5S là gì? Xây dựng quy trình 5s trong doanh nghiệp hiệu quả
Theo dõi Maison Office trên5S là một phần quan trọng của triết lý Kaizen. Tiêu chuẩn này được áp dụng bởi nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nhằm mang đến những thay đổi tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vậy cụ thể 5S là gì? Đâu là lợi ích khi áp dụng quy trình 5S? Theo dõi đến cuối bài viết để biết thêm cách áp dụng 5S hiệu quả trong doanh nghiệp!
Nội dung chính
1. Tìm hiểu tổng quan về quy trình 5S
5S là gì?
5S là một phương pháp quản lý, sắp xếp nơi làm việc, được viết tắt của 5 từ trong tiếng Nhật gồm:
- Seiri (整理): Sàng lọc, phân loại
- Seiton (整頓): Sắp xếp, bố trí
- Seiso (清掃): Sạch sẽ, vệ sinh
- Seiketsu (清潔): Săn sóc, duy trì
- Shitsuke (躾): Kỷ luật, tự giác
Thuật ngữ này bắt nguồn từ Nhật Bản, hiện đang được áp dụng bởi các doanh nghiệp thuộc nhiều quốc gia trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.
Khái niệm 5S là gì?
Cụ thể hơn, tiêu chuẩn 5S hướng đến tạo ra một môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng, có trật tự thông qua các hoạt động như: giữ gìn vệ sinh nơi làm việc, sắp xếp vật dụng, dụng cụ làm việc đúng chỗ, vệ sinh máy móc, thiết bị,… Bằng cách này, doanh nghiệp có thể tạo điều kiện làm việc tốt nhất cho đội ngũ nhân viên, từ đó nâng cao hiệu suất trong tổng thể doanh nghiệp.
Mục đích triển khai 5S
Sau khi đã nắm được khái niệm 5S là gì, hãy cùng tìm hiểu đến mục đích của việc triển khai 5S trong doanh nghiệp. Hiện nay, phương pháp 5S có thể được áp dụng cho nhiều mô hình doanh nghiệp khác nhau nhờ tính dễ thực hiện mà hiệu quả lại cao. Theo đó, phương pháp này được triển khai nhằm các mục đích:
– Tạo nên môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp và có trật tự.
– Giúp cho các thành viên trong tổ chức xây dựng tính tự giác, kỷ luật và thói quen tốt trong môi trường làm việc.
– Nâng cao trách nhiệm với công việc, từ đó cải thiện hiệu suất trong toàn bộ doanh nghiệp.
– Khuyến khích tinh thần cải tiến liên tục từ đội ngũ nhân viên.
– Đảm bảo các điều kiện hỗ trợ luôn trong trạng thái sẵn sàng để phục vụ công việc.
– Giảm thiểu lãng phí tài nguyên, thời gian và công sức.
– Tạo nền tảng để vận dụng các cải tiến hữu ích vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
– Phát triển vai trò lãnh đạo của các cấp quản lý thông qua các hoạt động thực tế.
Tiêu chuẩn 5S được triển khai nhằm tạo môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp, có khoa học
Nguồn gốc của quy trình 5S
5S là phương pháp có nguồn gốc từ Nhật Bản, xuất hiện vào khoảng đầu và giữa thế kỷ XX. Ngay sau đó, phương pháp này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.
Cụ thể, tiêu chuẩn 5S lần đầu tiên được xây dựng và áp dụng bởi Toyota – hãng xe nổi tiếng hàng đầu thế giới. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo của Toyota đã phát triển nên một hệ thống sản xuất độc quyền có tên gọi “Hệ thống sản xuất của Toyota”. Mục tiêu phát triển hệ thống này là nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời giảm thiểu lãng phí tại các dây chuyền sản xuất trong nhà máy.
Tiêu chuẩn 5S được xây dựng lần đầu bởi thương hiệu Toyota
Phương pháp 5S được xem là một trong những trụ cột của “Hệ thống sản xuất của Toyota” bên cạnh nhiều phương pháp nổi tiếng khác như Jidoka hay JIT (Just-in-time). Theo các nhà lãnh đạo của Toyota, một môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng và khoa học sẽ giúp cho quá trình vận hành sản xuất, kinh doanh diễn ra suôn sẻ, hiệu quả. Ngược lại, một môi trường làm việc với nhiều tài liệu, thiết bị bừa bộn sẽ gây rối mắt, lãng phí thời gian và công sức tìm kiếm. Cũng từ đây, khái niệm 5S được phát triển nhằm tạo ra môi trường làm việc lý tưởng, nâng cao hiệu suất và cắt giảm hao phí.
Phương pháp này hiện vẫn đang được áp dụng hiệu quả tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
Mối quan hệ giữa 5S và Kaizen
5S và Kaizen đều là triết lý bắt nguồn từ Nhật Bản, thường được đặt cạnh nhau và gọi với cái tên 5S Kaizen. Vậy mối quan hệ giữa Kaizen và 5S là gì?
Kaizen (改善) là thuật ngữ được dùng trong sản xuất tinh gọn (Lean), có nghĩa là “cải tiến liên tục”. Theo đó, doanh nghiệp sẽ không ngừng đưa ra những thay đổi nhỏ nhằm cải tiến quy trình làm việc theo thời gian. Điểm chung giữa 5S và Kaizen đó là cùng hướng đến mục đích cải tiến quy trình làm việc đồng thời giảm thiểu lãng phí không đáng có. Từ đó nâng cao hiệu suất làm việc trong tổng thể doanh nghiệp.
Xét về nhiều khía cạnh, 5S có thể được xem là một phần của triết lý Kaizen. Cụ thể như sau:
– 5S tập trung tối ưu hóa môi trường làm việc, tạo điều kiện tốt nhất để phục vụ mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này giúp tạo ra nền tảng vững chắc để doanh nghiệp áp dụng Kaizen hiệu quả và tìm kiếm thêm nhiều cơ hội cải tiến.
– 5S giúp tăng cường tính tổ chức tại môi trường làm việc, giúp nhanh chóng tìm ra những lỗ hổng. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa ra nhiều đề xuất cải tiến để tối ưu năng suất làm việc.
Khác với 5S, Kaizen không bị giới hạn bởi bất kỳ các bước cụ thể nào mà có thể áp dụng trong nhiều khía cạnh khác nhau của tổ chức. Để mang lại hiệu quả tốt nhất, doanh nghiệp có thể triển khai song song hai phương pháp 5S và Kaizen.
2. Lợi ích khi áp dụng tiêu chuẩn 5S là gì?
Hoạt động sản xuất, kinh doanh giảm sút hay đạt hiệu quả kém có thể bắt nguồn từ nhiều vấn đề khác nhau. Trong đó, môi trường làm việc là yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần xem xét để tìm ra lỗ hổng và khắc phục kịp thời. Để giải quyết triệt để những vấn đề này, 5S sẽ là giải pháp thích hợp mà doanh nghiệp có thể áp dụng. Phương pháp này không chỉ mang đến lợi ích cho doanh nghiệp mà còn đối với từng thành viên trong tổ chức.
Lợi ích đối với doanh nghiệp
Áp dụng 5S vào hoạt động sản xuất, kinh doanh mang đến cho doanh nghiệp những lợi ích như:
– Xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả, văn hóa lành mạnh.
– Xây dựng tổ chức có kỷ luật, nề nếp và tính tự giác cao.
– Cải thiện hiệu quả, năng suất làm việc trong toàn bộ tổ chức.
– Giảm thiểu những lãng phí không đáng có cả về chi phí, thời gian và công sức.
– Mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp.
Áp dụng tiêu chuẩn 5S giúp tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả
Lợi ích đối với nhân viên
Đội ngũ nhân viên cũng được hưởng nhiều lợi ích từ việc áp dụng quy trình 5S trong doanh nghiệp, cụ thể như sau:
– Nhân viên được làm việc trong một môi trường gọn gàng, sạch sẽ, thoải mái và đảm bảo an toàn.
– Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác và thói quen tốt trong môi trường làm việc.
– Tạo động lực hứng khởi, tích cực cho nhân viên trong quá trình làm việc.
– Tăng năng suất và hiệu quả công việc, từ đó cải thiện thu nhập nhờ kết quả và thành tích tốt.
Áp dụng 5S giúp tạo động lực và gia tăng hiệu suất làm việc của nhân viên
3. Nội dung chính của quy trình 5S
Ký hiệu 5S là viết tắt của 5 chữ S trong tiếng Nhật, bao gồm: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng).
Seiri – Sàng lọc
Sàng lọc là bước đầu quan trọng trong quy trình 5S, được thực hiện nhằm mục đích giữ lại những vật dụng cần thiết đồng thời loại bỏ những đồ dùng không cần đến trong môi trường làm việc. Đây cũng là bước được thực hiện thường xuyên và định kỳ trong doanh nghiệp.
Bước sàng lọc cần được thực hiện thường xuyên và định kỳ
Để triển khai bước sàng lọc hiệu quả, người trực tiếp sử dụng nên tự trả lời những câu hỏi cụ thể như:
– Mục đích sử dụng của vật dụng này là gì?
– Đối tượng nào trong doanh nghiệp cần sử dụng vật dụng này?
– Tần suất sử dụng vật dụng này là bao lâu một lần?
– Thời điểm sử dụng vật dụng này gần nhất là khi nào?
– Nếu loại bỏ vật dụng này thì có ảnh hưởng gì đến công việc hay không?
Nếu đã xác định vật dụng không cần thiết tại khu vực làm việc, hãy tiến hành loại bỏ ngay bằng cách lưu kho, vứt bỏ hoặc tái chế.
Seiton – Sắp xếp
Sau khi đã tiến hành sàng lọc những vật dụng cần thiết, bước tiếp theo cần làm đó chính là sắp xếp chúng sao cho hợp lý, khoa học và thuận tiện tìm thấy khi cần. Đây là bước bắt buộc mà tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều phải tuân thủ.
Sắp xếp vật dụng sao cho hợp lý, khoa học
Vị trí sắp xếp vật dụng cũng cần cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố như: không gian bố trí, tần suất sử dụng, tính tiện lợi và an toàn,… Theo đó, các thành viên trong tổ chức cần thảo luận và thống nhất cách thức sắp xếp sao cho hợp lý. Chẳng hạn, vật nào thường dùng thì nên bố trí gần người sử dụng, vật nào ít dùng thì có thể bố trí xa hơn, vật nặng nên đặt bên dưới, vật nhẹ bố trí bên trên,…
Seiso – Sạch sẽ
Trong phương pháp 5S, Seiso đề cập đến việc giữ gìn không gian làm việc sạch sẽ, không bị lấm bẩn hay lộn xộn bằng cách dọn dẹp, vệ sinh thường xuyên. Theo đó, một môi trường làm việc sạch thoáng, đảm bảo vệ sinh luôn giúp cho nhân viên cảm thấy thoải mái khi làm việc. Điều này cũng tạo động lực làm việc cho toàn bộ đội ngũ, từ đó thúc đẩy hiệu quả công việc một cách tối ưu.
Lau dọn vệ sinh, giữ gìn sạch sẽ khu vực làm việc là trách nhiệm của toàn thể nhân viên
Công việc dọn dẹp, lau chùi vệ sinh cần được thực hiện hằng ngày để đảm bảo khu vực làm việc luôn sạch. Không dừng lại ở đó, Seiso còn liên quan đến các hoạt động kiểm tra và bảo trì máy móc, thiết bị thường xuyên. Điều này giúp đảm bảo hệ thống máy móc phục vụ công việc có thể hoạt động ổn định và hạn chế hư hỏng.
Lưu ý rằng, các công việc này không phải là trách nhiệm của riêng các nhân viên lao công. Thay vào đó, tất cả mọi thành viên trong tổ chức đều cần có ý thức tự giác dọn dẹp, vệ sinh khu vực làm việc của mình. Điều này cũng giúp xây dựng thói quen và văn hóa tốt trong doanh nghiệp.
Cập nhật ngay: 12 Mẹo Tối Ưu Không Gian Văn Phòng Làm Việc Của Bạn
Seiketsu – Săn sóc
Seiketsu đề cập đến việc duy trì 3 yếu tố S đã được đề cập ở phần trên, bao gồm: Seiri, Seiton và Seiso. Trong giai đoạn đầu triển khai 3 chữ S đầu tiên, nhân viên có thể thực hiện đều đặn và hiệu quả. Tuy nhiên theo thời gian, sẽ rất khó tránh khỏi việc xao nhãng hoặc thực hiện sai lệch, khiến quy trình 5S bị đứt đoạn.
Seiketsu liên quan đến việc duy trì yếu tố S: Seiri, Seiton và Seiso
Lúc này, doanh nghiệp cần có cách thức hiệu quả để duy trì các hoạt động này. Cụ thể hơn, hãy đặt ra những tiêu chuẩn đánh giá để kịp thời phát hiện lỗ hổng và thực hiện quy trình một cách bài bản. Ví dụ như thiết kế bảng biểu, hình ảnh hướng dẫn, nhắc nhở các bước triển khai 5S trong doanh nghiệp.
Shitsuke – Sẵn sàng
Đây là yếu tố cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong phương pháp 5S. Shitsuke hướng đến mục tiêu hình thành thói quen, thúc đẩy ý thức tự giác của nhân viên đối với việc triển khai 5S trong doanh nghiệp. Theo đó, mỗi cá nhân phải luôn trong tâm thế sẵn sàng, tự giác giữ gìn môi trường làm việc của mình mà không cần quá nhiều sự giám sát, nhắc nhở. Như vậy, quy trình 5S mới có thể được áp dụng và mang lại hiệu quả trong dài hạn, góp phần xây dựng văn hóa tổ chức bền vững.
4. Các bước áp dụng tiêu chuẩn 5S trong doanh nghiệp
Để triển khai 5S hiệu quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, mỗi doanh nghiệp sẽ cần chuẩn bị kỹ lưỡng từ khâu lên kế hoạch, triển khai cho đến duy trì. Quy trình các bước áp dụng 5S cụ thể như sau:
Bước 1: Lập kế hoạch chi tiết
Trước khi triển khai 5S trong doanh nghiệp, ban lãnh đạo và các cấp quản lý sẽ cần họp bàn để đưa ra kế hoạch thực hiện cụ thể. Thông qua kế hoạch, đội ngũ nhân viên sẽ nắm được tiêu chuẩn 5S trong sản xuất, kinh doanh là gì cũng như những mục tiêu, định hướng của doanh nghiệp khi áp dụng 5S. Điều này nhằm tránh tình trạng mơ hồ trong nội bộ doanh nghiệp, từ đó đảm bảo quy trình 5S được áp dụng một cách hợp lý và mang lại hiệu quả.
Lập kế hoạch triển khai 5S rõ ràng, cụ thể ngay từ ban đầu
Để đảm bảo tính thống nhất, doanh nghiệp cũng cần tiến hành khảo sát ý kiến, phản ứng hay mong muốn của nhân viên đối với việc áp dụng 5S. Từ thông tin tổng hợp được, doanh nghiệp có thể đưa ra những điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, việc thành lập một đội 5S sẽ là cần thiết để đảm bảo quy trình được triển khai đúng hướng trong doanh nghiệp.
Bước 2: Phát động chương trình
Doanh nghiệp cần đảm bảo mỗi cá nhân tham gia vào quy trình 5S đều có thể nắm rõ mục tiêu và cách thức thực hiện chương trình. Việc này đòi hỏi thông tin truyền thông nội bộ mạnh mẽ, giúp nhân viên có thêm động lực và nâng cao trách nhiệm trong việc thực hiện.
Phát động chương trình 5S trong doanh nghiệp
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đặt ra mục tiêu và kết quả kỳ vọng sau khi thực hiện chương trình. Như vậy, tất cả mọi thành viên trong tổ chức mới có thể đồng lòng hướng đến một mục tiêu chung. Kết quả kỳ vọng cũng cần có sự đảm bảo của các cá nhân liên quan nhằm tăng tính cam kết và độ uy tín đối với việc áp dụng quy trình.
Bước 3: Triển khai thực hiện
Ở bước này, doanh nghiệp sẽ triển khai thực hiện quy trình 5S trong thực tế. Cụ thể là tiến hành lần lượt các hoạt động tương ứng với 5 chữ S: Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc) và Shitsuke (Sẵn sàng). Mục tiêu hướng đến là tạo ra môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng và có trật tự, từ đó tăng cường tính tổ chức và nâng cao hiệu suất trong doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện quy trình 5S
Bước 4: Đánh giá và cải tiến
Đến đây, việc triển khai quy trình 5S đã bắt đầu đi vào khuôn khổ. Tuy nhiên không nên xao nhãng mà cần tiếp tục đưa ra nhiều cải tiến dựa trên kết quả đạt được. Từ kết quả này, doanh nghiệp có thể xác định được đâu là những khía cạnh đã thực hiện tốt để lấy đó làm chuẩn cho những lần triển khai tiếp theo. Ngược lại, với những khía cạnh còn nhiều vướng mắc thì cần nhanh chóng đưa ra đề xuất khắc phục.
Lưu ý rằng, doanh nghiệp không chỉ đánh giá kết quả nội bộ mà còn phải học hỏi, quan sát thực tiễn áp dụng của nhiều doanh nghiệp bên ngoài. Từ đó rút ra kinh nghiệm cho chính doanh nghiệp và tối ưu quy trình.
Bước 5: Duy trì thực hiện quy trình
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng của quy trình 5S đó chính là duy trì thực hiện. Sẽ thật lý tưởng nếu việc thực hiện 5S trở thành một phần thói quen của mỗi nhân viên hoặc lớn hơn là một phần không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp.
Nếu không duy trì thực hiện 5S, mọi kết quả đạt được sẽ quay về con số 0
Ở bước này, doanh nghiệp cần thực hiện đối chiếu kết quả kỳ vọng với thực tế kết quả đạt được của chương trình. Dựa vào đây, cần tuyên dương những thành tích tốt để lấy đó làm động lực thúc đẩy cho việc duy trì thực hiện. Đặc biệt hơn, cần đảm bảo các bước quy trình 5S được thực đúng – đủ và mang tính kế thừa để ngày càng mang lại hiệu quả cao.
5. Những lưu ý cần nắm khi áp dụng quy trình 5S
Có thể thấy, quy trình 5S mang lại rất nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp nếu được thực hiện một cách bài bản, hợp lý. Tuy nhiên, để tối ưu hơn quá trình triển khai 5S vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp cũng cần nắm rõ một vài lưu ý sau đây.
Đối tượng nào nên áp dụng quy trình 5S?
Một môi trường làm việc sạch sẽ, khoa học, tạo động lực làm việc cho nhân viên và gia tăng hiệu quả, hiệu suất luôn là mục tiêu mà mọi doanh nghiệp hướng đến. Chính vì vậy, đáp án cho câu hỏi “Đối tượng nào nên áp dụng quy trình 5S?” đó chính là mọi doanh nghiệp. Không phân biệt ngành nghề hay lĩnh vực nào, mọi doanh nghiệp hiện nay đều cần áp dụng quy trình 5S vào thực tiễn hoạt động.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp cần triển khai 5S
Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy đã đến lúc doanh nghiệp cần áp dụng tiêu chuẩn 5S:
– Không gian làm việc trong tổ chức quá lộn xộn với nhiều vật dụng, thiết bị không cần thiết.
– Nhân viên mất nhiều thời gian để tìm kiếm tài liệu, vật dụng cần thiết để phục vụ cho công việc hằng ngày.
– Doanh nghiệp tốn nhiều chi phí để mua mới hoặc thuê trang thiết bị, vật dụng.
– Khu vực làm việc bám đầy bụi bẩn, không được vệ sinh thường xuyên.
– Đội ngũ nhân viên thiếu tính tự giác, đoàn kết trong lao động.
– …
Đội ngũ nhân sự đóng vai trò gì trong 5S?
Đối tượng tham gia vào quy trình 5S không chỉ là cấp quản lý hay một vài phòng ban nhất định mà thực tế là toàn bộ thành viên trong tổ chức. Điều này là bởi môi trường làm việc là của chung, tất cả mọi người đều có thể được hưởng lợi từ việc giữ gìn môi trường làm việc sạch sẽ, ngăn nắp. Do vậy, bất kỳ ai (không phân cấp bậc) cũng cần có trách nhiệm và đóng góp cụ thể vào quy trình thực hiện.
Đặc biệt, bộ phận “đầu tàu” doanh nghiệp sẽ cần tiên phong trong việc nghiêm túc thực hiện. Bởi đây đều là những người nắm giữ vai trò chủ chốt, đầu não của doanh nghiệp. Nếu ban lãnh đạo và các cấp quản lý chấp hành tốt theo quy trình, nhân viên cấp dưới sẽ lấy đó làm gương và noi theo. Ngược lại, nếu cấp trên không chấp hành một cách nghiêm túc, nhân viên cấp dưới có thể đánh mất động lực, thậm chí là không tuân thủ theo quy trình.
6. Những yếu tố tạo nên thành công của quy trình 5S
Việc triển khai tiêu chuẩn 5S trong doanh nghiệp là một quá trình hướng đến mục tiêu dài hạn. Do vậy, mỗi doanh nghiệp đã và đang có ý định triển khai đều phải cần chú trọng đến từng giai đoạn thực hiện để đảm bảo doanh nghiệp đang đi đúng hướng.
Dưới đây là những yếu tố tạo nên thành công của quy trình 5S mà doanh nghiệp có thể vận dụng:
– Sự hỗ trợ từ ban lãnh đạo: Ban lãnh đạo và các cấp quản lý cần có cam kết về trách nhiệm đối với doanh nghiệp và cả đội ngũ nhân viên trong việc thực hiện quy trình. Không chỉ có chức năng giám sát, quản lý, ban lãnh đạo cũng phải biết lắng nghe ý kiến, phản hồi từ phía nhân viên để đưa ra những điều chỉnh kịp thời. Bên cạnh đó cũng đưa ra những chỉ dẫn cần thiết, tạo điều kiện tốt nhất để nhân viên có thể hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Tìm hiểu: Kỹ năng lãnh đạo là gì? 10 kỹ năng nhà lãnh giỏi đại cần có
Ban lãnh đạo đóng vai trò quan trọng đến sự thành công của quy trình 5S
– Sự phối hợp giữa các phòng ban: Mỗi phòng ban có thể sẽ đưa ra nhiều cách thức hay cải tiến khác nhau trong quá trình thực hiện 5S. Do vậy, việc trao đổi, học hỏi lẫn nhau giữa các phòng ban sẽ giúp tạo ra môi trường làm việc tốt nhất.
– Cập nhật xu hướng mới: Môi trường kinh doanh luôn xuất hiện những thay đổi mới về vật dụng, thiết bị, không gian cho đến cách thức làm việc. Theo đó, doanh nghiệp cần nắm bắt nhanh chóng và điều chỉnh một cách linh hoạt các tiêu chuẩn trong 5S để phù hợp với xu hướng, tránh việc khắt khe, cứng nhắc dẫn đến lạc hậu, kém hiệu quả.
– Đánh giá kết quả định kỳ: Việc đánh giá kết quả đầu ra một cách định kỳ sẽ giúp doanh nghiệp kịp thời phát hiện những vấn đề, lỗ hổng trong hoạt động. Từ đó đưa ra hướng khắc phục nhanh chóng và kịp thời. Bên cạnh đó cũng không quên tuyên dương những thành tích tốt để tiếp tục phát huy trong giai đoạn tiếp theo.
– Đo lường và phân tích hiệu quả: Đội ngũ nhân viên là đối tượng chính tham gia triển khai 5S trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, việc đo lường và phân tích hiệu quả thực hiện của họ là điều cần thiết phải thực hiện. Theo đó, doanh nghiệp cần ghi nhận những cá nhân có thành tích tốt để thúc đẩy động lực, đồng thời cùng thảo luận những vấn đề chưa tốt để đưa ra giải pháp tốt nhất.
7. Lời kết
Qua bài viết trên đây của Maison Office, chắc hẳn bạn đã nắm rõ khái niệm 5S là gì cũng như những lợi ích mà phương pháp này mang lại khi áp dụng trong doanh nghiệp. Hy vọng bài viết đã mang đến thông tin hữu ích, giúp doanh nghiệp áp dụng hiệu quả và gặt hái được nhiều thành công.
Nhà biên tập và quản lý đội ngũ sản xuất nội dung tại Maison Office.
Với hơn 05 năm kinh nghiệm tư vấn và biên tập nội dung sâu rộng trong lĩnh vực dịch vụ bất động sản và thiết kế nội thất. Chia sẻ thông tin giá trị đến khách hàng, đối tác và thu hút hàng triệu lượt xem.