Maison Office

Tết miền Bắc: Nét đặc trưng văn hóa, phong tục ngày Tết

Theo dõi Maison Office trên
Đặc trưng văn hóa, phong tục Tết miền Bắc

Tết Nguyên Đán là lễ hội văn hóa truyền thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với người dân Việt Nam. Điều đặc biệt là sự khác biệt về văn hóa, lối sống đã tạo nên những đặc điểm riêng trong phong tục tập quán đón Tết của mỗi miền Bắc – Trung – Nam. Nếu Tết miền Nam sôi động, nhộn nhịp, Tết miền Trung giản dị, mộc mạc thì Tết miền Bắc lại thể hiện rõ nhất những nét đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam. 

1. Thời tiết và trang phục ngày Tết ở miền Bắc

Tại miền Bắc, những ngày đầu xuân có thời tiết khá lạnh với nhiệt độ trung bình từ 12 – 18 độ C. Kèm theo đó là những cơn mưa phùn lất phất và cơn gió mang theo hơi lạnh. Với thời tiết như vậy, trang phục ngày Tết ở miền Bắc thường được lựa chọn sao cho vừa đẹp mắt, vừa giữ ấm tốt. Người dân miền Bắc đa phần đều diện các trang phục mùa đông như: áo len, áo khoác, khăn quàng cổ, giày boot,… Ngoài ra, áo dài truyền thống cũng được nhiều người lựa chọn mặc đi du xuân đầu năm.

Hình ảnh Tết miền Bắc tấp nập, nhộn nhịp
Hình ảnh Tết miền Bắc tấp nập, nhộn nhịp

Sự khác biệt về thời tiết so với miền Nam ấm áp là do vị trí địa lý của Việt Nam trải dài trên nhiều vĩ độ. Điều này gây ra sự phân hóa về thời tiết rõ rệt giữa 2 miền Bắc – Nam. Riêng miền Trung sẽ có sự giao thoa giữa các vùng miền với tiết trời mát mẻ, không quá lạnh và không quá nóng. 

2. Những phong tục đặc trưng của ngày Tết miền Bắc

Miền Bắc Việt Nam là khu vực có tầm quan trọng về lịch sử – văn hóa của cả nước, nơi lưu giữ nhiều di tích, danh lam thắng cảnh và phong tục tập quán ngàn đời. Những phong tục đặc trưng của ngày Tết miền Bắc cũng tạo nên bức tranh đa dạng, nhiều màu sắc cho cái Tết cổ truyền Việt Nam. 

Những phong tục ngày tết miền Bắc: 

  • Chưng đào, chưng quất ngày Tết
  •  Phong tục dựng cây nêu
  •  Phong tục thả cá, cúng ông Công ông Táo
  • Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc
  • Gói bánh chưng đón Tết
  • Tục xông đất ngày Tết
  • Mừng tuổi, lì xì đầu năm mới

2.1. Chưng đào, chưng quất ngày Tết

Nếu miền Nam và miền Trung thường hay chưng mai vào dịp Tết thì người miền Bắc lại ưa chuộng những cành đào tươi thắm, khoe đầy lộc xuân. Ngay từ những ngày đầu tháng Chạp, trên khắp mọi nẻo đường đã tràn ngập không khí Tết với những cành đào rực rỡ. Người người nhà nhà cũng nô nức đi chợ hoa Tết để chọn được cho mình một gốc đào đẹp ưng ý để bày biện trong nhà. Người dân miền Bắc chuộng “chơi” đào bởi loài hoa này rất thích hợp với khí hậu se lạnh của nơi đây, đồng thời nó cũng thường nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán.

Hoa đào là biểu tượng của ngày Tết miền Bắc
Hoa đào là biểu tượng của ngày Tết miền Bắc

Theo quan niệm của người dân miền Bắc, màu sắc rực rỡ của hoa đào còn tượng trưng cho sự may mắn và sung túc trong năm mới. Chính vì vậy, chưng hoa đào ngụ ý như rước lộc vào nhà. Nếu bạn có dịp đến với Hà Nội hay bất kỳ tỉnh thành nào khác ở miền Bắc vào dịp Tết, bạn chắc chắn sẽ được chiêm ngưỡng những vườn đào nở rộ rợp trời. 

Ngoài hoa đào, người dân miền Bắc cũng rất thích chưng quất. Bởi theo quan niệm xưa, những chậu cây quất xum xuê, sai trĩu quả sẽ mang đến nhiều may mắn, tài lộc và vượng khí cho gia đình vào năm mới. 

Người dân miền Bắc cũng chuộng chưng quất để mang lại may mắn
Người dân miền Bắc cũng chuộng chưng quất để mang lại may mắn

2.2. Phong tục dựng cây nêu

Một trong những nét đặc trưng riêng của cái Tết miền Bắc đó chính là tục dựng cây nêu. Vào những ngày đầu năm mới, người dân miền Bắc, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ dựng một cây nêu trước nhà. Theo quan niệm xưa, từ ngày 23 tháng Chạp, khi các chư vị thần linh (ông Công, ông Táo) bay về chầu trời, ma quỷ sẽ bắt đầu quấy phá. Việc dựng cây nêu ngày Tết mang ý nghĩa xua đùa tà ma, bảo vệ cuộc sống yên bình của mọi nhà. Ngoài ra, với các gia đình làm nông, tục dựng cây nêu còn mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới ấm no, đủ đầy, mưa thuận gió hòa. 

Tục dựng cây nêu ngày Tết
Tục dựng cây nêu ngày Tết

Cây nêu ngày Tết thường được làm từ tre, dài khoảng 5 đến 6 mét. Phía trên ngọn tre thường được treo lọng tàn và 5 con cá chép với 5 màu sắc đại diện cho Ngũ hành. Ở một số địa phương, người dân còn treo thêm đèn lồng hoặc câu đối đỏ để cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. 

2.3. Phong tục thả cá, cúng ông Công ông Táo

Người miền Bắc luôn rất coi trọng và gìn giữ những phong tục truyền thống từ xa xưa. Một trong những phong tục Tết miền Bắc vẫn còn được lưu giữ qua bao đời là lễ cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Ông Công ông Táo được biết đến là những vị thần cai quản nhà cửa, giúp ngăn chặn ma quỷ quấy phá và mang lại cuộc sống bình yên cho gia đình. Cứ vào 23 tháng Chạp hàng năm, người dân miền Bắc lại chuẩn bị mâm cỗ để tiễn đưa ông Công ông Táo về trời và thay mặt gia chủ báo cáo với Ngọc Hoàng những công việc của gia đình trong năm. 

Mâm cúng ông táo miền Bắc với đa dạng món ăn
Mâm cúng ông táo miền Bắc với đa dạng món ăn

Mâm cúng ông Công ông Táo thường được chuẩn bị đầy đủ với bộ ba áo mũ, hoa quả và mâm cỗ mặn. Đặc biệt, người dân còn mua cá chép sống và phóng sinh với ngụ ý cá chép hóa rồng đưa ông Táo về trời. Đây là phong tục đặc trưng của ngày Tết miền Bắc với ý nghĩa cầu mong năm mới bình an, no ấm đủ đầy. 

2.4. Mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Cứ dịp Tết đến Xuân về, người người nhà nhà lại chuẩn bị những mâm ngũ quả tươm tất để thể hiện lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên và cầu mong một năm mới an lành. Khác với miền Nam thường bày mâm ngũ quả theo “cầu – dừa – đủ – xoài”, mâm ngũ quả của miền Bắc thường gồm 5 loại quả với 5 màu sắc khác nhau, tương ứng với Ngũ hành “Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ”. 

Mâm ngũ quả Tết miền Bắc mang nhiều ý nghĩa
Mâm ngũ quả Tết miền Bắc mang nhiều ý nghĩa

Các loại quả thường thấy trên mâm ngũ quả ngày Tết miền Bắc như:

  • Chuối xanh: Tượng trưng cho hành Mộc, tượng trưng cho sự viên mãn, sung túc và sum vầy của gia đình.
  • Phật thủ hoặc bưởi: Có màu vàng tượng trưng cho hành Thổ, mang ý nghĩa đem lại may mắn, phúc lộc, tấn tài. 
  • Quả hồng: Tượng trưng cho hành Hỏa, mang ý nghĩa may mắn và hạnh phúc.

Ngoài ra còn nhiều loại quả mang ý nghĩa khác như: dưa hấu, lựu, mãng cầu, táo, sung,…

2.5. Gói bánh chưng đón Tết 

Nhắc đến Tết cổ truyền miền Bắc, ta sẽ nghĩ ngay đến các mâm cỗ truyền thống. Với người dân miền Bắc, mâm cỗ ngày Tết phải có đầy đủ các món ăn như gà luộc, chả giò, bánh chưng, dưa hành, thịt đông,… Trong đó, bánh chưng là biểu tượng ẩm thực của mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc. Chính vì vậy mà phong tục gói bánh chưng đã trở thành một phần văn hóa không thể thiếu của người dân miền Bắc mỗi dịp Tết đến Xuân về. 

Phong tục gói bánh chưng đón Tết ở miền Bắc
Phong tục gói bánh chưng đón Tết ở miền Bắc

Gói bánh chưng cũng là hoạt động truyền thống mà rất nhiều người trông đợi mỗi dịp Tết cổ truyền. Bởi vậy khi nhắc đến Tết miền Bắc mới có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đây không chỉ là nét văn hóa truyền thống đáng được lưu giữ mà đã trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Những chiếc bánh chưng vuông vức đẹp mắt sẽ là cách mọi người thể hiện lòng tôn kính với tổ tiên và đất trời. 

2.6. Tục xông đất ngày Tết

Tục xông đất là một phong tục truyền thống lâu đời của người Việt Nam, được diễn ra vào thời khắc đầu tiên của năm mới. Theo đó, người đầu tiên bước vào nhà vào ngày mùng 1 Tết sẽ là người xông đất, mang lại cho gia đình nhiều may mắn và bình an. 

Tục xông đất ở miền Bắc thường diễn ra vào thời khắc giao thừa hoặc sáng mùng 1 Tết. Người được lựa chọn xông đất thường là những người hợp tuổi, hợp mệnh với gia chủ hoặc đơn giản hơn là người khỏe mạnh, tốt tính, gia đình hòa thuận. Gia chủ thường chuẩn bị sẵn một mâm lễ nhỏ để tiếp đãi người xông đất, thường gồm bánh kẹo, hoa quả, rượu bia,… Ngược lại, người xông đất cũng sẽ mang theo những lời chúc tốt đẹp cho gia chủ và lì xì cho trẻ nhỏ. 

Người dân miền Bắc khá coi trọng tục xông đất đầu năm, thế nên họ thường tránh đi chúc Tết vào ngay sáng mùng 1. Bởi nếu vô tình trở thành người xông đất, không hợp ý gia chủ thì rất dễ mang lại những điều không may.

2.7. Mừng tuổi, lì xì đầu năm mới

Mừng tuổi hay lì xì là một nét đẹp trong văn hóa ngày Tết của người dân Việt Nam, không riêng gì miền Bắc. Theo quan niệm của người xưa, mừng tuổi đầu năm mới sẽ mang lại cho người nhận nhiều may mắn và tài lộc suốt cả năm. Chính vì vậy, vào những ngày này, con cháu thường tập trung lại để gửi những lời chúc tốt đẹp và mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ. Sau đó, ông bà, cha mẹ cũng gửi gắm những lời yêu thương và lì xì lại cho con cháu. 

Mừng tuổi, lì xì đầu năm mới mang lại nhiều may mắn
Mừng tuổi, lì xì đầu năm mới mang lại nhiều may mắn

Những phong bao lì xì đỏ thắm mang theo những lời chúc tốt đẹp sẽ là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa đối với mọi người trong dịp đặc biệt này. Ngoài ra, phong tục mừng tuổi đầu năm cũng có thể được thực hiện giữa bạn bè, đồng nghiệp,… với nhau. Mọi người có thể mừng tuổi cho nhau để chúc nhau một năm mới an khang, thịnh vượng. 

3. Những trò chơi dân gian trong ngày Tết miền Bắc

Miền Bắc nổi tiếng không chỉ với những phong tục tập quán truyền thống mà còn thu hút với những lễ hội đầu xuân nhộn nhịp. Người dân miền Bắc thường cùng nhau trẩy hội đầu xuân và tổ chức các trò chơi dân gian để mang lại không khí tươi vui cho ngày hội. Trong đó, phải kể đến những trò chơi dân gian độc đáo, thú vị trong dịp Tết như:

  • Đập niêu: Đây là một trò chơi dân gian mang đậm tính giải trí trong ngày Tết ở miền Bắc, được tổ chức tại các đình làng hoặc nhà văn hóa thôn, xóm. Người chơi sẽ bị bịt mắt lại và dùng một chiếc búa gỗ đập vào những chiếc niêu được treo cao. Ai là người đập vỡ niêu chính xác và nhanh nhất sẽ là người dành chiến thắng. 
  • Đấu vật: Đây là trò chơi dân gian mang đậm tinh thần thượng võ, thể hiện sức mạnh của người dân Việt Nam. Trò chơi này thường được tổ chức vào các dịp lễ hội, trong đó có Tết Nguyên đán. Các võ sĩ thường mặc trang phục truyền thống, thể hiện sức mạnh và kỹ năng võ thuật để dành chiến thắng. 
Trò chơi dân gian đấu vật mang đậm tinh thần thượng võ
Trò chơi dân gian đấu vật mang đậm tinh thần thượng võ
  • Ném còn: Đây là trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Thái, mang ý nghĩa cầu mong mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Những quả còn được làm từ vải vụn, bên trong được nhồi hạt bông hay hạt thóc biểu thị cho sự sinh sôi nảy nở. Trò chơi này đòi hỏi sự khéo léo của người chơi trong việc điều khiển chiếc còn sao cho lọt qua chiếc vòng ở trên cột. Ngoài những hoạt động trên, người dân miền Bắc còn thường tham gia các trò chơi dân gian khác như: kéo co, cướp cờ, nhảy bao bố, đánh đu,… Mỗi hoạt động đều giúp nâng cao tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, tạo không khí tươi vui và nhộn nhịp cho ngày Tết cổ truyền. 

4. Món ăn ngày Tết miền Bắc có gì?

Một trong những điểm nhấn đặc trưng của Tết miền Bắc là các mâm cỗ Tết đậm chất truyền thống. Dưới đây mà những món ngon ngày tết miền Bắc đặc trưng nhất, không thể thiếu trong mâm cơm đầu năm mới:

  • Thịt đông: Đây là món thịt nguội, chủ yếu được làm từ các thành phần như thịt chân giò, bì lợn, tai heo xào cùng mộc nhĩ, nấm hương và gia vị. Các nguyên liệu sau khi được ninh nhừ sẽ mang bảo quản trong tủ lạnh và ăn kèm với dưa chua, củ kiệu, cơm trắng.
  • Giò thủ: Món ăn này được làm từ các nguyên liệu như tai, má, mũi lợn cùng một ít nấm mèo và gia vị truyền thống. Với hương vị thơm ngon, dai giòn sần sật, giò thủ là món ăn ngon không thể thiếu trong các mâm cơm Tết miền Bắc.
Mâm cỗ Tết miền Bắc có gì đặc sắc?
Mâm cỗ Tết miền Bắc có gì đặc sắc?
  • Dưa hành: Còn được gọi là hành muối, là món ăn được làm từ thành phần chính là củ hành và cà rốt. Khi muối tất cả các nguyên liệu theo phương pháp lên men vi sinh sẽ tạo ra món ăn có vị chua chua, cay cay. Dưa hành thường được dùng kèm với các món ăn khác như bánh chưng, thịt, giò chả,… vừa giúp giảm ngấy lại vừa kích thích ăn ngon. 
  • Canh bóng thả: Canh bóng thả là món ăn truyền thống ngày Tết của người dân miền Bắc, đồng thời cũng xuất hiện trong những dịp lễ quan trọng. Nguyên liệu chính để làm nên món ăn này là da heo và rau củ các loại. Khi thưởng thức, bạn có thể cảm nhận được hương vị ngọt thanh từ nước dùng cùng vị tươi ngon của các loại rau củ đa dạng. 
  • Xôi gấc: Đây là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ truyền thống của ngày Tết miền Bắc. Để làm nên đĩa xôi gấc ngon cần chuẩn bị rất nhiều bước công phu, từ việc lựa gấc sao cho đỏ đến việc đồ xôi, đơm xôi sao cho dẻo thơm. Xôi gấc chín tới sẽ có vị dẻo thơm của hạt nếp mới và vị thơm bùi đặc trưng của gấc đỏ. 

Ngoài những món ăn đặc trưng kể trên, mâm cỗ Tết miền Bắc còn có vô số những món ngon ngày Tết khác như: nem rán, gà luộc, miến măng gà, bánh chưng,…

Xem ngay:

5. Những điều cần kiêng kỵ trong ngày Tết ở miền Bắc

Không riêng gì miền Bắc mà người dân trên khắp mọi miền đất nước đều có quan niệm rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chính vì vậy, vào những ngày đầu năm mới, người dân miền Bắc cũng có những điều cần kiêng kỵ để tránh những điều không may cho năm mới. Trong đó có thể kể đến như: 

  • Kiêng quét nhà, đổ rác: Trong 3 ngày đầu, người dân thường kiêng quét nhà và đổ rác. Bởi họ quan niệm rằng, điều này sẽ “quét” hết mọi tài lộc, may mắn của gia đình ra khỏi nhà. Do vậy, mọi người thường hay dọn dẹp và chuẩn bị nhà cửa tươm tất trước đêm giao thừa. 
  • Kiêng cho nước và lửa: Cho nước và lửa cũng là điều cần kiêng kỵ trong ngày Tết ở miền Bắc. Theo quan niệm của người xưa, lửa và nước tượng trưng cho may mắn, tài lộc của gia chủ. Chính vì vậy, việc cho nước và lửa cũng đồng nghĩa là cho đi may mắn và tài lộc của gia đình, dù cho năm mới làm ăn phát đạt cũng khó có thể giữ được. 
  • Kiêng treo tranh chủ đề xui xẻo: Những bức tranh với chủ đề xui xẻo như: kiện tụng, cãi vã, đánh ghen,… đều được cho là mang lại những điều không may cho gia đình. 
  • Kiêng làm vỡ đồ đạc: Vào những ngày đầu năm mới, người dân miền Bắc thường rất cẩn thận để tránh làm vỡ đồ đạc. Bởi theo quan niệm của người xưa, làm vỡ đồ đạc trong ngày Tết sẽ khiến gia đình gặp khó khăn, xui xẻo trong năm mới.
  • Kiêng chúc Tết khi có tang: Những người đang chịu tang hay “nặng vía” thường không nên đi chúc Tết vào đầu năm mới. Điều này được cho là mang lại những điều không may cho người khác, rất dễ khiến mối quan hệ bị bất hòa. 
  • Tránh nói giông: Trong những ngày đầu năm mới, người dân thường tránh những từ ngữ có thể mang lại điều xui xẻo, còn gọi là “nói giông”. Chẳng hạn như: “Tiêu rồi” hay “Chết rồi!”. 

6. Tết Nguyên Đán 2024 là ngày nào dương lịch? 

Tết Nguyên Đán 2024 là Tết Giáp Thìn, năm con rồng. Theo lịch vạn niên, ngày 30 Tết năm 2024 sẽ rơi vào thứ sáu, ngày 09/02/2024 dương lịch và mùng 1 Tết Nguyên đán Giáp Thìn là 10/02 dương lịch, rơi vào thứ bảy.

Lịch nghỉ Tết

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Việt Nam. Đây là dịp để gia đình sum họp, đoàn viên, quây quần bên nhau. Người Việt Nam thường có nhiều phong tục tập quán trong dịp Tết, như:

  • Lên chùa cầu may mắn, bình an cho năm mới.
  • Chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, thần linh.
  • Đi chúc Tết ông bà, cha mẹ, họ hàng, bạn bè.
  • Thăm hỏi, tặng quà cho người nghèo, khó khăn.
  • Đi chơi xuân, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

Tết Nguyên đán là một dịp lễ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Đây là dịp để người Việt Nam thể hiện lòng hiếu thảo, đoàn kết, gắn bó với gia đình, dòng họ và quê hương, đất nước.

Tết miền Bắc là một bức tranh đầy màu sắc, góp phần tô điểm bản sắc văn hóa của ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Từ những phong tục, tập quán ngày Tết đến những món ăn truyền thống thơm ngon, tất cả tạo nên một không khí Tết rộn ràng, tươi vui với bao cảm xúc khó có thể quên được. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu hơn về những đặc trưng của Tết cổ truyền ở miền Bắc Việt Nam!

Mời bạn đọc thêm: 

5/5 - (3 votes)
Contact Me on Zalo