Maison Office

Tết miền Trung: Khám phá văn hóa, phong tục Tết cổ truyền

Theo dõi Maison Office trên
Khám phá văn hóa, phong tục Tết miền Trung

Tết Nguyên Đán là một trong những văn hóa truyền thống lâu đời, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam. Điều đáng nói là văn hóa, phong tục ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam lại có những nét đặc trưng riêng, làm nên bức tranh ngày Tết vô cùng nhiều màu sắc. Nếu Tết miền Bắc mang đậm nét cổ truyền, Tết miền Nam nhộn nhịp, sôi động thì Tết miền Trung lại mang vẻ đẹp giản dị nhưng cũng không kém phần ấm áp, tươi vui. 

1. Không khí Tết ở miền Trung

Từ những ngày giáp Tết, khắp nơi trên đất nước đều trở nên rộn ràng, nhộn nhịp với những hoạt động chuẩn bị đón Tết. Ở miền Trung, không khí Tết cũng đông vui, nhộn nhịp song lại có những nét rất riêng. Đâu đâu trên khắp các con đường lớn nhỏ đều tấp nập người qua lại. Phố phường miền Trung cũng trở nên rực rỡ sắc màu với những cờ hoa, đèn lồng. Những sắc hoa rực rỡ như mai vàng, đào, cúc,… cũng tô điểm cho không gian ngày Tết thêm tươi vui.

Hình ảnh Tết miền Trung ấm áp, vui tươi
Hình ảnh Tết miền Trung ấm áp, vui tươi

Không chỉ trên những con phố lớn mới nhộn nhịp, không khí Tết còn len lỏi vào từng con ngõ, từng ngôi nhà. Mỗi gia đình đều tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để mang Tết đến gần hơn. Những ánh đèn màu, sắc hoa rực rỡ cùng hương thơm của các mâm cơm gia đình tạo nên không khí tràn ngập tình thân, đưa mọi người đến gần nhau hơn trong niềm vui xuân.

Tiết trời ngày Tết ở miền Trung mọi năm thường khá mát mẻ, do đó rất thích hợp để dạo chơi. Song đôi lúc cũng có những cơn mưa đầu mùa bất ngờ như tưới mát cả không gian xuân. 

2. Hoa mai – biểu tượng cho Tết miền Trung

Nếu Tết miền Bắc đặc trưng với những cành đào tươi thắm thì Tết miền Trung lại không thể thiếu những cành hoa mai. Hoa mai ngoài được là loài hoa biểu tượng cho Tết miền Nam thì cũng được biết đến là một nét đặc trưng trong ngày Tết của người miền Trung. Vào những ngày Tết, không khó để bạn có thể bắt gặp hình ảnh những chậu hoa mai vàng tươi, rực rỡ sắc xuân trên các con phố.  

Hoa mai là biểu tượng cho Tết miền Trung
Hoa mai là biểu tượng cho Tết miền Trung

Thay vì chưng hoa mai trong các chậu cây lớn và trang trí cầu kỳ, người miền Trung lại thích trồng hoa ngay trước lối đi hoặc cắm vài nhánh nhỏ trên bàn. Dù trang trí đơn giản nhưng lại khiến cho Tết càng thêm gần gũi, thân thuộc. Hoa mai không chỉ là loài hoa tượng trưng cho sự may mắn, an lành mà còn là biểu tượng của tình yêu và sự gắn kết gia đình. Chính vì vậy, hoa mai luôn được người dân miền Trung yêu thích và lựa chọn để trang trí nhà cửa trong dịp Tết.

Bên cạnh hoa Mai, dịp Tết ở miền Trung mọi người thường chưng hoa cúc. Hoa cúc mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường tồn, vĩnh cửu, thu hút may mắn và tài lộc. Hoa cúc ở miền Trung thường có màu vàng, trắng hoặc hồng, mang đến vẻ đẹp dịu dàng, thanh nhã cho không gian nhà cửa.

Ngoài ra, người miền Trung cũng trưng bày nhiều loài hoa khác trong dịp Tết như:

  • Hoa vạn thọ: Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trường thọ, hạnh phúc và may mắn.
  • Hoa đồng tiền: Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự may mắn, tiền bạc và tài lộc.
  • Hoa lan: Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự cao quý, sang trọng và quyền lực.
  • Hoa cẩm chướng: Mang ý nghĩa tượng trưng cho sự chung thủy, tình yêu và sắc đẹp.
  • Hoa hồng: Mang ý nghĩa tượng trưng cho tình yêu, sự lãng mạn và hạnh phúc.

Tùy theo sở thích và quan niệm của mỗi gia đình mà có thể lựa chọn những loài hoa phù hợp để trưng bày trong dịp Tết. Tuy nhiên, dù lựa chọn loài hoa nào thì cũng đều mang ý nghĩa cầu mong một năm mới an khang, thịnh vượng và hạnh phúc.

3. Khám phá các phong tục Tết miền Trung đặc sắc

Với vị trí địa lý ngay trung tâm chiều dài đất nước, miền Trung là vùng đất có sự giao thoa về văn hóa, phong tục tập quán của cả hai miền Bắc và Nam. 

Các phong tục ngày tết miền Trung đặc trưng:

  • Chợ Tết
  • Mâm cỗ Tết miền Trung
  • Mâm ngũ quả ngày Tết
  • Tục lệ cúng ông Công, ông Táo
  • Gói bánh chưng, bánh tét
  • Tiệc tất niên
  • Cúng ngày 30 Tết

3.1. Chợ Tết

Chợ Tết là một trong những nét văn hóa rất đặc trưng của ngày Tết Việt Nam, đặc biệt là ở những vùng nông thôn miền Trung. Trong đó, không thể không nhắc đến chợ hoa – nơi mọi người có thể mua những cây hoa đẹp nhất để trang trí nhà cửa đón Tết. Chợ hoa xuân miền Trung thường tập trung đa dạng các loài hoa như: hoa mai, hoa cúc, hoa đồng tiền, hoa ly, hoa hướng dương, hoa lan, hoa đỗ quyên,… Mỗi loài hoa sẽ mang những ý nghĩa đặc trưng riêng, song đều tượng trưng cho những điều may mắn, tốt lành sẽ đến trong năm mới.   

Không khí chợ Tết nhộn nhịp ở miền Trung
Không khí chợ Tết nhộn nhịp ở miền Trung

Ngoài chợ hoa còn có các phiên chợ Tết họp từ những ngày 28, 29 Tết. Đây là dịp để mọi người sắm sửa các vật dụng cần thiết cho ngày Tết như bánh mứt, hoa quả hay quần áo mới. Đồng thời cũng là nơi để mọi người gặp gỡ, giao lưu và trò chuyện, tạo nên không khí vui tươi, nhộn nhịp cho ngày xuân. 

3.2. Mâm cỗ Tết miền Trung

Món ngon ngày Tết ở 3 miền Bắc – Trung – Nam đều mang những nét độc đáo riêng không thể nhầm lẫn. Do đó mà cách bày trí mâm cỗ ngày Tết cũng có sự khác biệt nhất định. Các món ăn trong mâm cỗ Tết miền Trung thường có hương vị đậm đà, cay nồng như tấm lòng hiếu khách của con người nơi đây. Người miền Trung ăn cả bánh chưng và bánh tét vào dịp Tết song chỉ có bánh chưng được bày lên các mâm cỗ ở miếu điện. Riêng mâm cơm cúng ông bà trong 3 ngày Tết thì được chế biến với đa dạng món ăn, trong đó phải kể đến: 

  • Gà luộc
  • Bánh tét
  • Chả lụa
  • Nem chua
  • Củ kiệu, dưa món
  • Ram cuốn
  • Canh khổ qua,… 
Mâm cỗ Tết miền Trung với đa dạng các món ăn
Mâm cỗ Tết miền Trung với đa dạng các món ăn

Các món ăn được chia thành nhiều đĩa nhỏ, mỗi món một ít và bày trên chiếc mâm tròn. Điều này cũng thể hiện tinh thần tiết kiệm, san sẻ của người dân miền Trung chân chất, mộc mạc. Ngoài những món ăn kể trên, mỗi gia đình sẽ làm thêm nhiều món ăn đặc sắc khác để làm đa dạng mâm cỗ như: thịt ngâm nước mắm, bò kho mật mía, thịt luộc, cá hấp, canh rau củ, tôm chua, gà xé phay,… 

Xem thêm:

3.3. Mâm ngũ quả ngày Tết

Người dân miền Trung không quá đặt nặng về hình thức hay ý nghĩa của mâm ngũ quả. Thay vào đó, các mâm ngũ quả của người miền Trung thường có gì cúng nấy, quan trọng là tấm lòng thành tâm dâng kính tổ tiên. Vào dịp Tết, các gia đình miền Trung thường chọn các loại trái cây có vị ngọt, thơm và lâu hư úng để bày mâm ngũ quả cho đẹp mắt. Ngoài ra, các loại quả tròn cũng được ưu tiên lựa chọn với mong cầu hạnh phúc, đoàn viên và đủ đầy. Trong phong tục Tết của người dân miền Trung, họ cũng kiêng chưng các loại trái cây như cam hay quýt bởi người dân tin theo quan niệm “cam đành quýt đoạn”. 

3.4. Tục lệ cúng ông Công, ông Táo

Ở miền Trung, lễ cúng ông Công, ông Táo thường được tiến hành trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Bởi theo quan niệm, sau 12 giờ trưa các vị thần đã về chầu trời. Khác với mâm lễ cúng miền Bắc được bày biện đầy đủ với các món ăn truyền thống như gà luộc, xôi gấc, giò chả, bánh chưng,… mâm cúng ông Táo ở miền Trung lại khá đơn giản, chỉ có hoa quả và nhang đèn. Người dân miền Trung đa phần không cúng cá chép như người miền Bắc, thay vào đó họ thường cúng áo mũ vàng mã, ngựa giấy yên cương đầy đủ để các Táo cưỡi về chầu trời. 

Tục lệ cúng ông Công, ông Táo ở miền Trung
Tục lệ cúng ông Công, ông Táo ở miền Trung

Tập tục thờ cúng Táo quân của người miền Trung cũng có phần hơi khác khi không thờ chung với gia tiên mà thường lập một bàn thờ nhỏ, riêng biệt ở bếp. Trước khi tiến hành lễ cúng, người phụ nữ trong gia đình phải giữ cho căn bếp được sạch sẽ, gọn gàng và đủ đầy. 

Riêng với xứ Huế, các gia đình còn có phong tục dựng cây nêu trong sân vào sáng 23 với ngụ ý giữ nhà cửa trong những ngày ông Táo đi vắng. Sau khi lễ cúng hoàn tất, gia chủ sẽ tiễn 3 bức tượng Táo quân cũ khỏi bàn thờ, đưa đến các gốc cây cổ thụ hoặc các am miếu đầu xóm. Sau đó là rước tượng 3 Táo quân mới về nhà, đặt lại lên bàn thờ để thờ cúng cho năm mới. 

3.5. Gói bánh chưng, bánh tét

Sau khi đất nước thống nhất dưới thời Gia Long (năm 1802), mảnh đất miền Trung cũng dần có sự giao thoa văn hóa cổ truyền của đất Bắc với văn hóa mới phong phú của miền Nam. Do vậy, theo phong tục Tết miền Trung, người dân thường gói cả bánh chưng và bánh tét để dâng lên tổ tiên. Bánh chưng miền Trung thường có kích thước bé hơn bánh chưng miền Bắc và đặc biệt cũng ít nhân hơn. Bánh tét ở đây thì lại giống với miền Nam, được gói theo hình trụ dài với nhân thịt, đậu xanh hoặc không thịt để bảo quản được lâu hơn. Song món bánh tét thường ít được người dân miền Trung dùng làm quà biếu tặng trong những ngày đầu năm mới, bởi “đòn bánh tét” nghe như “đòn roi”.

Gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết
Gói bánh chưng, bánh tét ngày Tết

3.6. Tiệc tất niên

Tất niên là một trong những nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam. Theo đó, những ngày cận Tết từ 15 tháng 12 Âm lịch trở đi, hầu như gia đình nào cũng tổ chức tiệc tất niên. Đây là dịp để mọi người cùng nhau quây quần, thưởng thức những món ăn ngon truyền thống và kể nhau nghe những câu chuyện xưa cũ. 

Mâm cỗ tất niên thường có những món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, gà luộc, nem rán, canh khoai,… Nhà nào tổ chức tất niên đều có rất đông người già, người trẻ quây quần bên nhau rất ấm cúng. Chính phong tục này khiến cho những ngày cận tết miền Trung trở nên thật náo nhiệt và thấm đượm tình thân. 

3.7. Ngày 30 Tết

Vào ngày cuối cùng của năm – 30 Tết, người dân miền Trung thường sẽ đi mộ thắp hương cho ông bà tổ tiên và mời họ về ăn Tết với con cháu trong gia đình. Sau đó, cả gia đình sẽ cùng nhau sắm sửa những đồ dùng cần thiết để làm mâm cúng giao thừa. Đêm 30 Tết, cả gia đình thường quây quần bên nhau trong không khí ấm áp, cùng nhau xem pháo hoa hay trò chuyện thân tình. 

Người dân cũng quan niệm rằng, những ngày cuối năm nên trả hết nợ để tránh những điều không may đến với gia đình trong năm mới. 

3.8. Một số phong tục truyền thống khác

Tiết trời miền Trung khá ấm áp và dễ chịu, chính vì vậy người dân thường bắt đầu du xuân, sửa soạn đón Tết từ ngày 20 tháng Chạp Âm lịch. Vào những ngày này, những con đường thường tấp nập người qua lại, đâu đâu cũng thấy sắc hoa rực rỡ và không khí vui nhộn của ngày Tết. Đây cũng là thời điểm mà người người nhà nhà bắt đầu dọn dẹp, trang trí nhà cửa một cách tươm tất với quan niệm chào đón những điều mới, điều tốt lành đến với gia đình. 

Ngày đầu năm mới, mọi người thường cùng nhau đi lễ chùa để hái lộc đầu năm và cầu bình an. Người dân miền Trung cũng có tục xông đất ngày Tết, thế nhưng không quá câu nệ về tuổi tác như miền Bắc. Thường thì họ sẽ nhờ những người khỏe mạnh, thông minh hoặc nhờ các bậc trưởng bối có vai vế sang xông đất lấy hên. 

Người dân miền Trung hái lộc đầu xuân
Người dân miền Trung hái lộc đầu xuân

Tết miền Trung còn có tập tục tắm lá mùi, lá bưởi với ý nghĩa xua đuổi tà khí, cầu mong một năm mới bình an, khỏe mạnh. Ngoài ra, đốt vàng mã cũng là phong tục tập quán thường thấy trong dịp Tết với ý nghĩa cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình trong năm mới. 

4. Một số lễ hội đặc sắc trong dịp Tết cổ truyền miền Trung

Tết cổ truyền miền Trung không chỉ là lễ hội truyền thống ngàn đời mà còn là bức tranh văn hóa độc đáo. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, mảnh đất miền Trung đã kế thừa và phát triển biết bao lễ hội đặc sắc. Cứ mỗi đợt xuân về, người dân ở khắp nơi hòa mình vào không khí sôi động của những nghi lễ, lễ hội đậm chất bản sắc văn hóa. Trong đó, nổi bật phải kể đến như: 

4.1. Lễ hội Cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ)

Lễ hội Cầu Ngư là một trong những đặc trưng văn hóa sinh hoạt của người dân miền biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Từ lâu, người dân xứ biển đã luôn tôn thờ các vị thần biển cả với hy vọng những lần ra khơi được bình an, đánh bắt nhiều tôm cá và có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vị thần biển được người dân miền Trung tôn sùng và thờ kính là Cá Ông (cá Voi). Bắt nguồn từ tín ngưỡng thờ cúng này, hằng năm vào giữa tháng Giêng đến tháng Sáu Âm lịch, các tỉnh miền Trung sẽ tổ chức lễ hội Cầu Ngư. 

Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội đặc sắc của Tết miền Trung
Lễ hội Cầu Ngư là lễ hội đặc sắc của Tết miền Trung

Khi tham gia lễ hội Cầu Ngư, du khách sẽ được chứng kiến nhiều hoạt động thú vị, đặc sắc trong lễ hội như: kéo co, đua thuyền, bơi lội, hát hò khoan, hát tuồng, múa bả trạo,… Qua mỗi hoạt động, bạn sẽ hiểu hơn về văn hóa, phong tục và tinh thần đoàn kết của người dân nơi đây. 

4.2. Hội vật làng Sình (Huế)

Hội vật làng Sình thường diễn ra vào ngày 9 – ngày 10 tháng Giêng Âm lịch tại xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là một trong những lễ hội mang yếu tố tâm linh truyền thống có lịch sử lên đến 200 năm, đồng thời cũng là một hoạt động vui khỏe, thể hiện tinh thần thượng võ và lòng dũng cảm của lớp trai tráng. Hằng năm, lễ hội được tổ chức với quy mô khá lớn, thu hút sự tham gia của nhiều võ sĩ đến từ khắp nơi trên cả nước. 

Cùng với hoạt động đấu vật, trong suốt lễ hội, khắp nơi trong làng cũng tổ chức các trò chơi dân gian độc đáo, thu hút đông đảo du khách chơi xuân. Khi đến đây, bạn còn có thể thưởng thức vô số những món ăn truyền thống ngày Tết của Huế như: bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, banh canh, chè heo quay,… 

4.3. Lễ hội Đống Đa (Bình Định)

Cứ đến mùng 4, mùng 5 Tết Âm lịch hàng năm, tại thị trấn Phú Phong, tỉnh Bình Định lại tổ chức lễ hội mùa xuân Đống Đa. Đây là lễ hội được tổ chức nhằm tưởng nhớ chiến tích lẫy lừng của các thủ lĩnh phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Lễ hội này cũng gợi nhắc lại kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Lễ hội Đống Đa tái hiện lại chiến tích lẫy lừng của quân Tây Sơn
Lễ hội Đống Đa tái hiện lại chiến tích lẫy lừng của quân Tây Sơn

Lễ hội Đống Đa, Bình Định là một trong những lễ hội đặc sắc, có quy mô lớn nhất cả nước trong những ngày đầu xuân. Ngoài nghi lễ truyền thống được tổ chức long trọng, hoành tráng, lễ hội còn tổ chức nhiều hoạt động dân gian đặc sắc như: trống trận Tây Sơn, đua thuyền, biểu diễn võ thuật Tây Sơn, hát tuồng, các trò chơi dân gian,… Khi tham gia lễ hội, bạn như được sống lại thời kỳ lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc đồng thời cũng cảm nhận được tinh thần thượng võ của người dân Bình Định. 

5. Những điều cần kiêng kị trong ngày Tết miền Trung

Phong tục Tết ở miền Trung khá thoải mái và không quá câu nệ. Thế nhưng, theo quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, người dân miền Trung cũng có những điều kiêng kỵ trong ngày Tết để năm mới suôn sẻ, gặp nhiều may mắn hơn. Trong đó phải kể đến như: 

  • Kiêng quét nhà, đổ rác: Theo quan niệm của người miền Trung, việc quét nhà, đổ rác trong ngày Tết sẽ quét đi tài lộc, may mắn của gia đình. Do đó, người dân miền Trung thường dọn dẹp nhà cửa trước Tết và sẽ không quét nhà, đổ rác trong những ngày đầu năm.
  • Kiêng mặc đồ màu trắng: Người miền Trung thường kiêng mặc đồ màu trắng trong ngày Tết bởi họ cho rằng việc mặc đồ trắng trong ngày Tết sẽ mang đến những điều không may.
  • Kiêng đi chúc Tết khi đang có tang: Khi gia đình đang có tang, người dân miền Trung thường kiêng đi chúc Tết đầu năm bởi họ cho rằng điều này sẽ mang những điều không may, xui xẻo đến cho gia đình được chúc Tết. 
  • Không cho người khác vay tiền: Nhiều người quan niệm rằng, cho người khác vay tiền trong ngày Tết sẽ khiến tiền bạc trong nhà bị hao hụt, làm ăn khó phát đạt hoặc “dâng” vận may của mình cho người khác. 
  • Kiêng cho nước, cho lửa: Theo quan niệm dân gian, nước và lửa là hai biểu tượng cho tài lộc và may mắn. Chính vì vậy, vào những ngày đầu năm mới, cần tránh việc đi xin nước, xin lửa cũng như kiêng cho nước cho lửa. Bởi điều này sẽ khiến gia đình mất lộc cả năm, tiền bạc làm ra cũng khó giữ được. 

Những phong tục Tết miền Trung tuy giản dị nhưng lại mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống, góp phần tô điểm bức tranh đa dạng của Tết cổ truyền Việt Nam. Dù là ở đâu trên đất nước Việt Nam, Tết vẫn là một dịp lễ ý nghĩa để mọi người cùng quây quần bên nhau và lưu giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp. 

Mời bạn đọc thêm: 

4.8/5 - (5 votes)
Contact Me on Zalo