Maison Office

Hồ sơ, thủ tục thành lập công ty cổ phần mới nhất năm 2024

Theo dõi Maison Office trên

Công ty cổ phần là một trong những loại hình doanh nghiệp phổ biến tại Việt Nam, được nhiều doanh nghiệp lựa chọn bởi tính linh hoạt và khả năng huy động vốn cao. Tuy nhiên, thủ tục thành lập công ty cổ phần lại đòi hỏi sự tuân thủ chặt chẽ theo các quy định của pháp luật. Việc nắm vững các quy định pháp lý liên quan đến thủ tục thành lập sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo tính hợp pháp, minh bạch trong quá trình hoạt động kinh doanh.

>> TÌM HIỂU THÊM: TOP các công ty cổ phần lớn nhất Việt Nam

Điều kiện thành lập công ty cổ phần

Để thành lập công ty cổ phần, doanh nghiệp cần đáp ứng một số điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật Việt Nam. Trong đó bao gồm: 

Về vốn điều lệ/vốn pháp định

Theo quy định tại Điều 112 Luật doanh nghiệp 2020,  vốn điều lệ công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Đây là thông tin quan trọng mà các doanh nghiệp quan tâm bởi nó liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ tài sản của các cổ đông.

Điều kiện về vốn điều lệ, vốn pháp định
Điều kiện về vốn điều lệ, vốn pháp định

Hiện nay, không có quy định cụ thể về mức vốn điều lệ khi thành lập công ty cổ phần, trừ những trường hợp ngành nghề đăng ký kinh doanh có yêu cầu về vốn pháp định (vốn điều lệ, vốn góp). 

Ví dụ: Khi kinh doanh ngành nghề môi giới chứng khoán, doanh nghiệp cần đảm bảo vốn pháp định từ 25 tỷ đồng (Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP).

Bật mí: Cách tra cứu ngành nghề đăng ký kinh doanh

Về tên công ty cổ phần

Tên công ty cổ phần phải được viết bằng tiếng Việt và bao gồm 02 thành tố cơ bản là loại hình doanh nghiệp (công ty cổ phần) và tên riêng. Chẳng hạn như: Công ty Cổ phần Thăng Long, Công ty Cổ phần ABX,… 

Căn cứ theo quy định tại Điều 38 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp không được đặt tên trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký trước đó trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, không được sử dụng các từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Xem thêm: Cách đặt tên công ty theo quy định pháp luật

Về trụ sở công ty

Khi thành lập công ty cổ phần hay bất kỳ loại hình doanh nghiệp nào khác đều phải có trụ sở giao dịch. Theo quy định tại Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020, trụ sở chính của doanh nghiệp là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp được đặt trên lãnh thổ Việt Nam, được xác định theo địa giới đơn vị hành chính, có số điện thoại, số fax và email (nếu có).

Trụ sở công ty có thể đặt tại nhà riêng hoặc các tòa nhà văn phòng
Trụ sở công ty có thể đặt tại nhà riêng hoặc các tòa nhà văn phòng

Ngoài ra, trụ sở doanh nghiệp không được đặt tại chung cư và nhà tập thể được sử dụng với mục đích để ở. Thay vào đó, doanh nghiệp có thể đặt địa chỉ trụ sở tại nhà riêng hoặc thuê văn phòng tại các tòa nhà thương mại. Trong trường hợp này, cần cung cấp bản sao công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với nhà riêng) hoặc Quyết định xây dựng, Giấy phép xây dựng (đối với tòa nhà thương mại). 

Về ngành nghề kinh doanh

Khi thành lập công ty cổ phần, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp phải áp theo mã hệ thống ngành nghề kinh tế quốc dân (theo Quyết định 17/2018/QĐ-TTg). 

Theo quy định của pháp luật hiện hành, có 02 nhóm ngành nghề bao gồm: ngành nghề kinh doanh không có điều kiện và ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp phải đáp ứng được những điều kiện cụ thể về vốn pháp định hay chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, không cần phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh vốn đăng ký khi nộp hồ sơ thành lập công ty.

Về số lượng cổ đông góp vốn

Để thành lập công ty cổ phần cần phải có tối thiểu 03 cổ đông sáng lập và không giới hạn số lượng cổ đông tối đa. Các cổ đông này có thể là cá nhân hoặc tổ chức, góp vốn vào công ty bằng cách mua cổ phần. 

Về người đại diện theo pháp luật của công ty

Đối với loại hình công ty cổ phần, có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trường hợp công ty chỉ có 01 người đại diện theo pháp luật, Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty. Trường hợp chưa có quy định cụ thể tại Điều lệ công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ là người đại diện theo pháp luật của công ty. 

Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần
Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần

Người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần có thể đồng thời là đại diện pháp luật của nhiều công ty khác. Tuy nhiên, điều này phải tuân theo quy định của pháp luật và điều lệ của từng công ty. Ngoài ra, nếu cá nhân đang giữ vị trí Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp nhà nước thì không được phép làm người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần. 

Về thành viên Hội đồng quản trị

Theo Điều 154 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định, Hội đồng quản trị có từ 03 đến 11 thành viên, được quy định rõ trong Điều lệ công ty. Thành viên của Hội đồng quản trị có nhiệm kỳ không quá 05 năm và không quá 02 nhiệm kỳ liên tục. 

Thành viên Hội đồng quản trị của công ty cổ phần phải đáp ứng được các yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, không nhất thiết phải là cổ đông của công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định cụ thể. 

Thành viên Hội đồng quản trị công ty cổ phần có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác. Chủ tịch Hội đồng quản trị sẽ do Hội đồng quản trị bầu, miền nhiệm, bãi nhiệm trong số các thành viên Hội đồng quản trị. 

Hồ sơ thành lập công ty cổ phần gồm những gì?

Căn cứ theo Điều 22 Luật Doanh nghiệp 2020, hồ sơ thành lập công ty cổ phần bao gồm các giấy tờ sau đây:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp
  • Điều lệ công ty.
  • Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài (Mẫu Phụ lục I-7, Phụ lục I-8)
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với cổ đông là tổ chức; văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức.
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài (căn cứ theo Luật Đầu tư).
Hồ sơ thành lập công ty cổ phần
Hồ sơ thành lập công ty cổ phần

Thủ tục thành lập công ty cổ phần mới nhất

Thủ tục thành lập công ty cổ phần là một trong những vấn đề pháp lý quan trọng mà các doanh nghiệp cần nắm rõ khi bắt đầu hoạt động kinh doanh. Dưới đây là quy trình thành lập công ty cổ phần mới nhất theo quy định pháp luật: 

Quy trình thành lập công ty cổ phần mới nhất
Quy trình thành lập công ty cổ phần mới nhất

Bước 1: Soạn thảo hồ sơ thành lập công ty cổ phần

Trước khi soạn thảo hồ sơ đăng ký thành lập công ty cổ phần, chủ doanh nghiệp và các thành viên cần họp bàn, thảo luận và thống nhất về các thông tin liên quan đến việc thành lập công ty. Trong đó bao gồm: 

  • Lựa chọn ngành nghề kinh doanh.
  • Đặt tên công ty.
  • Xác định địa chỉ trụ sở chính.
  • Xác định thành viên, cổ đông công ty.
  • Xác định mức vốn điều lệ.
  • Lựa chọn người đại diện theo pháp luật. 

Với những thông tin này, doanh nghiệp có thể tiến hành soạn thảo hồ sơ cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. 

Bước 2: Nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký doanh nghiệp

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, người thực hiện thủ tục tiến hành nộp hồ sơ theo 1 trong 2 cách: 

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
  • Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn). 

Lưu ý: Tại Hà Nội và TP.HCM, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bắt buộc phải nộp trực tuyến qua mạng.

Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua Cổng thông tin Quốc gia
Nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua Cổng thông tin Quốc gia

Tại thời điểm nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ cũng cần tiến hành nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và lệ phí đăng ký. Mức phí, lệ phí cần nộp như sau:

  • Nộp hồ sơ trực tiếp: Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần; Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 50.000 đồng/lần.
  • Nộp hồ sơ trực tuyến: Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp: 100.000 đồng/lần và miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp.

Bước 3: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết

Phòng Đăng ký kinh doanh sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký doanh nghiệp sẽ trao Giấy biên nhận về việc nhận hồ sơ cho người nộp hồ sơ. Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ tiến hành cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. 

Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ gửi thông báo cho doanh nghiệp bằng văn bản về nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ.

Bước 4: Khắc dấu pháp nhân công ty

Bước tiếp theo cần thực hiện sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp là tiến hành khắc dấu pháp nhân công ty. 

Theo quy định tại Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp được quyền quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện. Ngoài ra, doanh nghiệp không cần phải thực hiện thủ tục thông báo mẫu con dấu trước khi sử dụng. 

Khắc dấu pháp nhân công ty
Khắc dấu pháp nhân công ty

Bước 5: Các cổ đông thực hiện góp vốn điều lệ

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, các cổ đông công ty phải góp đủ số vốn điều lệ và chịu trách nhiệm trên khoản vốn đã góp. Việc góp vốn thành lập công ty cổ phần được thực hiện hoàn toàn bằng tiền mặt. Trừ trường hợp cổ đông góp vốn là tổ chức thì bắt buộc thực hiện góp vốn thông qua phương thức chuyển khoản. 

Bước 6: Hoàn thiện các thủ tục sau thành lập công ty

Sau khi thành lập công ty, việc hoàn thiện các thủ tục pháp lý cần thiết là bước quan trọng để doanh nghiệp có thể hoạt động chính thức và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Dưới đây là các thủ tục cần thực hiện: 

  • Mở tài khoản ngân hàng của công ty;
  • Đăng ký chữ ký số để báo cáo thuế qua mạng và nộp thuế điện tử;
  • Nộp hồ sơ kê khai thuế ban đầu;
  • Làm biển và treo biển tại trụ sở công ty;
  • Đề nghị phát hành hóa đơn điện tử;
  • Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ và vốn;
  • Khai thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp.

Các câu hỏi thường gặp

Công ty cổ phần có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật không?

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Trường hợp công ty cổ phần có nhiều hơn 01 người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty cần quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của từng người đại diện theo pháp luật. 

Trường hợp Điều lệ công ty không phân chia rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều có đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ 3. 

Chi phí thành lập công ty cổ phần?

Khi thực hiện nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, người nộp hồ sơ cũng cần tiến hành nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Theo Thông tư số 47/2019/TT-BTC, mức phí, lệ phí cần nộp cho từng trường hợp như sau: 

Trường hợp Phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp Lệ phí đăng ký doanh nghiệp
Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh 100.000 đồng/lần 50.000 đồng/lần
Nộp hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp 100.000 đồng/lần Miễn phí

Cần làm gì sau khi thành lập công ty cổ phần?

Hoàn thiện các thủ tục sau thành lập công ty là bước quan trọng để công ty hoạt động hợp pháp và đúng quy định của pháp luật. Các thủ tục cần thực hiện sau khi thành lập công ty cổ phần bao gồm: 

  • Mở tài khoản ngân hàng của công ty;
  • Đăng ký chữ ký số để báo cáo thuế qua mạng và nộp thuế điện tử;
  • Nộp hồ sơ kê khai thuế ban đầu;
  • Làm biển và treo biển tại trụ sở công ty;
  • Đề nghị phát hành hóa đơn điện tử;
  • Hoàn thiện các điều kiện về giấy phép, chứng chỉ và vốn;
  • Khai thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cách thức nộp hồ sơ thành lập công ty cổ phần?

Hiện nay, người thực hiện thủ tục có thể lựa chọn nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo 1 trong 2 cách: 

  • Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh.
  • Cách 2: Nộp hồ sơ trực tuyến qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Riêng các doanh nghiệp tại Hà Nội và TP.HCM thì bắt buộc phải nộp hồ sơ qua mạng.

Việc nắm rõ hồ sơ, thủ tục thành lập công ty cổ phần là bước đầu quan trọng để doanh nghiệp đi vào hoạt động hợp pháp và hiệu quả. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và chuyên nghiệp.

Tìm hiểu thêm các thông tin về công ty cổ phần:

5/5 - (1 vote)
Contact Me on Zalo