Maison Office

Đô thị thông minh (Smart City) là gì? Top thành phố thông minh

Theo dõi Maison Office trên
Tổng quan về mô hình đô thị thông minh – Smart City

Đô thị thông minh (Smart City) hiện đang là xu hướng phát triển toàn cầu, nơi công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo được tích hợp để định hình tương lai của cuộc sống. Không đứng ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng đang tiến hành chiến lược phát triển đô thị thông minh quốc gia với tầm nhìn đến năm 2050. Vậy đô thị thông minh là gì? Một đô thị thông minh cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào? Đâu là cơ hội, thách thức khi triển khai mô hình Smart City? Tất cả sẽ được Maison Office giải đáp trong bài viết dưới đây!

1. Đô thị thông minh Smart City là gì?

Đô thị thông minh (hay Smart City) là mô hình thành phố áp dụng các công nghệ hiện đại như: trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data),… nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Đô thị thông minh là gì?
Đô thị thông minh là gì?

Cụ thể hơn, Smart City sẽ được tích hợp các công nghệ hiện đại để  thu thập dữ liệu từ cư dân thành phố, hệ thống tòa nhà, thiết bị và tài sản nói chung. Tất cả những dữ liệu này sau đó sẽ được xử lý, phân tích nhằm quản lý và cải thiện hiệu quả hoạt động trên toàn thành phố. Chẳng hạn:

  • Giám sát và quản lý hệ thống giao thông, vận tải.
  • Theo dõi, phát hiện tội phạm.
  • Quản lý trường học, thư viện.
  • Theo dõi hoạt động của nhà máy điện, nhà máy cấp thoát nước, hệ thống xử lý chất thải.
  • Quản lý và vận hành hệ thống bệnh viện, trung tâm y tế.
  • Theo dõi, quản lý các tiện ích, dịch vụ công cộng khác. 

2. Những yếu tố tạo nên một đô thị thông minh là gì?

Một đô thị thông minh không chỉ là sự tích hợp của các công nghệ hiện đại mà là kết quả của sự tương tác, kết nối giữa nhiều yếu tố khác nhau. Vậy đâu là những yếu tố tạo nên một thành phố thông minh? 

  • Quản lý – tổ chức: Chính quyền địa phương phải sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để quản lý và vận hành thành phố. Điều này giúp tối ưu hóa hiệu suất và giải quyết nhanh chóng các vấn đề trong cộng đồng dân cư.
  • Công nghệ: Công nghệ được xem là “trụ cột” quan trọng của một mô hình Smart City. Sự tích hợp và ứng dụng công nghệ vào quản lý giúp tạo nên một hệ thống thông tin tự động, linh hoạt và hiệu quả. 
  • Cộng đồng dân cư: Đây chính là chủ thể quan trọng hàng đầu của mô hình đô thị thông minh. Theo đó, sự tương tác của cộng đồng dân cư trong việc giám sát, đề xuất ý kiến và tham gia quản lý giúp xây dựng một cộng đồng có trách nhiệm.
  • Kinh tế: Lợi ích kinh tế là động lực quan trọng để thúc đẩy xây dựng đô thị thông minh. Theo đó, đô thị phát triển thúc đẩy sự lớn mạnh của các doanh nghiệp đồng thời mang đến nhiều cơ hội nghề nghiệp và thu nhập ổn định cho cư dân.
  • Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông: Đây chính là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng phát triển của đô thị, đóng vai trò là nền tảng kết nối các thành phần của đô thị thông minh.
  • Môi trường tự nhiên: Đây là một trong những giá trị cốt lõi mà mọi đô thị thông minh đều hướng đến. Theo đó, con người sẽ dựa vào các ứng dụng công nghệ để quản lý tài nguyên thiên nhiên, giám sát và bảo vệ môi trường đồng thời triển khai các biện pháp chống lại các tác nhân gây biến đổi khí hậu. 
Những yếu tố tạo nên một đô thị thông minh
Những yếu tố tạo nên một đô thị thông minh

3. Smart City cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào?

Để xây dựng một đô thị thông minh và hiện đại, các cấp chính quyền, ban ngành cần phải có kế hoạch lâu dài. Bên cạnh đó, mô hình Smart City cũng cần đáp ứng một số tiêu chuẩn nhất định như sau: 

  • Các cấp lãnh đạo cần có tầm nhìn rõ ràng và kiên định về mục tiêu mà thành phố đang hướng đến trong tương lai.
  • Tầm nhìn chiến lược nên được phát triển từ sự đóng góp ý kiến của công dân, có được sự đồng thuận cao. 
  • Quản lý và vận hành bằng hình thức điện tử, áp dụng công nghệ thông tin hiện đại. 
  • Cơ sở hạ tầng kỹ thuật số hiện đại tích hợp cùng dữ liệu công minh bạch, chính xác, cho phép công dân truy cập và tìm kiếm thông tin bất cứ khi nào cần thiết.
  • Đảm bảo sự minh bạch về kết quả, hiệu suất và dịch vụ thành phố.
  • Hệ thống nhận diện nhằm nâng cấp dịch vụ chuyển phát và cơ sở hạ tầng vật lý thông minh. 
  • Tâm lý cởi mở để học hỏi, thử nghiệm các mô hình mới cũng như cách tiếp cận mới. 

4. Lợi ích nổi bật của mô hình Smart City

Cùng với sự gia tăng dân số nhanh chóng và sự đổi mới về công nghệ, đô thị hóa cũng dần trở thành xu hướng phổ biến trên toàn cầu. Song quá trình đô thị hóa cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý nguồn tài nguyên, ùn tắc giao thông, gia tăng áp lực lên hạ tầng đô thị,… Lúc này, việc triển khai mô hình Smart City sẽ là giải pháp chiến lược giúp giải quyết những vấn đề này. Dưới đây là những lợi ích nổi bật của mô hình đô thị thông minh:

  • Nâng cao hiệu quả quản lý: Mô hình Smart City ứng dụng công nghệ nhằm tự động hóa quy trình quản lý. Theo đó, dữ liệu được theo dõi, tổng hợp và đánh giá một cách linh hoạt, giúp chính quyền có thể nắm bắt tình hình đô thị một cách nhanh chóng. Từ đó đưa ra quyết định quản lý kịp thời và giảm thiểu sai sót. 
  • Giải quyết các vấn đề đô thị: Các công nghệ thông minh, tiên tiến có thể được ứng dụng để giải quyết các vấn đề đô thị như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, an ninh trật tự,… 
  • Tiết kiệm chi phí: Bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, mô hình này giúp tiết kiệm chi phí vận hành, bảo trì các hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ công,…
  • Cải thiện chất lượng cuộc sống: Với mô hình Smart City, người dân có thể tiếp cận các dịch vụ, tiện ích một cách thuận tiện, nhanh chóng. Ví dụ: Sử dụng các ứng dụng thông minh để đặt đồ ăn, đặt vé máy bay, thanh toán hóa đơn,… Ngoài ra, cuộc sống của người dân cũng được đảm bảo an toàn nhờ có hệ thống giám sát an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp. 
  • Bảo vệ môi trường: Các giải pháp của đô thị thông minh được cho là có thể loại bỏ khoảng 270.000 kg khí thải nhà kính mỗi năm. Bên cạnh đó, việc ưu tiên sử dụng nguồn năng lượng tái tạo cũng giúp giảm lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường. 
  • Giải pháp y tế thông minh: Công nghệ hiện đại là tiền đề cho việc triển khai các giải pháp y tế thông minh. Điều này giúp giảm gánh nặng về bệnh tật, gián tiếp nâng cao tuổi thọ của người dân. 
Mô hình Smart City ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị
Mô hình Smart City ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề đô thị

5. Thách thức khi triển khai mô hình đô thị thông minh

Bên cạnh những lợi ích to lớn mà đô thị thông minh mang lại, mô hình này cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai. Dưới đây là những thách thức thường gặp phải khi triển khai mô hình Smart City:

  • Việc xây dựng một đô thị thông minh đòi hỏi nguồn chi phí đầu tư khá lớn cho hàng loạt lĩnh vực: công nghệ, cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý, đào tạo nhân lực,… Điều này có thể là một thách thức đối với các đô thị có nguồn lực hạn chế.
  • Trình độ công nghệ hạn chế có thể dẫn đến khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong quá trình triển khai. 
  • Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp là yếu tố cần thiết để triển khai đô thị thông minh. Song hiện nay vẫn còn tình trạng chồng chéo, trùng lặp thông tin, dẫn đến kém hiệu quả trong việc triển khai các dự án đô thị.
Mô hình Smart City đặt ra nhiều thách thức trong quá trình triển khai
Mô hình Smart City đặt ra nhiều thách thức trong quá trình triển khai
  • Với khả năng tương tác và kết nối mạnh mẽ, nguy cơ mở ra các lỗ hổng bảo mật cũng ngày càng tăng cao. Chẳng hạn, hệ thống nhận diện khuôn mặt AI có thể dẫn đến việc xâm phạm quyền riêng tư hoặc các cuộc tấn công mạng vào cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp. 
  • Nhận thức và sự hiểu biết chưa đầy đủ của cộng đồng dân cư về đô thị thông minh cũng là một thách thức. Điều này có thể dẫn đến sự phản đối, không hợp tác của người dân trong quá trình triển khai các dự án. 

Mặc dù có nhiều khó khăn và thách thức, mô hình Smart City vẫn được hầu hết giới chuyên gia, các cấp lãnh đạo và cả người dân đánh giá cao. Minh chứng là xu hướng xây dựng đô thị thông minh vẫn diễn ra “ồ ạt” khắp các đô thị trên toàn cầu.

6. Khám phá top 3 thành phố thông minh trên thế giới

Các đô thị thông minh được xem là biểu tượng của sự văn minh và phát triển. Hiện nay, trên thế giới có nhiều dự án Smart City nổi trội, mở ra những triển vọng mới cho cuộc sống đô thị trong tương lai. Dưới đây là top 5 thành phố thông minh hàng đầu trên thế giới:

6.1 New York

New York không chỉ là một trong những trung tâm tài chính, văn hóa hàng đầu thế giới mà còn là đô thị thông minh bậc nhất với nhiều ứng dụng công nghệ đột phá. Những giải pháp thông minh được triển khai không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn định hình một môi trường sống bền vững và an toàn cho cư dân. 

New York là đô thị thông minh bậc nhất thế giới
New York là đô thị thông minh bậc nhất thế giới

Các vấn đề chính được thành phố tập trung giải quyết gồm: 

  • Quản lý nguồn nước hiệu quả: Với dân số gần 8,5 triệu người, thành phố New York có lượng tiêu thụ nước lên đến 3,8 tỷ lít nước. Để quản lý được thông tin tiêu thụ trên toàn thành phố, hệ thống đọc đồng hồ tự động đã được ứng dụng trên quy mô lớn giúp quản lý nguồn nước hiệu quả hơn. 
  • Quản lý chất thải: Hệ thống thùng rác thông minh hoạt động bằng năng lượng mặt trời được đặt tại nhiều khu vực nhằm theo dõi lượng rác thải và thu gom thường xuyên, kịp thời. 
  • Đảm bảo an ninh công cộng: Nhằm tăng cường khả năng phát hiện tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự, thành phố đã triển khai dự án HunchLab. Đây là một ứng dụng phần mềm sử dụng dữ liệu lịch sử và mô hình địa điểm để dự đoán các sự cố. Từ đó xác định các “điểm nóng” về tội phạm, giúp cảnh sát tăng cường đảm bảo an ninh tại các khu vực. 

6.2 London

London là thành phố đã áp dụng thành công mô hình Smart City, được đánh giá cao hàng đầu tại khu vực Châu Âu. Ứng dụng công nghệ nổi bật nhất tại thành phố này là hệ thống Heathrow pods – một hệ thống xe điện không người lái và đặc biệt là không phát thải. Điều này giúp thành phố đối phó với áp lực giao thông ngày càng tăng cao đồng thời góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (net zero). 

6.3 Singapore

Mặc dù có diện tích khá khiêm tốn, thế nhưng Singapore lại là quốc gia dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong việc xây dựng các đô thị thông minh. Theo đó, Singapore đã đạt được rất nhiều thành tựu trong việc nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ vào phát triển đô thị.

Singapore đạt được nhiều thành tựu trong việc triển khai mô hình Smart City
Singapore đạt được nhiều thành tựu trong việc triển khai mô hình Smart City

Nổi bật trong số đó phải kể đến hệ thống giao thông One Monitoring, một cổng thông tin giao thông toàn diện thu thập dữ liệu từ các camera giám sát. Ngoài ra, ứng dụng Virtual Singapore cũng được xem là thành tựu lớn khi cho phép chính phủ theo dõi toàn bộ kết cấu hạ tầng của thành phố dưới dạng hình ảnh 3D theo thời gian thực. Dữ liệu sau đó được phân tích thành nhiều báo cáo về: mật độ dân cư, an ninh khu vực, chất lượng không khí,… 

7. Tình hình phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam

Phát triển đô thị thông minh được xem là động lực quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Việc triển khai mô hình này cũng là phương thức giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, tạo bước đệm cho sự phát triển bền vững. Theo Quyết định số 950/QĐ-TTg của Chính phủ, mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 50% đô thị đạt tiêu chuẩn đô thị thông minh.

Việt Nam cũng đang từng bước triển khai phát triển đô thị thông minh
Việt Nam cũng đang từng bước triển khai phát triển đô thị thông minh

Tính đến năm 2023, trên cả nước đã có 48/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắt đầu triển khai đề án phát triển đô thị thông minh, chuyển đổi số trên nhiều lĩnh vực: giáo dục, y tế, giao thông, hành chính, du lịch,… Trong đó, có 40 tỉnh thành đã triển khai trung tâm điều hành thông minh IOC cấp tỉnh và gần 100 IOC cấp huyện. Mặc dù chỉ dừng ở việc thí điểm trên quy mô hẹp song đây sẽ là bước đệm quan trọng cho chiến lược phát triển đô thị thông minh trên cả nước. 

Hy vọng qua những thông tin chia sẻ trên đây, bạn đã có được góc nhìn tổng quan về mô hình đô thị thông minh – Smart City. Có thể nói, xây dựng đô thị thông minh trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay đã góp phần không nhỏ làm thay đổi diện mạo của đất nước. Cùng với đó là chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao đồng thời tạo động lực phát triển bền vững cho Việt Nam trong tương lai. 

>>> Tìm hiểu thêm: Các khu đô thị hiện đại ở Hà Nội

5/5 - (1 vote)
Contact Me on Zalo