Maison Office

Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần theo quy định mới nhất

Theo dõi Maison Office trên

Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cấu trúc quản lý và phân chia trách nhiệm trong một doanh nghiệp. Việc xây dựng một sơ đồ tổ chức rõ ràng ngay từ ban đầu không chỉ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả mà còn đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. 

> Xem ngay: TOP các công ty cổ phần lớn nhất Việt Nam

Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần theo Luật Doanh nghiệp 2020

Sơ đồ tổ chức công ty là một biểu đồ mô tả cấu trúc và mối quan hệ giữa các bộ phận, phòng ban trong một tổ chức. Nó thể hiện sự phân cấp quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của từng thành viên hoặc phòng ban trong công ty, đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý và vận hành doanh nghiệp.

Theo quy định tại Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần được quyền lựa chọn tổ chức hoạt động theo 1 trong 2 mô hình dưới đây: 

 
Mô hình 1 Mô hình 2
  • Đại hội đồng cổ đông
  • Hội đồng quản trị
  • Ban kiểm soát
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
  • Đại hội đồng cổ đông
  • Hội đồng quản trị
  • Giám đốc hoặc Tổng giám đốc
Trường hợp có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức sở hữu dưới 50% tổng số cổ phần của công ty thì không bắt buộc phải có Ban kiểm soát.

Phải có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị là thành viên độc lập; có Ủy ban kiểm toán trực thuộc Hội đồng quản trị. 

Cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, chức năng của Ủy ban kiểm toán được quy định tại Điều lệ công ty hoặc quy chế hoạt động của Ủy ban kiểm toán do Hội đồng quản trị ban hành.

Với 2 mô hình công ty cổ phần nêu trên, ta có thể hình dung cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần như sau: 

Mô hình 1:

Sơ đồ công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020
Sơ đồ công ty cổ phần theo quy định của Luật doanh nghiệp 2020

Mô hình 2:

Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần theo đúng quy định pháp luật
Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần theo đúng quy định pháp luật

Chi tiết từng vai trò trong cơ cấu tổ chức công ty cổ phần

Trong sơ đồ tổ chức công ty cổ phần, mỗi vai trò đều đóng góp vào sự vận hành và phát triển của doanh nghiệp theo những cách khác nhau. Điều này giúp đảm bảo hoạt động của công ty diễn ra một cách hiệu quả và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Dưới đây là mô tả chi tiết từng vai trò trong cơ cấu tổ chức của công ty cổ phần: 

>> TÌM HIỂU THÊM: Các câu Hỏi Khi Thành Lập Công Ty, Doanh Nghiệp Mới

Đại hội đồng cổ đông

Căn cứ theo Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty cổ phần, bao gồm tất cả những cổ đông có quyền biểu quyết (gồm cổ đông phổ thông và cổ đông ưu đãi biểu quyết). 

Đại hội đồng cổ đông sẽ quyết định những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển và chiến lược của công ty. Chẳng hạn như:

  • Thông qua định hướng phát triển của công ty
  • Phê duyệt báo cáo tài chính hằng năm
  • Quyết định mức chia cổ tức hằng năm đối với từng loại cổ phần
  • Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị và Kiểm soát viên
  • Thông qua các thay đổi về điều lệ công ty
  • Ra quyết định tổ chức lại hoặc giải thể công ty
cơ cấu tổ chức công ty cổ phần
Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất trong Công ty CP

Hội đồng quản trị

Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý của công ty cổ phần, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công ty (không nằm trong thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông). Hội đồng quản trị có các quyền và nghĩa vụ sau đây: 

  • Quyết định chiến lược và kế hoạch phát triển dài hạn của công ty;
  • Bổ nhiệm, miễn nhiệm hoặc cách chức Chủ tịch Hội đồng quản trị/Giám đốc/Tổng giám đốc và các vị trí quản lý quan trọng khác;
  • Xây dựng các quy chế, điều lệ liên quan đến tổ chức và hoạt động của công ty, trình Đại hội đồng cổ đông thông qua;
  • Quyết định phương án huy động vốn, phát hành cổ phiếu, trái phiếu theo thẩm quyền.
  • Phê duyệt các dự án đầu tư, hợp đồng kinh tế có giá trị lớn nằm trong phạm vi thẩm quyền.
  • Kiến nghị việc tổ chức lại hoặc giải thể công ty;

Hội đồng quản trị của công ty cổ phần có từ 03 đến 11 thành viên, hoạt động với nhiệm kỳ không quá 05 năm và không quá 02 nhiệm kỳ liên tiếp. 

Giám đốc hoặc Tổng Giám Đốc

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty cổ phần sẽ do Hội đồng quản trị bổ nhiệm từ một thành viên thuộc Hội đồng quản trị hoặc thuê người khác bên ngoài. Vị trí này chịu trách nhiệm điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty cổ phần. Đồng thời chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ được giao.

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm kỳ không quá 05 năm
Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm kỳ không quá 05 năm

Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có nhiệm kỳ không quá 05 năm, có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không giới hạn. Dưới đây là các quyền và nghĩa vụ của Giám đốc/Tổng giám đốc công ty:

  • Tổ chức thực hiện các nghị quyết, quyết định được Hội đồng quản trị phê duyệt
  • Tổ chức thực hiện các kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty
  • Quản lý và điều hành hoạt động hàng ngày của công ty không thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị
  • Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị)
  • Tuyển dụng lao động

Ban kiểm soát

Ban kiểm soát được tổ chức từ 03 đến 05 thành viên, hoạt động với nhiệm kỳ không quá 05 năm và có thể được bầu lại không giới hạn số nhiệm kỳ. Kiểm soát viên phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện cơ bản như sau:

  • Không thuộc các đối tượng của cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, cán bộ, công chức, viên chức, người chưa thành niên, người bị truy cứu trách nhiệm hình sự,…
  • Được đào tạo bài bản một trong các chuyên ngành tài chính, kinh tế, kiểm toán, kế toán, luật, quản trị kinh doanh,…
  • Không có quan hệ gia đình với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc/Tổng giám đốc và người quản lý khác.
  • Không phải là người quản lý công ty, không nhất thiết phải là cổ đông

Ban kiểm soát có trách nhiệm giám sát việc quản lý và điều hành công ty, đảm bảo mọi hoạt động tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích tối đa cho doanh nghiệp

Ban kiểm soát chịu trách nhiệm giám sát việc quản lý và điều hành công ty
Ban kiểm soát chịu trách nhiệm giám sát việc quản lý và điều hành công ty

Ý nghĩa của việc thiết lập sơ đồ công ty cổ phần 

Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần không chỉ là một công cụ quản lý mà còn mang ý nghĩa chiến lược trong việc định hình cơ cấu hoạt động và phân chia quyền lực. Việc thiết lập sơ đồ tổ chức đúng quy định đóng vai trò quan trọng trong nhiều khía cạnh như sau: 

  • Cấu trúc tổ chức rõ ràng: Sơ đồ tổ chức công ty giúp thể hiện rõ hệ thống thứ bậc, trách nhiệm, quyền hạn của từng bộ phận. Nhìn vào đó, ta có thể có được cái nhìn tổng quan nhất về cấu trúc tổ chức của công ty. 
  • Xây dựng quy trình chặt chẽ: Mô hình tổ chức công ty cổ phần giúp làm rõ các quy trình, luồng phê duyệt và quyết định bên trong doanh nghiệp. Điều này không chỉ đảm bảo tính minh bạch mà còn tạo điều kiện cho việc kiểm soát và quản lý hiệu quả. 
  • Hỗ trợ ra quyết định: Cung cấp cái nhìn tổng quan về cơ cấu công ty, giúp Hội đồng quản trị và Ban giám đốc đưa ra quyết định chính xác hơn về chiến lược phát triển và phân bổ nguồn lực.
Thiết lập sơ đồ tổ chức chặt chẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
Thiết lập sơ đồ tổ chức chặt chẽ giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả
  • Đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật: Việc thiết lập sơ đồ tổ chức theo quy định giúp công ty tuân thủ các yêu cầu pháp lý về quản trị doanh nghiệp. Từ đó bảo vệ quyền lợi của cổ đông và nâng cao tính minh bạch trong mọi hoạt động.
  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp: Sơ đồ tổ chức phản ánh giá trị cốt lõi và phong cách làm việc của công ty, góp phần tạo dựng một môi trường làm việc tích cực và chuyên nghiệp.

Các mô hình công ty cổ phần phổ biến hiện nay

Công ty cổ phần là một hình thức tổ chức doanh nghiệp phổ biến và linh hoạt. Tuy nhiên, để đạt được thành công, mỗi doanh nghiệp cần lựa chọn cho mình mô hình tổ chức phù hợp. Hiện nay, có rất nhiều cách tổ chức cơ cấu hoạt động công ty cổ phần bao gồm: 

Cơ cấu tổ chức ma trận

Cơ cấu tổ chức ma trận là mô hình tổ chức kết hợp giữa hai hoặc nhiều cấu trúc khác nhau, thường là cấu trúc chức năng và cấu trúc dự án. Thay vì phân bổ nhiệm vụ, công việc cho từng bộ phận chức năng, các thành viên sẽ được tham gia vào nhiều nhóm dự án khác nhau dưới sự giám sát của nhiều nhà quản lý cùng lúc.

Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần theo dạng ma trận
Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần theo dạng ma trận

Ưu điểm của mô hình này là đảm bảo nhân viên được phân công theo đúng chuyên môn, tăng cường sự hợp tác giữa các thành viên trong nhiều bộ phận. Ngoài ra, nó cũng cho phép công ty điều chỉnh nhanh chóng để đáp ứng với các yêu cầu thay đổi của dự án hoặc thị trường.

Cơ cấu tổ chức công ty dạng phẳng

Cơ cấu tổ chức công ty dạng phẳng là mô hình tổ chức có ít hoặc không có các cấp quản lý trung gian giữa nhân viên và lãnh đạo cấp cao. Nhân viên thường có nhiều quyền tự quyết hơn trong công việc, khuyến khích sự chủ động và tính sáng tạo. Tuy nhiên, mô hình này chỉ phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ hoặc các công ty startup. Bởi khi quy mô công ty tăng lên, việc duy trì mô hình phẳng có thể dẫn đến sự thiếu kiểm soát.

Cơ cấu tổ chức công ty dạng phẳng
Cơ cấu tổ chức công ty dạng phẳng

Sơ đồ tổ chức theo chức năng

Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần theo chức năng được hiểu là mô hình tổ chức mà trong đó, các bộ phận được phân chia dựa trên chức năng hoặc nhiệm vụ cụ thể. Mỗi bộ phận có trách nhiệm, vai trò riêng và các nhân viên trong cùng một bộ phận sẽ có chuyên môn tương tự nhau. Chẳng hạn như bộ phận sản xuất, phòng R&D, bộ phận tài chính, phòng Marketing,… 

Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần theo chức năng
Cơ cấu tổ chức công ty cổ phần theo chức năng

Sự chuyên môn hóa trong công việc giúp các nhân viên làm việc hiệu quả hơn, đồng thời giúp các cấp lãnh đạo nâng cao hiệu quả quản lý trong doanh nghiệp. 

Sơ đồ công ty cổ phần theo địa lý

Đây là mô hình tổ chức công ty cổ phần trong đó các bộ phận của công ty được phân chia dựa trên vị trí địa lý hoặc khu vực hoạt động. Mỗi văn phòng, chi nhánh sẽ có trách nhiệm quản lý và điều hành các hoạt động trong khu vực đó và báo cáo liên tục kết quả hoạt động cho trụ sở chính. 

Mô hình tổ chức công ty cổ phần theo địa lý
Mô hình tổ chức công ty cổ phần theo địa lý

Mô hình tổ chức theo địa lý giúp công ty đáp ứng nhanh chóng và hiệu quả hơn nhu cầu của khách hàng tại từng khu vực cụ thể. Theo đó, mỗi chi nhánh có thể phát triển các chiến lược phù hợp với nhu cầu và văn hóa của khách hàng địa phương.

Mô hình tổ chức phân quyền

Cơ cấu tổ chức phân quyền của công ty cổ phần là mô hình mà trong đó các quyết định quan trọng thường được đưa ra bởi lãnh đạo cấp cao, sau đó được truyền đạt xuống các cấp dưới để thực hiện. 

Với quy trình ra quyết định rõ ràng, mô hình phân quyền giúp duy trì sự ổn định trong hoạt động của công ty. Tuy nhiên, nó cũng được đánh giá là thiếu tính linh hoạt, có thể khiến công ty phản ứng chậm với những thay đổi trong môi trường kinh doanh.

Các câu hỏi thường gặp

Ai có quyền quyết định cao nhất trong công ty cổ phần?

Theo quy định tại Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 về quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông: 

“Điều 138. Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông

  1. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

…”

Như vậy, cơ quan có quyền quyết định cao nhất trong công ty cổ phần là Đại hội đồng cổ đông (bao gồm tất cả các cổ đông có quyền biểu quyết). 

Trường hợp nào công ty cổ phần không bắt buộc có ban kiểm soát?

Căn cứ theo Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần: Trong trường hợp công ty có ít hơn 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức đang nắm giữ dưới 50% tổng số cổ phần thì không bắt buộc có Ban kiểm soát.

Nghĩa vụ của cổ đông công ty cổ phần gồm những gì?

Nghĩa vụ của các cổ đông công ty được quy định cụ thể tại Điều 119 Luật Doanh nghiệp 2020 như sau: 

  • Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.
  • Không được phép rút phần vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp chuyển nhượng lại cho người khác hoặc công ty. 
  • Tuân thủ đúng quy chế quản lý nội bộ và Điều lệ công ty. 
  • Chấp hành các quyết định, nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị công ty. 
  • Đảm bảo tính bảo mật đối với các thông tin được công ty cung cấp theo quy định pháp luật và Điều lệ công ty; nghiêm cấm mọi hành vi phát tán, sao, gửi thông tin cho tổ chức hoặc cá nhân khác. 
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty. 

Sơ đồ tổ chức công ty cổ phần đóng vai trò quan trọng trong việc xác định cấu trúc và quy trình hoạt động của doanh nghiệp. Việc lựa chọn cơ cấu tổ chức hợp lý không chỉ giúp phân chia rõ ràng vai trò và trách nhiệm của từng bộ phận mà còn tạo ra một cấu trúc vững chắc cho việc quản lý và điều hành công ty. Đồng thời cũng giúp giảm thiểu các rủi ro pháp lý và đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh hiện đại.

Tìm hiểu thêm các thông tin về công ty cổ phần:

5/5 - (1 bình chọn)
Contact Me on Zalo