Maison Office

Sống xanh là gì? Lối sống cho một tương lai bền vững

Theo dõi Maison Office trên
Sống xanh cho một tương lai bền vững

Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên,… là những hồi chuông cảnh báo cho thấy trái đất đang phải đối mặt với nhiều hậu quả nghiêm trọng do chính hoạt động của con người. Trước thực trạng cấp bách này, sống xanh đã và đang trở thành một xu hướng tất yếu được lan tỏa rộng rãi trên toàn cầu. Vậy sống xanh là gì? Làm thế nào để bắt đầu một lối sống xanh bền vững từ những điều đơn giản nhất? 

1. Sống xanh là gì?

Sống xanh là một lối sống lành mạnh và bền vững, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên.

Lối sống này tập trung vào việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại nhưng vẫn đảm bảo duy trì các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai. Có thể nói, sống xanh đã và đang là xu hướng tất yếu của thời đại khi các vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng. 

Sống xanh là gì?
Sống xanh là gì?

Mục tiêu mà lối sống xanh hướng đến là giải quyết các vấn đề về ô nhiễm môi trường, phát thải nhà kính, biến đổi khí hậu, lãng phí tài nguyên và năng lượng,… Tuy nhiên, sống xanh không nhất thiết phải là một “chiến lược” lớn mà có thể bắt đầu từ những thói quen đơn giản hàng ngày như: vứt rác đúng nơi quy định, tái sử dụng chai lọ, tiết kiệm nước, trồng nhiều cây xanh,… 

2. Tầm quan trọng của lối sống xanh

Sống xanh mỗi ngày là cách mà con người có thể chủ động tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến môi trường cũng như nhiều lợi ích khác về mặt kinh tế, xã hội. Tầm quan trọng của lối sống xanh có thể được thể hiện qua nhiều khía cạnh như:

2.1. Giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường

Hoạt động sản xuất và tiêu dùng của con người đang thải ra môi trường một lượng lớn chất thải, khí thải ô nhiễm. Các tác nhân này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người cũng như đe dọa sự cân bằng sinh thái và đa dạng sinh học. 

Cách sống xanh hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường
Cách sống xanh hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường

Việc hướng đến một cuộc sống xanh sẽ là cách mà chúng ta có thể giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Từ những hành động và thói quen nhỏ cũng có thể góp phần giảm thiểu rác thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, cải thiện chất lượng của môi trường sống,… 

2.2. Cải thiện chất lượng nước và không khí

Xu hướng sống xanh góp phần cải thiện chất lượng không khí và chất lượng nước. Theo đó, các biện pháp bảo vệ môi trường như giảm thiểu rác thải, trồng nhiều cây xanh,… có thể giúp làm sạch không khí. Việc sử dụng các nguồn năng lượng sạch và tái tạo cũng góp phần hạn chế các khí thải độc hại cho sức khỏe con người. Ngoài ra, thực hành sống xanh còn giúp giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, đảm bảo nguồn cung cấp nước an toàn, bền vững cho sản xuất và sinh hoạt. 

2.3. Tiết kiệm chi phí về lâu dài

Việc áp dụng một số công nghệ xanh có thể cần chi phí đầu tư ban đầu khá cao. Tuy nhiên, nó có thể tiết kiệm đáng kể chi phí và mang lại lợi ích kinh tế về lâu dài. Trong thực tế, các công trình có thể tiết kiệm từ 15 – 30% mức tiêu thụ năng lượng nhờ sử dụng các thiết bị thông minh như hệ thống thông gió tự nhiên, hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện, hệ thống tái chế nước mưa,… 

2.4. Cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc

Xu hướng sống xanh thúc đẩy một lối sống lành mạnh hơn thông qua việc hình thành các thói quen sinh hoạt tích cực. Chẳng hạn như:

  • Đi bộ, đi xe đạp hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng vừa góp phần giảm khí thải độc hại ra ngoài môi trường, vừa có thể cải thiện sức khỏe thể chất của con người. 
  • Sử dụng thực phẩm hữu cơ, các chất tẩy rửa không độc hại, có nguồn gốc từ thiên nhiên giúp hạn chế tiếp xúc với hóa chất độc hại. 
  • Trồng nhiều cây xanh trong không gian sống và làm việc giúp giảm mức độ căng thẳng và cải thiện sức khỏe tinh thần. 

Mỗi một hành động sống xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên mà còn tạo ra một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc. 

Sống xanh giúp mang đến một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc
Sống xanh giúp mang đến một cuộc sống khỏe mạnh và hạnh phúc

2.5. Nâng cao ý thức “xanh” của cộng đồng

Việc lan tỏa xu hướng sống xanh góp phần đáng kể vào mục tiêu nâng cao ý thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Khi hiểu rõ những tác động từ thói quen, hành vi của bản thân đến môi trường xung quanh, chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn thông minh hơn và khuyến khích những người khác cùng tham gia. 

Các sáng kiến bền vững như vườn cộng đồng, chương trình gom rác tái chế, phân loại rác thải, trồng cây xanh,… sẽ thúc đẩy ý thức và sự chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng địa phương. Những nỗ lực này, dù lớn hay nhỏ, cũng có thể giải quyết được phần nào các vấn đề về ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

3. Giải pháp sống xanh cho tương lai bền vững

Một cuộc sống xanh với các giải pháp bền vững cho môi trường là xu hướng đang được lan tỏa rộng rãi trên toàn cầu. Vậy làm thế nào để thực hành sống xanh một cách hiệu quả? Dưới đây là những giải pháp “xanh” mà bạn có thể áp dụng để tạo ra những thay đổi tích cực:

3.1. Sống xanh từ trong sinh hoạt

Thực hành sống xanh không nhất thiết phải là một chiến lược lớn mà có thể bắt đầu ngay từ những thói quen đơn giản nhất trong sinh hoạt hằng ngày. Chẳng hạn như:

  • Việc giảm thiểu sử dụng túi nilon, chai nhựa và các vật dụng một lần sử dụng là một thói quen đơn giản nhưng mang lại ý nghĩa rất lớn. 
  • Hoạt động phân loại và tái chế rác thải cũng được khuyến khích nhằm giảm thiểu lượng rác thải khó phân hủy ra ngoài môi trường.
  • Hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa bằng hóa học. Thay vào đó là sử dụng các chất tẩy rửa sinh học nhằm bảo vệ nguồn nước sạch và đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 
Thực hành sống xanh từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày
Thực hành sống xanh từ những thói quen sinh hoạt hằng ngày

3.2. Green Eating – Ăn xanh uống sạch

Green Eating (hay Ăn xanh) là một chế độ ăn uống khuyến khích tiêu thụ thực phẩm có lợi cho sức khỏe theo cách ít tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Cụ thể hơn, Green Eating không chỉ tập trung vào chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm mà còn quan tâm đến các tác động có thể gây ra từ quá trình sản xuất các loại thực phẩm đó. 

Để thực hành Green Eating một cách hiệu quả, bạn có thể áp dụng những cách làm sau đây:

  • Hạn chế tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt cừu,… Thay vào đó nên ưu tiên các loại thực phẩm như: rau xanh, trái cây, các loại đậu, hạt và nấm,…
  • Lựa chọn thực phẩm tươi sống tại nguồn nhằm khuyến khích việc nuôi trồng tự nhiên và thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững.
  • Điều chỉnh thói quen trong việc ăn uống, nấu vừa đủ cho mỗi bữa ăn nhằm hạn chế lượng thức ăn thừa thải ra ngoài môi trường. 
  • Mang theo túi vải, hộp đựng thực phẩm để giảm thiểu rác thải nhựa khi đi mua sắm.
  • Nấu nướng thông minh hơn bằng cách lựa chọn nồi chảo chất lượng để thức ăn nhanh chín, tiết kiệm năng lượng hơn; thay thế màng bọc thực phẩm bằng các dụng trữ thức ăn có thể tái sử dụng nhiều lần;…

3.3. Tiết kiệm tài nguyên và năng lượng

Tiết kiệm tài nguyên và năng lượng là điều vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho thế hệ tương lai. 

Một trong những nguồn năng lượng quan trọng phục vụ cho cuộc sống của con người phải kể đến năng lượng điện. Tuy nhiên, quá trình sản xuất điện từ nhà máy nhiệt điện hay thủy điện đều gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên. Để giảm thiểu những tác động này, chúng ta có thể hình thành những thói quen như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, tận dụng ánh sáng tự nhiên cho không gian sống và làm việc, sử dụng các thiết bị dán nhãn tiết kiệm năng lượng,…

Với nhu cầu về không gian sống, người mua nhà hoặc thuê nhà đều được khuyến khích lựa chọn các công trình xanh. Đây là những công trình sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường, đồng thời được tích hợp nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên hiệu quả.

Công trình xanh là giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả
Công trình xanh là giải pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả

3.4. Sử dụng nước hợp lý

Nước là một trong những nguồn tài nguyên quan trọng giúp duy trì sự sống của hành tinh. Tuy nhiên, việc khai thác và sử dụng tài nguyên nước quá mức đã gây ra tình trạng suy thoái, cạn kiệt nguồn nước nghiêm trọng tại nhiều nơi. Sử dụng nước hợp lý được xem là một cách “sống xanh” nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Bắt đầu đơn giản nhất với thói quen tiết kiệm nước sinh hoạt hằng ngày, mỗi cá nhân đã có thể góp phần rất lớn vào việc duy trì nguồn nước sạch cho cuộc sống tương lai.

Một vài giải pháp khác nhằm đảm bảo duy trì nguồn nước sạch hiệu quả như: hạn chế sử dụng các chất tẩy rửa hóa học, giảm lượng chất thải ra ngoài môi trường, tái sử dụng nước mưa cho hoạt động tưới tiêu,… 

3.5. Tái sử dụng và tái chế 

Theo các nghiên cứu khoa học, sản phẩm làm từ nhựa thường mất đến 1.000 năm để có thể phân hủy hoàn toàn. Điều này đặt ra một thách thức lớn trong việc quản lý chất thải nhựa và bảo vệ môi trường. Trong bối cảnh này, việc tái chế và tái sử dụng mọi thứ nếu có thể là cách sống xanh rất được nhiều người quan tâm và ủng hộ. 

Các hoạt động tái chế, tái sử dụng được khuyến khích nhằm giảm thiểu rác thải
Các hoạt động tái chế, tái sử dụng được khuyến khích nhằm giảm thiểu rác thải

Thay vì vứt bỏ các sản phẩm nhựa sau khi sử dụng, chúng ta có thể tái sử dụng hoặc tái chế chúng thành nguyên liệu mới để sản xuất các sản phẩm khác. Ngoài ra, nên sử dụng các loại túi vải, túi mua sắm có thể tái sử dụng nhiều lần thay cho các bao bì nilon một lần sử dụng. Đối với chất thải hữu cơ, ta có thể tận dụng để ủ phân bón sinh học, vừa đảm bảo an toàn cho cây trồng lại vừa giảm bớt rác thải ra ngoài môi trường.

3.6. Ưu tiên thời trang bền vững

Ngành công nghiệp dệt may là một trong những ngành công nghiệp có đóng góp to lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tuy nhiên, tác động mà nó để lại cho môi trường cũng cực kỳ đáng báo động bởi quá trình sản xuất sử dụng nhiều hóa chất độc hại, tài nguyên và năng lượng. 

Xu hướng thời trang bền vững đang được phát huy trong nhiều năm trở lại đây nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp dệt may đối với môi trường và xã hội. Xu hướng này thúc đẩy người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm được làm từ nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng như các thương hiệu thời trang cam kết với các tiêu chuẩn bền vững trong quá trình sản xuất. 

3.7. Trồng nhiều cây xanh tại không gian sống và làm việc

Cây xanh có thể hấp thụ khí CO2 và các chất ô nhiễm khác từ không khí, đồng thời sinh ra khí O2 trong quá trình quang hợp. Do vậy, việc trồng nhiều tại cây xanh tại môi trường sống và làm việc có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng không khí, giảm thiểu các bệnh về thường gặp về đường hô hấp. 

Trồng nhiều cây xanh để cải thiện chất lượng môi trường sống
Trồng nhiều cây xanh để cải thiện chất lượng môi trường sống

Đặc biệt tại các khu vực đô thị, cây xanh có thể góp phần làm giảm nhiệt độ môi trường bằng cách hấp thụ ánh nắng mặt trời và tạo ra nhiều bóng mát. Không gian tràn ngập mảng xanh cũng đã được chứng minh về hiệu quả giúp giảm căng thẳng và cải thiện tinh thần làm việc.

3.8. Hạn chế khí thải từ phương tiện giao thông

Tại Việt Nam, có đến 72% dân số sở hữu xe máy và 5,7% tổng số hộ gia đình có xe ô tô. Với số lượng phương tiện cá nhân thuộc top đầu khu vực, tình trạng ùn tắc giao thông tại Việt Nam vẫn chưa thể được khắc phục hiệu quả. Kéo theo đó là nhiều vấn đề khác như ô nhiễm không khí, phát thải khí nhà kính và tác động tiêu cực đến sức khỏe con người. 

Để khắc phục được những vấn đề này, người tham gia giao thông nên ưu tiên sử dụng xe đạp, xe chạy bằng điện hay các phương tiện giao thông công cộng khác. Bên cạnh đó, việc bảo dưỡng định kỳ cũng giúp phương tiện hoạt động hiệu quả và tiết kiệm nhiên liệu.

Trong bối cảnh hiện nay, sống xanh không chỉ là một xu hướng nhất thời mà được xem là sự cam kết mạnh mẽ về trách nhiệm của con người đối với hành tinh. Bằng cách thực hành lối sống xanh trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, chúng ta có thể tạo ra một môi trường sống bền vững và duy trì các nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.

Đánh giá bài viết
Contact Me on Zalo