, Chính phủ các nước và nhiều tổ chức quốc tế đã đưa ra các chính sách khuyến khích, ưu đãi dành riêng cho các doanh nghiệp triển khai chuyển đổi xanh. Đây là yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đổi mới nghiên cứu và phát triển các giải pháp xanh cho xã hội.
4.6 Cải thiện sự hài lòng của nhân viên
Khi làm việc trong một doanh nghiệp có mục tiêu chuyển đổi xanh rõ ràng, các thành viên trong tổ chức cũng được tạo động lực để thay đổi thói quen và hành vi. Họ có nhiều cơ hội để tham gia vào các chiến dịch và hoạt động xã hội có ý nghĩa như: các dự án bảo vệ môi trường, chiến dịch tái chế rác thải, kiến tạo mảng xanh trong môi trường làm việc,…
Ngoài ra, một không gian làm việc xanh cũng thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới trong công việc đồng thời mang đến sự thư thái và giúp giảm căng thẳng. Điều này không chỉ cải thiện sự hài lòng của nhân viên mà hơn thế còn tăng cường tính cam kết của họ đối với tổ chức.
5. Các phương pháp chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp
Hiện nay, có rất nhiều phương pháp chuyển đổi xanh đã và đang được áp dụng hiệu quả trong nhiều doanh nghiệp. Trong đó, phải kể đến những phương pháp nổi bật như:
5.1 Tối ưu hiệu suất sử dụng năng lượng
Phương pháp này đề cập đến việc sử dụng các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch như: than đá, dầu mỏ, khí đốt,… Việc chuyển đổi sang năng lượng xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp giảm thiểu chi phí vận hành dài hạn. Đây cũng chính là yếu tố tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường biến động liên tục.
5.2 Quản lý sử dụng tài nguyên
Quản lý sử dụng tài nguyên hiệu quả là một phần quan trọng của chiến lược chuyển đổi xanh trong doanh nghiệp. Phương pháp này bao gồm tập hợp các hành động nhằm đánh giá, khai thác sử dụng, bảo vệ và tái tạo các nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả. Mục tiêu hướng đến là giảm thiểu lãng phí tài nguyên đồng thời bảo vệ môi trường và duy trì cân bằng sinh thái.
5.3 Thiết lập mô hình dữ liệu năng lượng tiêu chuẩn
Mô hình dữ liệu năng lượng tiêu chuẩn là một hệ thống được thiết lập nhằm thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích dữ liệu về năng lượng. Việc thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau giúp doanh nghiệp có được góc nhìn toàn diện về tác động của con người đối với môi trường. Đây cũng chính là cơ sở quan trọng phục vụ việc đánh giá và lập kế hoạch sử dụng năng lượng cho quá trình sản xuất kinh doanh.
Ví dụ: Thông qua mô hình dữ liệu năng lượng, doanh nghiệp phát hiện có khoảng 30% năng lượng tiêu hao mỗi tháng kể cả khi không có hoạt động sản xuất. Từ đó, doanh nghiệp có thể nhanh chóng tìm ra các lỗ hổng năng lượng hoặc thay thế bằng cách giải pháp năng lượng khác nhằm tránh lãng phí và tiết kiệm chi phí vận hành.
***Tham khảo thêm một số tiêu chuẩn xanh hiện nay:
- Tiêu chuẩn LOTUS là gì?
- Tiêu chuẩn Green Mark là gì?
- Tiêu chuẩn ESG là gì?
- Tiêu chuẩn LEED là gì?
- Tiêu chuẩn EDGE?
5.4 Tích hợp hệ thống quản lý năng lượng
Tích hợp hệ thống quản lý năng lượng là việc kết nối các thiết bị, hệ thống và dữ liệu liên quan đến năng lượng trong doanh nghiệp thành một hệ thống thống nhất. Hoạt động này cho phép doanh nghiệp theo dõi, giám sát và tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng một cách hiệu quả. Xét về lâu dài, phương pháp này có thể góp phần giảm thiểu rủi ro về an ninh năng lượng, đồng thời giảm tác động tiêu cực từ các hoạt động của doanh nghiệp đến môi trường.
6. Kết nối mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Các vấn đề này đã gây ra nhiều trở ngại cho các doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình sản xuất và phát triển kinh doanh. Song đây cũng lại là động lực thúc đẩy mạnh mẽ các doanh nghiệp trong việc thực hiện chuyển đổi xanh, hướng tới mô hình kinh doanh mang tính bền vững.
Cùng với xu thế đó, việc kết hợp chuyển đổi số và chuyển đổi xanh (hay còn gọi là “chuyển đổi kép”) đang là mục tiêu quan trọng được nhà nước Việt Nam ưu tiên hàng đầu. Trong đó:
- Chuyển đổi số đề cập đến việc ứng dụng khoa học công nghệ (gồm tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây,…) trong mọi khía cạnh hoạt động của tổ chức.
- Chuyển đổi xanh đại diện cho sự thay đổi trong mục tiêu và cách thức vận hành của doanh nghiệp, hướng đến các mô hình kinh tế xanh bền vững với môi trường.
Kết hợp hai chiến lược quan trọng này, doanh nghiệp cần ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của toàn xã hội.
Chuyển đổi xanh được xem là chiến lược phát triển bền vững, mang đến nhiều lợi ích to lớn cho cả doanh nghiệp và toàn xã hội. Để đẩy mạnh quá trình này, cần có sự hợp tác chặt chẽ của các thành phần xã hội, bao gồm các doanh nghiệp, tổ chức và chính phủ. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, Maison Office đã giúp bạn có được góc nhìn tổng quan về chuyển đổi xanh.
Nhà biên tập và sản xuất nội dung tại Maison Office.
Có hơn 3 năm kinh nghiệm sản xuất nội dung trong lĩnh vực bất động sản và nội thất văn phòng. Với hiểu biết và kiến thức của mình, tôi luôn cố gắng tạo ra những bài viết có tính chuyên môn cao, mang đến giá trị thông tin cho khách hàng.