Maison Office

Tết Nguyên Đán là gì? Nguồn gốc, ý nghĩa Tết cổ truyền

Theo dõi Maison Office trên
Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm đồng thời có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi người con đất Việt. Đây cũng là dịp mà mọi người có thể trở về quê hương, sum họp bên gia đình và thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên.

1. Tết Nguyên Đán là gì?

Tết Nguyên Đán là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch của các nước Đông Á. Tết Nguyên Đán còn được gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm lịch, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết. 

Đây là dịp để mọi người trong gia đình sum vầy, đoàn tụ, cùng nhau đón chào một năm mới an khang, thịnh vượng.Tết Nguyên Đán thường kéo dài từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 3 tháng Giêng.

Giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam
Giới thiệu Tết cổ truyền Việt Nam

“Tết” là cách đọc âm Hán – Việt của chữ “tiết”, còn “Nguyên Đán” là từ gốc chữ Hán. Trong đó, “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu và “Đán” có nghĩa là buổi sáng sớm. Như vậy, Tết Nguyên Đán được hiểu là ngày bắt đầu của một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây, đánh dấu sự nối tiếp của thời gian và hy vọng cho một năm mới an khang, thịnh vượng. 

Người dân Việt Nam thường gọi Tết Nguyên Đán với cái tên thân thương là “Tết Ta” để phân biệt với “Tết Tây” (Tết Dương lịch). 

Tìm hiểu ngay:

2. Nguồn gốc Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á – một phần của nền văn minh lúa nước. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp mà đã chia thời gian thành 24 tiết khí trong năm, ứng với mỗi tiết là một khắc “giao thừa”. Trong đó, “tiết” quan trọng nhất là Tiết Nguyên Đán, đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng mới. 

Theo một số nghiên cứu về lịch sử vào thời vua Hùng, Tết Nguyên Đán diễn ra vào tháng Tý (tức tháng 11 Âm lịch). Sau này, do ảnh hưởng từ văn hóa Trung Quốc nên ngày Tết Âm lịch được chuyển sang tháng Dần (tức tháng 1 Âm lịch). Một số tư liệu lịch sử khác như An Nam chí lược (Lê Tắc) và Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn) cũng chỉ ra những khác biệt trong văn hóa lễ Tết của người Việt so với Trung Quốc.Theo đó, người Việt thường đón lễ Tết từ tháng Giêng cho đến tháng 3 âm lịch.

Đây là dịp để vẽ mình, uống rượu, dùng trầu cau, ăn dưa mắm và tham gia nhiều hoạt động giải trí khác như đánh cờ, đấu vật, đá cầu,… Lễ nghi và tế lễ cũng đóng vai trò là một phần quan trọng trong văn hóa ngày Tết Việt Nam.

3. Tết Nguyên Đán diễn ra vào thời gian nào?

Tết Nguyên Đán được tính bắt đầu từ ngày đầu tiên của năm Âm lịch, thường sẽ muộn hơn Tết Dương lịch từ 1 đến 2 tháng. Do quy luật 3 năm nhuận 1 tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của dịp Tết Nguyên Đán không bao giờ rơi vào trước ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch.

Thay vào đó thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Dịp Tết cổ truyền Việt Nam hằng năm thường kéo dài trong khoảng từ 7 đến 8 ngày cuối năm cũ cho đến 7 ngày đầu năm mới (tương ứng 23 tháng Chạp đến hết ngày 7 tháng Giêng). 

Tết nguyên đán diễn ra vào thời gian nào?
Tết nguyên Đán diễn ra vào thời gian nào?

4. Ý nghĩa Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là lễ hội truyền thống lớn nhất năm của người Việt. Đây là điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, nó thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình. Tết Âm lịch chứa đựng rất nhiều giá trị tinh thần, giá trị tâm linh, cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của người Việt.

4.1 Thời điểm giao thoa giữa đất trời

Theo quan niệm của người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là thời điểm giao thoa giữa trời và đất, đánh dấu sự kết thúc của một năm cũ và bắt đầu một năm mới. Đất trời có mối quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đất là nơi sinh sống của con người, còn trời là nơi ngự trị của các vị thần linh. Do vậy, người Việt cũng tin rằng, thời khắc giao thừa chuyển giao sang một năm mới cũng là lúc họ nhận được những điều tốt lành từ đất trời. 

4.2 Dịp bày tỏ lòng thành kính đến ông bà tổ tiên

Tết Âm lịch là thời điểm để mọi người quay trở về nhà, sum vầy bên gia đình, dành tặng nhau những lời chúc tốt đẹp và bày tỏ lòng thành kính đến ông bà tổ tiên. Trong những ngày này, con cháu thường tụ họp để cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa lễ vật và chuẩn bị mâm cúng gia tiên. Theo quan niệm từ xưa, vào dịp lễ này ông bà tổ tiên sẽ về nhà ăn Tết cùng con cháu và phù hộ cho gia đình mình mọi sự hanh thông, vạn sự như ý. Đây được xem là một trong những nét văn hóa truyền thống đã có từ ngàn đời nay. 

Tết Nguyên đán là dịp bày tỏ lòng thành kính đến ông bà tổ tiên
Tết Nguyên Đán là dịp bày tỏ lòng thành kính đến ông bà tổ tiên

4.3 May mắn và nhiều hy vọng

Năm mới tượng trưng cho khởi đầu mới cùng nhiều hy vọng và may mắn. Do vậy mà cứ mỗi dịp Tết đến, mọi người thường rủ nhau đi chùa hái lộc đầu năm và cầu may mắn cho cả một năm. Trong dịp lễ đặc biệt này, mọi người cũng luôn dành tặng cho nhau những lời chúc tốt đẹp, cầu mong một năm mới tốt lành, an khang và thịnh vượng. 

Trong những ngày trước Tết, người Việt thường dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa quần áo mới, mua cây đào, cây mai trang trí. Những việc làm này đều mang ý nghĩa cầu mong một năm mới với nhiều điều tốt đẹp. Đây cũng là thời điểm tốt để mở đầu công việc hoặc khởi nghiệp nhờ vào vận khí năm mới. 

4.4 Khoảng thời gian gia đình sum họp

Tết Nguyên Đán là dịp để mọi người trong gia đình sum họp, đoàn viên và trò chuyện cùng nhau. Đối với những người không được ở gần gia đình, Tết Nguyên Đán càng trở nên ý nghĩa hơn khi đây là dịp để họ có thể trở về nhà và quây quần bên những người thân yêu.

Cùng nhau tất bật soạn bữa cơm tất niên hay quây quần gói bánh chưng, bánh tét, chỉ cần được ở bên những người thân yêu thì mọi khoảnh khắc của ngày Tết đều trở nên thật sự ý nghĩa. Đây cũng là khoảng thời gian mà con cháu bày tỏ lòng biết ơn thành kính đến ông bà, cha mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. 

Tết là khoảng thời gian gia đình sum họp, đoàn viên
Tết là khoảng thời gian gia đình sum họp, đoàn viên

5. Phong tục tập quán của người Việt trong Tết Nguyên Đán

Nhắc đến ngày Tết cổ truyền Việt Nam thì không thể không nhắc đến những phong tục tập quán truyền thống đã có từ ngàn đời. Những phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa là nét đặc trưng tạo nên bức tranh Tết màu sắc và đầy ý nghĩa. Hãy cùng nhau khám phá dưới đây những phong tục truyền thống của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán:

5.1 Cúng ông Công, ông Táo

Theo quan niệm của người Việt Nam, ông Công, ông Táo là hai vị thần cai quản bếp núc của mỗi gia đình. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, ông Công, ông Táo sẽ lên trời báo cáo cho Ngọc Hoàng về những việc xảy ra trong gia đình một năm qua. Chính vì vậy, cứ đến ngày này, các gia đình Việt lại dọn dẹp sạch sẽ căn bếp và chuẩn bị mâm cỗ để tiễn ông Công, ông Táo về trời và cầu mong một năm mới tốt đẹp. 

Cúng ông Công, ông Táo từ xưa đã là phong tục của Tết cổ truyền
Cúng ông Công, ông Táo từ xưa đã là phong tục của Tết cổ truyền

5.2 Tảo mộ

Tảo mộ (hay chạp mả) là một phong tục truyền thống của các gia đình Việt, thường diễn ra vào những ngày cận Tết Nguyên Đán. Vào những ngày này, con cháu trong gia đình sẽ tập trung lại để thăm viếng và dọn dẹp, sửa sang lại phần mộ của ông bà tổ tiên. Điều này thể hiện lòng thành kính và đạo hiếu của con cháu đối với ông bà tổ tiên đã khuất. Đây cũng là dịp để ôn lại truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở con cháu về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

5.3 Dọn dẹp, trang trí nhà cửa

Theo quan niệm của người Việt, việc dọn dẹp nhà cửa mỗi dịp cuối năm mang ý nghĩa là loại bỏ đi những điều không may, không tốt của năm cũ và chuẩn bị để chào đón những may mắn cho năm mới. Dọn dẹp và trang trí nhà cửa thường được thực hiện khoảng vài tuần trước Tết.

Dọn dẹp và trang trí nhà cửa đón Tết
Dọn dẹp và trang trí nhà cửa đón Tết

Sau khi dọn dẹp xong, mọi người sẽ tiến hành trang trí nhà cửa để mang không khí Tết vào bên trong gia đình. Rất nhiều loại hoa chưng Tết được yêu thích như hoa mai, hoa đào, hoa đồng tiền, hoa thủy tiên, hoa cúc,… Ngoài ra, các gia đình còn trang trí rực rỡ với lồng đèn, câu đối đỏ, tranh tết,… 

5.4 Cúng tất niên

Cúng tất niên là một phong tục truyền thống không thể thiếu trong những ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Nghi lễ quan trọng này thường được làm vào ngày 30 Tết hoặc sớm hơn vài ngày để mờ ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng với gia đình. Theo quan niệm của người Việt Nam, cúng tất niên là dịp để gia đình sum vầy, đoàn tụ, cùng nhau ăn bữa cơm cuối cùng trong năm và cầu mong một năm mới với nhiều hy vọng mới. Một mâm cơm tất niên thường gồm các món ăn Tết truyền thống của Việt Nam như: bánh chưng, bánh tét, thịt gà, thịt lợn, xôi, nem, canh khổ qua,… 

5.5 Bày mâm ngũ quả

Một mâm ngũ quả dâng lên bàn thờ tổ tiên là nét đặc trưng không thể thiếu trong dịp Tết Âm lịch, thể hiện lòng tôn kính và biết ơn của con cháu đối với bề trên. Mỗi vùng miền sẽ có những cách bày trí mâm ngũ quả khác nhau. 

  • Miền Bắc: Đối với người dân miền Bắc, một mâm ngũ quả đẹp phải có đầy đủ các loại trái cây như: bưởi, chuối xanh, hồng, sung, phật thủ, dứa, quất cảnh,… Mâm ngũ quả được bày biện rực rỡ nhưng phải hài hòa, đảm bảo đúng theo Ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. 
  • Miền Trung: Mâm ngũ quả miền Trung thường khá đơn giản và không quá câu nệ hình thức. Các loại trái cây thường thấy trong mâm ngũ quả của người miền Trung như: chuối, mãng cầu, dừa, thanh long, xoài, cam, quýt, dưa hấu, sung,…
Tục lệ bày mâm ngũ quả có ý nghĩa cầu cho năm mới bình an, sung túc
Tục lệ bày mâm ngũ quả có ý nghĩa cầu cho năm mới bình an, sung túc
  • Miền Nam: Người miền Nam thường bày mâm ngũ quả theo mong muốn “Cầu sung vừa đủ xài”, tương ứng với các loại quả: mãng cầu, sung, dừa, đu đủ và xoài. Ngoài ra, người miền Nam cũng kiêng không thờ một số loại trái cây như chuối, lê, cam, quýt. 

Dù có sự khác biệt về cách bày trí mâm ngũ quả giữa các vùng miền, thế nhưng tất cả đều mang ý nghĩa chung là cầu cho một năm mới bình an, sung túc.

5.6 Gói bánh chưng, bánh tét

Bánh chưng và bánh tét là hai món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết của người Việt Nam. Cả hai loại bánh này đều được xem là biểu tượng của sự sung túc, an lành, thể hiện mong ước của người người, nhà nhà về một năm mới đủ đầy, no ấm. Phong tục gói bánh chưng, bánh tét từ đó cũng trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, gắn liền với nhiều ý nghĩa sâu sắc. 

Nhiều gia đình hiện nay vẫn còn giữ được truyền thống gói bánh chưng, bánh tét. Trong những ngày trước Tết, các thành viên trong gia đình hoặc xóm giềng sẽ tập trung lại với nhau để gói bánh, luộc bánh và trò chuyện thâu đêm. Tất cả tạo nên một bầu không khí ấm cúng, gắn kết mọi người lại gần nhau hơn nhân dịp Tết đến xuân về. 

5.7 Xông đất

Xông đất là một trong những tục lệ truyền thống quan trọng của người Việt Nam trong dịp đầu năm mới. Theo quan niệm của người Việt, người xông đất đầu năm là người sẽ mang lại may mắn, tài lộc cho gia chủ trong suốt cả năm. Chính vì vậy, việc lựa chọn người xông đất hợp tuổi, hợp mệnh cũng rất được coi trọng.

Vào thời khắc giao thừa, người xông đất sẽ mang theo bao lì xì, bánh kẹo đến chúc tết gia chủ. Sau đó là gửi đến gia chủ và gia đình những lời chúc tốt đẹp, cầu mong cho một năm mới thật bình an và sung túc. Mọi người thường sẽ chọn người xông đất có tuổi hợp với tuổi của gia chủ hoặc đơn giản hơn là chọn người khỏe mạnh, tốt tính, gia đình hòa thuận. 

5.8 Chúc Tết, mừng tuổi

Một năm mới đến cũng đồng nghĩa mỗi người sẽ có thêm một tuổi mới. Do đó mà mọi người thường hay dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp để hy vọng một năm mới với nhiều may mắn, thành công. Thông thường, vào ngày mồng một tết, con cháu sẽ tụ họp để chúc tết và mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Sau đó, những người lớn sẽ lì xì lại cho trẻ con kèm theo những lời chúc tốt lành. Mỗi phong bao lì xì đỏ chứa đựng trong đó những may mắn và hy vọng, cầu cho mọi việc trong năm mới đều hanh thông, thuận lợi. 

Chúc Tết và mừng tuổi đầu năm mới là phong tục không thể thiếu trong dịp Tết
Chúc Tết và mừng tuổi đầu năm mới là phong tục không thể thiếu trong dịp Tết

>>> Tham khảo ngay

6. Người Việt có bao nhiêu ngày Tết?

Người Việt có nhiều ngày Tết trong một năm, bao gồm:

  • Tết Nguyên Đán: Ngày đầu tiên của năm Âm lịch
  • Tết Nguyên Tiêu: Ngày 15 tháng Giêng
  • Tết Hàn Thực: Ngày 3 tháng 3 Âm lịch
  • Tết Thanh Minh: Đầu tháng 3 Âm lịch
  • Tết Đoan Ngọ: Ngày 5 tháng 5 Âm lịch
  • Tết Trung Nguyên: Ngày 15 tháng 7 Âm lịch
  • Tết Trung Thu: Ngày 15 tháng 8 Âm lịch
  • Tết Táo Quân: Ngày 23 tháng Chạp Âm lịch
  • Tết Trùng Cửu: Ngày 9 tháng 9 âm lịch
  • Tết Trùng Thập: Ngày 10 tháng 10 âm lịch

7. Tết Nguyên Đán 2024 vào ngày nào?

Theo lịch vạn niên, Tết Nguyên Đán 2024 (hay Tết Giáp Thìn) sẽ rơi vào thứ Bảy, ngày 10/02/2024 dương lịch (tức Mùng 1 Tết). Như vậy, dịp Tết Âm lịch 2024 kéo dài trong các ngày như sau:  

  • Ngày 28 Tết: rơi vào thứ Tư, ngày 07/02/2024.
  • Ngày 29 Tết: rơi vào thứ Năm, ngày 08/02/2024.
  • Ngày 30 Tết: rơi vào Thứ 6 ngày 09/02/2024.
  • Mùng 1 Tết: rơi vào Thứ 7 ngày 10/02/2024.
  • Mùng 2 Tết: rơi vào Chủ nhật ngày 11/02/2024.
  • Mùng 3 Tết: rơi vào Thứ 2 ngày 12/02/2024.
  • Mùng 4 tết: rơi vào Thứ 3 ngày 13/02/2024.
  • Mùng 5 tết: rơi vào Thứ 4 ngày 14/02/2024.

Lịch nghỉ Tết

Vậy là chỉ 16 ngày nữa, chúng ta sẽ bắt đầu bước qua một năm mới – năm Giáp Thìn 2024. 

Tết Nguyên Đán là một ngày lễ quan trọng, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người dân Việt Nam. Đây là dịp để mọi người tạm gác lại những lo toan, bộn bề của cuộc sống và dành nhiều thời gian hơn cho những người thân yêu. Hãy cùng nhau gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của Tết Nguyên Đán, để Tết cổ truyền của dân tộc ngày càng thêm ý nghĩa. Maison Office chúc bạn và gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự hanh thông!

Tham khảo thêm:

4.7/5 - (3 votes)
Contact Me on Zalo