Maison Office

20+ món ngon ngày tết miền Trung đậm đà hương vị Việt

Theo dõi Maison Office trên
Tổng hợp các món ngon ngày Tết miền Trung đặc trưng

Miền Trung Việt Nam là vùng đất có nền văn hóa đa dạng và phong phú, được thể hiện qua nhiều khía cạnh khác nhau. Trong đó, mâm cỗ ngày Tết miền Trung đặc biệt mang đậm hương vị đặc trưng của vùng đất nắng gió này với nhiều món ăn ngon, độc đáo và ý nghĩa.

1. Thịt gà luộc

Thịt gà luộc là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung. Món ăn này có cách chế biến khá đơn giản nhưng lại mang hương vị thơm ngon đậm đà, khiến ai cũng phải xuýt xoa khi thưởng thức. Thịt gà được lựa chọn để luộc thường là gà ta, có phần thịt săn chắc và thơm ngon. Gà luộc ngon phải có da vàng ươm, bên ngoài căng bóng, bên trong giữ nguyên độ mềm và mọng nước. Khi thưởng thức sẽ ăn kèm với một ít rau thơm, chấm thêm muối tiêu chanh hoặc muối ớt là chuẩn vị. 

Thịt gà luộc lá chanh thơm ngon, hấp dẫn
Thịt gà luộc lá chanh thơm ngon, hấp dẫn

2. Dưa món

Dưa món là một trong những món ngon ngày Tết không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết miền Trung. Dưa món là món ăn được muối chua từ nhiều nguyên liệu khác nhau như: cà rốt, dưa leo, củ kiệu, đu đủ, su hào, hành, tỏi, ớt,… Với hương vị chua chua ngọt ngọt, giòn ngon dễ ăn, món ăn này sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho những bữa ăn ngày Tết đầy dầu mỡ. Chính vị chua ngọt dễ chịu của món ăn sẽ giúp phần nào xua đi cảm giác ngấy, kích thích sự thèm ăn khi kết hợp cùng nhiều món ngon khác như bánh chưng, bánh tét, thịt lợn,… 

Dưa món, củ kiệu chua chua ngọt ngọt đưa cơm
Dưa món, củ kiệu chua chua ngọt ngọt đưa cơm

3. Thịt ngâm mắm

Nhắc đến các món ăn ngày Tết miền Trung thì không thể không nhắc đến món thịt ngâm mắm thơm ngon, đậm đà. Nguyên liệu chính của món ăn này có thể là thịt lợn hay thịt bò đều được. Thịt sau khi được sơ chế xong sẽ đem ngâm vào hỗn hợp nước mắm đường đã được nấu theo tỷ lệ nhất định, kèm một chút tỏi, ớt, gừng để gia tăng hương vị. Món thịt ngâm mắm có thể ăn kèm với cơm, bánh chưng, bánh tét hoặc dùng cuốn với bánh tráng, rau sống đều ngon. Đặc biệt, món ăn độc đáo này còn có thể để được lâu trong nhiều ngày, do vậy bạn có thể làm sẵn trước Tết để thưởng thức từ từ. 

Thịt ngâm nước mắm đậm đà
Thịt ngâm nước mắm đậm đà

Tìm hiểu ngay:

4. Bắp bò kho mật mía

Bắp bò kho mật mía là một món ngon không thể thiếu trong mâm cúng Tết miền Trung. Món ăn này mang hương vị thơm nồng, cay nhẹ từ sự kết hợp của gừng, quế và ớt. Xen lẫn vào đó là vị giòn ngọt tự nhiên của bắp bò hòa quyện cùng hương vị đậm đà, thơm ngọt từ mật mía. Tất cả tạo nên một món ăn được cân bằng hoàn hảo về hương vị, kích thích vị giác của người thưởng thức. Chỉ nghĩ đến món bò kho mật mía là đã nhớ đến cái Tết miền Trung. 

Bắp bò kho mật mía thơm nồng, đậm đà
Bắp bò kho mật mía thơm nồng, đậm đà

5. Tôm chua

Nếu ai đã từng đến Huế, chắc chắn cũng đã một lần thưởng thức hoặc nghe qua món tôm chua. Đây được xem là món đặc sản với hương vị tinh tế và vô cùng hấp dẫn, xuất hiện trong hầu hết các mâm cỗ ngày Tết của người dân miền Trung. Để làm nên món ăn độc đáo này, tôm tươi sẽ được lựa chọn kỹ càng, ướp cùng gia vị như nước mắm, đường, tỏi, ớt, riềng,… Sự hấp dẫn của món tôm chua đến từ hương vị đậm đà, chua chua cay cay và thơm nồng mùi gia vị. Khi thưởng thức có thể ăn kèm với cơm nóng, bánh chưng, bánh tét hoặc bún.

Tôm chua xứ Huế là một trong những món ngon ngày Tết miền Trung
Tôm chua xứ Huế là một trong những món ngon ngày Tết miền Trung

6. Bánh thuẫn

Bánh thuẫn (hay bánh thửng) là loại bánh có hương vị khá giống bánh bông lan, được làm từ bột mì tinh và trứng, thêm chút đường và sữa ngọt thơm. Bánh thường được biến tấu với nhiều màu sắc bắt mắt, thế nhưng màu bánh vàng ươm truyền thống vẫn được xem là biểu tượng của ngày Tết. Hỗn hợp bột sau khi đã pha chế sẽ được đổ vào các khuôn đặc biệt dành cho bánh thuẫn. Bánh chín vàng sẽ trở nên bông xốp và tỏa ra mùi thơm nức mũi.

Bánh thuẫn chín vàng thơm nức mũi
Bánh thuẫn chín vàng thơm nức mũi

7. Chả lụa, chả bò

Đây là món ăn truyền thống không chỉ có ở miền Trung mà còn ở nhiều tỉnh thành khác. Đặc biệt, trong mâm cơm Tết miền Trung lúc nào cũng sẽ có một đĩa chả lụa, chả bò thơm ngon hấp dẫn. Chả thường được làm từ thịt heo hoặc thịt bò tươi sạch, tẩm ướp thêm một chút gia vị như hạt nêm, muối, tiêu và đem đi xay nhuyễn. Khi sơ chế xong sẽ được gói bằng nhiều lớp lá chuối rồi mang luộc. Khi thưởng thức, món chả ngon sẽ có mùi thơm rất đặc trưng, vị dai giòn sần sật và không hề bị bở. 

Chả lụa, chả bò là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Trung
Chả lụa, chả bò là món không thể thiếu trong mâm cỗ Tết miền Trung

8. Giò thủ xào

Không chỉ là món ăn đặc trưng chỉ có ở miền Bắc, món giò thủ xào cũng dần trở nên phổ biến với nhiều biến tấu khác nhau trên khắp các tỉnh thành. Tại miền Trung, giò thủ xào thường được chế biến với các nguyên liệu như thịt nạc, tai heo, lưỡi heo kết hợp cùng nhiều gia vị truyền thống. Món ăn truyền thống này nổi bật trong mâm cúng ngày Tết miền Trung bởi màu hồng bắt mắt, màu trắng của mỡ đông xen lẫn với màu nâu của nấm mèo. Khi thưởng thức món ăn, bạn sẽ cảm nhận được vị dai giòn lạ miệng, hòa quyện cùng chút vị béo ngọt của thịt rất đặc trưng. 

Món giò thủ xào dai giòn lạ miệng
Món giò thủ xào dai giòn lạ miệng

9. Nem chua

Ngoài các loại giò chả, nem chua cũng là món ngon ngày Tết miền Trung rất được yêu thích. Món nem chua được làm chủ yếu từ thịt nạc heo trộn cùng gia vị, tiêu tỏi, sau đó được gói ghém bằng lá ổi và lá chuối. Khi nem chín sẽ có màu hồng đẹp mắt, kết hợp cùng hương thơm và vị chua ngọt đặc trưng. Cắn vào còn cảm nhận được chút cay nồng của ớt và hạt tiêu, kích thích vị giác trên các bàn tiệc ngày Tết cổ truyền. Bạn cũng có thể ăn kèm với một tép tỏi nhỏ để tăng thêm hương vị đậm đà cho món ăn. 

Nem chua là món ngon không thể thiếu trong mâm cơm Tết miền Trung
Nem chua là món ngon không thể thiếu trong mâm cơm Tết miền Trung

10. Bánh tét

Bánh tét chắc chắn là món ăn không thể thiếu trong các mâm cỗ ngày Tết miền Trung. Loại bánh truyền thống này có khá nhiều nét tương đồng với bánh chưng, thế nhưng nó lại có hình trụ dài và được gói bằng lá chuối thay vì lá dong. 

Cứ mỗi dịp Tết đến, người người nhà nhà lại quây quần bên nhau để gói bánh. Nếp mới thơm lừng, đỗ xanh mềm mịn kết hợp cùng thịt lợn ngon, thêm chút tiêu tỏi rồi gói gọn trong lớp lá chuối. Bánh sau đó được bắt lên bếp lửa, nấu từ 6 đến 8 tiếng mới chín đều thơm ngon. Trong lúc chờ đợi bánh chín, mọi người có thể ngồi quanh bếp lửa ấm và kể cho nhau nghe những câu chuyện trong năm cũ. 

Bánh tét là món bánh truyền thống của ngày Tết Việt Nam
Bánh tét là món bánh truyền thống của ngày Tết Việt Nam

11. Bánh in

Bánh in là loại bánh ngọt thường có trong mâm cỗ ngày Tết miền Trung. Loại bánh này được làm từ bột năng, bột nếp, đậu xanh, đường cùng các nguyên liệu khác. Bánh in có màu trắng, được khắc bên trên các hình chữ Phúc, Lộc, Thọ và gói bên trong giấy ngũ sắc. Đây là loại bánh thường dùng để thờ cúng hoặc dùng để đãi khách trong những ngày Tết. Với hương vị thơm ngon, ngọt thanh, bánh in có thể dùng kèm với trà nóng, cafe hay sữa đều ngon. 

Bánh in được gói trong giấy ngũ sắc đẹp mắt
Bánh in được gói trong giấy ngũ sắc đẹp mắt

12. Xôi đậu xanh

Một món ăn đơn giản nhưng luôn hiện diện trên mâm cỗ Tết miền Trung phải kể đến xôi đậu xanh. Chỉ với hai nguyên liệu chính đơn giản, dễ tìm là gạo nếp và hạt đỗ xanh, ta đã có ngay món ăn truyền thống mang đậm chất Tết. Xôi được nấu không quá dẻo, khi thưởng thức sẽ cảm nhận được vị bùi béo, thơm ngọt của từng hạt đậu kết hợp cùng nếp mới thơm lừng. Món xôi đậu xanh dù chẳng cầu kỳ trong cách chế biến, thế nhưng khi kết hợp cùng chút muối vừng, chả lụa hay thịt kho lại làm cho nó trở nên đặc sắc hơn bao giờ hết. 

Xôi đậu xanh thơm ngọt, béo bùi
Xôi đậu xanh thơm ngọt, béo bùi

13. Bánh ít lá gai

Bánh ít lá gai là món ngon ngày Tết miền Trung gắn liền với địa danh đất võ Bình Định. Cùng với thời gian, món bánh truyền thống đặc biệt này cũng dần được lan rộng trên khắp các miền tổ quốc, trở thành một phần không thể thiếu của ngày Tết cổ truyền. Bánh ít lá gai được làm từ các nguyên liệu: gạo nếp, đậu xanh, đường, lá gai và lá chuối. Dù chỉ là những nguyên liệu rất quen thuộc, thế nhưng khi kết hợp với nhau lại tạo nên món bánh thơm ngon, lạ mắt. Bánh sau khi nấu chín sẽ có màu đen tuyền, mùi thơm đặc trưng của lá gai kết hợp cùng vị ngọt béo không lẫn đi đâu được.

Bánh ít lá gai với màu đen tuyền lạ mắt và hương vị đặc trưng
Bánh ít lá gai với màu đen tuyền lạ mắt và hương vị đặc trưng

14. Tré

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến món tré truyền thống thường xuất hiện trên các mâm cơm ngày Tết miền Trung. Mặc dù chỉ là món ăn dân dã, bình dị của người dân miền Trung, thế nhưng món ăn này lại khiến biết bao người nhớ thương khi mới chỉ thử một lần. Tré được làm từ bì lợn, thịt đầu heo cùng một vài loại gia vị khác như tỏi, gừng, riềng, ớt, tiêu,…

Món tré dân dã, truyền thống trong mâm cơm ngày Tết
Món tré dân dã, truyền thống trong mâm cơm ngày Tết

Khi thưởng thức, bạn có thể cảm nhận được vị chua nhẹ của thịt, thêm chút cay nồng của riềng, ớt hòa cùng hương thơm đặc trưng của tiêu, tỏi. Đây chắc chắn sẽ là món ăn nhâm nhi hoặc đãi khách vô cùng phù hợp trong những ngày Tết. 

15. Canh măng nấu xương

Đây là món ăn ngày Tết miền Trung rất được yêu thích, thường xuất hiện trên các bàn tiệc hoặc bữa cơm Tết gia đình. Để chế biến món ăn này, bạn có thể sử dụng măng tươi hoặc măng khô. Song các loại măng khô vẫn là lựa chọn phổ biến hơn bởi kết cấu dai giòn và dễ bảo quản. Kết hợp với măng có thể thịt bò, thịt heo hầm thêm với xương hoặc gà. Đặc trưng về hương vị của món canh này là vị ngọt của nước hầm xương hòa quyện với vị dai ngon sần sật của măng và các loại thịt. Món này có thể ăn kèm với cơm nóng, bánh mì hoặc bún tươi đều rất chuẩn vị. 

Canh măng nấu xương ngon ngọt, đậm đà
Canh măng nấu xương ngon ngọt, đậm đà

16. Canh khổ qua nhồi thịt

Người miền Trung thường có câu đùa hóm hỉnh là năm mới ăn canh khổ qua cho “cái khổ nó qua đi”. Dù chỉ là câu nói đùa vui thế nhưng món canh khổ qua nhồi thịt lại là một trong những món ngon không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết miền Trung. Phần nhân nhồi khổ qua thường là thịt heo bằm nhuyễn, trộn cùng một ít nấm mèo và gia vị, hành, tỏi. Sau đó, nhân thịt được nhồi vào trái khổ qua và đem đi nấu thành món canh thanh mát, ngọt thơm. 

Canh khổ qua nhồi thịt là món ăn truyền thống trong mâm cơm Tết
Canh khổ qua nhồi thịt là món ăn truyền thống trong mâm cơm Tết

Nhiều người thường sợ vị đắng của khổ qua, thế nhưng khi được chế biến đúng cách, món ăn này sẽ giảm đi vị đắng và thêm vào đó là dư vị ngọt bùi phía sau. Khi thưởng thức có thể cảm nhận được vị thịt ngọt thơm, chút vị đắng của khổ qua kết hợp cùng vị cay cay của tiêu và thơm nồng của hành. Tất cả làm cho bữa ăn ngày Tết càng thêm đậm đà, đưa cơm. 

17. Mứt gừng

Đặc trưng chung về ẩm thực của cả 3 miền Bắc – Trung – Nam chắc hẳn là sự đa dạng của các loại mứt Tết. Tại miền Trung, người dân rất ưa chuộng mứt gừng bởi tiết trời nơi đây thường se se lạnh. Khi ăn một miếng mứt gừng phủ đường bên ngoài sẽ khiến lòng thêm ngọt ngào và ấm áp. Cứ đến độ xuân về, các gia đình thường tự tay chế biến món mứt gừng thơm ngon, cay nồng. Dù hiện nay có đến hàng trăm loại mứt nhiều màu sắc, hương vị thì miếng mứt gừng nồng ấm truyền thống vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu của Tết miền Trung. 

Mứt gừng thơm ngon, cay nồng rất được người dân miền Trung ưa chuộng
Mứt gừng thơm ngon, cay nồng rất được người dân miền Trung ưa chuộng

18. Chè trôi nước, bánh ngào

Chè trôi nước (hay bánh trôi nước, bánh ngào) là loại chè truyền thống rất được ưa chuộng trong ngày Tết, đặc biệt là khi tiết trời vào xuân se se lạnh. Các viên trôi nước được làm từ bột nếp, bên trong có nhân đậu xanh mịn thơm. Khi thưởng thức sẽ dùng kèm với mật mía, một ít dừa, gừng hoặc mè trắng cho tăng thêm hương vị. Cắn một miếng trôi nước sẽ cho bạn cảm nhận vị béo của nếp, vị thơm bùi của đậu xanh kết hợp cùng vị ngọt của mật. Khi ăn nóng lại càng tôn lên hương vị đặc trưng, khó có thể chối từ. 

Chè trôi nước thơm ngọt, béo bùi đặc trưng của ngày Tết
Chè trôi nước thơm ngọt, béo bùi đặc trưng của ngày Tết

19. Bánh lăn

Nhắc đến những món bánh truyền thống ngày Tết của miền Trung thì không thể bỏ qua món bánh lăn, một đặc sản của vùng đất Quảng Nam. Nguyên liệu chính làm nên món bánh này là nếp thơm dẻo được tuyển chọn kỹ càng. Phần nếp được đem đi rang kỹ, giã hoặc xay mịn thành bột, sau đó thêm vào các nguyên liệu như: cà rốt, cà chua, quất, bí đao, gừng, chuối, vài lát gừng,… Tất cả các nguyên liệu được cắt mỏng, trộn đều và rim với đường ở lửa nhỏ cho đến khi đặc lại. Tiếp đó bánh sẽ được tạo hình thành các khối trụ tròn dài và cắt thành từng khoanh nhỏ để thưởng thức. 

Bánh lăn là một đặc sản Tết của vùng đất Quảng Nam
Bánh lăn là một đặc sản Tết của vùng đất Quảng Nam

20. Bánh nổ

Ngoài bánh lăn, bánh nổ cũng là món ăn đơn giản, dễ làm mà mang dấu ấn đặc trưng của người dân xứ Quảng. Thành phần làm món bánh nổ khá đơn giản, chỉ cần có nếp, đường và gừng. Điều quan trọng để làm nên những chiếc bánh nổ thơm ngon là khâu chọn nếp. Theo đó, nếp dùng làm bánh phải là nếp ngự, loại nếp hảo hạng ngày trước thường được dùng để tiến vua. Loại bánh này có màu trắng ngà, khi ăn có vị thơm ngon, bùi bùi và giòn rụm. 

Bánh nổ là món ăn đơn giản nhưng mang đậm dấu ấn của Tết miền Trung
Bánh nổ là món ăn đơn giản nhưng mang đậm dấu ấn của Tết miền Trung

21. Bánh tổ

Bánh tổ (hay niên cao) là món ăn đặc sản có truyền thống lâu đời trong mỗi dịp Tết của người dân miền Trung, đặc biệt người dân xứ Quảng. Loại bánh này được chế biến từ bột gạo nếp, thường dùng làm món tráng miệng hoặc dâng lên ông bà tổ tiên trong các mâm cúng lễ. 

Món bánh đặc sản này cũng mang ý nghĩa sâu sắc, tượng trưng cho sự may mắn và thịnh vượng trong năm mới. Theo quan niệm của người dân miền Trung, ăn bánh tổ vào đầu năm mới sẽ giúp mọi người nhận được lộc lành từ ông bà tổ tiên. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa giúp cho gia đình đoàn viên, gắn kết và yêu thương. 

Bánh tổ là món ăn đặc sản ngày Tết miền Trung
Bánh tổ là món ăn đặc sản ngày Tết miền Trung

Miền Trung Việt Nam được biết đến với những món ăn đậm đà, thơm ngon, mang hương vị đặc trưng của vùng đất đầy nắng và gió. Trong những ngày Tết Nguyên Đán, mâm cỗ của người dân nơi đây cũng không thể thiếu những món ngon ngày Tết miền Trung, mang đậm hương vị quê hương. Hy vọng với những chia sẻ trên đây, bạn đã hiểu hơn những nét đặc trưng trong văn hóa ẩm thực Tết của miền Trung yêu thương!

Tham khảo thêm:

4.7/5 - (3 votes)
Contact Me on Zalo