Maison Office

Định mức là gì? Phân loại định mức và công thức tính chuẩn

Theo dõi Maison Office trên
Khái quát về thuật ngữ định mức

Định mức là một thuật ngữ quan trọng được dùng trong quản lý sản xuất và kế toán chi phí. Đặc biệt, thuật ngữ này cũng được dùng trong lĩnh vực xây dựng, giúp doanh nghiệp dự toán chi phí cho các công trình và quản lý nguồn lực hiệu quả. Vậy định mức là gì? Có những loại định mức nào? Phương pháp xây dựng và tính định mức xây dựng như thế nào? 

1. Định mức là gì?

Định mức là mức hao phí cần thiết về nguyên vật liệu, nhân công, máy móc, thời gian sản xuất,… để hoàn thành một đơn vị khối lượng công việc trong một số ngành kinh tế kỹ thuật như: xây dựng, sản xuất công nghiệp, giao thông vận tải,…

Định mức là gì?
Định mức là gì?

Mục đích của việc áp dụng định mức là:

  • Theo dõi mức độ tiêu hao thực tế của các nguồn lực trong quá trình sản xuất, tạo lập cơ sở để doanh nghiệp so sánh, đánh giá hiệu quả kinh tế của các phương án sản xuất, kinh doanh.
  • Hỗ trợ việc lập kế hoạch, dự toán chi phí sản xuất, kinh doanh một cách chính xác. Từ đó tối ưu hiệu quả sử dụng các nguồn lực và quản lý tài chính.

Tùy thuộc vào loại hình sản xuất, kinh doanh mà doanh nghiệp sẽ tiến hành lựa chọn định mức và phương pháp xây dựng định mức khác nhau. 

2. Định mức xây dựng là gì?

Định mức xây dựng là hệ thống các chỉ tiêu, quy định mức hao phí về vật liệu, nhân công, máy móc,… để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Định mức này được thiết lập nhằm đo lường và quản lý các khía cạnh liên quan đến việc xây dựng các công trình, dự án. Trong đó bao gồm các chỉ tiêu về tiêu chuẩn chất lượng, thông số kỹ thuật và các yếu tố khác nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu suất và an toàn trong quá trình xây dựng.

Định mức đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực xây dựng
Định mức đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực xây dựng

Có thể nói, định mức đóng vai trò rất quan trọng trong lĩnh vực xây dựng. Thông qua việc xây dựng định mức rõ ràng, chính xác, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này có thể dự trù được những khoản chi phí cần thiết cho một dự án công trình xây dựng bất kỳ. Chưa dừng lại ở đó, định mức xây dựng cũng có ý nghĩa quan trọng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, hỗ trợ nắm bắt các dự toán liên quan của mỗi dự án, công trình trong khu vực. 

3. Tổng hợp các định mức trong xây dựng

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP: Hệ thống định mức xây dựng bao gồm định mức kinh tế – kỹ thuật và định mức chi phí. Trong đó, định mức kinh tế – kỹ thuật được chia thành định mức cơ sở và định mức dự toán. 

Các định mức xây dựng
Các định mức xây dựng

3.1. Định mức kinh tế kỹ thuật

Định mức kinh tế – kỹ thuật là các chỉ số quy định về mức chi phí hao hụt của nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị cho một dự án, công trình xây dựng. Định mức này được thiết lập nhằm phục vụ sản xuất, thi công hoặc lập dự toán chi phí trong xây dựng công trình. 

Định mức kinh tế – kỹ thuật là loại định mức xây dựng được xác lập trên cơ sở số liệu quan sát và thống kê thực tế nhằm đảm bảo tính khoa học. Do đó, nó cũng phản ánh đúng trình độ của tổ chức sản xuất trong một giai đoạn nhất định của quá trình xây dựng. Định mức kinh tế – kỹ thuật phải đáp ứng được những yêu cầu cụ thể như sau:

  • Có số liệu thực tế và luận cứ khoa học về kinh tế – kỹ thuật, đảm bảo tính chính xác về kết quả giá dự toán, giá dự thầu, dự toán thi công.
  • Định mức phải được xác định cho công tác hoặc kết cấu xây lắp tương đối hoàn chỉnh, phù hợp với nội dung thiết kế, thi công;
  • Định mức phải tính đến việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật vào xây dựng. Bên cạnh đó là kinh nghiệm và năng lực thực tế của tổ chức ở điều kiện bình thường.
  • Kết cấu xây lắp phải được đồng bộ theo yêu cầu kỹ thuật công trình, phù hợp với cơ giới hiện tại và được áp dụng ở điều kiện bình thường. 

Định mức kinh tế – kỹ thuật được chia thành 2 loại định mức: định mức cơ sở và định mức dự toán.

Định mức cơ sở 

Định mức cơ sở bao gồm: định mức sử dụng nguyên vật liệu, định mức năng suất lao động, định mức năng suất máy móc, thiết bị thi công. Các chỉ tiêu này được xác định cho phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và các yêu cầu kỹ thuật của công trình. Ngoài ra cũng được sử dụng để xác định hoặc điều chỉnh mức dự toán. 

Định mức dự toán

Định mức dự toán là mức tiêu hao cần thiết về nhân công, vật liệu, máy móc, thiết bị thi công để hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng công trình. Định mức này được xác định phù hợp với điều kiện thi công, yêu cầu kỹ thuật và biện pháp thi công cụ thể.

  • Định mức lao động: Được áp dụng để xác định mức tiêu thụ lao động cần thiết để thực hiện hoàn thành một đơn vị khối lượng công tác xây dựng. Các chỉ tiêu về lao động có thể bao gồm: số lượng lao động cần thiết, kỹ năng yêu cầu, quy trình sản xuất, thời gian ước lượng để hoàn thành công việc,… 
  • Định mức nguyên vật liệu: Đây là loại định mức dùng để xác định hao phí nguyên vật liệu cần thiết để thực hiện một dự án xây dựng. Định mức này thường bao gồm các thông số như: loại nguyên vật liệu, số lượng nguyên vật liệu, đặc điểm kỹ thuật,… 
  • Định mức dụng cụ: Đây là hệ thống các chỉ tiêu được thiết lập để quản lý các công cụ, dụng cụ dùng trong công tác xây dựng. Mục tiêu hướng đến là đảm bảo sự đồng nhất, hiệu quả trong việc sử dụng các công cụ, dụng cụ và tối ưu hóa quy trình sản xuất. Các tiêu chí thuộc định mức này có thể bao gồm: kích thước, chất liệu của công cụ, dụng cụ; chu kỳ sử dụng công cụ, dụng cụ trước khi cần thay thế;… 
  • Định mức thiết bị: Định mức này được thiết lập nhằm mục tiêu xác định và quản lý hệ thống máy móc, thiết bị sử dụng trong quá trình thi công, xây dựng. Đối với mỗi loại thiết bị, định mức có thể bao gồm các thông số như: kích thước, công suất, hiệu suất, độ chính xác và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng hoạt động của thiết bị. 

Định mức dự toán thường được áp dụng để lập dự toán xây dựng cho các công trình, dự án. Dựa vào đó, các chủ đầu tư và nhà thầu có thể xác định được tổng chi phí xây dựng công trình, hỗ trợ quản lý chi phí đầu tư hiệu quả. 

3.2. Định mức chi phí

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP: Định mức chi phí được chia thành 2 loại là định mức tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) và định mức tính bằng giá trị. 

Định mức chi phí được xem là cơ sở để xác định giá xây dựng công trình và dự toán chi phí của một số hạng mục công việc. Bên cạnh đó, định mức này cũng được áp dụng để xác định các chi phí khác trong đầu tư xây dựng như: 

  • Thu nhập chịu thuế tính trước;
  • Chi phí gián tiếp;
  • Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng;
  • Chi phí quản lý dự án;
  •  Một số chi phí khác. 

4. Các phương pháp xây dựng định mức

Hiện nay có nhiều phương pháp xây dựng định mức hiệu quả mà bạn có thể tham khảo. Trong đó, phổ biến nhất các 3 phương pháp: Thống kê, Phân tích và Thực nghiệm. 

4.1. Phương pháp thống kê 

Phương pháp thống kê (hay thống kê kinh nghiệm) là phương pháp xây dựng định mức dựa trên quá trình tích lũy và phân tích dữ liệu kinh nghiệm trong quá khứ của các dự án tương tự, trên cơ sở phương pháp bình quân gia quyền. Đây được xem là cách tiếp cận khá thực tế, thông qua thống kê, phân tích dựa trên các dữ liệu về chi phí, hiệu suất của các dự án đã hoàn thành.

Phương pháp thống kê dựa trên quá trình tích lũy kinh nghiệm
Phương pháp thống kê dựa trên quá trình tích lũy kinh nghiệm

Mặc dù chưa có căn cứ chính xác hay khoa học, thế nhưng đây lại là phương pháp được áp dụng phổ biến tại nhiều doanh nghiệp. Với tính chất đơn giản, dễ vận dụng, phương pháp thống kê kinh nghiệm sẽ phù hợp với các doanh nghiệp có quá trình sản xuất không ổn định.

4.2. Phương pháp phân tích

Phương pháp phân tích được thực hiện bằng cách tính toán các chỉ tiêu kinh tế – kỹ thuật kết hợp cùng bước phân tích tổng thể các yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Từ đó có thể xác định mức tiêu dùng nguyên vật liệu, nhân công, máy móc thiết bị,… cho kế hoạch tiếp theo. 

Ưu điểm của phương pháp này là sự phân tích toàn diện, tổng thể các yếu tố có ảnh hưởng đến quá trình hoạt động. Do vậy, mức độ chính xác cũng được đánh giá cao hơn. Song chi phí và thời gian thực hiện cũng tăng tương ứng. 

4.3. Phương pháp thực nghiệm

Phương pháp thực nghiệm là phương pháp xây dựng định mức dựa trên việc thử nghiệm và thu thập dữ liệu từ các hoạt động thực tế. Phương pháp này nhấn mạnh vào việc thực hiện các thí nghiệm, đo lường và ghi chép kết quả từ các dự án hay quy trình sản xuất. Tuy nhiên, độ chính xác không được đánh giá quá cao bởi nó không tính đến các điều kiện, yếu tố tác động bên ngoài. 

5. Cơ quan nào chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành định mức xây dựng

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 20 Nghị định 10/2021/NĐ-CP:

  • Bộ Xây dựng là cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức xây dựng, ban hành định mức xây dựng sử dụng chung trong phạm vi cả nước.
  • Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức xây dựng, ban hành định mức dự toán cho các công tác xây dựng đặc thù của địa phương.

Bài viết trên đây vừa giúp bạn giải đáp câu hỏi định mức là gì cũng như tổng hợp các phương pháp xây dựng định mức thông dụng. Việc xây dựng và áp dụng định mức hiệu quả sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

5/5 - (2 votes)
Contact Me on Zalo