Maison Office

Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở đâu? Khám phá văn phòng

Theo dõi Maison Office trên
Trụ sở Liên Hợp Quốc ở đâu?

Trụ sở Liên Hợp Quốc được xem là một biểu tượng quan trọng của sự hợp tác và giao lưu quốc tế. Tại đây tập trung các cơ quan đầu não như Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đồng thời cũng là nơi làm việc, họp hành của các đại sứ, phái đoàn quốc tế, nguyên thủ các quốc gia,… Đặc biệt, đây còn là một trong những điểm đến tham quan hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm. Trong bài viết này, Maison Office sẽ cùng bạn khám phá bên trong trụ sở của Liên Hợp Quốc có gì đặc biệt.

1. Giới thiệu đôi nét về Liên Hợp Quốc

Liên Hợp Quốc (còn gọi là Liên Hiệp Quốc, viết tắt là LHQ) là một tổ chức quốc tế được thành lập nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới, thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế giữa các quốc gia và giải quyết các vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, quyền con người, bình đẳng giới,… 

Liên Hợp Quốc (United Nations) được thành lập ngày 26/6/1945
Liên Hợp Quốc (United Nations) được thành lập ngày 26/6/1945

Liên Hợp Quốc được thành lập vào ngày 26/6/1945 (sau Thế chiến II) với 51 quốc gia thành viên đầu tiên. Tính đến nay, tổ chức này đã có đến 193 nước thành viên, trải dài trên mọi châu lục. Theo Hiến chương, Liên Hợp Quốc hiện có 5 cơ quan chính bao gồm: 

  • Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (United Nations General Assembly – UNGA/GA)
  • Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (United Nations Security Council – UNSC)
  • Ban Thư ký (United Nations Secretariat)
  • Hội đồng Kinh tế – Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Economic and Social Council – ECOSOC)
  • Tòa án Công lý Quốc tế (International Court of Justice – ICJ)

2. Trụ sở của Liên Hợp Quốc ở đâu?

Địa chỉ trụ sở Liên Hợp Quốc là 760 United Nations Plaza, New York, NY 10017, USA. Theo đó, trụ sở chính của Liên Hợp Quốc được đặt tại Manhattan, thành phố New York của Mỹ. 

2.1. Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc

Trụ sở của Liên Hợp Quốc là một khu phức hợp tại thành phố New York của Mỹ, tọa lạc tại quận Manhattan trên một khu đất rộng lên đến 17 acres (tương đương 69.000m2). Công trình này được thiết kế bởi một đội các kiến trúc sư quốc tế, bao gồm Oscar Niemeyer (Brazil), Le Corbusier (Thuỵ Sĩ) và nhiều đại diện đến từ các nước khác. Trụ sở LHQ được hoàn thành vào ngày 9/10/1952 với tổng chi phí xây dựng lên đến 65 triệu đô.

Trụ sở Liên Hợp Quốc đặt tại quận Manhattan, thành phố New York của Mỹ
Trụ sở Liên Hợp Quốc đặt tại quận Manhattan, thành phố New York của Mỹ

2.2. Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam là Tòa nhà Xanh Một Liên Hợp Quốc, tọa lạc tại số 304 Kim Mã, Quận Ba Đình, Hà Nội. Đây được biết đến là dự án đầu tiên trong số 16 dự án thí điểm của Liên Hợp Quốc trên toàn thế giới, tập trung nhiều cơ quan của LHQ trong cùng một công trình nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị và tăng cường cơ hội hợp tác.

Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam
Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Việt Nam

2.3. Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại các quốc gia

Ngoài trụ sở chính đặt tại New York (Mỹ), Liên Hợp Quốc còn có 3 trụ sở phụ trợ tại: Genève (Thụy Sĩ), Vienna (Áo) và Nairobi (Kenya)

  • Trụ sở Liên Hiệp Quốc tại Thụy Sĩ: Palais des Nations, 8, Av. de la Paix 14, 1211 Geneva, Thụy Sĩ.
  • Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Áo: Internationales Zentrum Wien, Wagramer Str. 5, 1400 Wien, Áo.
  • Trụ sở Liên Hợp Quốc tại Kenya: United Nations, United Nations Ave, Westlands, Nairobi, Kenya.

3. Điểm nổi bật trong kiến trúc của Trụ sở Liên Hợp Quốc

Trụ sở Liên Hợp Quốc là một công trình kiến trúc đặc biệt, mang đậm giá trị biểu tượng và ý nghĩa văn hóa. Nhìn từ bên ngoài, công trình này gây ấn tượng bởi kiến trúc vô cùng bề thế, hoành tráng, được bảo vệ bởi lực lượng an ninh, hành chính riêng biệt. Đây từ lâu cũng đã trở thành một trong những điểm đến tham quan hấp dẫn tại Hoa Kỳ, thu hút hàng triệu lượt khách ghé đến mỗi năm. 

3.1. Quy mô và cấu trúc của trụ sở Liên Hợp Quốc

Trụ sở Liên Hiệp Quốc là một khu phức hợp bao gồm 1 tòa nhà chính với quy mô 39 tầng (Tòa nhà Ban Thư Ký) và 3 khối nhà khác (gồm tòa nhà Đại hội đồng, khu hội nghị và thư viện Dag Hammarskjold).

Tòa nhà Ban Thư Ký

Tòa nhà Ban Thư Ký là một tòa cao ốc chọc trời sở hữu chiều cao 154m và quy mô 39 tầng, nắm giữ vị trí trung tâm của trụ sở Liên Hợp Quốc. Công trình này được khởi công xây dựng vào năm 1948 và hoàn thành vào năm 1952, được thiết kế bởi kiến trúc sư Oscar Niemeyer (Brazil) và Le Corbusier (Thuỵ Sĩ). 

Tòa nhà Ban Thư Ký Liên Hợp Quốc
Tòa nhà Ban Thư Ký Liên Hợp Quốc

Các bức tường phía Đông và phía Tây tòa nhà được làm hoàn toàn từ nhôm và kính. Trong khi đó các mặt phía Bắc và Nam lại được xây dựng bằng đá cẩm thạch Vermont. Bên trong tòa nhà Ban Thư Ký được chia thành các văn phòng có diện tích nhỏ, là nơi thực hiện các chức năng hành chính của Liên Hợp Quốc. 

Tòa nhà Đại hội đồng

Tòa nhà Đại hội đồng Liên Hợp Quốc sở hữu cấu trúc độc đáo với các mặt dốc lõm. Trên đỉnh tòa nhà được lắp đặt mái vòm nhằm tận dụng ánh sáng tự nhiên. Các bức tường phía Đông và Tây được làm bằng đá vôi kiểu Anh với nhiều chi tiết được trang trí bằng đá cẩm thạch. Mặt tường phía Nam gây ấn tượng với một tấm kính lớn cao 17m, đứng từ bên trong có thể nhìn thấy tòa nhà Ban Thư Ký. 

Tòa nhà Đại hội đồng sở hữu hội trường quy mô lớn với sức chứa 192 đoàn, mỗi đoàn 6 ghế. Mỗi ban công có thể đáp ứng khoảng 53 chỗ ngồi và 280 phương tiện truyền thông cho công chúng. Bên cạnh đó, khu vực tầng hầm của tòa nhà cũng được thiết kế một phòng họp lớn với 623 chỗ ngồi dành cho đại biểu các nước và 166 chỗ ngồi cho báo chí, công chúng.

Hội trường bên trong tòa nhà Đại hội đồng LHQ
Hội trường bên trong tòa nhà Đại hội đồng LHQ

Tòa nhà hội nghị

Tòa nhà hội nghị Liên Hợp Quốc có chiều dài lên đến 120m, được thiết kế kết nối với tòa nhà Ban Thư Ký. Khu vực tầng 2 và tầng 3 tòa nhà có tất cả 3 phòng hội đồng. Riêng khu vực tầng 4 là nhà ăn của các đại biểu, phòng ăn và bếp ăn của nhân viên.

Tòa nhà Hội nghị Liên Hợp Quốc
Tòa nhà Hội nghị Liên Hợp Quốc

Thư viện Dag Hammarskjold

Thư viện Dag Hammarskjöld nằm trong khuôn viên trụ sở chính của Liên Hợp Quốc, được xây dựng bổ sung vào năm 1961. Công trình này được xây dựng nhằm mục đích tưởng niệm vị Tổng thư ký thứ 2 của Liên Hợp Quốc là ông Dag Hammarskjöld (người Thụy Điển). Nó được kết nối với tòa nhà Ban Thư ký và tòa nhà hội nghị thông qua các hành lang trên mặt đất và dưới lòng đất.

Thư viện Dag Hammarskjold
Thư viện Dag Hammarskjold

3.2. Trụ sở Liên Hợp Quốc: Biểu tượng cho sự đổi mới

Ngay khi hoàn thành vào năm 1952, trụ sở Liên Hiệp Quốc đã tạo ra tiếng vang lớn trên toàn cầu với phong cách kiến trúc độc đáo, hiện đại. Công trình được xem là biểu tượng cho sự đổi mới, thể hiện tinh thần hợp tác, thúc đẩy phát triển giữa các nước trên toàn thế giới. Việc áp dụng các nguyên tắc kiến trúc hiện đại cũng phản ánh tinh thần tiến bộ và sẵn sàng thích ứng trước những thách thức ngày càng phức tạp. 

3.3. Những biểu tượng hòa bình

Kiến trúc trụ sở của Liên Hợp Quốc không chỉ gây ấn tượng với thiết kế hiện đại mà còn nổi bật với các biểu tượng hòa bình. Điều này phù hợp với mục tiêu chính trong hoạt động của Liên Hợp Quốc là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. 

Trụ sở của Liên Hợp Quốc gây ấn tượng ngay với du khách từ lần đầu tiên bởi hình ảnh của một khẩu súng lục bị bẻ cong nòng đặt phía trước tòa nhà. Hình ảnh này tượng trưng cho mục tiêu gìn giữ hòa bình, chống lại bạo lực chiến tranh trên toàn thế giới. 

Biểu tượng khẩu súng lục bị bẻ cong nòng ngay phía trước tòa nhà LHQ
Biểu tượng khẩu súng lục bị bẻ cong nòng ngay phía trước tòa nhà LHQ

Ngoài ra, trong khuôn viên ngoài trời phía bên tay phải trụ sở cũng có một bức tượng biểu trưng cho hòa bình. Đó là tượng đài “Beat Swords into Plowshares” với hình ảnh một người đàn ông đang cầm búa đập cong thanh gươm. Biểu tượng này thể hiện ý chí của cộng đồng quốc tế trong việc chuyển hóa vũ khí chiến tranh thành công cụ hữu ích cho sự phát triển và hòa bình. 

Tượng đài “Beat Swords into Plowshares”
Tượng đài “Beat Swords into Plowshares”

4. Khu vực được phép tham quan tại Trụ sở của Liên Hợp Quốc

Trụ sở Liên Hiệp Quốc là một trong những điểm đến tham quan không thể bỏ lỡ khi đến với thành phố New York, Mỹ. Trước khi vào tham quan trụ sở, các du khách phải hoàn tất các thủ tục an ninh, qua máy soi và tháo bỏ những vật dụng bị hạn chế vì lý do an toàn. Điều này giúp đảm bảo an ninh nghiêm ngặt cho khu vực làm việc của tổ chức. 

Ngoài ra, không phải khu vực nào cũng được phép tham quan. Thay vào đó, chỉ có một vài khu vực cụ thể mà du khách có thể ghé đến, bao gồm: 

  • Hành lang cẩm thạch trắng: Đây là lối đi dẫn khách tham quan đi từ bên ngoài vào bên trong tòa nhà. Toàn bộ lối đi được lát bằng đá cẩm thạch trắng, tạo nên một phong cách kiến trúc sang trọng, tinh tế và vô cùng khác biệt. 
  • Gian trưng bày nghệ thuật: Dọc theo hành lang cẩm thạch trắng là những gian trưng bày nghệ thuật, được dùng để trưng bày tranh ảnh, tư liệu, hiện vật từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tất cả đều được bảo quản, trưng bày một cách cẩn thận cũng như có hệ thống bảo vệ vô cùng nghiêm ngặt. 
  • Khu trưng bày chân dung các Tổng thư ký LHQ: Khu vực này là nơi treo những bức ảnh chân dung của các vị Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc qua các nhiệm kỳ, từ thời kỳ đầu cho đến hiện nay.  
Khu trưng bày chân dung của các Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
Khu trưng bày chân dung của các Tổng thư ký Liên Hợp Quốc
  • Hành lang Quốc Kỳ: Đây được đánh giá là một trong những khu vực trưng bày đẹp nhất, khiến cho mọi du khách đều phải dừng chân ngắm nhìn. Khi đặt chân đến đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng 2 hàng cột cờ chạy dọc hành lang vô cùng đẹp mắt. Đây chính là quốc kỳ của tất cả các quốc gia thành viên thuộc Liên Hợp Quốc, được sắp xếp theo bảng chữ cái Latin. 
Hành lang Quốc kỳ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc
Hành lang Quốc kỳ tại trụ sở Liên Hiệp Quốc
  • Khu vực trưng bày quà lưu niệm: Đằng sau hành lang quốc kỳ là khu vực trưng bày các tặng phẩm, quà lưu niệm từ các quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia sẽ mang đến những vật phẩm mang đậm giá trị văn hóa, dấu ấn riêng biệt, góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa dạng và đầy màu sắc. Vật phẩm trưng bày của Việt Nam là một chiếc trống đồng Ngọc Lũ, được mệnh danh là “bảo vật quốc gia” của nước ta. 
  • Phòng đón tiếp nguyên thủ quốc gia: Đây là khu vực đón tiếp các phái đoàn, nguyên thủ các quốc gia khi có sự kiện quan trọng hoặc các cuộc họp về vấn đề toàn cầu. Gian phòng này có quy mô rất lớn, được thiết kế sang trọng, tinh tế với biểu tượng của Liên Hợp Quốc đặt ngay vị trí trung tâm.

Có thể thấy, trụ sở Liên Hợp Quốc không chỉ là nơi tập trung các cơ quan đầu não quan trọng mà hơn thế còn được biết đến là biểu tượng của sự đổi mới, hợp tác và phát triển. Điều này không chỉ làm nổi bật vị thế quan trọng của Liên Hợp Quốc mà còn thể hiện cam kết của cộng đồng quốc tế đối với mục tiêu chung của nhân loại. Hy vọng bài viết trên đây của Maison Offce đã giúp bạn có góc nhìn chi tiết hơn về trụ sở Liên Hợp Quốc, đừng quên theo dõi chúng tôi để cập nhật thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!

Tham khảo thêm:

5/5 - (1 vote)
Contact Me on Zalo