Maison Office

Các cách tra cứu mã ngành nghề kinh doanh chuẩn nhất [2024]

Theo dõi Maison Office trên
Tổng hợp các cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh ở bất kỳ lĩnh vực nào đều cần nắm rõ thông tin về mã ngành nghề kinh doanh. Đây được xem là điều kiện tiên quyết để mọi hoạt động kinh doanh diễn ra hợp pháp và hiệu quả. 

1. Ngành nghề kinh doanh là gì?

Ngành nghề kinh doanh là thuật ngữ dùng để chỉ các lĩnh vực kinh doanh mà doanh nghiệp được phép thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình đầu tư nhằm mục đích sinh lợi. Quá trình này có thể bao gồm từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho đến cung ứng dịch vụ trên thị trường. 

Ngành nghề kinh doanh có những đặc điểm cụ thể như sau:

  • Doanh nghiệp được quyền tự do đăng ký ngành nghề kinh doanh.
  • Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh ngành nghề có điều kiện sau khi đáp ứng đủ các điều kiện theo Luật định. Thêm vào đó, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo duy trì các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. 
  • Thông tin ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp được lưu trữ tại Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia: dangkykinhdoanh.gov.vn.
Một doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau
Một doanh nghiệp có thể kinh doanh nhiều ngành nghề khác nhau

Theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg do Thủ tướng chính phủ ban hành, Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam bao gồm các nhóm ngành nghề kinh doanh chính như sau:

  • A. Nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản
  • B. Khai khoáng
  • C. Công nghiệp chế biến, chế tạo
  • D. Sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí
  • E. Cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải
  • F. Xây dựng
  • G. Bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác
  • H. Vận tải kho bãi
  • I. Dịch vụ lưu trú và ăn uống
  • J. Thông tin và truyền thông
  • K. Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm
  • L. Hoạt động kinh doanh bất động sản
  • M. Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ
  • N. Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ
  • O. Hoạt động của Đảng cộng sản, tổ chức chính trị – xã hội, quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng; bảo đảm xã hội bắt buộc
  • P. Giáo dục và đào tạo
  • Q. Y tế và hoạt động trợ giúp xã hội
  • R. Nghệ thuật, vui chơi và giải trí
  • S. Hoạt động dịch vụ khác
  • T. Hoạt động làm thuê các công việc trong các hộ gia đình, sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình
  • U. Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế

2. Tại sao cần tra cứu ngành nghề kinh doanh?

Tra cứu ngành nghề kinh doanh là việc tìm kiếm, tổng hợp thông tin về ngành nghề kinh doanh để phục vụ cho các mục đích: thành lập doanh nghiệp; thay đổi, bổ sung ngành nghề kinh doanh mới; tra cứu thông tin đối tác, khách hàng;…

Tra cứu ngành nghề kinh doanh là bước đầu quan trọng cần thực hiện
Tra cứu ngành nghề kinh doanh là bước đầu quan trọng cần thực hiện
  • Việc tra cứu ngành nghề kinh doanh của công ty là bước cần thiết và quan trọng, mang đến cho tổ chức nhiều lợi ích cụ thể như sau: 
  • Việc xác định chính xác ngành nghề kinh doanh là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật.
  • Mỗi ngành nghề kinh doanh sẽ được áp dụng các mức thuế khác nhau theo quy định của pháp luật. Do vậy, doanh nghiệp cần tra cứu chính xác mã ngành nghề kinh doanh để thực hiện đúng và đầy đủ nghĩa vụ về thuế cho nhà nước.
  • Việc tra mã ngành nghề kinh doanh giúp doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ khi thực hiện các thủ tục hành chính như: đăng ký kinh doanh, thay đổi ngành nghề kinh doanh, hồ sơ xin cấp giấy phép,…
  • Thông qua tra cứu, doanh nghiệp còn có thể biết được lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp khách hàng hay doanh nghiệp đối tác. Từ đó giúp mở rộng mạng lưới kinh doanh và hợp tác hiệu quả.

3. Những cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp 

Có thể thấy, tra cứu ngành nghề kinh doanh là bước đầu vô cùng quan trọng mà doanh nghiệp cần thực hiện để đảm bảo hoạt động kinh doanh diễn ra hiệu quả. Vậy làm thế nào để tra cứu thông tin mã ngành nghề một cách chuẩn xác? Dưới đây là 3 cách thực hiện đơn giản, nhanh chóng mà doanh nghiệp có thể áp dụng:

3.1. Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh để thành lập doanh nghiệp

Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh là bước không thể bỏ qua khi doanh nghiệp có ý định đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký bổ sung, thay đổi ngành nghề kinh doanh. Theo đó, mã ngành nghề kinh doanh sẽ được xác định thông qua Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam được ban hành theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg.

Các bước tra cứu được thực hiện như sau:

Bước 1: Truy cập vào trang Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ website: dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

Bước 2: Chọn mục “HỖ TRỢ” >> Chọn tiếp mục “Tra cứu ngành, nghề kinh doanh”. 

Truy cập vào Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp
Truy cập vào Cổng thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp

Màn hình lúc này sẽ hiển thị ô tìm kiếm và bảng danh sách tổng hợp đầy đủ tất cả các mã ngành nghề kinh doanh của các lĩnh vực. Tại đây, bạn có thể tiến hành tra cứu bằng 2 cách như sau:

  • Cách 1 (Nhập mã ngành vào ô tìm kiếm): Cách làm này dành cho những ai đã biết mã ngành kinh doanh, tuy nhiên chưa nắm được tên chính xác của ngành nghề theo quy định để sử dụng. 
  • Cách 2 (Nhập một phần thông tin của ngành nghề): Trong trường hợp bạn chưa biết về mã ngành thì có thể nhập một phần tên của ngành nghề, lĩnh vực đó vào ô tìm kiếm. Sau khi nhập thông tin, bảng danh sách sẽ tiến hành lọc và hiển thị các mã ngành nghề liên quan đến thông tin truy vấn của bạn. 
Nhập thông tin để tra ngành nghề kinh doanh
Nhập thông tin để tra ngành nghề kinh doanh

3.2. Cách tra cứu ngành nghề kinh doanh theo mã số thuế

Thông tin về ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được Phòng đăng ký kinh doanh lưu trữ trong giấy xác nhận thông tin đăng ký doanh nghiệp. Ngoài ra, thông tin này cũng được lưu trữ tại Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Do vậy, người dùng có thể tra ngành nghề kinh doanh trực tuyến một cách nhanh chóng, chính xác qua website này. 

Dưới đây là các bước tra cứu ngành nghề kinh doanh qua mã số thuế cho doanh nghiệp: 

Bước 1: Truy cập vào Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

Bước 2: Nhập mã số thuế doanh nghiệp vào ô tra cứu. Trong trường hợp không nhớ mã số thuế, bạn có thể tham khảo cách tra cứu mã số thuế doanh nghiệp để được hướng dẫn chi tiết nhất.

Nhập mã số thuế doanh nghiệp vào ô tìm kiếm
Nhập mã số thuế doanh nghiệp vào ô tìm kiếm

Bước 3: Sau khi nhập đúng mã số thuế, tên doanh nghiệp sẽ được hiển thị tương ứng ở phần bên dưới. Lúc này, bạn cần bấm chọn vào tên doanh nghiệp để xem thêm các thông tin chi tiết, bao gồm:

  • Tên doanh nghiệp;
  • Tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài;
  • Tên doanh nghiệp viết tắt;
  • Tình trạng hoạt động;
  • Loại hình pháp lý (loại hình doanh nghiệp);
  • Ngày thành lập;
  • Địa chỉ trụ sở chính;
  • Họ và tên người đại diện theo pháp luật;
  • Mẫu dấu và ngành nghề kinh doanh. 
Thông tin về mã ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp
Thông tin về mã ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp

Bằng cách làm này, bạn có thể tra cứu được thông tin mã ngành của doanh nghiệp mình, doanh nghiệp khách hàng hoặc doanh nghiệp đối tác thông qua mã số thuế. 

3.3. Hướng dẫn tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Hiện nay, một số ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chỉ được phép đăng ký hoạt động khi doanh nghiệp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Chính vì vậy, các cá nhân, tổ chức cần phải tra cứu thông tin để xác định được: Ngành nghề dự kiến đăng ký có thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện hay không? Nếu có thì những điều kiện cần đáp ứng là gì?

Việc tra cứu chính xác thông tin ngay từ ban đầu sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả, hợp pháp. Các bước tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện như sau:

Bước 1: Truy cập vào website chính thức của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp tại địa chỉ: dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/Pages/Trangchu.aspx

Bước 2: Kéo xuống bên dưới và nhấn chọn mục “Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”. Trên màn hình lúc này sẽ hiển thị các danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật định mới nhất hiện nay.

Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Tra cứu mã ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Bước 3: Chọn lĩnh vực, ngành nghề dự kiến kinh doanh và tiến hành kiểm tra. Tại đây, doanh nghiệp có thể xác định được những điều kiện và quy định cần thiết để thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực nhất định. 

Các danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Các danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện

Việc tra cứu ngành nghề kinh doanh có điều kiện giúp đảm bảo doanh nghiệp tuân thủ đúng các quy định pháp luật. Từ đó thực hiện các hoạt động kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững. 

4. Những lưu ý khi tra cứu mã ngành nghề kinh doanh

Kể từ ngày 20/08/2018, các doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi ngành nghề kinh doanh phải tiến hành đăng ký kinh doanh theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Cụ thể, các doanh nghiệp thành lập trước 20/08/2018 muốn bổ sung hoặc thay đổi ngành nghề kinh doanh thì phải tiến hành mã hóa các ngành nghề đã đăng ký trước đó trong cùng 01 bộ hồ sơ theo quy định mới nhất. Vậy làm thế nào để biết được mã ngành nào cần được mã hóa? 

Nhìn vào bảng danh mục các ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp, danh mục nào có màu đỏ hoặc xanh thì đều cần được mã hóa theo quy định. Cụ thể: 

  • Ngành nghề kinh doanh được đánh dấu màu đỏ là ngành nghề bị xóa theo quy định.
  • Ngành nghề kinh doanh được đánh dấu màu xanh là ngành nghề bị thay đổi theo quy định.
Ngành nghề kinh doanh cần được mã hóa theo quy định
Ngành nghề kinh doanh cần được mã hóa theo quy định

Để xem thông tin về mã ngành cần được mã hóa theo quy định, doanh nghiệp cần phải tạo tài khoản đăng ký và sử dụng chữ ký số trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

5. Những câu hỏi thường gặp về mã ngành nghề kinh doanh

5.1. Có thể đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh không?

Hiện nay, quy định pháp luật cho phép các doanh nghiệp có quyền hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên, không phải ngành nghề nào cũng có thể được đăng ký  kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, doanh nghiệp cần phải đáp ứng được mọi yêu cầu của ngành nghề đó theo quy định của pháp luật thì mới có thể hoạt động. 

Ví dụ: Doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải đáp ứng được mọi điều kiện về: cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, đội ngũ nhân lực (chuyên môn kỹ thuật, chứng chỉ hành nghề, số lượng bác sĩ chuyên khoa,…), quy mô khám/chữa bệnh,…

5.2. Ngành nghề chưa đăng ký kinh doanh có được xuất hóa đơn?

Theo Khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành nghề mà luật không cấm. Do đó, chỉ cần ngành nghề hoạt động không nằm trong phạm vi cấm của pháp luật thì doanh nghiệp được quyền xuất hóa đơn theo quy định. 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải làm thủ tục bổ sung ngành nghề chưa đăng ký trong vòng 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi. Trường hợp không tuân thủ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 31 Nghị định 50/2016/NĐ-CP về việc không thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp. 

5.3. Ghi mã ngành nghề kinh doanh thế nào cho đúng?

Hệ thống mã ngành kinh tế Việt Nam được phân hóa từ cấp 1 đến cấp 5 tương ứng với số chữ số trong mã ngành đó. Theo nguyên tắc, khi chọn mã ngành để đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký bằng mã ngành cấp 4 theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg. Trong một số trường hợp, chỉ ghi mã ngành cấp 4 là chưa đủ mà doanh nghiệp còn cần bổ sung mã ngành cấp 5 phù hợp và diễn giải chi tiết về ngành nghề. 

Như vậy, Maison Office đã vừa tổng hợp đến bạn các cách tra cứu ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp nhanh chóng và chuẩn xác nhất hiện nay. Hy vọng những chia sẻ trên đây có thể hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh một cách hợp pháp và hiệu quả.

4.7/5 - (3 votes)
Contact Me on Zalo